Đếm bài báo, phong giáo sư Cập nhật lúc 14:33 Nguyễn Văn Tuấn, Giáo sư Y khoa, Đại học New South Wales Tôi
ngạc nhiên hỏi trong điều kiện chưa có chương trình nghiên cứu thì làm sao có
thể công bố 3-4 bài một năm. "Chiến thuật" của anh là dùng dữ liệu
của người khác rồi tổng hợp thành một bài báo dạng meta-analysis (một dạng
tổng quan) và báo cáo những ca lâm sàng. Còn công bố ở đâu thì đã có tập san
bên Trung Đông sẵn sàng chấp nhận. Chiến
lược chạy theo con số bài báo khoa học xuất phát từ quy định của Hội đồng
chức danh giáo sư Nhà nước. Theo quy định hiện hành, ứng viên chức danh
PGS/GS phải là tác giả chính của ít nhất ba bài báo (PGS) hay năm bài (GS) đã
công bố trên các tập san khoa học uy tín. Ngoài số bài báo, quy định còn có
những công thức tính điểm mang tính trung bình hóa, gây khó hiểu về cơ sở
khoa học đằng sau các công thức đó. Nhìn chung, quy định hiện hành đặt nặng
định lượng hơn là siết chặt phẩm chất của các công bố khoa học. Sự
lệ thuộc vào con số có thể xem là một sai lầm. Định luật Goodhart phát biểu
rằng khi một thước đo trở thành mục tiêu thì thước đo đó không còn ý nghĩa
nữa. Con số bài báo khoa học là một thước đo về mức độ hoạt động khoa học,
chứ không phản ảnh thành tựu nghiên cứu. Khi con số bài báo trở thành mục
tiêu, người ta sẽ tìm mọi cách để đạt được con số mà bỏ qua phần phẩm chất
khoa học. Nhưng
phẩm chất quan trọng hơn số lượng. Tập san có tầm ảnh hưởng cao chỉ công bố
những công trình nghiên cứu có phẩm chất khoa học cao. Do đó, chỉ cần nhìn
vào tập san mà ứng viên công bố là người đánh giá có thể biết đẳng cấp của
ứng viên. Ứng viên có thể có hàng trăm bài báo khoa học, nhưng nếu chỉ đăng
trên các tập san có ảnh hưởng thấp, thì nó chỉ nói lên phẩm chất khoa học tầm
thường của ứng viên mà thôi. Đề
bạt và bổ nhiệm chức danh là nhằm ghi nhận và phát hiện những nhà khoa học
xuất sắc. Nhưng tôi e rằng bộ tiêu chuẩn hiện hành không đạt được mục tiêu đó. Vài
năm gần đây, vấn đề công nhận chức danh GS/PGS còn bị sai lệch bởi sự xuất
hiện của các tập san rởm (predatory journals). Đây là những trạm internet giả
danh tập san khoa học chuyên "xuất bản" những bài báo lừa bịp để
lấy tiền. Trên thế giới có hơn 12.000 tập san rởm như thế, và mỗi năm họ công
bố hơn 450.000 bài báo hoàn toàn không có giá trị khoa học. Đó là một bãi rác
thông tin rất lớn. Rất nhiều nhà khoa học ở các nước đang phát triển là nạn
nhân của kỹ nghệ này. Riêng Việt Nam, tôi ước tính có hơn 500 bài trên các
tập san rởm trong 10 năm qua. Có
không ít hồ sơ ứng viên chức danh GS/PGS liệt kê những bài báo trên tập san
rởm. Hiện tượng này đã xuất hiện hơn 5 năm qua nhưng chỉ mới được nêu lên gần
đây. Năm 2020, có 37 ứng viên GS/PGS trong ngành y liệt kê nhiều bài báo rởm,
nhưng vẫn được công nhận. Năm nay, báo chí cũng nêu một số trường hợp bài báo
trên tập san rởm, được hội đồng thông qua. Sự việc có lẽ nói lên năng lực
thẩm định của vài hội đồng ngành. Trong
nhiều trường hợp, vì áp lực có đủ bài báo, ứng viên lờ đi quy ước về đạo đức
công bố (publication ethics) để chọn các tập san rởm. Ngoài
ra, sự lệ thuộc vào số lượng bài báo có thể dẫn đến một số vi phạm đạo đức
khoa học. Những vi phạm bao gồm trả tiền cho các "tác giả ma" trên
mạng soạn bài báo; mua bài báo khoa học từ các công ty chuyên viết mướn; xé
lẻ dữ liệu để viết nhiều bài báo khoa học (hiện tượng salami publication).
Những loại bài báo khoa học đó không tạo ra kiến thức mới mà chỉ làm nhiễu
khoa học. Những vi phạm như thế khá phổ biến ở Trung Quốc và Trung Đông,
nhưng đã nhen nhúm ở Việt Nam. Ở
các nước phương Tây, ví dụ như Australia, các đại học có hội đồng khoa bảng
riêng, và họ không đề ra con số bài báo khoa học như là tiêu chuẩn xét chức
danh giáo sư. Các bộ tiêu chuẩn của họ nhấn mạnh đến chất lượng nghiên cứu
khoa học, thể hiện qua tập san công bố và tầm ảnh hưởng trong chuyên ngành.
Nếu là cấp phó giáo sư, hội đồng kỳ vọng ứng viên có tầm ảnh hưởng cấp quốc
gia, còn giáo sư thì tầm ảnh hưởng quốc tế. Những
lùm xùm trong thời gian gần đây là cơ hội để chỉnh sửa lại bộ tiêu chuẩn và
quy trình công nhận chức danh GS/PGS. Bộ tiêu chuẩn mới nên đặt phẩm chất
khoa học là tiêu chuẩn quan trọng số một, và tầm ảnh hưởng hay tác động là
tiêu chuẩn quan trọng số hai. Phẩm
chất khoa học và tầm ảnh hưởng, chứ không phải số lượng bài báo, làm nên một
giáo sư. (Theo
VnExpress) Nguyễn Văn Tuấn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét