Giá điện
không chỉ tăng 8,36% mà gấp nhiều lần như thế?
Cập nhật lúc 20:42
Bộ
Công Thương điều chỉnh giá điện tăng lên 8,36% vào ngày 20.3, thế nhưng sau
khi cầm trên tay hoá đơn tiền điện, người dân mới ngỡ ngàng khi con số không
dừng lại ở 8,36% mà lên tới 50-70%.
Giá điện tăng 8,36%: Không hề
Thời gian qua,
nhiều người dân tỏ bất ngờ khi cầm trong tay hoá đơn tiền điện. Theo đó, giá
điện của nhiều hộ gia đình tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước.
Theo lý giải
của ngành điện, việc tăng giá này là do thời điểm này thời tiết nắng nóng,
nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao. Thêm vào đó, giá điện đã chính
thức tăng 8,36% kể từ 20.3.
Thế nhưng,
chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, giá điện không chỉ tăng lên
8,36% như ngành điện đã tuyên bố. Nhiều hộ sử dụng điện ghi nhận hoá đơn điện
tăng lên 50-70% so với các tháng. Chuyên gia này cho rằng, lý giải của ngành
điện cho việc tăng giá vừa qua chỉ là một góc độ, nguyên nhân chủ yếu là ở sự
bất hợp lý của biểu giá điện.
Về nguyên tắc,
Chính phủ chỉ quy định mức giá điện bình quân. Mức giá bình quân sau khi được
điều chỉnh từ ngày 20.3 là 1.864 đồng/kWh. Chính phủ giao cho Bộ Công Thương
xây dựng biểu giá điện đạt được 2 mục đích: Thứ nhất là đảm bảo chính sách an
sinh xã hội (tạo điều kiện cho người nghèo); thứ 2 khuyến khích người dân sử
dụng tiết kiệm điện.
Chính vì thế,
Bộ Công Thương đã không để giá điện sinh hoạt một bậc mà phải chia làm nhiều
bậc, để tránh tình trạng, người nghèo chịu giá điện quá cao, mà người giàu
lại chịu giá điện rẻ, dẫn đến việc sử dụng lãng phí.
"Thế
nhưng, biểu giá điện của Bộ Công Thương xây dựng hiện nay theo 6 bậc lại
không hề hợp lý", chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định.
Biểu giá điện chỉ có lợi cho ngành điện?
Phân tích về
điểm bất hợp lý của biểu giá điện hiện nay, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết,
chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0 -50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh)
là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc
3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình
quân.
Trong khi đó,
hầu hết các hộ gia đình đều phải sử dụng điện trong mức từ trên 100kWh trở
lên, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Như vậy, ngành điện
đã tính một mức giá có lợi cho mình. Người dân dùng càng nhiều điện thì càng
phải nộp nhiều tiền.
"Chính phủ
giao cho ngành điện tính toán để doanh thu bán điện chia cho sản lượng điện
thương phẩm phải bằng giá điện bình quân (1.864 đồng/kWh) nhưng với biểu giá
điện 6 bậc như hiện nay thì người hưởng lợi là ngành điện, người dân sẽ chịu
thiệt", chuyên gia này khẳng định.
Chuyên gia Ngô
Trí Long cho rằng, biểu giá điện cần được chia nhỏ nhiều bậc thêm nữa, không
chỉ dừng lại ở 6 bậc như hiện nay. Người dân dùng bao nhiêu điện trong khoảng
nào thì sẽ trả tiền bấy nhiêu.
"Theo tôi,
mấu chốt hiện nay là cần xây dựng lại biểu giá điện cho phù hợp. Và trách
nhiệm này thuộc về Cục Điều tiết Điện lực của Bộ Công Thương", ông Long
nói.
Theo Lao Động
Cách đây hơn 3 năm, Báo Người cao
tuổi, Báo GDVN đã đăng một bài viết của tác giả Đinh Hoàng (Hoàng Đình Khải)
phân tích khá rõ bí quyết làm ăn của EVN. Bài báo có nhan đề “Giá điện
ô-van”, xin giới thiệu lại cùng độc giả:
|
Giá điện… ô-van!
Thời gian dài trước đây hễ xăng dầu, than tăng giá là y như rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại nhấp nhổm đòi tăng giá với lí do đầu vào sản xuất tăng. Nay giá xăng dầu giảm đã mấy tháng, xuống gần 70% song có vẻ giá điện đang “án binh bất động”. Cách đây chưa lâu khi hàng loạt hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, khiến dư luận bức xúc, EVN đã phải trình 3 phương án bậc thang giá để chuyên gia, người dân tham khảo, lựa chọn. Tuy nhiên cái “thang” ấy chiều cao không đổi, tức giá điện cao nhất vẫn là 2.587đồng/kW. Vậy là các đối tượng dùng điện phải tự thỏa thuận với nhau xem theo phương án nào có lợi.
Cái “thang” giá điện có gì bí mật, phải chăng đó là bí quyết kinh doanh của EVN? Chưa trông đợi việc giảm giá song ta hãy xem cái “thang” giá điện hiện nay đã hợp lí hay chưa?
Hãy hình dung chiếc thang tre để xem EVN đã vận dụng "đóng" giá điện bậc thang ra sao: Thông thường chiếc thang được đóng theo nguyên tắc bậc ở chân thang rộng, càng lên cao càng thu hẹp lại để bảo đảm an toàn chịu lực. Nhưng EVN đã thiết kế “thang” giá điện theo nguyên tắc khác biệt, chỉ thu lợi cho người “bán thang” chứ không phải vì người “leo thang”. Xem khoảng cách giữa các bậc thang của EVN đã “đóng”: Bậc 1: 1.484 đồng/kW; bậc 2: 1.533 đồng/kW; bậc 3: 1.786 đồng/kW; bậc 4: 2.242 đồng/kW; bậc 5: 2.503 đồng/kW; bậc 6: 2.587 đồng/kW. Tương ứng độ rộng các bậc thang lần lượt là: 49 đồng; 253 đồng; 456 đồng; 261 đồng và 84 đồng. (Lúc này bậc 6 cao hơn bậc khởi đầu là 1.103 đồng, tương đương tăng 74%).
Sơ đồ “thang” giá này cho thấy khoảng từ bậc 2 đến 5 có độ rộng “khủng” nhất. Lẽ ra theo nguyên tắc “thang tre” khi bậc đầu độ rộng là 49 đồng thì các bậc trên phải ngắn dần (chẳng hạn là 47; 45; 43; 41 đồng…). Nhưng EVN đã không theo nguyên tắc đó, bảng giá của họ thực ra là giá điện… ô-van, phình rất to ở giữa chứ đâu phải hình thang. Với "chiếc ô-van" giá này, chỉ người dùng bậc đầu (50kW) hưởng giá thấp. Tuy nhiên với mức sống và tiêu thụ điện của dân ta hiện nay thì số người dùng bậc giá đầu không nhiều, nếu không nói là rất ít. Mức tiêu thụ điện phổ biến các hộ ở nông thôn đều trên 50 đến 100kW. Con số người dùng điện ở các mức là bí mật của EVN, cùng với sự không minh bạch các yếu tố cấu thành giá điện có lẽ là “bí quyết kinh doanh” của họ. EVN cho rằng giá điện bình quân đang là 1.622,01đ/kWh, cần nâng lên. Tuy nhiên nếu cộng 6 mức giá điện tại bảng trên chia 6 thì phải là 2.202đ/kW. Không hiểu vì sao kết quả lại được EVN hạ xuống như vậy. Thực tiễn tiêu thụ điện còn khác xa cái gọi là giá bình quân. Ví dụ số hộ dùng bậc 1 là 1, số hộ dùng bậc 3, 4, 5… là 100 thì giá điện bình quân là bao nhiêu? Nhìn vào “chiếc ô-van” giá trên đây mọi người có thể đoán ra, số hộ dùng điện ở những bậc nào là nhiều nhất, và bên bán điện lợi nhiều hay ít chính là ở nhóm này.
Tại sao EVN không theo nguyên tắc “đóng thang” đúng nghĩa? Tại sao họ không hạ độ cao của cây thang (2.587đ) xuống 1.747đ hay 1.800đ… chẳng hạn? Lẽ ra với mức tiền điện nhiều hộ tăng vọt như mấy tháng Hè vừa qua, EVN phải lắng nghe rồi thu hẹp “chiều rộng” bậc và hạ chiều cao “cây thang” giá xuống cho phù hợp mức sống của người dân? Nhưng EVN vẫn đang “chùng chình” giữ giá điện hiện nay và biết đâu khi có thời cơ sẽ tăng giá tiếp để tối đa hóa lợi nhuận.
EVN là doanh nghiệp nhà nước, đang độc quyền mua bán điện. Cái mà EVN mang lại lợi ích lớn nhất cho Quốc gia chính là tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu chỉ vì lợi nhuận của EVN để so đo, tính toán thì nền kinh tế sẽ thiệt hại không nhỏ, lợi riêng đó cao đến mức nào cũng không thể bù đắp. Nếu người lãnh đạo vĩ mô nhìn rõ điều này thì rất cần có bàn tay cứng rắn để “uốn nắn” EVN, trước hết là “chỉnh” lại cách đóng "chiếc thang ô-van" giá điện.
Đinh Hoàng
(Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi 28/12/2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét