Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Công ty CTK được phê duyệt đầu tư đất quốc phòng Tân Sơn Nhất ra sao?

Cập nhật lúc 14:41                  

Không chỉ hơn 7.000 mét vuông chung cư Golf View Tower, UBND TP.HCM còn phê duyệt dự án đầu tư “khu dân cư gia đình quân nhân” ở phường 15, quận Tân Bình lên gần 60.000 mét vuông. Và chủ đầu tư là Công ty CTK.

 Công ty CTK được phê duyệt đầu tư đất quốc phòng Tân Sơn Nhất ra sao?  - Ảnh 1.
Khu đất dự án chung cư gia đình quân nhân Sư đoàn không quân 370 trên đường Tân Sơn, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Đông

Những tài liệu gần đây cho thấy UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án đầu tư “khu dân cư gia đình quân nhân” ở phường 15, quận Tân Bình lên gần 60.000m2.  Diện tích đất này trước đây là đất quốc phòng, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Chưa phê duyệt đã rao bán
Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án khu dân cư gia đình quân nhân sư đoàn 367 và sư đoàn 370 thuộc Quân chủng phòng không - không quân (PKKQ) được UBND TP.HCM phê duyệt ngày 5-2-2016. 
Chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư CTK. Vị trí dự án này nằm ở sát đường Tân Sơn, P.15, Q.Tân Bình. Ba mặt còn lại giáp sân golf Tân Sơn Nhất và trạm kỹ thuật của sư đoàn 367.
Một năm sau, ngày 3-2-2017, UBND TP.HCM ban hành quyết định về việc chấp thuận đầu tư dự án khu dân cư gia đình quân nhân sư đoàn 367 và 370 thuộc Quân chủng PKKQ do Công ty CTK làm chủ đầu tư. 
Tổng diện tích khu đất là 59.594m2. Vốn đầu tư khái toán là 2.185 tỉ đồng, quy mô dân số dự kiến 2.800 người. 
Khu đất gồm khu nhà ở liên kế có sân vườn với 132 căn, tổng diện tích 12.396m2; khu nhà ở biệt thự song lập có 46 căn, tổng diện tích 8.436m2; khu nhà ở chung cư xây cao tối đa 12 tầng với 830 căn hộ. Dự án này được thực hiện trong bốn năm kể từ tháng 2-2017.
Điều khiến dư luận quan tâm là vị trí xây dựng dự án này nằm sát đường Tân Sơn, Q.Tân Bình. 
Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương thu hồi sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu dự án biệt thự, nhà ở, căn hộ chung cư cặp đường Tân Sơn được hình thành, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ gặp nhiều trở ngại bởi dự án này đã án ngữ hết đường vào ở phía bắc.
Và mặc dù đến tháng 2-2017 UBND TP.HCM mới phê duyệt dự án khu dân cư gia đình quân nhân sư đoàn 367 và sư đoàn 370, nhưng từ năm 2016 chủ đầu tư đã rao bán, ký hợp đồng hợp tác đầu tư (thực chất là bán để huy động vốn).
Theo một số tài liệu chúng tôi nắm được, năm 2016 Công ty CP đầu tư Đô Thành (doanh nghiệp góp vốn với Công ty CP đầu tư CTK đầu tư dự án này) đã rao bán, ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng. 
Hình thức hợp đồng là hợp tác đầu tư, nhưng nội dung thể hiện đây là hình thức bán nền nhà từ khi dự án còn... trên giấy.
Bản hợp đồng của Công ty CP đầu tư Đô Thành với bà N.T.H. chẳng hạn, thể hiện bà H. "đầu tư" vào dự án này số tiền 8,55 tỉ đồng, chia làm ba đợt nộp. 
Đổi lại, Công ty CP đầu tư Đô Thành chuyển quyền khai thác lô đất ký hiệu A... ở góc với kích thước 7,5 x 20m tại mặt đường Tân Sơn. Đơn giá ghi trong hợp đồng này là 60 triệu đồng/m2.
Để tránh bị lộ thông tin "hợp tác đầu tư - huy động vốn", phía Công ty CP đầu tư Đô Thành đưa vào hợp đồng điều khoản bảo mật thông tin. 
Bà H. không được quyền công bố thông tin, rao bán... trong vòng 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng. 
Và mặc dù đã nộp tiền nhưng hợp đồng có điều khoản khi nào pháp lý dự án hoàn tất, chủ đầu tư mới xuất hóa đơn VAT cho bà H..
Chúng tôi đã gặp một số người đi "săn" nền nhà biệt thự và căn hộ chung cư dự án khu dân cư gia đình quân nhân sư đoàn 367 và sư đoàn 370. 
Họ nói mặc dù thấy dự án có vị trí cực đẹp (sân golf và sân bay) nhưng không thực sự yên tâm bởi tên gọi của nó. 
Hồ sơ pháp lý thể hiện đây là dự án dành cho gia đình quân nhân. Liệu dân thường có được phép mua bán, đầu tư không? 
Mặc dù vậy, giá đất dự án này đang được các nhà đầu tư "góp vốn" trước đây rao bán lại với giá chênh lệch cao hơn lúc họ đầu tư từ 20-30 triệu đồng/m2.
 Công ty CTK được phê duyệt đầu tư đất quốc phòng Tân Sơn Nhất ra sao?  - Ảnh 2.
Quyết định của UBND TP.HCM (do phó chủ tịch Lê Văn Khoa ký) thu hồi đất quốc phòng để giao Công ty CTK làm dự án nhà ở (ảnh trái) và Hợp đồng do ông Nguyễn Văn Thanh đại diện Quân chủng PKKQ ký với Công ty CTK. Ông Thanh là người vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận có sai phạm nghiêm trọng trong việc mang đất quốc phòng đầu tư kinh doanh
Hợp đồng hợp tác: quân đội 65%, doanh nghiệp 35%
Tuy nhiên, trước khi dự án được UBND TP.HCM chấp thuận, trước đó Công ty CTK đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư. 
Và việc rao bán các khu căn hộ, đất nền (khi chưa có giấy tờ gì) cũng được các nhà môi giới giới thiệu đến công ty hợp tác này.
Ngày 30-5-2014, Công ty CP đầu tư CTK và Công ty CP đầu tư Đô Thành đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư dự án. 
Công ty CTK có trụ sở ở đường Ký Con, Q.1. Tổng giám đốc là ông Nguyễn Xuân Hải. Công ty Đô Thành có trụ sở ở đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình. Người đại diện là ông Nguyễn Văn Hiệp (chủ tịch HĐQT).
Hợp đồng này ghi rõ dự án khu gia đình quân nhân được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 58.000m2
Sơ đồ vị trí đất của Quân chủng PKKQ được xác định kèm theo công văn ngày 28-10-2013 của Bộ Quốc phòng. Công ty CTK và Công ty Đô Thành sẽ góp vốn để hình thành một pháp nhân mới, do CTK đại diện làm chủ đầu tư.
Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án ghi trong hợp đồng là 1.150 tỉ đồng. Trong đó CTK góp 70%, còn Đô Thành góp 30%. 
Hai bên cũng xác định tiến độ thực hiện dự án đến tháng 7-2015 sẽ đưa vào khai thác. (Đến nay, theo quyết định chấp thuận của UBND TP thì vốn đầu tư dự án đã tăng lên thêm 1.000 tỉ đồng nữa).
Hợp đồng mà chúng tôi nắm được thể hiện Bộ tư lệnh Quân chủng PKKQ được "chia phần lớn" vì đã góp gần 60.000m2 đất cho doanh nghiệp. Việc phân chia quyền lợi được ghi rõ tại điều 6. 
Theo đó, Bộ tư lệnh Quân chủng PKKQ được nhận là 65% sản phẩm của dự án. 
Đó là 65% số căn biệt thự, nhà ở thấp tầng và căn hộ chung cư, tương đương với 65% diện tích kinh doanh của dự án. 35% còn lại và các công trình công cộng như trường học, nhà trẻ, công trình thể thao, dịch vụ... được CTK và Đô Thành chia nhau căn cứ vào tỉ lệ vốn góp.
Với tư cách là đại diện chủ đầu tư, CTK chịu trách nhiệm toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân chủng PKKQ, sư đoàn 367 và sư đoàn 370. CTK cũng chịu trách nhiệm giải quyết mọi tranh chấp với bên thứ ba về quyền sử dụng khu đất dự án.
Trước đó ngày 8-11-2013, Công ty CP đầu tư CTK và Bộ tư lệnh Quân chủng PKKQ đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án khu gia đình quân nhân sư đoàn 367 và sư đoàn 370 tại đường Tân Sơn. 
Từ hợp đồng với đơn vị quản lý đất quốc phòng, Công ty CP đầu tư CTK tiếp tục ký hợp đồng hợp tác với Công ty Đô Thành nhằm huy động vốn.
Mọi chuyện không dừng tại đây. Sẽ kinh ngạc khi biết hàng loạt khu nhà ở quân nhân đã được Bộ tư lệnh PKKQ triển khai nhiều nơi, trong một thời gian ngắn. 
Hàng trăm ngàn mét vuông đất quốc phòng ở TP.HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng đã bị biến thành bất động sản theo kiểu này.
Và ngạc nhiên hơn: chủ đầu tư vẫn là Công ty CTK!
 Công ty CTK được phê duyệt đầu tư đất quốc phòng Tân Sơn Nhất ra sao?  - Ảnh 3.
Cổng vào khu đất dự án chung cư gia đình quân nhân sư đoàn không quân 370 - Ảnh: Hoàng Đông
Bộ Quốc phòng từng đề nghị chấn chỉnh
Ngày 12-10-2017, Bộ Quốc phòng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc thực hiện dự án phát triển nhà ở gia đình từ quỹ đất quốc phòng chuyển mục đích sử dụng.
Theo Bộ Quốc phòng, trong những năm qua, các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị quân đội triển khai các dự án nhà ở từ quỹ đất quốc phòng chuyển mục đích sử dụng.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng và triển khai dự án đầu tư phát triển nhà ở như: chưa chuyển mục đích xong đã thi công công trình, tự quyết định lựa chọn chủ đầu tư và giao đất quốc phòng cho chủ đầu tư…
Bộ Quốc phòng đề nghị các tỉnh, TP trực thuộc trung ương kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm (nếu có) của chủ đầu tư.
Chỉ cấp phép xây dựng khi chủ đầu tư đã hoàn thành các thủ tục về đất đai và đầu tư xây dựng theo đúng quy định pháp luật.
V.Lam
(Theo Tuổi Trẻ) HOÀNG ĐIỆP - V.TR.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét