Không phải Mỹ hay
châu Âu, Ấn Độ mới là "trận địa" chính chống Covid-19
Cập nhật lúc 08:09
Một số chuyên gia
cho rằng, không phải Mỹ hay châu Âu, mà Ấn Độ sẽ là "chiến trường"
chính trong cuộc chiến chống Covid-19 thời gian tới.
Cách đây hơn 3 tháng, không ai biết đến
sự tồn tại của virus SARS-CoV-2. Hiện giờ virus này đã lây lan rộng gần 200
quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 500.000 người bị mắc bệnh. Covid-19 đang
gây sụp đổ các nền kinh tế, phá vỡ hệ thống chăm sóc sức khỏe, lấp đầy các
bệnh viện và khiến không gian công cộng vắng bóng người.
Trận địa chính
trong cuộc chiến chống Covid-19
Mỹ và các nước
châu Âu là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng đây không phải là
điểm dừng cuối cùng của virus SARS-CoV-2. Các nước châu Á cũng chịu ảnh hưởng
nghiêm trọng không kém. Một số chuyên gia cho rằng, không phải Mỹ hay châu
Âu, mà Ấn Độ sẽ là "chiến trường" chính trong cuộc chiến chống
Covid-19 thời gian tới. Nhận định này không phải là không có căn cứ.
Với việc phong
tỏa đất nước trong 21 ngày, Ấn Độ đã nối dài danh sách các quốc gia thực hiện
những biện pháp mạnh tay để đối phó với Covid-19 và kết quả của biện pháp này
sẽ quyết định tương lai của đại dịch trên toàn cầu.
Trong một động
thái chưa từng có, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 24/3 tuyên bố phong tỏa
toàn bộ đất nước trong 3 tuần cho đến ngày 14/4. Ông Modi phát biểu với người
dân rằng, cứu người là ưu tiên hàng đầu và giãn cách là biện pháp duy nhất để
phá vỡ chu kỳ lây nhiễm của virus. “Nếu bạn bước ra khỏi nhà trong 21 ngày
tới, bạn sẽ kéo đất nước thụt lùi 21 năm”, Tổng thống Modi cảnh báo.
Đây không phải
cách nói cường điệu. Mà trên thực tế với dân số hơn 1,3 tỷ người, lớn thứ 2
thế giới, cách Ấn Độ phản ứng với cuộc khủng hoảng hiện giờ có thể quyết định
quỹ đạo của dịch bệnh trên toàn thế giới.
“Tương lai của
dịch bệnh phần lớn phụ thuộc vào những gì xảy ra ở các quốc gia lớn và đông
dân như Ấn Độ”, Tiến sỹ Michael J Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn
cấp về y tế của WHO cho biết. Ông Ryan cho rằng, Ấn Độ cần phải tiếp tục thực
hiện các hành động mạnh mẽ ở cả cấp độ y tế công cộng và cấp độ xã hội mới có
thể kiềm chế, kiểm soát và trấn áp dịch bệnh, cứu sống nhiều sinh mạng”.
Thách
thức trong cuộc chiến chống Covid-19
Ấn Độ đang phải
đối mặt với nhiều thách thức lớn trong cuộc chiến chống Covid-19 như không đủ
kinh phí chăm sóc sức khỏe, thiếu nước sạch và thiếu cơ sở vệ sinh tại nhiều
khu vực, cùng với đó là mật độ dân số cao. Tại một số thành phố lớn nhất của
Ấn Độ, cứ mỗi km2 có khoảng 420 người sinh sống, điều này khiến việc “giãn
cách xã hội” và “tự cách ly” khó có thể thực hiện được nếu không có một chính
sách phong tỏa được thực thi nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, Ấn
Độ cũng thiếu đạo luật dành riêng cho tình hình đại dịch, dù chính phủ nước
này đã tuyên bố Covid-19 là “một thảm họa cần được báo động” theo Luật quản
lý thảm họa, cho phép chính quyền các bang chi thêm tiền từ Quỹ đối phó thảm
họa bang (SDRF) để dập dập dịch. Đạo luật chính mà nước này áp dụng trong các
trường hợp khẩn cấp về y tế là Đạo luật dịch bệnh có từ năm 1897, vốn được
ban hành để chống bệnh dịch hạch.
Các nghiên cứu
ở Trung Quốc cho thấy những người bị cao huyết áp và bệnh tiểu đường nhiều
khả năng sẽ bị nặng hơn nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 và có thể tử vong. Trong
khi đó, thống kê cho thấy, khoảng 1/3 dân số Ấn Độ bị cao huyết áp và cứ 10
người trưởng thành thì có hơn 1 người mắc bệnh tiểu đường. Tại Trung Quốc trẻ
em ít bị ảnh hưởng hơn, nhưng ở Ấn Độ hiện nay đang có hàng triệu trẻ em suy
dinh dưỡng, rất dễ bị mắc Covid-19.
Chưa hết, Ấn Độ
có tỷ lệ bệnh nhân nhiễm lao và mắc viêm phổi cao. Thêm vào đó, thói quen hút
thuốc và chất lượng không khí kém lại càng làm gia tăng khả năng mắc các bệnh
về đường hô hấp. Một số người đang trông chờ vào sức nóng và độ ẩm của mùa hè
của thể giúp quốc gia này hạn chế tình trạng lây lan của Covid-19, nhưng vẫn
chưa có bằng chứng cho thấy nhiệt độ gia tăng sẽ ngăn chặn bệnh dịch.
Nhiều chuyên
gia đã lo ngại về khả năng ứng phó của Ấn Độ trước đại dịch Covid-19, đặc
biệt khi nhìn vào tình hình ngày càng xấu đi tại các nước phát triển như
Italy, Tây Ban Nha và Mỹ - những quốc gia có mật độ dân số thấp hơn và hệ
thống y tế tiên tiến hơn.
Kịch bản ngày
tận thế hay hy vọng thành công?
Tính đến ngày
27/3, Ấn Độ mới chỉ ghi nhận 20 trường hợp tử vong trên tổng số 753 ca mắc.
Nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo rằng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể
nhanh chóng tăng vọt. Trong trường hợp xấu nhất, 60% dân số Ấn Độ, khoảng 800
triệu người có thể bị nhiễm virus nguy hiểm này, Tiến sĩ Ramanan
Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về dịch bệnh, kinh tế và chính
sách có trụ sở tại Mỹ đánh giá.
“Mô hình của
chúng tôi dự đoán rằng vào giai đoạn đỉnh dịch, sẽ có 10 triệu bệnh nhân mắc
Covid-19 nghiêm trọng tại Ấn Độ”, ông Laxminarayan cho biết.
Ấn Độ có chưa
đến 100.000 giường chăm sóc đặc biệt và 20.000 máy thở, hầu hết nằm ở các
thành phố lớn. Vì vậy, khi số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, hệ thống y tế
tại nước này sẽ phải đối mặt với tình huống tương tự như ở Italy, khi mà các
bác sỹ phải lựa chọn bệnh nhân để quyết định ai sẽ được dùng máy thở.
Tuy nhiên vẫn
có hy vọng về việc ngăn chặn Covid-19, dựa vào việc đánh giá hồ sơ kiểm soát
và xóa bỏ các bệnh dịch xảy ra trước đây của Ấn Độ. Theo ghi nhận của WHO, Ấn
Độ là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc xóa sổ 2 “kẻ giết người thầm lặng”
là bệnh đậu mùa và bệnh bại liệt.
Phát biểu trong
một cuộc họp báo tại Geneve, Tiến sỹ Ryan lưu ý rằng, số người tử vong vì
bệnh đậu mùa trên hành tinh này còn lớn hơn số trường hợp tử vong trong tất
cả các cuộc chiến tranh cộng lại và Ấn Độ, thông qua việc thực hiện “các biện
pháp can thiệp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đã chấm dứt được dịch bệnh và trao
một món quà tuyệt vời cho thế giới”.
Bên cạnh đó, Ấn
Độ cũng đã loại bỏ được bệnh bại liệt, thực hiện một khối lượng lớn công việc
nhằm giám sát, xác định các trường hợp mắc, tiêm vắc xin và làm những điều
cần thiết khác.
Nếu Ấn Độ từng
thành công trong quá khứ thì vẫn luôn có hy vọng quốc gia này sẽ thành công
một lần nữa trong cuộc chiến chống Covid-19. Giai đoạn vài ngày tới sẽ rất
quan trọng trong cuộc chiến này và thế giới cần phải theo dõi chặt chẽ.
Chuyên gia
Laxminarayan cho rằng, Ấn Độ có thời gian từ 4 đến 6 tuần trước khi dịch bệnh
Covid-19 lên đến đỉnh điểm. Vì vậy New Delhi cần phải tận dụng cơ hội này để
xây dựng một cơ sở hạ tầng xét nghiệm quy mô lớn với giá cả phải chăng và dễ
tiếp cận để xác định người mắc bệnh, theo dõi và cách ly những người nghi
nhiễm, đồng thời chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Các cơ sở cách ly và giường
chăm sóc đặc biệt phải được thiết lập ở tất cả các bang trên toàn quốc./.
Theo RT, Telegraph
|
Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét