10,4 triệu
USD được 'rửa' như thế nào trước sức ép của Trần Bắc Hà?
Cập nhật lúc 14:36
Nhờ người đứng tên hàng loạt công ty, chuyển hàng triệu USD lòng vòng từ công ty nọ sang công ty kia rồi "đáp" góp vốn tại LaoVietBank, hành vi này của Trần Duy Tùng bị cơ quan chức năng kết luận có dấu hiệu của tội rửa tiền.
Một khu chăn nuôi của dự án Bình Hà xuống cấp - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Ông Trần Duy Tùng chính là con trai ông Trần
Bắc Hà và BIDV là
cổ đông chi phối 65% vốn điều lệ của LaoVietBank. Kết luận điều tra nêu
"trên cương vị là chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà đã tạo điều kiện
cho con trai góp vốn vào ngân hàng này".
Sức ép từ chủ tịch HĐQT BIDV
Cụ thể, năm 2014, Công ty SHH Viên Chăn được Trần Anh Quang (cháu ông
Hà, bị can trong vụ án) thành lập. Công ty có trụ sở tại Lào nhưng không hoạt
động, không đăng ký mã số thuế, không kê khai nộp thuế. Các cơ quan chức năng
hiện không biết công ty ở đâu.
Để SHH Viên Chăn được góp vốn vào LaoVietBank, năm 2013 ông Trần Bắc
Hà đã ký công văn gửi thủ tướng Chính phủ Lào đề xuất sự cần thiết phải tăng
vốn điều lệ, đồng thời cần mời một số cổ đông có năng lực tài chính tham gia
tại thị trường Lào.
Sau đó ông Hà tiếp tục ký công văn gửi thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam về việc tăng vốn điều lệ cho LaoVietBank, cho phép BIDV góp bổ sung
vào LaoVietBank 19,5 triệu USD (tương đương 410 tỉ đồng). Tiếp đó ông Hà
nhiều lần ký văn bản gửi thủ tướng Lào đề xuất Chính phủ Lào giao BIDV lựa
chọn cổ đông mới tham gia đầu tư vào ngân hàng này.
Ông
Trần Duy Tùng - Ảnh: TTO
Năm 2014, ông Hà lại ký công văn gửi bộ trưởng Bộ Tài chính Lào cho
triển khai 3 dự án được BIDV tài trợ tại Lào. Để việc góp vốn vào LaoVietBank
được diễn ra thuận lợi, ông Hà chủ động đề xuất hàng loạt phương án: giá
chuyển nhượng cho cổ đông mới không quá 1,3 lần mệnh giá được LaoVietBank báo
cáo tài chính; không được thuê đơn vị định giá độc lập để xác định giá trị
doanh nghiệp. Trường hợp cơ quan nhà nước xác định lại giá trị chuyển nhượng,
nếu giá trị kiểm định thấp hơn mệnh giá thị trường thì cơ quan nhà nước chịu
trách nhiệm xử lý.
Ngoài ra rất nhiều lần ông Trần Bắc Hà có văn bản gửi tổng giám đốc
Ngân hàng Ngoại thương Lào Đại chúng với nội dung BIDV đang hỗ trợ mức vốn
khoảng 200 triệu USD để LaoVietBank kinh doanh với lãi suất 3%/năm; nếu tính
toán minh bạch và sòng phẳng thì giá trị thực của LaoVietBank còn rất thấp do
nợ xấu...
Đến năm 2015, LaoVietBank chấp thuận cho SHH Viên Chăn góp 10% vốn
điều lệ tương đương 10,4 triệu USD. Tuy nhiên công ty này không trực tiếp nộp
tiền góp vốn mà thông qua Công ty Outhid Houng Heung (do Trần Anh Quang thành
lập). Kết quả điều tra cho thấy 100% tiền vốn góp của SHH Viên Chăn vào
LaoVietBank là của Trần Duy Tùng. Từ khi góp vốn vào LaoVietBank, SHH Viên
Chăn đã được chia cổ tức 3 lần với tổng số tiền 2,3 triệu USD. Số tiền này
được chuyển cho Tùng sử dụng.
Thành lập hàng loạt công ty "ma"
Cho đến nay nguồn gốc số tiền 10,4 triệu USD của Trần Duy Tùng góp vốn
vào LaoVietBank vẫn là ẩn số. Để hợp thức hóa các khoản tiền tại Lào, ông
Trần Bắc Hà cùng con trai và người thân đã mượn pháp nhân thành lập hàng loạt
công ty "ma" đặt trụ sở tại Lào nhưng không hề hoạt động.
Cụ thể, năm 2016, Trần Anh Quang đã thành lập Công ty TNHH MTV phát
triển nông nghiệp Souk Houng Hueng với vốn điều lệ 2 triệu USD, trụ sở đặt
tại Savannakhet. Em rể ông Hà là Nguyễn Duy Thạnh cũng thành lập công ty có
trụ sở tại Champasak với vốn điều lệ 5 triệu USD. Tài sản của các công ty này
tại Lào hiện đã bị phong tỏa. Cơ quan chức năng xác định đây là tài sản của
ông Trần Bắc Hà, khoảng 300 tỉ đồng.
Trước đó, Trần Anh Quang cũng thành lập Tập đoàn An Phú rồi ký quyết
định thành lập pháp nhân liên doanh là Công ty TNHH Souk Houk Heung tại Lào
với vốn đầu tư 600 tỉ đồng. Sau đó, Quang tiếp tục ký bản đề nghị cấp giấy
chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và giải trình về dự án đầu tư ra nước ngoài
gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư. Bộ Kế hoạch và đầu tư đã ký giấy chứng nhận cho
phép Tập đoàn An Phú được đầu tư ra nước ngoài.
Kết quả điều tra cho thấy Tập đoàn An Phú thực chất do Trần Duy Tùng
nhờ Trần Anh Quang đứng tên tham gia góp vốn. Mục đích để tập đoàn này chuyển
tiền lòng vòng qua Lào rồi chuyển qua các công ty do Bắc Hà và người thân
thành lập để góp vốn vào LaoVietBank. Cơ quan điều tra xác định việc Tập đoàn
An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là để hợp thức hóa và che
giấu hành vi đầu tư ra nước ngoài trái phép của Trần Duy Tùng và người thân.
Đồng thời để hợp thức hóa số tiền 10,4 triệu USD tiền mặt gửi trái
phép qua Lào, nộp tiết kiệm vào LaoVietBank năm 2013, rồi lại dùng để góp vốn
vào LaoVietBank thông qua các công ty khác.
Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh hiện đã bỏ trốn nên chưa thể ghi lời
khai làm rõ số tiền này. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách vụ án
để điều tra, xử lý sau. Theo cơ quan điều tra, nếu có đủ thông tin, tài liệu
để xác định Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh vận chuyển trái phép 10,4 triệu
USD tiền mặt qua biên giới thì các cá nhân này đã vi phạm quy định về tội
"vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới". Nếu số tiền
10,4 triệu USD do phạm tội hoặc thu lợi bất chính mà có thì hành vi của các
bị can có dấu hiệu của tội rửa tiền.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an, Viện KSND thủ đô Vientiane đã có
văn bản phong tỏa ngăn chặn giao dịch 10% vốn góp của Công ty SHH Viên Chăn
tại LaoVietBank để chờ phán quyết của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.
Liên quan đến sai phạm của Trần Bắc Hà và dàn lãnh đạo BIDV bị khởi
tố, cơ quan điều tra xác định còn 33 cán bộ khác của BIDV có sai phạm nhất
định. Trong đó có nhiều cá nhân đang là lãnh đạo chủ chốt của BIDV hội sở
chính và BIDV chi nhánh Hà thành.
Ngân hàng
Nhà nước đã 2 lần có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND tối cao
xác định BIDV là một trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước có tầm ảnh hưởng
quan trọng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Vì vậy đề nghị cân nhắc
trong việc xử lý sai phạm liên quan đến BIDV. Xét các cá nhân sai phạm nhưng
chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời để đảm bảo hoạt động ổn
định của BIDV, cơ quan điều tra không xem xét xử lý đối với 33 cá nhân nêu
trên mà chuyển Ngân hàng Nhà nước xử lý.
(Theo Tuổi trẻ) TÂM LỤA - HOÀNG ĐIỆP
Đa số các tên tội phạm nhiều tiền
đều biết trước mình sẽ bị cơ quan điều tra bắt giữ và đi trước một bước! Cứ
như thể chúng nắm rõ tiến độ điều tra! Xem ra các cơ quan điều tra, tố tụng
của ta còn “non”!
Thương Giang
|
Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét