19 “ông lớn” nhà nước nợ 1,3 triệu tỷ đồng
Cập nhật lúc 08:19
19 tập đoàn, tổng công ty
chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước có số nợ lớn nhưng vẫn được đánh
giá là trong giới hạn an toàn.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh
nghiệp (DN) vừa có báo cáo sơ bộ về kết quả sản xuất kinh doanh của 19 tập
đoàn, tổng công ty vừa được cơ quan này hoàn tất tiếp nhận cuối năm 2018.
Theo đó, về sản xuất kinh doanh, năm
2018, ước tính tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty khoảng
1,304 triệu tỷ đồng. Con số này tăng 15% so với năm 2017.
Tuy nhiên, nợ phải trả của 19 DN lớn
này trong năm 2018 cũng lên đến 1,3 triệu tỷ đồng.
Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN đánh
giá: Về cơ bản, các tập đoàn, tổng công ty đều có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ
sở hữu trong mức quy định là dưới 3 lần. Riêng có Tổng công ty Đầu tư phát
triển đường cao tốc cao hơn mức quy định khi có số nợ trên vốn chủ sở hữu cao
gấp gần 9 lần.
Cuối năm 2018, Chính phủ cũng có báo
cáo gửi tới Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại
doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong năm 2017, tổng hợp từ
526 doanh nghiệp
Báo cáo cho thấy 83 tập đoàn, tổng công
ty có tổng số nợ phải trả lên tới 1,5 triệu tỷ đồng.
Trong đó, các đơn vị này vay nợ của các
ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng tới 486.046 tỷ đồng, tăng
4,3% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, nợ ngắn hạn là 200.632 tỷ đồng và
nợ vay dài hạn là 285.414 tỷ đồng.
Có những doanh nghiệp có nợ vay tương
đối lớn, như Tập đoàn Dầu khí nợ 146.585 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp
Than - Khoáng sản nợ 48.648 tỷ đồng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội nợ 43.485
tỷ đồng...
Cách
đây ít lâu, tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về 12 dự án kém
hiệu quả ngành Công Thương, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng kêu về
số nợ mà những dự án của tập đoàn này đang gánh.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn
Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nhấn mạnh "đạm Ninh bình là căng thẳng
nhất” trong số 4 dự án bị xếp vào danh sách yếu kém của đơn vị này.
Căng thẳng nhất với đạm Ninh Bình chính là chi phí
tài chính quá lớn (vốn đầu tư 12 nghìn tỷ). Hiện tất cả các hợp đồng tín dụng
Vinachem vay đầu tư cho dự án này thì tập đoàn đang phải trả, còn “ông này
không trả được”.
“Nếu cứ duy trì khoản nợ thế này thì
bản thân Tập đoàn cũng không thể trả và không có khả năng trả nợ. Tháng
trước, ngân hàng Vietinbank làm văn bản nói nếu không trả tiền thì họ sẽ kiện
ra toà”, ông Cường nói. “Đạm Ninh Bình giờ không ngân hàng nào cho vay cả”.
“Nhà máy đã khó còn khó thêm. Hiện đạm
Ninh Bình hoạt động được chủ yếu là nhờ khách hàng ứng tiền, mang tiền đi mua
than chạy. Còn hầu như không vay được ngân hàng”, lãnh đạo Vinachem bộc bạch.
“Nếu tình trạng này kéo dài không chỉ
kéo sập Đạm Ninh Bình mà kéo sập cả tập đoàn”, ông Cường lo lắng. Bởi lẽ, vốn
đầu tư mà Vinachem đổ vào dự án này khoảng 6.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều
lệ của Vinachem chỉ có hơn 13 nghìn tỷ.
Từ
giữa tháng 11/2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước bắt đầu tiếp nhận 19 “ông
lớn”, với vốn nhà nước gần 1,2 triệu tỉ đồng, gồm: 6 tập đoàn, tổng công ty
từ Bộ Công thương với số vốn nhà nước nắm giữ hiện lên đến trên 555.000 tỷ
đồng; 5 tổng công ty từ Bộ GTVT, với phần lớn vốn nhà nước hơn 46.000 tỷ
đồng; Tập đoàn bưu chính - viễn thông và Tổng công ty MobiFone (từng thuộc Bộ
TT-TT); 5 doanh nghiệp từ Bộ NN-PTNT và Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn
nhà nước (từ Bộ Tài chính).
(Theo
VietNamNet) Lương Bằng
|
Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét