Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Thịt lợn Nga ồ ạt về Việt Nam... ông lớn CP, Masan bất lợi như nào?

Cập nhật lúc 10:25   

Thịt lợn nhập khẩu từ Nga ồ ạt về Việt Nam sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh ngay với các sản phẩm chăn nuôi trong nước không chỉ về giá mà còn cả về chất lượng.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt lợn vào ngày 20/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đưa giá thịt lợn hơi xuống 60.000 đồng/kg.

Giữa tháng 3, tại một hội nghị liên quan đến ngành chăn nuôi lợn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hạ giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đồng/kg. Bởi, ông cho rằng, mức giá 75.000 đồng/kg như hiện tại thì lãi quá cao, dư địa giảm vẫn còn. Tuy nhiên, đến nay, giá lợn hơi tại nhiều nơi vẫn đang neo ở mức cao.

Tại một số tỉnh ở miền Bắc như Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,... giá lợn hơi dao động quanh mốc 80.000-83.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá neo ở mức 85.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn CP vẫn dao động động từ 125.000 đồng - 230.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, thịt ba chỉ rút sườn 210.000 đồng/kg, nạc đùi 155.000 đồng/kg, sườn non 230.000 đồng/kg...

Thịt lợn sạch Meat Deli cũng dao động từ 140.000 - 270.000 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, thăn chuột 188.890 đồng/kg, thịt đùi 180.000 đồng/kg, nạc vai 244.900 đồng/kg...

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), có 15 công ty của Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua thịt lợn từ Tập đoàn Miratorg của Nga. Đây cũng là tập đoàn có sức sản xuất thịt lợn top đầu ở Nga với sản lượng đạt khoảng 500.000 tấn thịt lợn mỗi năm.


Hàng nghìn tấn thịt lợn nhập khẩu từ Nga chuẩn bị về Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet

Hiện Tập đoàn Miratorg đã chuyển số lượng gần 3.500 tấn thịt lợn xuống tàu để xuất sang Việt Nam theo hợp đồng ký kết trước đó. Đến nay, có gần 1.500 tấn đã cập cảng Cát Lái, cảng Hải Phòng và cảng Phước Long; khoảng gần 2.000 tấn thịt lợn cũng đang trên đường về Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cho biết, ngoài thúc đẩy tái đàn, việc đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng thịt lợn được xem là giải pháp để giảm áp lực nguồn cung trong nước, đồng thời giúp mặt hàng này dần hạ nhiệt khi đã neo giá cao trong một thời gian quá dài.

Rõ ràng, việc nhập khẩu thịt lợn vào nước ta nhiều hơn sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh ngay với các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam trên sân nhà. Đứng trước vấn đề này, các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ phải điều chỉnh lại giá bán để cạnh tranh với thịt nhập khẩu.

Chị Lan (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thịt lợn tại các siêu thị và một số công ty như CP hay Meat Deli vẫn rất cao. Nếu thời gian tới, thịt lợn nhập khẩu bán rộng rãi với giá rẻ hơn, chị Lan sẽ lựa chọn thịt nhập khẩu.

Theo chị Lan, thịt lợn nhập khẩu đều được chăn nuôi, chế biến khép kín nên không phải lo lắng về chất lượng.

Tương tự, cô Loan (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng sẽ chọn thịt lợn nhập khẩu nếu giá cả phải chăng. Theo cô Loan, thịt lợn nhập khẩu có thể tươi bằng thịt của một số doanh nghiệp trong nước nhưng với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, gia đình cô không thể lựa chọn thịt với giá cao ngất ngưởng được.

Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đứng trước cuộc cạnh tranh không hề nhỏ khi một lượng lớn thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam. Nếu giảm giá để giữ chân khách hàng, doanh thu của công ty sẽ giảm. Tuy nhiên, nếu không giảm giá, nhiều khả năng lượng khách hàng sẽ ít đi.

(Theo Báo Mới.com) Hoàng Minh
Mấy ông đại gia lợn cố neo giá được ngày nào thì hàng tỷ đồng đổ về túi ngày ấy! Chỉ thấy cái lợi trước mũi, chẳng nhìn xa được qua cái mồm là tư duy của kẻ tham lam!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét