Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Giá dầu chao đảo, ông Trump đã sập bẫy Moscow?

Cập nhật lúc 15:45                

Tổng thống Nga-Mỹ điện đàm giữa lúc giá dầu lao dốc, Mỹ có khả năng sẽ tham gia cơ chế hợp tác OPEC+ như Nga đã từng?

Giá dầu đang tiếp đà lao dốc thấp nhất trong vòng 18 năm qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan trên thế giới, đẩy nhu cầu năng lượng xuống cực thấp.


Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hôm 30/3, giá dầu Brent giảm xuống còn 22,58USD/thùng vào một thời điểm giao dịch, trong khi giá dầu WTI giảm xuống dưới mức 20 USD/thùng.
Tình trạng này đã kéo theo khả năng giảm  sản lượng hoặc đình chỉ sản xuất của các nhà khai thác dầu, bao gồm cả khai thác dầu đá phiến ở Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cho biết ông sẽ can thiệp vào "cuộc chiến" giữa Nga và Saudi Arabia để ngăn chặn cuộc khủng hoảng giá dầu này song chưa rõ thời điểm thích hợp là khi nào.
Cuối cùng, phía Mỹ đã gửi đi các tín hiệu đáng chú ý.
Điện Kremlin hôm 30/3 thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm để trao đổi ý kiến về tình trạng hiện tại của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Hai nhà lãnh đạo đã thống nhất rằng họ sẽ để các quan chức năng lượng từ hai nước tiếp tục thảo luận về thị trường.
Thông báo từ Điện Kremlin không tiết lộ rõ ràng hơn về cuộc điện đàm song Moscow trước đó đã báo hiệu về việc họ mong muốn thấy nhiều quốc gia tham gia vào nỗ lực cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere cho biết, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bình ổn trong thị trường năng lượng toàn cầu và cử quan chức cấp bộ trưởng tham gia đối thoại về vấn đề này.
Ngay trước cuộc gọi với Tổng thống Putin, Tổng thống Trump cũng đã nói rằng Saudi Arabia và Nga đang “điên cuồng” trong cuộc chiến giá dầu và điều đó không tốt cho tất cả các bên.
"Chúng tôi không muốn thấy một ngành công nghiệp bị xóa sổ. Điều này rất tệ cho mọi người" - Tổng thống Mỹ nói.
Reuters gọi cuộc điện đàm Putin-Trump hôm 30/3 là một thỏa thuận "bước ngoặt" giữa hai nhân vật quan trọng trong ngành năng lượng.
Điều này cũng cho thấy một thực tế là "cuộc chiến" giữa Nga và OPEC đã buộc Mỹ phải ngồi xuống đàm phán để tìm một thỏa thuận giúp các nhà khai thác dầu đá phiến "sống sót" qua cú sốc kép từ thị trường.  
Mỹ đã phát triển trong những năm gần đây trở thành nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, nhờ vào sự bùng nổ của công nghệ dầu đá phiến cũng như hưởng lợi không ít từ cơ chế hợp tác OPEC + giữa các thành viên tổ chức và "người ngoài" nổi bật là Nga.
Cuộc khủng hoảng giá dầu mà Nga và Saudi Arabia tạo ra đã đe dọa ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ, cho thấy họ có khả năng khuynh đảo ngành năng lượng của nhà khai thác số một thế giới.
Nó cũng là cú đánh mà ông Putin lâu nay đã có sự chuẩn bị nhằm chấn chỉnh lại những người chơi trong thị trường toàn cầu được hưởng lợi mà không phải bỏ ra bất cứ công sức nào.
Nga hiện đang tham gia vào cơ chế hợp tác với OPEC còn Mỹ thì không. Washington cũng không tham gia vào bất cứ thỏa thuận hợp tác và sức ép để giảm sản lượng khai thác.
Điều này có nghĩa là dù Nga và OPEC họp hành, đàm phán, đối thoại, cân nhắc xem Nga và các thành viên OPEC sẽ giảm mỗi người bao nhiêu thùng dầu trong vòng 3 tháng, 6 tháng, 1 năm tới thì không ảnh hưởng tới Mỹ. Mỹ sẽ hút dầu, mở hay đóng cửa giàn khoan đều là "theo giá thị trường".
Những nỗ lực bao lâu nay đều được Mỹ "nẫng tay trên" và năm 2019 đã trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Điều này không khỏi khiến các ông lớn cần xem xét lại cơ chế hợp tác của mình.
Cuộc chiến Nga - Saudi Arabia là một minh họa về phản ứng của Nga trước việc Mỹ đang hưởng lợi từ cơ chế OPEC+. Moscow đã ẩn dụ lý do của cuộc chiến là quan điểm của họ trước sự lây lan dịch bệnh sẽ kéo tụt nhu cầu về năng lượng, khiến cắt giảm sản lượng sẽ không có hiệu quả.
Tuy nhiên, đây cũng là dịp phù hợp để khai chiến giá dầu, đặc biệt là khi Nga đã phải chịu sự chèn ép mạnh mẽ từ đối thủ Mỹ trên thị trường năng lượng châu Âu và cũng đã tích trữ đủ vàng để có thể lao vào cuộc chiến.
Cuộc điện đàm của ông Trump và Tổng thống Nga cũng là chiến thắng bước đầu của ông Putin. Liệu nhà lãnh đạo Nga sẽ ép Mỹ bước vào vòng kim cô với một thỏa thuận kiểm soát sản lượng nào đó?
(Theo Đất Việt) Đông Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét