Tên
các anh mãi sáng ngời Cập nhật lúc 09:30 Đình
làng Nại Nam là Di tích lịch sử cấp quốc gia, một địa điểm thờ tự tâm linh
của bà con địa phương. Trong khuôn viên đình làng, một nhà bia tưởng niệm các
anh hùng liệt sĩ là người Hòa Cường Bắc đã được dựng lên. Trên bia vàng ghi
công, ngoài các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ còn có phần khắc tên 21 người con Hòa Cường Bắc
là những liệt sỹ đã hi sinh trong các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc sau
ngày đất nước được giải phóng. Trong đó có 7 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến
đấu bảo vệ Gạc Ma - Trường Sa vào ngày 14/3/1988. Quang cảnh lễ tưởng niệm 34 năm cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma- Trường Sa ở Đà Nẵng Ông
Nguyễn Văn Tấn (Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng) cùng đồng
đội có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm. Đã 10 năm kể từ khi Ban
liên lạc được thành lập, cứ đến dịp tháng 3 này ông Tấn và đồng đội lại tất
bật ngược xuôi để lo chuẩn bị lễ tưởng niệm cho đồng đội đã ngã xuống và thăm
hỏi, gặp mặt đồng đội và tri ân thân nhân các gia đình liệt sĩ. Năm nay, Ban
liên lạc quyết định làm lễ tưởng niệm trước một ngày (ngày 13/3) và chọn đình
làng Nại Nam làm nơi tổ chức. “Nơi đây có bia vàng ghi danh 7 liệt sĩ Gạc Ma
là con em Hòa Cường Bắc. Lễ tưởng niệm ở đây sẽ có nhiều ý nghĩa hơn nhiều”,
anh Tấn chia sẻ. Ôn
lại thời khắc đau thương khi 64 chiến sĩ công binh Hải quân Việt Nam ngã
xuống trước họng súng của quân Trung Quốc, ông Tấn nghẹn ngào, đọc đứt quãng
những dòng viết vội trên giấy trong lễ tưởng niệm. Ông Tấn chia sẻ: Nhắc đến
sự hy sinh của 64 liệt sĩ ở Gạc Ma là nhắc đến nỗi đau quá lớn của 64 gia
đình và của cả Tổ quốc khi một phần chủ quyền thiêng liêng bị Trung Quốc dùng
vũ lực cưỡng chiếm. Bia vàng ghi tên những liệt sĩ Gạc Ma hy sinh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở đình làng Nại Nam “Bia
vàng lịch sử đã khắc tên các anh tại nơi này và tại Khu tưởng niệm vòng tròn
bất tử ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Phần mộ các anh đã có ở nghĩa trang liệt sĩ thành
phố nhưng thân xác các anh vẫn còn đâu đó trong đại dương bao la, chưa về với
đất mẹ. Nỗi niềm này, chưa biết đến bao giờ mới nguôi ngoai trong lòng người
thân và đồng đội còn sống”, ông Tấn chia sẻ. “Gạc
Ma ơi! 34 năm, 64 liệt sĩ…/ Ngã xuống rồi còn nắm chặt tay nhau/ Vững lời thề
hoá vòng tròn bất tử/ Nơi các anh nằm nước biển mất màu xanh/ Xin gửi vòng
hoa đỏ đến các anh/ Những anh hùng hy sinh vì Tổ quốc/ Những nỗi đau không gì
đo đếm được/ 64 người mẹ khóc tiễn đưa con/ Tháng năm trôi nhưng lịch sử mãi
còn/ Các anh đứng những tượng đài bất tử/ Dẫu biển Đông còn ngàn con sóng dữ/
Nhưng vững bền mãi mãi, Việt Nam tôi!”. Những vần thơ viết vội, được người
cựu binh Trường Sa đọc lên trong niềm xúc động nghẹn ngào. Bên dưới, đồng
đội, thân nhân các gia đình liệt sĩ mím chặt môi, nén lại những tiếng khóc,
mắt ai cũng đỏ ngầu. Mẹ
là gia tài quý của chúng con
Anh Trần Văn Tiến ân cần thăm hỏi 3 mẹ của 3 liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành Dù
tuổi đã cao, nhưng mẹ Huỳnh Thị Kế (mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn), mẹ Lê Thị
Lan (mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc) và mẹ Trần Thị Huệ (mẹ liệt sĩ Lê Thế) vẫn có
thể đến dự lễ tưởng niệm khiến anh em đồng đội trong Ban liên lạc ai cũng vui
mừng, chạy ra đón các mẹ. Ông Tấn xúc động bảo: Theo thời gian, các mẹ đã dần
mất đi là nỗi đau không chỉ của gia đình mà là nỗi đau của anh em đồng đội.
Trong số 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma, Đà Nẵng có 9 liệt sĩ, nhưng đến nay chỉ
còn 3 mẹ và 1 cha còn sống nhưng tuổi đã cao, sức khỏe yếu dần. Đã
34 năm, nỗi đau, nỗi nhớ con trai vẫn in hằn trong ánh mắt của 3 mẹ. Ở cái
tuổi 88, mẹ Kế vẫn còn khỏe và tinh tường. Nhắc đến con trai duy nhất của
mình liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn đã hy sinh mắt mẹ lại ngấn lệ, nghẹn ngào. Đã 34
năm kể từ ngày anh Đoàn ngã xuống, mẹ bảo nhiều đêm mẹ vẫn mơ thấy con về.
Thương con, mẹ ráng sống để mong có một ngày một phần hài cốt của con trai
được về với đất mẹ, cho mẹ thanh thản cõi lòng. “Nhớ
lắm, con trai của mẹ ơi. Bao năm mẹ vẫn mỏi mòn chờ con về”, mẹ Kế nghẹn ngào
khi thắp hương tưởng nhớ con. Mắt mẹ nhòe đi trong làn khói hương nơi tấm bia
vàng có tên con mẹ đã được khắc, tri ân cùng với bậc cha chú đã hy sinh trong
2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi đế quốc xâm lăng. Sau
triền miên dịch bệnh COVID-19, mẹ Kế, mẹ Lan, mẹ Huệ tay bắt mặt mừng khi gặp
lại nhau. Những bàn tay nhăn nheo, nắm lấy nhau, hỏi han đủ chuyện. Những nỗi
đau, hi sinh dai dẳng 34 năm khiến 3 mẹ đồng cảm và sẻ chia nhiều điều. Mẹ Kế
kể chuyện hồi gia đình khó khăn, mẹ buôn gánh bán bưng đi từ ngày này qua
ngày nọ. Một ngày tháng 3/1988, mẹ nghe nói là anh Đoàn vừa từ đơn vị ở Sơn
Trà về chào gia đình trước khi lên đường đi Cam Ranh (Khánh Hòa) để ra Trường
Sa mà mẹ không kịp gặp. Mẹ xuống bếp, thấy nồi cơm nguội vơi một ít. Mẹ biết
anh Đoàn ăn vội chén cơm nguội rồi ra đi. Mẹ áy náy mãi vì không kịp nấu cho
anh Đoàn một bữa cơm đàng hoàng. Mẹ
Huệ dù đã 80 những vẫn nhớ như in chuyện mẹ cất giữ cẩn thận lá thư của anh
Thế mà mẹ đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần trong nỗi day dứt nhớ con.
Lá thư của con trai sau này đã được mẹ tặng cho phòng lưu trữ di vật liệt sĩ
Gạc Ma trong khu tưởng niệm Gạc Ma ở Khánh Hoà. Mẹ Lan tiếp chuyện Tết năm
1988, anh Lộc báo tin sẽ vô Cam Ranh để ra Trường Sa xây dựng đảo. Khi vô đến
nơi anh Lộc có viết thư về hỏi thăm gia đình và hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ
mới trở về. Tuy nhiên, mẹ Lan không ngờ đó là lần cuối cùng anh Lộc viết thư
về nhà. Những
câu chuyện về tuổi đôi mươi của các anh trong trí nhớ của những mái tóc bạc
trắng sau 34 năm vẫn như mới ngày hôm qua. (Theo Tiền phong) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét