Lời ai điếu cho Đạm Ninh Bình: Hết thuốc chữa!
Cập nhật lúc
09:59
Kết quả sản
xuất kinh doanh quý I/2019 tiếp tục gặp nhiều khó khăn đang khiến Tập đoàn
Hóa chất Việt Nam (Vinachem) trong cảnh rối như tơ vò vì nợ nần của Đạm Ninh
Bình. Bán toàn bộ Nhà máy Đạm Ninh Bình để thu hồi một phần tiền hoặc xin phá
sản được coi là giải pháp cuối cho cỗ máy đốt tiền đầu tư tới 12.000 tỷ đồng
này.
Chạm ngưỡng cần phá sản
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động của Vinachem quý 1/2019 cách
đây ít ngày, Phó Tổng Giám đốc Vinachem Bùi Thế Chuyên cho biết, tập đoàn
đang gặp vô vàn khó khăn do kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2019 tăm tối do
ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô, do tác động của các chính sách, quy
định của Nhà nước. Bên cạnh đó, Vinachem còn gặp khó khăn về nguyên liệu đầu
vào, vốn và điều kiện sản xuất, cũng như khó khăn về thị trường tiêu thụ sản
phẩm.
Theo ông Chuyên, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh
trong quý I/2019 của toàn Vinachem đạt được không cao so với cùng kỳ năm
trước. Doanh thu toàn tập đoàn đạt 10.259 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ
năm 2018. Lợi nhuận tổng hợp toàn tập đoàn đạt 43 tỷ đồng, trong đó 4 đơn vị
khó khăn ước lỗ 284 tỷ đồng, các đơn vị còn lại ước lãi 327 tỷ đồng, giảm 21%
so với cùng kỳ năm 2018.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Vinachem cho hay,
những khoản lãi vay “khủng khiếp” của các dự án đầu tư nghìn tỷ đồng thua lỗ
đang ngày đêm “hút máu” toàn bộ lợi nhuận cũng như nguồn lực của tập đoàn
khiến tập đoàn luôn trong cảnh kiệt quệ về nguồn tiền và đầu tư.
“Tình cảnh của Đạm Ninh Bình đến giờ không biết phải mô tả
thế nào. Tập đoàn cũng đã tính xây dựng phương án bán dự án đạm Ninh Bình để
lấy tiền trả nợ hoặc xin cho phá sản dự án. Còn nếu kéo dài thì khó khăn
không biết thế nào. Việc dự án thua lỗ kéo sập cả tập đoàn hoàn toàn có thể
xảy ra”, vị này nói.
Cũng theo vị này, trên thực tế, dù đã rất nỗ lực nhưng Đạm
Ninh Bình đã chạm ngưỡng phá sản vì không có đủ nguồn lực để duy trì. Cả ban
lãnh đạo tập đoàn phải gồng gánh hết sức mới có thể giúp duy trì đến nay
nhưng chỉ cần dừng “tiếp máu” là Đạm Ninh Bình sẽ phải đóng cửa hoàn toàn.
“Kể cả trong trường hợp được khoanh lãi 100% và giảm lãi suất vay ngân hàng
thì Đạm Ninh Bình vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối và cạnh tranh
thị trường”, vị này chia sẻ.
Tại cuộc họp về hướng xử lý 12 dự án yếu kém của Bộ Công
Thương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hồi cuối tháng 3 vừa
qua, Chủ tịch Vinachem, ông Nguyễn Phú Cường cũng cho hay, tình cảnh của tập
đoàn khá căng. Vinachem có lúc phải cầu cứu Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam
(TKV) rót than, dàn xếp từng chuyến tàu than để kịp chạy các nhà máy, rất
căng thẳng.
Đặc biệt, ông Cường cho biết, khó nhất là tái cơ cấu lại
các khoản vay. Đặc biệt với Đạm Ninh Bình, hiện nhà máy này không có vốn sản xuất
khi “cửa” vay ngân hàng bị đóng hoàn toàn. Nhà máy đang phải hoạt động dựa
vào tiền mua hàng ứng trước của khách hàng. “Bản thân cán bộ Vinachem cũng
phải cùng anh em nhà máy xuống tận các đại lý, khách hàng vận động họ mua
hàng, ứng tiền trước cho nhà máy”, ông Cường nói.
Chi phí tài chính quá lớn cũng là vấn đề của Đạm Ninh
Bình. “Chúng tôi đã rót vào Đạm Ninh Bình 6.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ
là 13.000 tỷ đồng. Bán Đạm Ninh Bình đi lấy tiền trả nợ, chứ không sẽ kéo sập
cả tập đoàn. Trước mắt cho khoanh khoản nợ này lại với ngân hàng bởi đến nay
việc đàm phán EPC hai bên thương thảo nhưng cũng không đạt được kết quả”, ông
Cường cho hay.
Rối như tơ vò vì nợ khủng
Trong báo cáo mới nhất của Vinachem gửi Bộ Công Thương,
ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Vinachem cho hay, cả năm 2018, chỉ tính 4
đơn vị nặng gánh, khó khăn nhất của tập đoàn ước lỗ tới 1.312 tỷ đồng. Mức lỗ
của 4 đơn vị này năm 2017 lên tới 2.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018 cỗ máy
ngốn tiền Đạm Ninh Bình lỗ tới 926 tỷ đồng.
Một quan chức ngành công thương (đề nghị không nêu tên)
chia sẻ với PV Tiền Phong, nếu tính hai năm liên tiếp vừa qua, mức lỗ tăng
thêm của Đạm Ninh Bình lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Những món nợ trả lãi ngân
hàng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt càng khiến công ty khó vượt
qua khủng hoảng nếu không được tiếp sức bằng các giải pháp miễn giảm lãi suất
và khoanh 100% số nợ vay ngân hàng.
Theo báo cáo của lãnh đạo Vinachem, tỷ giá VND/USD tăng
mạnh từ cuối tháng 6/2018 và giữ ở mức cao ảnh hưởng rất lớn đến tập đoàn.
Với những DN thuộc Vinachem có vốn vay đầu tư, trong đó chủ yếu là các DN làm
ăn thua lỗ, đây là cú bồi rất lớn khiến DN gần như mất hết lợi nhuận và phải
căng mình ra trả nợ.
“Việc giá than cám 4a1 tăng trong 2018 tới 250.000
đồng/tấn làm tăng chi phí cực lớn cho các DN sản xuất đạm, giảm lợi nhuận của
các đơn vị. Việc 4 đơn vị sản xuất phân bón tiếp tục gặp khó khăn trong việc
vay vốn lưu động và việc lãi suất vốn vay lưu động cao hơn mặt bằng thị
trường 1%-2,5% càng khiến cho các DN thuộc nhóm đầu tư nghìn tỷ thua lỗ thêm
cạn lực”, Tổng Giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường cho hay.
Về giải pháp gỡ khó cho tập đoàn này, lãnh đạo Vinachem
cũng kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng
Chính phủ xem xét quyết định nhiều giải pháp để hỗ trợ Đạm Ninh Bình cùng các
dự án nhà máy đạm khác. Cụ thể là kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín
dụng thành 20 năm (đến hết năm 2028) và thu nợ gốc trước, lãi thu sau. “Để
các DN có sức phát triển, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) không tính lãi
quá hạn kể từ khi phát sinh, cho phép cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền
thực tế và tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tài trợ vốn.
Số lãi vay chưa trả được sẽ cân đối trả nợ vào các năm tiếp theo”, ông Nguyễn
Gia Tường nói.
Cùng đó, VDB điều chỉnh lãi suất tiền vay cho các dự án
với mức lãi suất 3%/năm trong 5 năm, tính từ năm 2018 đến 2022. Từ năm 2023
trở đi các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất
tín dụng đầu tư của nhà nước.
Để giải cứu Đạm Ninh Bình, thông tin từ Bộ Tài chính cho
hay, Bộ đã đồng ý cho Vinachem được xử lý giãn mức trích khấu hao từ năm 2017
đến 2019 đối với 4 dự án phân bón, góp phần giảm áp lực về tài chính 180 -
310 tỷ đồng/năm cho các dự án. Trong đó, riêng dự án Nhà máy sản xuất Đạm
Ninh Bình năm 2017 giãn trích khấu hao 30%. Các năm 2018, 2019 giãn trích
50%, sau năm 2022 trích bù. Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình cũng đã được
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) cấp hạn mức tín dụng vốn lưu động đối
với công ty năm 2017 tối đa là 495,8 tỷ đồng, giải ngân theo nguyên tắc tỷ lệ
thu nợ/cho vay là 10/9. Lãi suất cho vay kỳ hạn 11 tháng VCB áp dụng với
khách hàng là 7%/năm, ưu đãi hơn mức lãi suất cho vay của các ngân hàng khác.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, dự án Nhà máy sản xuất
đạm Ninh Bình có thời gian chạy máy trong năm 2017 là 138 ngày; sản xuất được
184.801 tấn urê; tiêu thụ 189.857 tấn urê và không có tồn kho; doanh thu
1.137 tỷ đồng, lỗ 933 tỷ đồng (trong đó giãn khấu hao 188 tỷ đồng). Kể từ sau
khi khởi động lại Nhà máy vào ngày 22/1/2018, bình quân mỗi ngày nhà máy sản
xuất gần 1.300 tấn/ngày và tăng dần lên 1.730 tấn/ ngày trong tháng 3 năm
2018. Cả năm 2018, nhà máy lỗ 926 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư;
Tổng Công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC,
được xây dựng từ năm 2008. Dự án có công suất 560.000 tấn một năm, vốn đầu tư
khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng, nằm tại tỉnh Ninh Bình.
|
Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét