Chưa thống nhất phương án xử lý tài
sản bất minh: Lạ!
Cập nhật lúc 08:46
Đã quyết tâm chống
tham nhũng thì phải xử lý nghiêm khắc để lập lại trật tự, khiến người ta
không dám vi phạm.
Tại phiên họp
thứ 25, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Phòng chống
tham nhũng sửa đổi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa thể chốt vấn đề lớn
nhất: xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình
được hợp lý về nguồn gốc (điều 59 dự thảo luật Chính phủ trình).
Theo dõi diễn
biến quá trình thảo luận, bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp
của Quốc hội cảm thấy lạ lùng khi cứ tranh cãi mãi về vấn đề này bởi bà cho
rằng, nếu đã quyết tâm chống tham nhũng thì có gì mà khó khăn vậy?
"Quy định
của pháp luật về vấn đề này rất nhiều. Thứ nhất, trong những điều đảng viên
không được làm đã quy định đảng viên không được kê khai tài sản, thu nhập
không đúng quy định.
Thứ hai, các
quy định về trách nhiệm của đảng viên cũng quy định đảng viên phải trung thực
trong kê khai tài sản.
Thứ ba, tài sản
không kê khai được nguồn gốc hoặc giấu đi nguồn gốc, chẳng hạn A trước chưa
kê khai giờ A chỉ bị kỷ luật hành chính và phải kê khai nguồn gốc tài
sản. Nếu A chứng minh không rõ ràng thì tài sản bị tịch thu, điều đó
không có gì lạ.
Phương pháp xác
minh nguồn gốc tài sản cũng không có gì quá khó. Đã không kê
khai được nguồn gốc thì rõ ràng tài sản đó là bất minh, không rửa
tiền thì cũng là tài sản tham nhũng. Tội rửa tiền, tham
nhũng đều đã được quy định rất rõ trong luật hình sự, chỉ
có điều chưa phát hiện được tham nhũng ở chỗ nào mà thôi.
Phải thu về
ngân sách số tiền trên để làm các công trình công ích, phục vụ người dân,
không gì có thể bao biện cho tài sản bất minh, những đối tượng tham
nhũng rửa tiền. Nếu đã quyết tâm chống tham nhũng thì không
có gì khó khăn, cũng không thể nhân nhượng đối với những trường hợp
tài sản không kê khai hoặc không kê khai được nguồn gốc. Phải xử
lý nghiêm khắc để lập lại trật tự, khiến cán bộ, đảng viên
không dám vi phạm", bà Lê Thị Thu Ba chỉ rõ.
Nguyên Chủ
nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng khẳng định quan điểm không chấp nhận
quy định thu thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản, thu nhập không rõ
nguồn gốc bởi đây chỉ là cách để hợp thức hóa tài sản bất minh mà thôi.
"Có rất
nhiều vụ tham nhũng không thể phanh phui, phát hiện được. Chẳng hạn, những vụ
tham nhũng "chỗ chút, chỗ chút". Có người làm quan chức chính quyền
một địa phương, chỉ cần mỗi doanh nghiệp, trong mỗi dự án đem đến vài trăm
triệu đồng, vài tỷ đồng, họ tích lũy lại, đó là tham nhũng. Những điều đó quá
rõ, tại sao cứ phải tranh cãi mãi?", bà Lê Thị Thu Ba đặt câu hỏi.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa XII, XIII (đoàn
Quảng Trị) cho rằng, việc chứng minh nguồn gốc tài sản không có gì khó khăn
và các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể vào cuộc.
Chẳng hạn, nếu
tài sản được kê khai là do ông bà, tổ tiên để lại thì có thể xác minh được
ông bà ở đâu, để lại những gì? Nếu kê khai rằng nước ngoài gửi về thì xác
minh xem người kê khai có thân nhân ở nước ngoài không, chứng từ của các ngân
hàng khi chuyển tiền về như thế nào?...
Riêng đối với
quy định đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc trong dự
thảo Luật, ông Lê Như Tiến thừa nhận đây là vấn đề đang gây băn khoăn và
tranh cãi.
"Nhiều
người, kể cả dư luận xã hội, cử tri và ĐBQH rất băn khoăn vì nếu
tài sản tăng thêm, thậm chí tài sản do tham nhũng mà có mà không chứng minh
được đấy là tài sản tham nhũng thì đánh thuế 45%, nghĩa là thừa nhận 55%
tài sản còn lại là hợp pháp.
Ở đây tôi không
nói đến tỷ lệ bao nhiêu %. Khi điều tra, xem xét, nếu khẳng định là tài
sản do tham nhũng mà có thì phải thu hồi 100%. Nếu tài sản là mồ hồi, nước
mắt hoặc bản thân người ta làm nên thì phải thừa nhận đó là tài sản chính
đáng của họ, dù tăng thêm là bao nhiêu.
Nếu điều
tra không đến nơi đến chốn, không làm rõ nguồn gốc tài sản, người ta đã
chứng minh rồi mà không thừa nhận, đánh thuế 45% thì lại oan uổng cho những
người có tài sản chính đáng.
Chính vì
thế, cơ quan điều tra phải vào cuộc và hoàn toàn có thể làm được điều đó
bằng nhiều biện pháp", ông Lê Như Tiến bày tỏ.
Cũng theo ông
Tiến, dự thảo Luật không nên chỉ xin ý kiến 1 cơ quan có thẩm quyền mà
cần lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp như
hội luật gia để bảo vệ quyền lợi của người dân, nếu không quá trình
thực thi sẽ rất khó.
(Theo Đất Việt)
Thành Luân
|
Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét