Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

Nhà nước chỉ nên bao cấp chi phí cơ bản khi cách ly bắt buộc phòng Covid-19

Cập nhật lúc 15:58                

Nhà nước chỉ trợ cấp người nghèo, không miễn phí đồng loạt; Có nên dùng khách sạn, resort 4-5 sao làm khu cách ly phòng, chống Covid-19, đáp ứng nhu cầu khách du lịch, chuyên gia nước ngoài?… 


Lượng người bị cách ly do Covid-19 tại các khu quân đội đang tăng khá nhanh. Ảnh Phan Hậu.

Chỉ bao cấp chi phí cơ bản

Những quan điểm nói trên đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Hiện nay, về chi phí, chế độ cách ly đang áp dụng theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC. Theo đó, người bị cách ly được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh; được cấp không thu tiền gồm: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt; được miễn phí di chuyển cách ly.
Đối với chế độ ăn, người bị cách ly được cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, theo tuyên bố của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, tất cả các trường hợp được hỗ trợ 100.000 đồng/ngày bằng ngân sách thành phố. Một số nơi như Hải Phòng, Bắc Giang… cũng đang bao cấp cho toàn bộ người thuộc diện cách ly.


Cán bộ, chiến sĩ quân đội tiếp đồ ăn tại một khu cách ly tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Ảnh Hà Mai

Việc chu cấp này, theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ là chấp nhận thiệt hại kinh tế, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân trong đại dịch. “Giàu hay nghèo thì đại dịch cũng như nhau, không nên phân biệt. Nhà nước bao cấp tất cả để tăng tính đoàn kết, tăng sức mạnh vượt qua dịch Covid-19, đảm bảo an toàn chung cho cộng đồng”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, việc bao cấp như vậy rõ ràng cũng là áp lực rất lớn đối với ngân sách. Tại Hà Nội, đã ghi nhận 15 trường hợp dương tính với Covid-19, ngoài ra, các trường hợp thuộc diện F1 là 415 người, F2 là 2.800 người, F3 là 4.400 người. Số người đang được cách ly tại 9 khu cách ly tập trung là 2.087 người. Thành phố Hà Nội cũng vừa quyết định thành lập thêm 2 khu cách ly tập trung là Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (2.000 chỗ) và Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội với 800 chỗ.
Theo Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), hiện 87 điểm cách ly tập trung tại các đơn vị quân đội trên cả nước, có khoảng 24.478 người cách ly.
Chuyên gia tài chính, PGS-TS Ngô Trí Long tính toán, với số lượng người bị cách ly đang tăng theo cấp số nhân hàng ngày thì ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ “vỡ trận” nếu phải bao cấp hoàn toàn.
Ông Long cho biết, Hà Nội mỗi ngày chu cấp 100.000 đồng/người, 2.000 người là 200 triệu đồng, 10.000 người là 2 tỉ đồng, nhân 14 ngày là 28 tỉ đồng. Nếu số người tăng lên hàng chục, hàng trăm nghìn thì ngân sách có gánh được không?
Đó là chưa kể những địa phương nghèo như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La… thì sẽ không đủ tiền để chi trả cho việc cách ly. Do đó, ông Long kiến nghị, nhà nước bao cấp một phần như nơi ở, thuốc men nhưng cũng cần tính tới việc thu phí đối với các đối tượng có điều kiện và có nhu cầu sử dụng dịch vụ tốt hơn. Số tiền thu được tiếp tục dùng để lo cho đối tượng khó khăn hơn.
“Tôi biết rất nhiều người ở nước ngoài về rất có điều kiện và có nguyện vọng chia sẻ với nhà nước. Nếu có dịch vụ tốt hơn, họ sẵn sàng bỏ tiền, miễn sao chúng ta phải đưa ra được giải pháp và bảo đảm an toàn cũng như tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch và cách ly y tế bắt buộc”, ông Long nói.


Suất ăn đang được chuẩn bị ở một cơ sở cách ly. Ảnh Hà Mai

Trao đổi với Thanh Niên, anh N.S.H (Ba Đình, Hà Nội) có con gái vừa từ Hà Lan về nước được cách ly tại Trung đoàn 508 tại Quốc Oai, Hà Nội, cho biết, mọi thứ trong khu cách ly rất tốt, được phục vụ chu đáo từ nước uống, bánh mì… “Tuy nhiên, nếu có những dịch vụ tốt hơn, suất ăn ngon hơn mà đảm bảo an toàn tôi cũng sẵn sàng trả tiền. Theo tôi, tùy theo điều kiện và nguyện vọng của từng người. Nhà nước có thể bao cấp một phần chi phí cơ bản và người dân trả một phần, cùng chia sẻ để vượt qua khó khăn.”, anh N.S.H chia sẻ.
Anh K.B.T đang cách ly tại nhà theo diện F2 tại khu vực Ba Đình cũng cho biết, mỗi ngày gia đình được chính quyền phường cung cấp thực phẩm và theo dõi, giám sát về sức khoẻ. “Nói chung mọi thứ cũng rất ổn, tuy nhiên nếu có thay đổi chính sách, cung cấp thêm phần dịch vụ với các chế độ ăn, uống tốt hơn thì người dân vẫn sẵn sàng. Phần nào ra phần đó, bao cấp riêng mà ai muốn tốt hơn thì trả thêm, không vấn đề gì cả”, anh K.B.T nói.

Nên dùng khách sạn, resort để cách ly?
Theo các chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế, chuyên gia... đến Việt Nam, thậm chí người có thu nhập cao nếu không muốn sử dụng cơ sở cách ly của Nhà nước, có thể chọn hình thức cách ly có thu phí do một số khách sạn cung cấp. Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch cũng cho biết, đến nay có 104 cơ sở khách sạn trong cả nước sẵn sàng tham gia hình thức này và chỉ chờ hướng dẫn thủ tục, qui trình để thực hiện.


Nhiều khách sạn 5 sao tại Hà Nội đang ế ẩm vì Covid-19. Ảnh Lê Quân

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico ủng hộ chủ trương này và đề xuất nên tách riêng phần bao cấp và dịch vụ. “Nếu trong doanh trại quân đội thì tất nhiên không ai thu tiền cả, nhưng nếu ở trường học, trung tâm như Hà Nội vừa lập thì tiền điện, nước và dịch vụ như thế nào. Trường tư nhân, trường quốc tế, khách sạn thì sao”, ông Đức đặt câu hỏi.
Vẫn theo luật sư Trương Thanh Đức, cần phải có một cơ chế rõ ràng, minh bạch và thoáng hơn vì hiện tại mỗi nơi áp dụng một kiểu, rất không rõ ràng, việc cách ly cũng đang tỏ ra lúng túng.
“Ngày mai, một cậu em ruột của tôi từ Mỹ về, tôi không biết được đưa đi cách ly ở đâu. Một chỗ ở trong doanh trại hay trường học, khách sạn”, ông Đức nói và cho rằng, không nhất thiết phải bao cấp toàn bộ. Doanh trại quân đội thì không thu tiền ở, tiền thuốc men, ăn uống ở chế độ cơ bản. Còn chỗ khác như khách sạn, resort vẫn có những khoản nhà nước đảm bảo lo cho người dân, nhưng với người giàu, khách nước ngoài, chuyên gia... thì nên tính toán để đáp ứng nhu cầu.
“Giá phòng 1 - 1,5 triệu đồng, người ta có tiền, có nhu cầu thì họ đăng ký hình thức cách ly. Thay vì cách ly 4 - 10 người thì họ ở một phòng còn an toàn hơn, lại giải cứu được các cơ sở lưu trú ế ấm. Việc này, theo tôi nằm ở quan điểm của lãnh đạo địa phương, nếu quyết liệt thì chỉ một cuộc họp là xong thôi. Miễn sao khâu tổ chức cách ly đảm bảo an toàn”, ông Đức đề nghị.

(Theo Thanh Niên) Anh Vũ


Chính sách không nên cao bằng. Chỉ nên chi phí cơ bản cho người Việt chấp hành cách li, người không chấp hành, phải cưỡng chế phải tự túc chi phí. Khách nước ngoài nên thu một mức nhất định (có thể giảm % chứ không nên bao cấp). Chính sách ưu đãi quá sẽ kéo người các nước đổ về VN tránh bệnh, gây quá tải và nguy cơ lây nhiễm rộng cho cộng đồng.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét