Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Rắp tâm lấn chiếm bờ sông Sài Gòn: Dùng thỏa thuận để "lách"

Cập nhật lúc 16:14     

Trong 116 lô đất có 76 công trình đã xây dựng gây ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ sông Sài Gòn phần lớn chủ đầu tư "lách" thông qua việc thỏa thuận bằng văn bản với các cơ quan liên quan

Theo tài liệu thu thập được, có không ít dự án xây sau thời điểm Quyết định 150 ngày 9-6-2004 của UBND TP (Quyết định 150 - có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký) có hiệu lực nhưng vẫn tiến hành xây dựng theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã có trước đó. Đặc biệt, có dự án quy hoạch chi tiết được duyệt năm 2005 nhưng vẫn "làm lơ" quy định về hành lang an toàn sông Sài Gòn.
Bất ngờ tiểu sử dự án
Cụ thể, dự án của Công ty Liên doanh TNHH Sài Gòn Riviera có 1 công trình nhà phụ trợ vi phạm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 3-9-2004, UBND TP mới có Quyết định số 4353. Ngày 27-6-2005, Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) có Văn bản số 1626 thỏa thuận quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Hành lang bảo vệ sông, rạch theo quy hoạch 1/500 được phê duyệt là 20 m. Điều này đồng nghĩa với việc dự án được xây dựng sau thời điểm quyết định có hiệu lực nhưng lại "quên" hành lang an toàn phải là 50 m.
Tương tự, dự án của Công đoàn Công ty Thép Miền Nam (khu 3) có khoảng 5 công trình tạm vi phạm, xây dựng sau năm 2004. Dự án được UBND TP giao, thuê đất theo Quyết định 4206 ngày 12-7-2001; Kiến trúc sư trưởng TP có Công văn số 3252 điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 ngày 27-6-2005 với hành lang bảo vệ sông Sài Gòn theo quy hoạch 1/500 được phê duyệt là 10 m, trong khi lẽ ra theo quy định là 50 m.
 [ĐIỀU TRA] Rắp tâm lấn chiếm bờ sông Sài Gòn: Dùng thỏa thuận để lách - Ảnh 1.
Một trong những đoạn bờ sông Sài Gòn bị biến thành của riêng Ảnh: LÊ PHONG
Dự án của Công ty TNHH Xây dựng Bảo Tiến có khoảng 11 lô đất, trong đó có 11 công trình nhà ở vi phạm. Dự án được Chính phủ giao, thuê đất theo Quyết định số 589 ngày 3-12-1993; Kiến trúc sư trưởng TP có Công văn số 10836 điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 2-11-2000 với hành lang bảo vệ sông Sài Gòn được phê duyệt là 26 m. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu không có công trình xây dựng sau năm 2004 nhưng vẫn áp quy hoạch cũ, trong khi theo Quyết định 150 thì hành lang phải là 50 m.
Dự án của Công ty TNHH Xây dựng Thế Minh có 17 lô (trong đó có 7 công trình nhà ở) vi phạm. Dự án được Chính phủ giao, thuê đất theo Quyết định 586 ngày 12-3-1993; hành lang bảo vệ sông, rạch theo quy hoạch 1/500 được phê duyệt là 15 m. Tương tự dự án của Công ty Bảo Tiến, dự án này cũng xây dựng sau năm 2004 nhưng vẫn áp sử dụng hành lang an toàn sông Sài Gòn theo quy hoạch chi tiết được duyệt trước đó.
Dự án của Công ty TNHH Văn Minh có 11 lô đất theo quy hoạch (trong đó có 9 công trình nhà ở) vi phạm. Dự án được UBND TP giao, thuê đất theo Quyết định 188 ngày 13-1-2003; hành lang bảo vệ sông, rạch theo quy hoạch 1/500 được phê duyệt là 10 m. Cũng như các dự án trên, dự án này có các công trình xây dựng sau năm 2004 nhưng không áp dụng Quyết định 150 với hành lang được quy định là 50 m.
Dự án của Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận có 9 lô đất vi phạm. Dự án này được giao đất tháng 12-2004 nhưng khi xây dựng vẫn dựa theo quy hoạch chi tiết cũ với ranh an toàn sông sài Gòn chỉ 20 m. Ở dự án này, Quyết định 150 quy định ranh an toàn sông Sài Gòn là 50 m. Còn dự án của Công ty TNHH TM-DV Chiến Thắng có khoảng 17 lô đất (trong đó có 17 công trình nhà ở) vi phạm. Dự án này dù xây dựng trước năm 2004 nhưng các công trình xây dựng không theo quy hoạch được phê duyệt.
"Để hài hòa lợi ích"
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ Công ty Liên doanh TNHH Sài Gòn Riviera được giao đất sau khi Quyết định 150 có hiệu lực nhưng vẫn không áp dụng hành lang theo quyết định này là do công ty này đã ký văn bản thỏa thuận với Sở Giao thông Công chánh TP (nay là Sở GTVT) về việc xây dựng bờ kè đổi lại có 6 công trình cách sông từ 10-20 m.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận nhờ ký văn bản thỏa thuận với Chi cục Đường sông phía Nam nên đã xây 7 công trình trên 9 lô đất cách sông 20 m. Công ty TNHH TM-DV Chiến Thắng, Công ty TNHH Xây dựng Bảo Tiến, Công ty TNHH Văn Minh, Công ty CP Eden, Công ty CP Xây dựng Kim Sơn, Công đoàn Công ty Thép Miền Nam… cũng có ký thỏa thuận với Sở GTVT TP.
Phản hồi về những thông tin Báo Người Lao Động nêu, trưa 24-4, đại diện Sở QH-KT TP thừa nhận trong công tác quản lý đã thiếu đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực. Từ đó xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích tư nhân, xây dựng bến neo đậu ca-nô, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê… còn phổ biến. Đặc biệt, những nơi có mật độ đô thị hóa cao như quận Thủ Đức, quận 2, quận Bình Thạnh vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Vì sao có 116 lô đất vi phạm chỉ giới bảo vệ sông Sài Gòn? Trả lời câu hỏi này, đại diện Sở QH-KT TP cho rằng muốn biết cụ thể phải cần có thêm thời gian kiểm tra lại pháp lý, bởi một số đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 gắn với dự án được duyệt nhiều giai đoạn theo các căn cứ pháp lý khác nhau.
Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp một số hình ảnh cho thấy bờ sông Sài Gòn nhiều nơi hiện đang bị "độc chiếm" bởi các khu biệt thự, dự án nhà cao tầng, khiến người dân không nhìn thấy mặt sông, đại diện Sở QH-KT TP khẳng định trong quy hoạch đã có tính toán tổ chức không gian bờ sông vì không ai cho phép xây chắn toàn bộ mà phải có khoảng lùi. Thế nhưng, vị này lại nói giá trị các khu đất ven sông Sài Gòn rất cao, nếu quy hoạch đưa ra yêu cầu lùi quá xa sẽ mất đi yếu tố thương mại, vì vậy cần phải tính toán hài hòa lợi ích cộng đồng, doanh nghiệp. "Nói đến quy hoạch thì phải có sự đồng thuận tất cả. Nếu chúng ta bảo thủ cho rằng quy hoạch phải tạo cảnh quan, có công viên… Trong khi đất lại là của tư nhân, họ muốn kinh doanh có lợi nhuận thì ta không thể áp đặt được. Tất cả phải hài hòa, thông qua lợi ích kinh tế doanh nghiệp có đóng góp xã hội, tạo môi trường sinh sống tốt cho cộng đồng dân cư xung quanh" - đại diện Sở QH-KT TP phân bua.
Chất vấn Sở Xây dựng TP, chúng tôi nhận được câu trả lời: Một số dự án có những thỏa thuận văn bản pháp lý về hành lang, về việc xây dựng bờ kè và đổi lại sẽ ưu đãi xây dựng công trình tạm. Việc chậm khắc phục những vi phạm có phần lỗi từ thanh tra địa bàn, chính quyền địa phương.
Đó là vi phạm, phải xử nghiêm!
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, lâu nay TP HCM quy hoạch dường như bỏ quên tiềm năng của sông Sài Gòn. TP HCM vốn là đô thị sông nước, nếu tăng cường mảng xanh, mở rộng diện tích ven sông tạo không gian cho người đi bộ… thì sẽ giúp TP đỡ ngột ngạt, phát huy bản sắc đô thị "trên bến, dưới thuyền". Ông Sơn nhấn mạnh phải xử lý nặng các trường hợp lấn sông, chắn lối tiếp cận mặt tiền sông.
Luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, nói khi các công trình nhà dân xây dựng sai phép thì bị tháo dỡ ngay. Trong khi đó một số dự án lấn bờ sông dù có quyết định buộc tháo dỡ nhưng vẫn tồn tại, rõ ràng lỗi của các cơ quan chức năng là không nhỏ.
Liên quan đến vấn đề "vận dụng" hành lang an toàn sông Sài Gòn, luật sư Nguyễn Anh Minh cho rằng khi Quyết định 150 đã ban hành và có hiệu lực nhưng chủ đầu tư khi triển khai xây dựng lại dựa vào các quy hoạch cũ để lấn bờ sông là sai. Bởi theo Luật Xây dựng, quy hoạch phải điều chỉnh theo pháp luật hiện hành khi dự án kéo dài chậm triển khai. Nghĩa là, bất kỳ ai, chủ công trình nào cũng đều không thể xin giấy phép dựa trên quy hoạch cách đây hơn chục năm rồi bây giờ căn cứ vào đó để xây dựng. Trong khi đó, các văn bản thỏa thuận lại ký với các đơn vị không quản lý trật tự xây dựng để đổi lại cho phép làm nhà lấn sông là không đúng.
Sao không làm đường ven sông Sài Gòn?
KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất TP HCM nên làm đường kết hợp không gian sinh hoạt công cộng dọc bờ sông Sài Gòn bằng việc thu hồi đất các dự án chưa triển khai. Đối với khu vực nhà cửa hình thành đúng pháp luật không thể đền bù thì làm đường vòng, còn sai thì phải cương quyết tháo dỡ. Cách làm này ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé đang phát huy hiệu quả.
Trước đề xuất trên, đại diện Sở QH-KT TP lại cho rằng không thể so sánh việc quy hoạch sông Sài Gòn giống như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé. Bởi hiện tại ven sông Sài Gòn chia ra các đồ án nhỏ, có cây xanh và không gian công cộng. Trong đó, có những đường giao thông diện tích nhỏ mục tiêu phục vụ cho các phương tiện không khói như xe đạp, xe điện để người dân đi lại.
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét