Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

Chính sách bất cập

 

Giảm Thuế thu nhập cá nhân: Khoan thư sức dân, giảm tác động kép

Cập nhật lúc 10:01  

Một trong 6 Luật Thuế quan trọng vừa được Bộ Tài chính xin ý kiến sửa đổi được dư luận quan tâm, đó là Thuế thu nhập cá nhân. Một sắc thuế được cho là đã lạc hậu và có nhiều bất cập cần phải thay đổi trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá xăng dầu trong nước tăng cao đang tác động mạnh đến đời sống người dân.


Minh họa của ĐAN

Nghịch lý: Thu nhập giảm nhưng số thu từ thuế vẫn tăng!

Trong bối cảnh COVID-19 gây nhiều tác động mạnh tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ. Trong đó có liên quan đến chính sách thuế như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng, giãm, giảm thuế doanh nghiệp… Thế nhưng một sắc thuế vẫn… đứng vững: Đó là Thuế thu nhập cá nhân.

Nghịch lý là ở chỗ 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, đời sống, thu nhập của người dân giảm đáng kể với tình trạng thất nghiệp, mất việc, giãn việc ở diện rộng thì tổng số tiền thu thế từ thu nhập cá nhân vẫn tăng tới 114%. Cụ thể số thu từ Thuế thu nhập cá nhân đạt khoảng 123.000 tỉ đồng, đạt 114% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 12 năm qua, nguồn thu từ Thuế thu nhập cá nhân đã tăng tới 8,6 lần.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khẳng định: Đây là một nghịch lý. Ông Thịnh còn cho rằng, cuộc sống của nhà kinh doanh, người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Tỉ lệ từ tiền công, tiền lương vẫn chiếm rất lớn. Những khoản đóng góp khác như chứng khoán, bất động sản dù có tăng mạnh nhưng nếu tính theo số tuyệt đối thì cũng không nhiều. Thuế TNCN vẫn đến chủ yếu từ người làm công ăn lương.

“Nhà nước cần xem xét giảm thuế TNCN cho người lao động. Điều này là cần thiết và nên làm vì nó giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh” - PGS-TS Thịnh nhấn mạnh.

Đồng tình với ông Thịnh, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, đã có chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thì cá nhân cũng cần được giảm.

 “Thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh sẽ là cần thiết và hợp lý hơn” - luật sư An nói.

Ở một ví dụ cụ thể hơn về những bất cập của Thuế thu nhập cá nhân đó là chuyện đóng thuế của các cầu thủ bóng đá nữ sau khi giành vé dự World Cup bóng đá nữ. Sau khi nhận được các phần thưởng, cả HLV Mai Đức Chung lẫn các cầu thủ đều phải nộp thuế thu nhập ở khung từ 10 đến 30%.

Trước thành công ấy, dư luận lên tiếng về việc cần một ngoại lệ. Nhưng không, cơ quan Thuế cho rằng các khoản thưởng của đội tuyển nữ không thuộc các trường hợp miễn nộp thuế thu nhập theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân và điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Đó chưa phải bất cập lớn nhất. Hai năm trước, vào tháng 3.2020, mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh áp dụng mức mới. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng sẽ được nâng lên 11 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng được nâng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Ngay khi mức giảm trừ mới được công bố, không ít người dân đã bày tỏ sự thất vọng. Bất cập từ chính công thức tính để ra con số 11 triệu ấy. Ngay từ trước khi Bộ Tài chính trình Chính phủ về mức tăng giảm trừ gia cảnh, nhiều ý kiến cho rằng đó là cách tính “lạnh lùng, vô cảm” khi nhân 9 triệu đồng mức giảm trừ gia cảnh cũ với 23% CPI để ra con số làm tròn 11 triệu đồng.

Các chuyên gia cho rằng, GDP bình quân đầu người trong hơn 6 năm qua đã gia tăng mạnh cho thấy, đời sống và mức chi tiêu của người dân cũng tăng lên. Vì thế, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế cần phải tăng tương ứng vì nếu không lại khiến người dân nghèo hơn. Làm rõ tính bất cập, các ý kiếu nêu: Nếu muốn tính cho gọn thì phải dùng tốc độ tăng trưởng GDP để đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu (9 triệu đồng x 155%). Tương tự, mức miễn trừ đối với người phụ thuộc phải được làm tròn là 6 triệu đồng/người (3,6 triệu x 155%). Đấy là năm 2020, còn năm 2022 vẫn chưa có gì thay đổi.

Khoan thư sức dân, giảm tác động kép

Ở thời điểm này, đời sống người dân đang chịu tác động kép. Thứ nhất là dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Thứ hai là giá xăng dầu đang ở ngưỡng cao nhất trong lịch sử bởi tác động từ sản xuất trong nước và đặc biệt là tình hình chính trị bất ổn trên thế giới, trong đó cuộc xung đột Nga - Ukraina khiến cho giá dầu thế giới tăng cao khiến giá xăng trong nước bị đẩy lên.

Với tác động kép ấy, giá cả mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng lên tác động đến ví tiền của người dân.

Trong câu chuyện phục hồi kinh tế thì phải ưu tiên nâng cao sức chống chịu của người dân với những tác động tiêu cực.

Tất nhiên khi sửa đổi, sẽ có xu hướng tăng, hoặc giảm. Trong bối cảnh chịu tác động kép như hiện nay, các chuyên gia cho rằng việc sửa đổi lần này thì nhà nước có trách nhiệm chia sẻ với người dân nhiều hơn. Có nghĩa là chấp nhận giảm thu ngân sách (với mức độ hợp lý) để giảm thuế thu nhập cho người dân, cụ thể là tăng mức giảm trừ gia cảnh, tăng mức miễn trừ với người phụ thuộc, thay đổi mức thuế xuất và bước thuế hay nâng mức khấu trừ thu nhập vãng lai lên 5 triệu đồng/tháng, bởi người có thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên bị khấu trừ 10% thuế TNCN như hiện nay là đang lạm thu.

Chỉ có thay đổi, sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì các mục tiêu phục hồi kinh tế, sớm vượt qua đại dịch COVID-19 mới hoàn thành.

(Theo Lao động) LINH ANH

Ngành thuế lẽ ra phải nuôi dưỡng nguồn thu (tạo cơ hội cho người lao động tăng thu, từ đó sẽ làm ra nhiều vật chất hơn, chi tiêu nhiều hơn). Nay họ đang vắt kiệt nguồn thu. Được trước mắt, mất lâu dài!

Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét