Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019

Đại dự án thép đội vốn 4.200 tỉ 'đắp chiếu'

Cập nhật lúc 07:42    
             
Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỉ đồng..., tức tương đương với tổng mức đầu tư của dự án ban đầu. 


Mặc dù dự án bị thua lỗ trầm trọng nhưng lãnh đạo TISCO là ông Trần Văn Khâm đã xây dựng biệt thự hoành tráng và trái phép gây bức xúc tại địa phương. ẢNH: THÁI SƠN

Ngày 20.4, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty gang thép Thái Nguyên(nay là Công ty CP gang thép Thái Nguyên - TISCO).
Đồng thời, C03 đã ra các quyết định khởi tố bị can và thực hiện các lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với 5 người, gồm: Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty thép VN (VNS); Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc VNS; Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT TISCO; Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc TISCO và Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó tổng giám đốc TISCO. Trong số này, các bị can Mai Văn Tinh và Đậu Văn Hùng bị khởi tố điều tra về tội danh vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 224 bộ luật Hình sự năm 2015. Ba bị can còn lại bị khởi tố thêm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.
Cả 5 bị can này có liên quan trực tiếp đến hàng loạt sai phạm tại dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO, mà trực tiếp liên quan đến 4 vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chuyển hồ sơ sang Bộ Công an hồi cuối tháng 12.2018 (Thanh Niên đã phản ánh), gồm: Tổng giám đốc TISCO và một số cán bộ thuộc cấp, cán bộ thuộc VNS đã ký các biên bản thỏa thuận, ký hợp đồng giao việc cho các nhà thầu cũng như thanh toán theo đơn giá không đúng hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt), làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư, gây thất thoát vốn; Tổng giám đốc TISCO và một số cán bộ liên quan đã ký các phụ lục hợp đồng EPC và một số văn bản tiếp nhận nhiều loại máy móc thiết bị không đúng chủng loại, xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa không đúng theo hợp đồng EPC; Tổng giám đốc TISCO và một số cán bộ trực thuộc ký thanh toán nhiều khoản tiền cho các nhà thầu, nhà thầu phụ, tổ chức tư vấn vi phạm quy định; Tổng công ty xây dựng công nghiệp VN (Vinaincon) lập dự toán điều chỉnh thiếu căn cứ, bán thầu hưởng phí trái pháp luật.

Đại dự án ngàn tỉ đắp chiếu

Theo tài liệu Thanh Niên thu thập, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO có tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng (tương đương 242,5 triệu USD, tại thời điểm tỷ giá 1 USD = 15.850 đồng), được Thủ tướng cho phép năm 2005 với mục tiêu là đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất luyện kim (bao gồm khai thác, chế biến quặng sắt), nhằm tạo ra năng lực sản xuất 500.000 tấn phôi thép/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước. Dự án gồm 2 gói thầu chính: một là mỏ sắt Tiến Bộ, xây dựng nhà máy tuyển rửa quặng sắt, công suất thiết kế 300.000 tấn quặng sắt tinh/năm, do nhà thầu trong nước trúng thầu, đã xây dựng hoàn thành đưa vào sản xuất tháng 5.2014. Hai là gói thầu xây dựng dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá, công suất 500.000 tấn phôi thép/năm, do nhà thầu Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận, thông qua đấu thầu quốc tế.
Tháng 7.2007, TISCO và MCC ký hợp đồng EPC với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD. Hai bên cam kết mức giá nêu trên là “trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, đã bao gồm các khoản thuế và chi phí cần thiết”, với thời gian thực hiện dự kiến 30 tháng. Nhưng sau đó, TISCO và MCC lại ký với nhau nhiều phụ lục điều chỉnh nội dung quan trọng trong hợp đồng EPC đã ký. Trong đó, hai bên thống nhất tách phần xây dựng và lắp đặt giao lại cho nhà thầu VN là Vinaincon thực hiện. Thời gian thực hiện gói thầu kéo dài đến quý 1/2011 hoàn thành.
Tuy nhiên, đến năm 2012, VNS và TISCO có văn bản gửi Bộ Công thương và Chính phủ xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỉ đồng (tăng 4.261 tỉ đồng so với mức ban đầu). Giữa năm 2013, việc đội vốn này đã được các bên liên quan chấp thuận và dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014.
Đến thời điểm thanh tra, đầu năm 2017, TISCO đã thanh toán cho dự án gần 4.500 tỉ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỉ đồng, chi phí xây dựng gần 1.000 tỉ đồng... Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỉ đồng..., tức tương đương với tổng mức đầu tư của dự án ban đầu. Theo kết luận của các cơ quan chức năng, dự án đã bị chậm tiến độ kéo dài, gần 10 năm, nên nhiều thiết bị máy móc đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Nợ đầm đìa, thoi thóp chờ phá sản

Theo báo cáo của HĐQT TISCO tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra giữa tháng 4.2019, nếu không được “giải cứu”, công ty sẽ phá sản. Nguyên nhân chính do thua lỗ từ dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2”. Tổng chi phí đầu tư của dự án đến thời điểm 31.12.2018 là 5.093 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.888 tỉ đồng.
Theo báo cáo, vốn điều lệ của TISCO tới cuối năm 2018 là gần 1.937 tỉ đồng. Nợ phải trả lên tới hơn 8.701 tỉ đồng. Nợ phải trả so với nguồn vốn chủ sở hữu gấp 4,65 lần, cho thấy cơ cấu nguồn vốn của công ty mất an toàn. Cuối tháng 4.2017, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng rút 1.000 tỉ đồng ra khỏi TISCO làm cho các chỉ tiêu tài chính xấu đi. Các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh đã đánh giá khả năng tài chính của TISCO thấp. Mặt khác, do dự án chưa có hướng giải quyết nên ngân hàng giảm hạn mức cho vay; đồng thời, đồng loạt tăng lãi suất lên 8%/năm làm TISCO khó khăn trong cân đối dòng tiền phục vụ sản xuất kinh doanh dẫn tới chi phí tài chính cao.
Cũng theo báo cáo của HĐQT TISCO, hiện công ty đã cung cấp tài liệu làm việc, giải trình và đề xuất kiến nghị với đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, đoàn công tác của Ban Kinh tế T.Ư, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên về tình hình vô cùng khó khăn chưa được tháo gỡ, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và tư tưởng người lao động.

Còn những ai phải chịu trách nhiệm ?

Kết luận của TTCP về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO cho thấy việc dự án bị thua lỗ có trách nhiệm của TISCO, VNS, Bộ Công thương..., song TTCP nhấn mạnh đến sai phạm dự án đã được điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư thiếu căn cứ pháp lý.
Theo TTCP, thời điểm xin ý kiến điều chỉnh tổng mức đầu tư, theo chỉ đạo của Thủ tướng, một số bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến cho rằng việc dự án đội vốn là thiếu cơ sở, nhưng Bộ Công thương khi đó với vai trò thẩm tra, rà soát vẫn trình Chính phủ phương án điều chỉnh tổng mức đầu tư. Mặt khác, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ đã ban hành một số thông báo của Phó thủ tướng Chính phủ không phù hợp với quy định pháp luật, cũng như hợp đồng EPC, từ đó dẫn đến thiệt hại lớn cho dự án.
Bên cạnh việc chuyển hồ sơ đến Bộ Công an để điều tra, TTCP cũng đã chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
(Theo Thanh Niên) Thái Sơn -Anh Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét