Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc: Vẫn còn điểm mờ

Cập nhật lúc 15:30                

Chuyên gia năng lượng cho biết, việc điều chỉnh biểu giá điện 5 bậc không ảnh hưởng đến doanh thu của ngành điện.

Mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, trong đó Bộ này đưa ra nhiều kịch bản thay đổi biểu giá bậc thang điện sinh hoạt (1, 3, 4 và 5 bậc).
Bộ Công thương đề xuất lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1. Theo phương án này, giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101 - 200 kWh; bậc 3 mới từ 201 - 400 kWh; bậc 4 mới từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Theo Bộ Công thương, kịch bản 1 đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi; Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; Các hộ có mức sử dụng điện thấp dưới 700 kWh sẽ có tiền điện phải trả giảm, các hộ có mức sử dụng điện cao trên 700 kWh/tháng phải trả tăng tiền điện để bù cho mức giảm của các hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh.
Bao nhiêu bậc, lợi ích của ngành điện vẫn đảm bảo
Trao đổi với Đất Việt, TS Ngô Đức Lâm (Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam) nhận xét, dù biểu giá điện được điều chỉnh như thế nào vẫn bảo vệ nguyên vẹn tính lợi ích của ngành điện, không ảnh hưởng đến doanh thu của ngành. Ở đây chỉ là sự điều chỉnh giữa người dùng ít và người dùng nhiều.
Phân tích cụ thể, vị chuyên gia cho hay, theo quy định, giá bán lẻ điện bình quân được xác định như sau:

Trong các loại giá trên, ngoài giá truyền tải, tất cả các loại giá khác đều được tính trên quy định sau đây:
 
Theo TS Ngô Đức Lâm, thông thường, doanh nghiệp làm ăn thì lời ăn lỗ chịu, nhưng với ngành điện thì khác. Với giá điện bình quân, lợi nhuận định mức được tính vào các loại giá nói trên, về nguyên tắc, ngành điện không bao giờ chịu lỗ.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn báo lỗ?
Lý giải điều này, TS Ngô Đức Lâm cho biết, đó là vì có các chi phí chưa tính trường hợp đặc biệt, như lỗ tỷ giá, lỗ do thời tiết... "Những cái đó được phép nhưng tại sao không đưa vào? Là vì có những năm thời tiết thuận lợi, thủy điện tích được nhiều nước, chi phí sản xuất rẻ thì giá điện bán ra phải giảm.
Nguyên tắc giá điện là có lên có xuống, nhưng ngành điện 11 lần tăng giá mà chưa có một lần giảm giá. Đó không phải là cơ chế thị trường".
Xét cấu trúc biểu giá bán lẻ điện (gồm: Sản xuất công nghiệp; Khối Hành chính sự nghiệp, Khối Kinh doanh thương mại và Điện sinh hoạt), theo TS Lâm, chỉ có điện sinh hoạt bán theo giá bậc thang, còn lại tất cả theo nguyên tắc 1 giá: Điện sản xuất công nghiệp bán theo công suất + giờ trong ngày (cao, thấp điểm); Khối hành chính sự nghiệp (bệnh viện, cơ quan, trường học) bán theo 1 giá thành phần; Khối kinh doanh thương mại bán theo giờ cao điểm, thấp điểm.
Mục đích đặt ra biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang là để bù chéo người dùng nhiều cho người dùng ít; tránh lãng phí, đảm bảo tiết kiệm, nhưng vẫn giữ nguyên tắc đảm bảo tổng doanh thu từ điện sinh hoạt cho ngành điện lấy giá bình quân làm cơ sở là không thay đổi.
Theo TS Ngô Đức Lâm: Tổng doanh thu ngành điện (EVN) = A x Giá điện bình quân
Trong đó, A: Tổng sản lượng thương mại - kWh
A= A1 + A2 + A3 + A4
A1: Tổng sản lượng điện thương mại cho sản xuất công nghiệp
A2: Tổng sản lượng điện thương mại cho khối hành chính sự nghiệp
A3: Tổng sản lượng điện thương mại cho kinh doanh thương mại
A4: Tổng sản lượng điện thương mại cho sinh hoạt
Tổng doanh thu từ điện tính hoạt = A4 x Giá điện bình quân
Ở đây, doanh thu từ điện sinh hoạt là không thay đổi, gồm doanh thu của các hộ tiêu thụ điện theo từng bậc cộng lại. Việc chia bậc thang không ảnh hưởng đến doanh thu của EVN, nói cách khác ngành điện đã đẩy tranh cãi cho xã hội, giữa người giàu với người nghèo, còn lợi ích ngành điện không thay đổi. 
Giá điện bình quân đã đảm bảo cho tất cả các đơn vị điện lực và toàn ngành điện duy trì được các chỉ tiêu tài chính để hoạt động bình thường. Lãi định mức được đưa ra cho ngành nhằm tái phát triển và có lợi cho ngành.
Những câu hỏi cần ngành điện trả lời
Từ công thức Tổng doanh thu từ điện tính hoạt = A4 x Giá điện bình quân, TS Ngô Đức Lâm cho biết có thể xảy ra 3 trường hợp:
Thứ nhất, nếu cân bằng nhau là đúng
Thứ hai, nếu nhỏ hơn là doanh thu của ngành điện bị giảm, phải có biện pháp hỗ trợ ngành điện
Thứ ba, nếu lớn hơn là sai, người dân bị thiệt và phần thu dôi ra phải trả lại cho người dân.
"Đây chính là căn cứ để đánh giá việc chọn biểu giá lũy tiến là đúng hay sai và phải sửa như thế nào. Vì thế, đề nghị Thanh tra Chính phủ cho kiểm tra tổng doanh thu thực tế từ biểu giá sinh hoạt lũy tiến bậc thang để kết luận có tăng cao hơn giá điện bình quân năm 2019 (1.864 đ/kWh) không và nếu có sai phạm thì đề ra cách khắc phục", vị chuyên gia chỉ rõ.
Khi áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 6 bậc thang, ngành điện đã thống kê tỷ lệ người dùng ở các bậc như sau:
Dưới 50kWh chiếm 22%; 50-100kWh 25%; 100-200kWh 33%; 200-300kWh 11%; 300-400 4%; Trên 400kWh 5%.
Theo TS Lâm, đây là tỷ lệ có từ rất lâu, được ngành điện sử dụng làm căn cứ khi áp dụng biểu giá 6 bậc thang. Thế nhưng, thực tế thời gian qua cho thấy, số hộ sử dụng 300-400 kWh chiếm phần lớn, số hộ sử dụng 100kWh trở xuống rất ít.
Bởi vậy, cần phải căn cứ vào thực tế này để điều chỉnh biểu giá điện và Bộ Công thương phải minh bạch các căn cứ khi đưa ra biểu giá điện 5 bậc thang.


Biểu giá hiện hành với phương án 5 bậc theo kịch bản 1 và 2

Theo kịch bản 1 biểu giá điện 5 bậc thang được Bộ Công thương công bố thì: Số hộ dùng điện dưới 200 kWh (bậc 1, bậc 2) chi trả tiền điện theo mức giá thấp hơn giá bình quân (1.549 và 1.858/1.864,44 đ/kWh).
Từ bậc 3 cho đến bậc 5, hộ dùng điện phải trả tiền cho mỗi kWh điện cao hơn giá bình quân và càng dùng nhiều điện càng phải trả nhiều tiền.
Nhưng như vị chuyên gia đề cập, hiện nay tỷ lệ hộ dùng 300-400kWh rất phổ biến và thuộc dạng bình thường (không giàu, không nghèo) vì thế với số này lẽ ra phải bán bằng giá điện bình quân, chỉ những hộ dùng cao hơn số này mới cần phải trả tiền cho mỗi kWh cao hơn giá bình quân. 
"Để biết chính xác tỷ lệ hộ sử dụng ở các mức trên thế nào từ đó làm căn cứ để điều chỉnh biểu giá điện bậc thang, Bộ Tài chính có thể kiểm tra hóa đơn, từ đó biết rõ các hộ nộp bao nhiêu tiền cho ngành điện, số tiền phải nộp ở mỗi bậc thang là bao nhiêu, doanh thu của ngành điện là bao nhiêu...  
Nguyên tắc là như vậy nhưng có tới 20 triệu hóa đơn, trong đó đơn giá mỗi bậc thang có quá nhiều số lẻ không cần thiết, như trong kịch bản 1 biểu giá điện 5 bậc Bộ Công thương đang đề xuất lần lượt là:  1.549 đ/kWh; 1.858; 2.340; 2.701; 3.105 đ/kWh. Đơn giá mỗi bậc thang ở biểu giá điện 6 bậc thang đang áp dụng cũng nhiều số lẻ như vậy khiến cho mọi thứ trở nên rất khó khăn.
Đáng lưu ý, về nguyên tắc, người dùng nhiều bù chéo cho người dùng ít, còn tổng doanh thu từ điện sinh hoạt cho ngành điện lấy giá bình quân làm cơ sở là không thay đổi.
Nhưng theo kịch bản 1 biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc (kịch bản được Bộ Công thương chọn), từ bậc thứ 3 đã phải trả tiền mỗi kWh cao hơn giá điện bình quân, vậy phần dôi ra chạy đi đâu? Ngành điện đã dùng vào việc gì?", TS Ngô Đức Lâm phân tích và đề nghị ngành điện phải chọn cho đúng mức điện sinh hoạt của gia đình để bắt đầu tăng hơn giá điện bình quân.
"Định mức bao nhiêu thì bắt đầu được hưởng giá điện bình quân? Như hiện nay là bất bình đẳng. Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước thu nhập thấp, đời sống của người dân được nâng cao hơn mà lại định mức người dân dùng 100-200 kWh trở xuống, dùng cao hơn bị coi là lãng phí, phải trả tiền điện cao hơn giá điện bình quân là không đúng", vị chuyên gia năng lượng bày tỏ quan điểm.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét