Dẹp nạn 'cát tặc' khó thật
Cập nhật lúc 14:52
Quan tham, “quan tặc” sinh ra
nạn “cát tặc”. Muốn dẹp nạn “cát tặc”, phải thanh lọc, loại trừ
“quan tặc”.
Hôm 5/7/2018,
bên lề cuộc họp HĐND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND
thành phố cung cấp cho báo chí đoạn
video 25 giây, ghi lại cảnh tàu khai thác cát trái phép trên sông
Hồng, đoạn qua huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Ông Chủ tịch UBND thành phố
có ý mong muốn báo chí cùng người dân và chính quyền vào cuộc, dẹp cái nạn,
theo cách người dân và báo chí bấy nay vẫn gọi, là “cát tặc”.
“Cát tặc” không
là chuyện mới, và càng không là chuyện riêng của huyện Phúc Thọ hay thành phố
Hà Nội. Đấy là chuyện nhức nhối, nóng bỏng dai dẳng từ năm này qua năm khác,
nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác. Đấy là chuyện của cả nước, từ Bắc đến Nam, từ
sông ra biển. Đấy cũng không đơn thuần là chuyện hạt cát nhỏ nhoi, câm lặng
nơi lòng sông đáy biển. Cát, ấy là tài nguyên quốc gia, thuộc về “rừng vàng
biển bạc, đất phì nhiêu”... Cát, là ruộng vườn, làng mạc, môi trường, nguồn
nước, là nước mắt, mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam.
Cát, là nguồn nguyên vật liệu xây dựng, kiến thiết đất nước, là của để dành.
Với kẻ tham lam, dù quan hay dân, cát thành thứ vô chủ, hoặc có chủ mà như vô
chủ, là nguồn lợi vô cùng béo bở. Lợi nhuận mà “cát tặc” đem lại “khủng” gấp
nhiều lần so với đào than thổ phỉ, tức “than tặc”, hay chặt phá rừng tự
nhiên, tức “lâm tặc”. Chỉ một đêm, với vài tàu hút cát, đối tượng “cát tặc”
có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Có thứ lợi nhuận nào hơn thế, dễ dàng thế!
Dẹp “cát tặc”
khó thật!
Đoạn video mà
ông Chủ tịch thành phố Hà Nội cung cấp cho báo chí là do ông Chủ tịch huyện
Phúc Thọ cung cấp. Hình ảnh trong video cho thấy tàu hút cát lậu rất ngang
nhiên; nó “hành sự” chỉ cách ca nô cảnh sát giao thông đường thủy chừng mươi
mét. Như thế “cát tặc” không phải là ma quỷ hiện hình, thoắt ẩn thoắt hiện
như từng có ai đó phân bua mỗi khi nạn “cát tặc” nổi lên. Rõ ràng lãnh đạo
huyện biết, lực lượng chức năng biết, và dân càng biết. Như thế việc khai
thác cát lậu không hề lén lút, mà ngược lại, như được ai đó, tất nhiên phải
là kẻ có chức quyền, bật đèn xanh, cho phép, bảo kê?
Dẹp “cát tặc”
khó thật!
Sau hôm Chủ
tịch thành phố Hà Nội cung cấp đoạn video “cát tặc” cho báo chí, có người có
trách nhiệm giải bày: Đoạn sông Hồng chảy qua huyện Phúc Thọ, nơi “cát tặc”
“hành sự” giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc nên khó truy đuổi (!) Đuổi bên này
chúng chạy về bên kia(!) Cái ca nô cảnh sát giao thông đường thủy “tháp tùng”
tàu “cát tặc”không phải của Công an Hà Nội(!)...
Đúng là huyện
Phúc Thọ thành phố Hà Nội giáp ranh tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn
là Việt Nam, cùng một thể chế, cùng chung ý chí quyết tâm chính trị dẹp nạn
“cát tặc”, diệt trừ tham nhũng. Nhóm cảnh sát giao thông đường thủy kia không
phải của Công an Hà Nội thì vẫn là thuộc lực lượng cảnh sát, không của tỉnh
thì của Bộ, trừ khi bọn xấu giả danh. Mà trong trường hợp này, chuyện giả
danh rất khó xảy ra! Dân chúng muốn nhà chức trách thể hiện quyết tâm chính
trị và hành động thực sự, thực chất, dẹp bằng được nạn “cát tặc”, bản chất là
nhóm lợi ích trộm cướp tài nguyên, phá hủy môi trường, hủy hoại không gian
sinh tồn của người dân, chứ không phải muốn nghe những lời phân bua, giải
bày, đùn đẩy, chối bỏ trách nhiệm.
Dẹp nạn “cát
tặc” khó thật!
Cái tàu hút cát
không phải là cái kim, cũng không phải là cái thuyền thúng hay cái bè luồng
bè nứa. Nó là phương tiện vận tải thủy trọng tải hàng trăm hàng ngàn tấn,
không thể không đăng ký đăng kiểm, không thể không có cầu tàu bến bãi neo
đậu. Hàng trăm hàng ngàn tấn cát khai thác lậu mỗi đêm ở mỗi địa điểm không
còn là hạt cát đơn lẻ, nhỏ nhoi, dễ gì cất giấu! Mà kiểm tra kiểm soát nạn
“cát tặc” không chỉ một lực lượng đơn lẻ, ngược lại, rất đông đảo, hùng hậu,
là thanh tra tài nguyên môi trường, cảnh sát giao thông đường thủy, thanh tra
giao thông, quản lý thị trường...Đấy là chưa kể chính quyền các cấp cùng hệ
thống chính trị có đủ quyền lực với lực lượng, phương tiện thừa sức vào cuộc
bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống người
dân.
Thế nhưng sao
dẹp nạn “cát tặc” vẫn khó thế?
Hầu như mọi
nơi, chỉ có người dân mất đất mất nhà đơn thương độc mã chống lại “cát tặc”.
Nhìn cách người dân một số làng xã ở Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang tổ chức
chống “cát tặc” thấy không khác gì thời chiến tranh dân mình tổ chức chống
bọn giặc đi càn. Đấy là giải pháp tình thế, chẳng thể khác, khi chính quyền,
lực lượng chức năng hoặc thờ ơ, vô cảm, hoặc bất lực.
Thực tế, những
doanh nghiệp này, công ty nọ chuyên tìm cách đào khoét, cướp đoạt tài nguyên
quốc gia, chủ của nó không là chồng vợ, con cháu, anh em thì cũng là “đệ tử”
hay “chiến hữu” của kẻ có quyền lực tham lam.
Quan tham, tức
“quan tặc” sinh ra nạn “cát tặc”. Muốn dẹp nạn “cát tặc”, phải thanh lọc,
loại trừ “quan tặc” vậy.
(Theo VietNamNet) Uông Ngọc Dậu
|
Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét