Tiền tỷ đưa giáo sư
về trường chuyên: Các GĐ Sở và hiệu trưởng nghĩ gì? Cập nhật lúc
14:20
"... nhiệm vụ,
nhu cầu phát triển của trường chuyên không “gần” với nhiệm vụ của một giáo
sư, phó giáo sư, trừ khi định hướng, mục tiêu của trường chuyên ở Hòa Bình
khác phần còn lại” - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên nói.
Chưa có giáo sư, phó giáo sư gây khó khăn cho bồi dưỡng học sinh
giỏi Thông tin Hòa Bình tính chi 1 tỷ đồng
thu hút giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên của tỉnh đang gây
ra quan điểm trái chiều. Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh
Hòa Bình quy định một số chính sách đặc thù đối với Trường THPT chuyên...,
giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ
được hỗ trợ 1 tỷ đồng/người; Giáo viên có trình độ tiến sĩ, cam kết giảng dạy
từ 10 năm trở lên được hỗ trợ 300 triệu đồng... Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, hiện nay,
các điều kiện để đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu trường THPT chuyên trở
thành cơ sở giáo dục trọng
điểm, chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế; tạo điều kiện để nhà
trường nâng cao chất lượng là chưa đảm bảo. Hòa Bình cũng chưa có chính sách riêng
thu hút cán bộ, giáo viên giỏi trong và ngoài tỉnh về công tác, làm việc tại
trường chuyên. Trong khi đó, tỉnh này xác định số
giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ có trình độ cao đáp ứng được việc
dạy các môn chuyên và tham gia ôn luyện đội tuyển quốc gia còn hạn chế, một
số chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng mũi nhọn. Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở
GD-ĐT Hòa Bình cho biết, đề xuất này được đưa ra dựa trên tình hình
thực tế. Hiện nay, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ chưa có giáo viên có
trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và việc này gây nhiều khó
khăn và hạn chế trong công tác bồi dưỡng mũi nhọn, bồi dưỡng đội tuyển học
sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực. "Chúng tôi quan niệm có thầy giỏi
mới có trò giỏi. Học sinh trường chuyên được tuyển chọn rất kỹ lưỡng. Trường
chuyên là nơi hội tụ những học sinh có học lực tốt nhất. Vì vậy, môi trường
này rất cần giáo viên có trình độ cao về chuyên môn, giúp các học
sinh phát triển tối đa trí tuệ và năng lực sẵn có. Người có trình độ
cao, ngoài giảng dạy, còn tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ, bồi
dưỡng chuyên môn cho giáo viên toàn tỉnh", bà Tuyến nói. Ảnh minh họa 'Giáo sư chưa chắc đã hơn giáo viên phổ thông' Trao đổi với VietNamNet, ông Cao Xuân Hùng,
Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng chính sách thu hút thì tùy thuộc vào
nhu cầu, định hướng và điều kiện của từng địa phương. “Ở những khía cạnh nhất định, tôi nghĩ
tất nhiên thu hút được người tài, thầy giỏi thì vẫn hơn là không. Tuy nhiên,
không phải cứ bỏ tiền ra là sẽ có kết quả như kỳ vọng”, ông Hùng nói. Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cũng cho
rằng, không nên quá lo ngại chuyện giáo sư chưa chắc đã dạy tốt được bậc phổ
thông. “Đúng là không phải cứ giáo sư là dạy
giỏi hơn giáo viên phổ thông. Giáo sư, phó giáo sư đôi khi nghiệp vụ sư phạm
không bằng giáo viên dạy chuyên. Kể cả cùng bộ môn, cũng chưa chắc đã hơn.
Nhưng quan trọng là địa phương khi ra chính sách cũng phải có tiêu chí, chọn
lọc để tuyển được đúng người, đúng môn, đúng những điều cần đáp ứng. Trong
tuyển chọn các ứng viên phải đưa ra các điều khoản theo công việc, vị trí,…
Tôi nghĩ các địa phương ra các chính sách như vậy cũng phải tuyển những người
mà phù hợp với những điều họ cần”, ông Hùng nói. Còn thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên
Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm nhận định, chính sách này có thể tạo ra một
luồng gió mới khi học sinh được tiếp cận những phong cách giáo dục mới, từ đó
có thể thúc đẩy quá trình học tập. Ngoài ra, có thể góp phần thúc đẩy quá
trình rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ tại đơn vị. Tuy nhiên, theo thầy Công, việc này là
không phù hợp và khó đạt được kết quả như kỳ vọng, giống như “dùng dao mổ
trâu để thịt gà”. “Giáo sư, phó giáo sư thường là những
người được đào tạo chuyên sâu và phát triển kiến thức sâu ở một lĩnh vực nào
đó, và thường giảng dạy và nghiên cứu ở một cơ sở giáo dục đại học, sau đại
học, viện nghiên cứu hơn là giảng dạy tại trường phổ thông. Họ có thể rất chuyên sâu ở một lĩnh
vực chuyên ngành hẹp, nhưng những kiến thức ở một số lĩnh vực khác của môn
học hoặc thậm chí lĩnh vực gần, chưa chắc họ đã quan tâm đến. Chưa kể, để được công nhận là giáo sư,
phó giáo sư, thường cũng phải là những người đã có tuổi, họ đã dùng cả tuổi
trẻ để phấn đấu theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu thì dễ gì có thể từ bỏ để trở
thành giáo viên phổ thông thuần túy”, thầy Công nói. Cũng theo thầy giáo này, giáo dục
chuyên ngày nay là sự mở rộng của giáo dục chuyên sâu, giáo dục phổ thông và
giáo dục kĩ năng để các học sinh chuyên thực sự không chỉ giỏi về kiến thức
mà còn tốt về kĩ năng. Do đó "đầu tư chỉ riêng cho một khía cạnh tôi e
là chưa đủ”. Thầy Công cho rằng với kinh phí đó,
nên kêu gọi người trẻ tài năng đi học ở các trường tốt, chọn lọc để về trường
chuyên. “Phân công đúng người, đào tạo bài
bản, chế độ đãi ngộ tốt với những thành tích đạt được để thầy cô trẻ duy trì
được tâm huyết với nghề, sống được với nghề, hy sinh thời gian và công sức để
lăn lộn cùng với học sinh không chỉ trong mảng đào tạo bồi dưỡng học sinh
giỏi mà còn các mảng khác như giáo dục kĩ năng,… Số tiền còn lại, có thể mời
các giáo sư đầu ngành thỉnh giảng cho những học sinh thuộc tốp trên, nâng cao
kết quả đào tạo mũi nhọn và góp phần nâng cao vị thế của trường chuyên để các
học sinh khác cũng được hưởng lợi, thay vì tuyển cứng giáo sư về làm giáo
viên”. Ảnh minh họa: Thanh Hùng Nhiều
vấn đề đặt ra nếu giáo sư về trường chuyên TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng
Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc
gia Hà Nội) nói có thể hiểu ý tưởng của những người xây dựng chính sách rất
muốn thu hút các chuyên gia đầu ngành về trường chuyên cũng như địa phương. Song
việc thu hút phải đồng bộ nhiều vấn đề khác. "Chức danh giáo sư, phó giáo sư
thường phù hợp hơn với việc giảng dạy tại các trường đại học và thiên hướng
nghiên cứu khoa học. Mô hình Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên có thể coi
là một trường hợp đặc biệt, bởi là một đơn vị trong trường đại học. Với các
trường THPT chuyên thuộc/nằm trong các trường đại học, thì những thầy cô quản
lý, giảng dạy có học hàm, học vị cũng là điều bình thường. Còn ở các tỉnh, thường trường chuyên
không thuộc trường đại học. Trong trường hợp này, tôi nghĩ nó sẽ không phù hợp
với thực tế hiện nay. Bởi đơn giản nhiệm vụ, nhu cầu phát triển của trường
chuyên cũng không “gần” với nhiệm vụ của một giáo sư, phó giáo sư, trừ khi
định hướng, mục tiêu của trường chuyên ở Hòa Bình khác phần còn lại”, ông Lợi
nói. Thực tế ở chuyên Khoa học Tự nhiên, có
nhiều giáo sư, phó giáo sư tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, theo thầy Lợi, phần
lớn là giáo viên thỉnh giảng, chỉ ở một số chuyên đề, nội dung kiến thức
sâu, chứ không phải nhiệm vụ chính là dạy cho các học sinh trường
chuyên. "Ở những chuyên đề đó, nhà trường
mời các thầy cô này dạy chứ họ không phải là giáo viên cơ hữu. Tất nhiên,
cũng có một số thầy cô cơ hữu là phó giáo sư, nhưng số đó không nhiều và họ
cũng không chỉ nhiệm vụ dạy học sinh trường chuyên mà vẫn kiêm nhiệm làm các
công tác đào tạo và sau đại học ở các khoa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên”. Ông Lợi cũng cho rằng, không phải giáo
sư, phó giáo sư nào khi về dạy ở trường chuyên là cũng hơn giáo viên phổ
thông. “Tôi nghĩ cần phân tích một cách kỹ
càng, chứ không phải cứ nghĩ học hàm giáo sư, phó giáo sư như một thứ bằng
cấp. Một hình thức nào đó kiêm nhiệm là khả thi nhất, chứ khả năng để các
trường phổ thông tuyển được giáo sư, phó giáo sư về làm giáo viên dạy toàn
phần là rất khó”. Chưa kể, các giáo sư, phó giáo sư về
trường chuyên thì vị trí việc làm sẽ được xác định ra sao. “Với những yêu cầu để trở thành giáo
viên hiện nay thì những gì họ có cũng chưa phù hợp. Rồi ngạch lương của họ
được tính ra sao? Các giáo sư, phó giáo sư thường ở ngạch giảng viên cao
cấp/chuyên viên cao cấp, nhưng giáo viên phổ thông thì làm sao có những ngạch
đó”, ông Lợi nói nếu thực tế diễn ra thì sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề
khác. Trước đó, giáo sư đứng đầu một trường
ĐH ở TP.HCM, phân tích, Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/07/2020 của Bộ
trưởng Bộ GD-ĐT quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại
học. Tại Điều 2 nêu rõ nhiệm vụ của giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo
dục đại học, trong đó 5 nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư, không có nhiệm
vụ nào là “giảng dạy THPT”. (Theo Vietnamnet) Thanh Hùng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét