Sai phạm của Bộ TT&TT trong vụ AVG
như thế nào?
Cập nhật lúc 09:45
Dù dự án đầu tư dịch vụ truyền hình MobiFone
chưa được Thủ tướng chấp thuận chủ trương; giá mua và hiệu quả đầu tư chưa
được làm rõ... song lãnh đạo Bộ TT&TT vẫn quyết định phê duyệt cho
MobiFone mua 95% cổ phần AVG với giá 8.900 tỷ đồng. Trước những sai phạm
trong thương vụ này, Cơ quan điều tra (CQÐT) Bộ Công an đã khởi tố vụ án để
điều tra.
Ảnh minh họa: Internet
Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 10/7, cơ quan CSÐT Bộ Công an
(C46) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư
công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Ðiều 220 Bộ luật Hình sự 2015,
xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone - Bộ TT&TT và các đơn vị liên
quan. Cùng ngày, CQÐT đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam
ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch MobiFone và ông Phạm Ðình Trọng, Vụ trưởng Quản
lý doanh nghiệp - Bộ TT&TT để điều tra về tội danh nêu trên.
Phê duyệt dự án khi Thủ tướng chưa đồng ý chủ trương
Trước đó,
tại kết luận thanh tra dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, Thanh tra Chính
phủ (TTCP) xác định Bộ TT&TT với vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại
diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý nhà nước về thông
tin, truyền thông song đã thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu cố ý làm trái các
quy định của pháp luật trong việc quyết định phê duyệt dự án.
Những dấu
hiệu vi phạm pháp luật của một số cán bộ lãnh đạo Bộ TT&TT được TTCP chỉ
rõ: “Tuy dự án đầu tư chưa được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, nhưng ngày
21/12/2015, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 236: Phê duyệt Dự án đầu
tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, vi phạm Luật Ðầu tư; Phê duyệt Dự án đầu
tư khi chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm, vi phạm
Luật số 69/2014/QH13; chưa phê duyệt dự án đầu tư thuộc danh mục dự án nhóm
A, vi phạm Nghị định số 99/2012/NÐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ”.
Quyết định
số 236 của Bộ TT&TT đã không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư, mặc dù
trước đó đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về việc sử
dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay tín dụng 70% tổng mức đầu
tư. Và thực tế, MobiFone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu vào đầu tư dự án.
“Như vậy, Bộ
TT&TT với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý
nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định
Dự án; Quyết định số 236/QÐ-BTT&TT phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo
căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm
trọng vốn của Nhà nước” - kết luận của TTCP nêu.
Chi hơn 8.000 tỷ đồng mua công ty đang thua lỗ
Theo đánh
giá của TTCP, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành
lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó
khăn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31/3/2015 là rất xấu. Trong
đó nợ phải trả là 1.266 tỷ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định là 208
tỷ đồng; từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ luỹ
kế đến 31/3/2015 là 1.632 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).
Mặt khác,
mặc dù giá mua 95% cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư dự án chưa được làm rõ, bản
thân Bộ TT&TT còn băn khoăn nhưng bộ vẫn trình Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt chủ trương đầu tư dự án và đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Trong
đó có 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG.
Tình hình
kinh doanh rất khó khăn, giá mua và hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ nhưng
lãnh đạo Bộ TT&TT vẫn cho phép MobiFone chi hơn 8.800 tỷ đồng ra để mua
cổ phần của AVG. Và, hồ sơ thương vụ nghìn tỷ này được Bộ TT&TT đóng dấu
“Mật” mặc dù không thuộc danh mục bí mật. Khi TTCP có văn bản đề nghị Bộ TT&TT
xem xét, quyết định theo thẩm quyền được pháp luật quy định về việc giải mật
hoặc tiếp tục bảo mật, Bộ TT&TT đã không thực hiện và yêu cầu TTCP xin
phép
Thủ tướng.
Ðáng chú ý,
sau khi trở thành công ty con của MobiFone, AVG đã báo cáo năm 2016 lãi 54 tỷ
đồng, mặc dù trước đó đang thua lỗ và phải vay tiền làm truyền hình. Tuy
nhiên, việc này đã bị TTCP phanh phui. Cụ thể, TTCP xác định số lãi 54 tỷ
đồng trong năm 2016 do AVG báo cáo thực chất không phải lợi nhuận từ hoạt
động kinh doanh dịch vụ truyền hình mà chủ yếu từ các nguồn lực bên ngoài hỗ
trợ. Và thực chất, lỗ luỹ kế của AVG đến 31/12/2016 là 1.909 tỷ đồng (trong
khi số lỗ luỹ kế ở thời điểm 31/3/2015 là hơn 1.632 tỷ đồng).
Quyết
định số 236 của Bộ TT&TT đã không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư, mặc
dù trước đó đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về việc
sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay tín dụng 70% tổng mức đầu
tư.
(Theo
Tiền Phong) DƯƠNG LÊ
|
Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét