Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Ai xứng được tặng hoa, ai cần được tiếp tế vì Covid-19 ?

Cập nhật lúc 10:32   

“Sao không tặng hoa cho bác sĩ, những anh hùng thầm lặng trên mặt trận chống dịch mà lại tặng hoa cho bệnh nhân?”- nhiều người đặt câu hỏi.


Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương vui mừng tặng hoa, chúc mừng 2 bệnh nhân ra viện ảnh: Tuổi trẻ

Suốt trong tuần qua, công cuộc chống dịch Covid-19 đã làm nảy sinh nhiều vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng. Nhiều người cho biết, khi nhìn thấy bức ảnh các y bác sĩ tặng hoa cho các bệnh nhân khỏi bệnh Covid-19 khi ra viện, họ cảm thấy hơi chạnh lòng cho các y bác sĩ, cảm thấy đây là việc làm “ngược đời”.
Bệnh nhân không may mắc bệnh, vào viện đã được điều trị miễn phí, xét nghiệm miễn phí, lại được cả một hệ thống y tế chăm sóc, và chăm sóc thêm cả những người vì liên quan đến mình mà bị cách ly như tiếp tế thực phẩm, lấy số liệu để quản lý tình trạng sức khỏe. Đó là một chủ trương chính sách vô cùng nhân văn của nhà nước. Chưa bao giờ mà người dân mắc phải dịch bệnh lại được hưởng một chế độ đãi ngộ và chăm sóc sức khỏe toàn diện, miễn phí như vậy.
Đó là một khía cạnh rất đáng để cảm động. Nhưng với nhiều người, khi nhìn hình ảnh các bệnh nhân ra viện, được các y bác sĩ tặng hoa, trong khi những người anh hùng cứu mạng họ, những người đang phải đối mặt với hiểm nguy hàng ngày vì sức khỏe cộng đồng lại không có bó hoa nào trên tay, họ cảm thấy chưa thực sự hài lòng.
“Các bác sĩ mới xứng đáng là những người được tặng hoa”, “Bệnh nhân trong trường hợp này nên mua hoa để tặng và cảm ơn các bác sĩ mới là đúng đạo lý”, “Tại sao bệnh nhân được tặng hoa mà bác sĩ lại chẳng ai nhớ đến công sức của họ?”… là một trong những ý kiến của rất nhiều người về trường hợp này.
Tuy nhiên, lại cũng có ý kiến của bác sĩ khiêm tốn cho rằng, ai được tặng hoa không quá quan trọng, việc các bệnh nhân thoát khỏi bệnh tật, được trở về với cuộc sống thường ngày chính là niềm vui lớn nhất của bác sĩ rồi.
Nhìn hình ảnh những bác sĩ nằm ngủ vật vờ ở hành lang bệnh viện vì quá mệt sau chuỗi ngày chăm sóc bệnh nhân, chiến đấu với dịch, những người làm công tác vận chuyển người cách ly từ các sân bay, cửa khẩu về khu cách ly nằm ngủ vật trên manh chiếu trải tạm ngoài hè… nhiều người đã rớt nước mắt vì xúc động.
Họ không nhận được một bó hoa nào, trái lại, có khi họ chỉ nhận về mình những lời càu nhàu, cáu gắt… nhưng họ không một lời than thở, tất cả đều dốc sức trong cuộc chiến đấu chống dịch vì cộng đồng.
Đúng là chúng ta không thể nào có đủ hoa để tặng cho những người hùng thầm lặng ấy, vì họ đông đảo và bình dị, họ sống đẹp, hy sinh vì cộng đồng mà không đòi hỏi phải đáp đền.
Một hình ảnh khác cũng gây tranh cãi không kém, đó là cảnh hàng dài những người đi tiếp tế cho các du học sinh được đưa về các trung tâm cách ly.
Những ông bố, bà mẹ kiên nhẫn đuổi theo con hàng trăm cây số, chờ đến lượt để được tiếp tế cho con nhu yếu phẩm, vật dụng khi lo lắng con đói khổ, thiếu thốn ở các khu cách ly.
Những món hàng được gửi vào là tấm lòng của các bậc phụ huynh, nhưng nó cũng là một sự mệt mỏi cho lực lượng cán bộ ở trung tâm cách ly, bởi họ phải phân loại, sắp xếp và có trách nhiệm chuyển đến đúng người, tránh nhầm lẫn, sơ xuất để lại bị “mang tiếng”.
14 ngày, 2 tuần sống trong các khu cách ly, với người này là một hành trình “khổ ải” nhưng với người có mắt nhìn lạc quan, đó có khi là một trải nghiệm hiếm có để họ trưởng thành hơn.
Vì thế, các bậc phụ huynh hãy đừng quá lo lắng, cũng đừng quá bảo bọc con mình, các bạn đều đã trưởng thành, đi du học ở nước ngoài là đã đủ sức tự lập. Chắc chắn con cái các vị sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu và nhiều bài học để “làm người” qua chuỗi 14 ngày cách ly này, nên xin hãy cứ yên tâm, tin vào sự nhân văn của cuộc sống.
Chỉ có lòng tin, tình đoàn kết và đức hy sinh mới giúp chúng ta chiến thắng được bệnh dịch này.
(Theo Đất Việt) Mi An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét