Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

Bệnh hình thức

Chi 1 tỷ đưa giáo sư về trường chuyên: 'Khua môi múa mép' cho vui?

Cập nhật lúc 10:18

 

Theo một số nhà giáo dục, việc chi tiền tỷ để giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên là không thể, mặt khác chương trình phổ thông hiện nay không cần kiến thức khoa học của một ông giáo sư để giảng dạy.


Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Hòa Bình quy định một số chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên: giáo viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ mức 1 tỷ đồng/người. Giáo viên có trình độ tiến sĩ về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ tiền 300 triệu đồng/người.

Trước đó, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Nghị quyết số 02 về việc “Quy định một số chế độ chính sách đối với Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, 8 trường THCS trọng điểm và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với THCS), cấp quốc gia, khu vực, quốc tế”.

Theo đó tỉnh này sẽ hỗ trợ với giáo viên có học hàm giáo sư là 200 triệu đồng (nam), 220 triệu đồng (nữ). Nếu có học hàm phó giáo sư, giáo viên nam được hỗ trợ 140 triệu đồng, nữ là 160 triệu đồng. Nếu có học vị tiến sĩ, giáo viên nam được hỗ trợ 100 triệu đồng và nữ là 120 triệu đồng. Ngoài ra, nếu các thầy cô có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn TP Bắc Ninh có diện tích khoảng 70 m2).  



Phụ huynh chờ con thi vào lớp 10 trường chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2021. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

TS Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhìn nhận nếu có những người có trình độ chuyên môn cao, có tầm nhìn rộng về để định hướng chuyên môn thì sẽ tốt hơn cho các trường chuyên, tránh được cách học, cách dạy đối phó, manh mún. Nhưng nếu chỉ tập trung vào mảng bồi dưỡng học sinh giỏi theo nghĩa hẹp để có thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi thì sẽ rất lãng phí.

Còn PGS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể cách đây khoảng 20 năm ông tham gia một khoá học về giáo dục môi trường do Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Việt Nam. Tại khoá học có một tiến sĩ người Anh tham gia giảng dạy nhưng một năm ông có nửa thời gian làm giáo viên của một trường tiểu học. Ở nước ngoài việc giảng viên đại học, đặc biệt giảng viên ở các trường sư phạm, các nhà nghiên cứu giáo dục về làm việc bán thời gian ở các trường phổ thông cũng như việc giáo viên phổ thông tham gia giảng dạy ở các trường, khoa sư phạm là bình thường. Việc này để góp phần làm cho trường phổ thông và trường, khoa sư phạm gắn bó với nhau hơn.

Theo PGS Nguyễn Kim Hồng, bản chất của giáo dục là sáng tạo từ bài giảng của thầy đến cách học, tiếp thu và phát triển năng lực của học sinh. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật của học sinh phổ thông cho thấy học sinh phổ thông ngày nay có khả năng nghiên cứu khoa học. Các em thực sự là những người sáng tạo trong môi trường mà không phải thầy cô nào cũng là các nhà khoa học. Giáo viên có một chức năng cơ bản cơ bản là truyền cảm hứng sáng tạo, hướng dẫn học sinh tự khám phá mình và khám phá môi trường xung quanh và họ đã làm tốt công việc này.

“Tôi không phản đối việc các giảng viên đại học, các nhà khoa học tham gia làm việc tại các trường phổ thông nhưng chắc chắn rằng không thể mọi kiến thức mà các giảng viên có được trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học họ tích lũy được sẽ được đem giảng dạy ở bậc phổ thông và điều đó là không thể vì nó không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông”- PGS Hồng nói.

Ông Hồng cho rằng, nếu các giảng viên đại học, các nhà nghiên cứu về các trường phổ thông để truyền lửa, kích hoạt chức năng sáng tạo vốn có của học sinh thì sẽ có ý nghĩa hơn nhiều khi họ tham gia giảng dạy hoặc quản trị một nhà trường phổ thông. Học sinh có khả năng tăng cường ý chí sáng tạo không phụ thuộc vào sự có mặt của một giáo sư, hay hai giáo sư ở trường. Mặt khác về chi phí, chi hàng tỷ để kéo GS, PGS về để làm gì, bởi nếu về chỉ giảng dạy ở phổ thông, không tham gia nghiên cứu ở trường đại học thì cũng trở lại bằng không (trừ giảng viên sư phạm chủ yếu làm về phương pháp dạy học, nghiên cứu tâm lý).


Bắc Ninh hỗ trợ 1 tỷ đồng mua nhà nếu giáo sư về trường chuyên dạy 10 năm (Ảnh minh hoạ)

“Học sinh các trường chuyên khác với các trường phổ thông khác là mặt tố chất, trí tuệ đã giỏi. Có thể nói thẳng những học sinh trường chuyên không có GS, PGS dạy thì các em vẫn giỏi. Do vậy nếu GS, PGS về chỉ có khả năng hỗ trợ học trò nghiên cứu, còn dạy ở phổ thông không cần kiến thức khoa học của một ông giáo sư”- PGS Nguyễn Kim Hồng nhấn mạnh.  

Một giáo sư đứng đầu trường ĐH ở TP.HCM, cho rằng để mời được các GS, PGS về trường chuyên mà cụ thể là bậc phổ thông dạy là điều khó xảy và có thể đây là chiêu “khua môi múa mép” bởi liên quan đến các luật định, chế độ, ưu đãi…

Ông phân tích, theo luật định, Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/07/2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học. Tại Điều 2 nêu rõ nhiệm vụ của giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó 5 nhiệm vụ của GS và PGS, không có nhiệm vụ nào là “giảng dạy THPT”. Vì thế muốn có GS hay PGS về giảng dạy tại các trường THPT thì trước tiên các địa phương sẽ phải đề xuất Bộ GD-ĐT, đề xuất Chính phủ quy định lại (hoặc thêm) nhiệm vụ của giảng viên (không phải giáo viên).

Thứ hai khi các trường THPT có GS hoặc PGS về giảng dạy thì chế độ (thu nhập) có đảm bảo bằng hay cao hơn các trường đại học không? Nếu không đảm bảo cao hơn, ưu đãi tốt hơn thì không nên “kêu gọi”. Và nếu có thu nhập bằng trường đại học (khoảng 40-50 triệu/tháng) thì sẽ mất cân bằng thu nhập đối với các giáo viên khác cùng giảng dạy trong trường THPT (có thể sẽ bị chia rẽ mất đoàn kết). Còn nếu trả thu nhập cho GS, PGS chỉ bằng 150% mức lương cơ sở thì chắc chắn chẳng có ai về.

Thứ ba, GS, PGS gắn liền với công tác nghiên cứu, vậy khi giảng dạy tại trường THPT, các trường THPT có đầu tư đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu không? Hay khi GS, PGS có công bố khoa học quốc tế thì có đủ kinh phí để khen thưởng không. Hiện nay các trường đại học đang thưởng từ 75-150 triệu đồng/bài báo Q2 hoặc Q1. Việc này hiệu trưởng các trường THPT có thể không quyết được và Sở GD-ĐT có đảm bảo nguồn kinh phí này không.

(Theo Vietnamnet) Lê Huyền

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét