Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Kinh doanh xăng dầu được ấn định lợi nhuận định mức vẫn lỗ nặng!?

Cập nhật lúc 14:31    

Việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu lỗ nặng gây băn khoăn bởi theo quy định, mỗi lít xăng bán ra thương nhân đầu mối đã lãi 300 đồng/lít.  

Theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), ngành dầu khí đang chịu tác động trực tiếp và năng nền nhất bởi giá dầu thế giới xuống thấp và dịch Covid-19, khi lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác.
Với PVN, từ khâu đầu đến khâu cuối, có thể nói đang bị ảnh hưởng rất mạnh. Trong đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm.
PVN cho biết, các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh so với thời điểm tháng 1/2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản phẩm của NMLD Dung Quất và NMLD Nghi Sơn.
"Hiện tại tồn kho xăng dầu của NMLD Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-85% và có nguy cơ tank-top trong tháng 3/2020, tồn kho của NMLD Dung Quất có xu hướng tăng nhanh khi các khách hàng lùi lịch nhận hàng do tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn. Tình hình kinh doanh xăng dầu của PVN dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới", PVN nhận định.
Trước thông tin trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, hoạt động chính của PVN là thăm dò, khai thác dầu khí, còn bán lẻ xăng dầu chỉ là một phần. Hoạt động khai thác dầu khí của doanh nghiệp này thực sự khó khăn bởi mức giá được Quốc hội thông qua và làm cơ sở tính dự toán là 60 USD/thùng, do đó, nếu giá dầu cứ giữ mức từ 30 USD/thùng trở xuống thì hầu hết các mỏ dầu của Việt Nam có nguy cơ... đóng cửa, càng sản xuất càng lỗ.
Tuy nhiên, nếu xét riêng hoạt động kinh doanh xăng dầu thì về nguyên tắc khó rất lỗ được. Bởi công cụ điều chỉnh, hỗ trợ giá của Nhà nước thông qua Quỹ bình ổn giá và tính lợi nhuận định mức ngay trong giá cơ sở đã "bảo hành" lợi nhuận cho các doanh nghiệp xăng dầu. 
Theo Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cứ bán 1 lít xăng dầu là đương nhiên có lãi 300 đồng bỏ túi.

Theo PVN, tình hình kinh doanh xăng dầu dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới.




  

Theo ông Thịnh, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ có thể lỗ ở các hợp đồng mua kỳ hạn mà trước và sau quá trình ký xảy ra biến động về giá.
Chẳng hạn, doanh nghiệp ký hợp đồng kỳ hạn 3 tháng, mua dầu vào tháng 2 và tháng 5 mới nhận với mức giá 45-46 USD/thùng. Nhưng đến tháng 3 giá dầu tụt xuống 27-28 USD/thùng thì doanh nghiệp đầu mối lỗ nặng. Bản thân PVN là đầu mối lớn nhập xăng dầu về, sau đó phân phối lại cho hệ thống bán lẻ. Giá xăng dầu thế giới xuống thấp thì doanh nghiệp phải bán giá thấp, không thể bán với giá 45-46 USD/thùng.
Nếu là cơ sở bán lẻ xăng dầu độc lập thì mới có lãi (vì có lợi nhuận định mức), đằng này, các cơ sở bán lẻ là của PVN- đầu mối nhập khẩu và phân phối nên nhìn tổng thể, khó có lãi được", ông Thịnh nói. 
Trong khi đó, ghi nhận tác động của giá dầu thế giới giảm đến hoạt động khai thác, kinh doanh xăng dầu của PVN, song một chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi về mức lỗ của doanh nghiệp đến đâu khi giá xăng trong nước giảm chưa tương xứng với mức giảm của thế giới.
Ông dẫn lại chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 15/3) cho biết, ở thời điểm đó, giá dầu thô trên thị trường thế giới sụt giảm tới 30%, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ giảm 10%. Chưa kể, quy định lợi nhuận định mức mang lại lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
"Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan phức tạp, doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn. Bởi vậy, tôi ủng hộ quan điểm cho rằng, giảm giá xăng, giá điện là một trong những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất để họ vượt qua khó khăn", vị chuyên gia kinh tế nói.
Ông cũng đề nghị xem lại việc tính lợi nhuận định mức trong tính giá cơ sở để đảm bảo công bằng với người tiêu dùng.
Về điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tính thị trường của xăng dầu Việt Nam vẫn chưa thực sự đầy đủ. Bởi vẫn còn có vị trí thống lĩnh thị trường nên bắt buộc phải có bàn tay quản lý của Nhà nước và Nhà nước phải can thiệp giá, mà như vậy phải cho lợi nhuận định mức.
"Chỉ khi nào loại bỏ vị trí thống lĩnh thị trường, kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường thực sự thì không cần áp dụng lợi nhuận định mức", ông nói.
Theo PVN, dưới tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với ngành dầu khí, ngành kinh tế chủ lực và cũng là ngành đang chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất bởi giá dầu xuống thấp và dịch Covid-19, khi lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác.
Doanh thu bán dầu và nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô cũng sẽ giảm mạnh khi mà giá kế hoạch là 60 USD/thùng. Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô là 4,668 tỷ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỷ USD.
Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD (Tương ứng PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước).
Hệ lụy từ việc giảm này sẽ tác động nặng nề không chỉ đối với PVN mà các địa phương liên quan. Đơn cử như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số thu ngân sách 2 tháng đầu năm của tỉnh đạt 15.177,8 tỷ đồng thì trong đó có 46% từ dầu thô (6.995,1 tỷ đồng).
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét