Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Kiểm soát dòng công đức: Chống rửa tiền, buôn thần bán thánh

Cập nhật lúc 14:10    

Việc đưa ra quy định hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức được đánh giá là cần thiết và mang lại sự tin tưởng cho người dân.  

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư hướng dẫn việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và lễ hội.
Theo dự thảo thông tư, đối với các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ bằng tiền, Bộ Tài chính đề nghị các tổ chức, cá nhân công đức trực tiếp hoặc chuyển khoản.
Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích phải mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận khoản công đức được chuyển khoản và phải ghi chép đầy đủ, chính xác toàn bộ số tiền được công đức.
Riêng với các khoản công đức bằng hiện vật như kim cương, đá quý, kim loại quý hoặc hiện vật có giá trị khác, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích phải bán cho ngân hàng thương mại hoặc tổ chức đấu giá. Số tiền thu được được ghi nhận như đối với khoản công đức bằng tiền.
Ngoài ra, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích có thể tiếp nhận tài trợ các hiện vật khác như công trình xây dựng cơ bản, thiết bị, máy móc; đất đai… hay các khoản phi vật chất như ngày công lao động đều phải ghi vào sổ công đức.
Trao đổi với Đất Việt, LS Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho hay, từ trước đến nay, việc quản lý, thu chi tiền công đức luôn được coi là một vấn đề khó và nhạy cảm khi nhiều cơ sở tín ngưỡng chưa công khai tiền công đức.
Bộ Tài chính đưa ra các quy định hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức là hoàn toàn cần thiết, đảm bảo công khai, minh bạch tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng.
Phân tích cụ thể, LS Trương Xuân Tám cho hay, trước đây, khi điều kiện kinh tế còn eo hẹp, tiền công đức thường ít. Khi kinh tế ngày càng phát triển, người dân có điều kiện dồi dào thì "phú quý sinh lễ nghĩa", công đức rất nhiều cho các cơ sở tín ngưỡng, thậm chí có người công đức hàng chục tỷ đồng để xây chùa, nhà thờ.
Tuy nhiên, thói tham, sân, si, vụ lợi cá nhân ở chỗ nào cũng có, các cơ sở tín ngưỡng có thể ít hơn nhưng không loại trừ có hiện tượng méo mó, lấy công đức làm của riêng, tác động xấu đến niềm tin tín ngưỡng.


Nguồn tiền ở các đền, chùa cần phải công khai, minh bạch và có cơ chế kiểm soát. Ảnh: Lao động

"Hiện nay, có những tiếng nói cho rằng đã có biểu hiện (dù không phổ biến) lợi dụng tín ngưỡng để kinh doanh. Có những ngôi chùa qua một mùa lễ hội tiền công đức lên đến hàng chục tỷ đồng, đền chùa lớn càng khó biết, đầu ra đầu vào của một chu trình quản lý tài chính đều không có con số chính xác, cụ thể, việc chia sẻ lợi ích như thế nào không ai biết và không ai kiểm soát. 
Nếu có vị nào đó phạm giới, lấy công đức cho riêng mình, sử dụng không đúng mục đích, mong muốn của người dân khi đóng góp, đem tiền công đức gửi ngân hàng dưới tên người khác chẳng hạn, cũng không ai biết", LS Trương Xuân Tám nói.
Bởi vậy, vị luật sư cho rằng, việc đưa ra cơ chế kiểm soát sẽ giúp minh bạch, lành mạnh hóa việc quản lý tiền công đức, đặc biệt hạn chế được hiện tượng buôn thần bán thánh, núp bóng tâm linh, tín ngưỡng để kinh doanh, đồng thời tăng niềm tin cho người dân rằng số tiền họ công đức sẽ được sử dụng đúng mục đích.
"Theo quy định của pháp luật, hoạt động kinh doanh trên mạng phải đóng thuế, đến thu nhập từ nhận quà tặng cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân 10%. Vậy nên, đã từng có ý kiến thu thuế đối với cơ sở thờ tự khi nhận tiền công đức.Tuy nhiên, tôi cho rằng chưa nên áp dụng biện pháp này. 
Yêu cầu mở tài khoản ở ngân hàng hay Kho bạc Nhà nước cũng sẽ giúp theo dõi, kiểm soát được dòng tiền ra vào tại các cơ sở tín ngưỡng. Việt Nam đã có Luật phòng chống rửa tiền, nếu dự thảo thông tư hướng dẫn được chấp thuận, sẽ hạn chế được một kênh rửa tiền nữa", Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá.
Riêng đối với quy định về các khoản công đức bằng hiện vật như kim cương, đá quý, kim loại quý hoặc hiện vật có giá trị khác, LS Trương Xuân Tám ủng hộ đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích phải bán cho ngân hàng thương mại hoặc tổ chức đấu giá.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, có những thứ không thể bán, như tượng Phật bằng vàng, ngọc bích.
"Đó là tâm linh nên không nhất thiết phải bán mà vẫn nên để cơ sở tín ngưỡng giữ lại và quản lý. Chỉ có hiện vật có tính dự trữ, thay thế phương tiện thanh toán bằng tiền mới phải bán", vị luật sư góp ý.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét