Nhiều nước muốn mua bộ test kit
Covid-19: Cơ hội mới
Cập
nhật
lúc 16:44
Đối phó với rủi ro
dịch bệnh và có cơ hội để kinh doanh là thành công rất lớn của doanh nghiệp
sản xuất test kit Covid-19 Việt Nam.
Một tin vui cho ngành y tế Việt Nam là
bộ test kit xét nghiệm Covid-19 nhận được nhiều đơn hàng từ nước ngòai. Nhà
sản xuất sản phẩm này cho biết, trong tuần này sẽ gửi lô hàng đầu tiên đi 4
quốc gia, gồm Ukraina, Phần Lan, Iran và Malaysia. Ngoài ra, còn có 20 quốc
gia đặt hàng sản phẩm này, trong đó có nhiều nước châu Âu như Thuỵ Điển, Phần
Lan, Ba Lan, Đức, Ý...
Đánh giá từ góc độ kinh doanh, PGS Vũ
Trí Dũng (Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp Việt đã
rất nhạy bén, nắm bắt được thời cơ.
Vị PGS phân tích, trong quản trị kinh
doanh, khó tránh những tác động rủi ro. Tuy nhiên, có ba yếu tố nếu doanh
nghiệp biết tận dụng sẽ có khả năng biến rủi ro thành cơ hội. Cụ thể, một là
nhận định rủi ro và tư duy biến rủi ro thành cơ hội. Thứ hai, để tận dụng
được cơ hội phải có tầm nhìn, kịp thời nắm bắt. Thứ ba là khả năng hiện thực
hóa cơ hội đó bằng việc sử dụng nguồn lực con người, tiền bạc, công nghệ và
đặc biệt là ứng dụng quản lý giúp chi phí giảm đi.
Ở trường hợp này, dịch bệnh bùng phát,
lây lan mạnh chính là rủi ro không doanh nghiệp nào mong muốn. Điều quan
trọng là doanh nghiệp đã biết tận dụng, kịp thời tung ra được sản phẩm phù
hợp với nhu cầu của thị trường.
Cụ thể ở đây là bộ test kit, một sản
phẩm đã đáp ứng được nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh rất cao ngay tại thời điểm
đang khủng hoảng. Sản phẩm được tung ra thị trường trong thời gian ngắn, đáp
ứng yêu cầu về chất lượng, thời gian cho kết quả và đặc biệt là giá thành lại
rẻ hơn khoảng một nửa.
Về tương lai phát triển, vị PGS cho
biết, trong bối cảnh dịch bệnh đang bức xúc, cần tính tới việc đẩy mạnh xuất
khẩu để tranh thủ thời cơ.
Tuy nhiên, cần tính tới phương án liên
doanh với nước thứ hai, phối hợp sản xuất tại các quốc gia đang cần, tránh bị
mất bản quyền, ăn cắp công nghệ.
Ông lấy ví dụ, nếu Trung Quốc cần,
doanh nghiệp Việt có thể sang Trung Quốc tìm đối tác liên doanh hoặc nhượng
quyền sáng chế nhằm chống bắt trước, giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành
cho sản phẩm mà vẫn bảo đảm được việc lưu hành cho sản phẩm trên thị trường quốc
tế.
Nhìn rộng hơn với các doanh nghiệp, các
lĩnh vực kinh doanh khác trong nước, PGS Vũ Trí Dũng nhận định, hoạt động
kinh tế luôn có chu kỳ tăng trưởng, bão hòa, giảm sút... Ở thời điểm này nền
kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo đó, nhu cầu sử dụng hàng hóa, tiêu dùng đều có xu hướng giảm.
Riêng các mặt hàng cơ bản, thiết yếu, y
tế, sức khỏe vẫn có nhu cầu tăng cao. Do đó, để tồn tại thậm chí có thể tận
dụng tốt cơ hội để phát triển được thì các doanh nghiệp Việt phải nắm bắt
được chu kỳ vận động của nền kinh tế, đánh giá cụ thể tác động của khủng
hoảng tới tài chính, sản xuất, từ đó nhận biết xu hướng của khủng hoảng để
kịp thời nắm bắt cơ hội, biến rủi ro thành cơ hội kinh doanh. Xu hướng chung
trong khủng hoảng dịch bệnh là hướng đến những sản phẩm thiết yếu, những sản
phẩm phục vụ sức khỏe.
"Muốn nắm bắt được cơ hội, các
doanh nghiệp phải nhanh nhạy, nhạy bén, phải có hành động đi trước. Cơ hội
tồn tại giữa rủi ro dịch bệnh thường không kéo dài, nếu chậm chân, đi sau sẽ
bị "bỏng chân", vì thế, muốn sống tốt, sống khỏe, hòa đồng được với
thế giới thì doanh nghiệp phải nhanh", PGS Vũ Trí Dũng nhấn mạnh.
Có thể tự hào
Không chỉ có sản xuất test kit phát
hiện Covid-19, các đơn vị bắt tay nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng, chống
Covid-19 cũng cho ra những kết quả bước đầu. Mặc dù các bước đi còn chậm
hơn so với một số nước như Mỹ, Trung Quốc (đang thử nghiệm trên người) nhưng
với nền tảng kinh nghiệm và những thành tựu trong sản xuất vắc xin, chúng ta
hoàn toàn có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ có được vắc xin trong thời gian tới.
Chia sẻ thêm, TS Nguyễn Đăng Hiền, Giám
đốc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế khẳng định,
nghiên cứu vắc xin phòng dịch Covid- 19 đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài.
Tuy nhiên, với việc đã sản xuất được 13 loại vắc xin, và có 12 vắc xin đã
được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, ngoài ra còn một số vắc
xin đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm lâm sàng, Việt
Nam có thể tự hào và kỳ vọng ngành công nghiệp sản xuất vắc xin sẽ là thế
mạnh trong nền y học dự phòng của Việt Nam.
Nếu sản xuất thành công vắc xin phòng,
ngừa Covid-19 thì ngoài việc đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước, giúp
chủ động trong phòng chống dịch bệnh cũng sẽ mở ra cơ hội lớn hơn cho ngành
công nghiệp sản xuất vắc xin của Việt Nam.
Nhận định về việc này, GS.TS Lê Vũ Anh
– Chủ tịch Hội Y tế công cộng cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, y tế
cũng như những lĩnh vực sản xuất khác, ngoài mục đích tồn tại, phục vụ nhu
cầu trong nước thì y tế Việt Nam cũng đặt mục tiêu phát triển, tiến tới xuất
khẩu, cạnh tranh với các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới.
Về ý nghĩa nhân đạo, các sản phẩm y tế
có sớm, chất lượng tốt sẽ giúp công tác phòng, chống bệnh tật sớm được
kiểm soát. Về khía cạnh kinh tế, sản phẩm có sớm, chất lượng tốt, giá thành
phù hợp sẽ có giá trị thương mại. Vòng tiền quay lại phục vụ cho công
tác điều hành quản lý, mua sắm trang thiết bị, đầu tư cho kỹ thuật
tốt hơn để có điều kiện sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn nữa.
"Như vậy, muốn cạnh tranh và tham
gia được vào thị trường thế giới thì, sản xuất vắc xin, cũng như thiết bị y
tế, hay các loại thuốc phòng, chữa bệnh ngoài yêu cầu về chất lượng, giá
thành còn phải chạy đua về tốc độ", vị chuyên gia nói.
Lấy ví dụ từ việc sản xuất bộ test kit
Covid-19, vị GS cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đặt hàng do doanh
nghiệp Việt Nam sản xuất là vì doanh nghiệp đã biết nắm bắt thời cơ, tận dụng
và phát huy năng lực của mình để tung ra thị trường một sản phẩm kit chất
lượng, tiết kiệm chỉ trong thời gian rất ngắn.
Mặc dù hiện tại trên thị trường cũng có
sản phẩm test kit của Hàn Quốc nhưng vì sản phẩm của Việt Nam có chất lượng
tương đương, giá thành rẻ, lại được tung ra thị trường đúng thời điểm nóng
nên sản phẩm của Việt Nam vẫn được nhiều nước ưu tiên đặt hàng.
Trong sản xuất vắc xin cũng vậy. Không
thể đòi hỏi có được một sản phẩm vắc xin nhanh như sản xuất test kit nhưng rõ
ràng muốn cạnh tranh được với sản phẩm của nước khác thì cần phải nhanh hơn,
tốt hơn và giá thành phải rẻ hơn, các nước mới chọn.
Rõ ràng, khi đã tham gia được vào thị
trường thế giới, cơ hội sẽ mở ra cho các sản phẩm y tế của Việt Nam, qua đó
cũng sẽ chứng minh được vị thế của Việt Nam trên bản đồ y tế thế giới.
(Theo Đất Việt) Hoài An
|
Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét