Tỉ giá USD/VNĐ biến động mạnh
Cập nhật lúc 09:37
Cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn ổn định nhưng cơ
quan quản lý cũng cần cẩn trọng ứng phó
Theo các chuyên gia kinh tế, giá USD trên thị trường tăng mạnh chủ yếu
do ảnh hưởng từ sự lên giá của đồng USD quốc tế, yếu tố tâm lý và tác động từ
dịch Covid-19.
Giá USD trên thế giới tăng cao
Đóng cửa tuần giao dịch, giá USD ở các ngân hàng (NH) thương mại
được giao dịch quanh mức 23.370 đồng/USD mua vào, 23.530 đồng/USD bán ra. Chỉ
trong khoảng 1 tuần, giá USD ở NH thương mại đã tăng 240 đồng/USD, tương
đương 1,03%. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD trong NH tăng hơn 1,29%. Trên
thị trường tự do, giá USD đã chạm mốc 23.730 đồng/USD mua vào, 23.850
đồng/USD bán ra. Tỉ giá trung tâm cũng được NH Nhà nước điều chỉnh tăng
khoảng 0,44% so với hồi đầu năm. Đây là đợt biến động mạnh nhất của tỉ giá
USD/VNĐ từ đầu năm đến nay so với sự ổn định của tỉ giá trong năm ngoái.
Theo đại
diện nhiều NH thương mại và chuyên gia kinh tế, sự biến động của tỉ giá những
ngày qua ở thị trường trong nước, chủ yếu do ảnh hưởng từ đà tăng cao của giá
USD quốc tế. TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM), chỉ ra rằng chỉ
số đồng USD trên thị trường quốc tế trong vòng 2 tuần qua từ mức hơn 95 điểm
đã vọt lên gần 102 điểm trước khi đóng cửa vào cuối tuần rồi, tương đương mức
tăng trên 7%. Tính ra, VNĐ so với USD chỉ tăng khoảng 1,3% và thấp hơn nhiều
mức tăng của USD so với các loại ngoại tệ mạnh khác. Lãnh đạo phụ trách ngoại
hối một NH cổ phần tại TP HCM cho biết cung cầu ngoại tệ ở NH của ông và nhiều
NH khác những ngày qua khá ổn định, không có đột biến. Tỉ giá tăng chủ yếu do
ảnh hưởng từ tâm lý thị trường và sự lên giá của đồng USD quốc tế.
Theo số liệu
mới nhất của Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong tháng 2-2020, cán cân
thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 2,28 tỉ USD và tính chung 2 tháng đầu
năm thặng dư 1,82 tỉ USD. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng - NH TMCP
Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết tính đến giữa tháng 3-2020,
cán cân thương mại cả nước vẫn thặng dư; dù giải ngân vốn FDI giảm nhẹ so với
cùng kỳ nhưng cơ bản quan hệ cung cầu ngoại tệ vẫn ổn. Vì vậy, giá USD tăng
do yếu tố tâm lý bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà đầu
tư thường tìm đến các tài sản an toàn hơn. Nhìn trên thị trường tài chính
quốc tế sẽ thấy rõ điều này. Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa lãi suất
cơ bản giảm về 0%-0,25% và cam kết chi cả ngàn tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế,
nhiều nước cũng cam kết bơm gói kích cầu... nhưng thị trường các loại hàng
hóa như chứng khoán, vàng, dầu mỏ đều rớt giá mạnh. "Trong bối cảnh nỗi
lo về dịch bệnh lớn dần thì nhà đầu tư không xem trái phiếu chính phủ Mỹ,
đồng yen Nhật, vàng... là kênh trú ẩn mà đồng USD mới là kênh an toàn. Họ
cũng chưa kỳ vọng vào những gói kích cầu nền kinh tế. Điều này góp phần làm
đồng USD tăng giá mạnh mẽ" - TS Bùi Quang Tín nhận xét.
Theo dõi chặt để ứng phó Các chuyên gia kinh tế dự báo tỉ giá chỉ tăng trong ngắn hạn. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoặc có vắc-xin phòng dịch Covid-19 thì niềm tin của người dân, nhà đầu tư ở các quốc gia sẽ trở lại; thị trường chứng khoán, vàng, dầu có thể hồi phục và đồng USD không còn là kênh trú ẩn được ưu tiên hàng đầu. Tại Việt Nam, yêu cầu đặt ra từ đầu năm là tỉ giá biến động trong khoảng 1%-2% cho cả năm, mức tăng của tỉ giá USD/VNĐ những ngày qua vẫn trong tầm kiểm soát của NH Nhà nước. Ở thị trường trong nước, dù tỉ giá biến động nhưng chưa có tình trạng người dân chuyển sang mua vàng hay USD dự trữ như giai đoạn năm 2006-2012, cho thấy niềm tin vào VNĐ và việc kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ là rất tốt. Chưa kể, các chính sách kiểm soát thị trường ngoại hối đã phát huy tác dụng thời gian qua, khiến nhà đầu tư không có nhiều cơ hội đầu cơ USD, vàng... "Tỉ giá năm nay sẽ khá phức tạp. Cung cầu ngoại tệ trong nước hiện tại vẫn ổn nhưng NH Nhà nước cần cẩn trọng hơn và mức tăng tỉ giá cả năm trong biên độ từ 1%-2% là chấp nhận được" - TS Cấn Văn Lực nói.
Trao đổi với
Báo Người Lao Động chiều 22-3, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà
nước Chi nhánh TP HCM, cho biết đến thời điểm hiện tại, cung cầu ngoại tệ tại
các NH thương mại trên địa bàn vẫn bình thường. Các NH cam kết đủ ngoại tệ
cho nền kinh tế và nhu cầu chính đáng của người dân, thanh khoản ngoại tệ ở
các NH không có sự đột biến. "Giá USD tăng những ngày qua có thể do thị
trường lo ngại việc các nước đóng cửa biên giới để phòng tránh dịch bệnh,
hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khó khăn hơn khiến nguồn thu ngoại tệ giảm.
NH Nhà nước Chi nhánh TP sẽ tiếp tục theo dõi chặt diễn biến thị trường để có
giải pháp kiến nghị, ứng phó phù hợp" - ông Minh nói.
Trước đó,
ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NH Nhà nước, cũng khẳng
định với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động trong
những năm qua, NH Nhà nước điều hành ổn định lãi suất và tỉ giá, sẵn sàng bán
ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm bảo đảm thị trường tiền tệ, ngoại tệ
hoạt động thông suốt.
Lo ngại tình trạng gom USD để nhập vàng nguyên liệu Trước diễn biến giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh những ngày qua, nhiều ý kiến lo ngại có tình trạng gom USD nhập vàng nguyên liệu qua đường biên mậu, nhất là trong bối cảnh giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại trên 2 triệu đồng/lượng. Theo một số chuyên gia phân tích, tình trạng này có thể xảy ra nhưng không nhiều bởi trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, việc xuất nhập cảnh ở biên giới bị kiểm soát chặt chẽ.
(Theo Người Lao Động) THÁI PHƯƠNG
|
Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét