Cán bộ làm sai phải chịu,
đừng bắt dân chia sẻ!
Cập nhật lúc 09:43
Không thể
vì cái sai của cá nhân cán bộ, tổ chức lãnh đạo tỉnh mà bắt người dân phải
chia sẻ quyền lợi của họ
Mới
đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chính thức ban hành kết luận thanh
tra về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang.
Theo đó, năm 2015, tỉnh Bắc
Giang cho doanh nghiệp "mượn" 17.472 m2 thuộc đất quy hoạch của
Công viên Hoàng Hoa Thám (trung tâm TP Bắc Giang) làm dự án đầu tư xây dựng
sân tập golf Bắc Giang, không phải đóng tiền thuê suốt nhiều năm, thời gian
hoạt động 48 năm, là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Để làm Công viên Hoàng Hoa Thám,
nhiều hộ nông dân ở đây đã phải bàn giao ruộng lúa cho công trình công cộng
vì mục đích cao cả là phục vụ cộng đồng. Chưa bàn đến khía cạnh vi phạm pháp
luật về quản lý đất đai của việc làm này, chỉ dưới góc nhìn ở khía cạnh xã
hội, quyết định của tỉnh đã gây nhiều hệ lụy.
Dư luận không thể không đặt câu
hỏi lẽ nào lãnh đạo tỉnh Bắc Giang lại "lơ mơ", không nắm rõ luật
pháp nên mới chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng sân tập
golf trên diện tích xây dựng công trình nhà thi đấu đa năng, bể bơi, đường đi
bộ, cây xanh cảnh quan (theo quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên Hoàng Hoa
Thám được duyệt), hay do quản lý yếu kém, hay lý tưởng vì dân đã phai nhạt?
Nghe qua chuyện này dễ làm người ta liên tưởng đến chuyện các lãnh chúa thời
phong kiến cắt đất thưởng cho cận thần có công. Cách mạng dân tộc dân chủ đã
thành công ở ta hơn 70 năm rồi nhưng tàn dư còn rơi rớt lại đến bây giờ sao?
Thật ra, nó đích thị là "chủ nghĩa tư bản thân hữu". Không đơn giản
chỉ là việc cho mượn "đất vàng". Có qua thì phải có lại, không tự
nhiên mà UBND tỉnh Bắc Giang gọi doanh nghiệp đến để cho
"mượn" đất?...
Sân
tập golf Bắc Giang (ảnh từ GolfClubBacGiang)
Chơi golf là môn thể thao thuộc
hàng "quý tộc" mà chỉ giới thượng lưu, có tiền mới có thể có mặt
trong sân tập ấy. Ở tỉnh thuần nông còn nghèo vẫn nhận trợ cấp của trung
ương, số người lắm của nhiều tiền chắc đếm không đủ 10 đầu ngón tay. Vậy xây
dựng sân tập golf cho ai? Lý giải của chủ đầu tư là "nhằm có một khu vực
phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài có nơi giải trí khi về đầu tư tại Bắc
Giang" hoàn toàn không thuyết phục.
Theo báo cáo của Bộ TN-MT, đến
năm 2020, Việt Nam sẽ có 46.810 ha đất cơ sở thể dục - thể thao, cao hơn
2.050 ha so với chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội. Đây thật sự là mối lo
ngại. Trên nguyên tắc, việc quy hoạch phát triển sân golf chủ yếu tại các khu
vực đất có chất lượng kém, đất cát, đất chưa sử dụng; không được vi phạm đất
canh tác, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...
Thế nhưng, thực tế ở Việt Nam,
nhiều trường hợp sân golf lấy đất canh tác của người dân, phá rừng phòng hộ…
đã xảy ra. Đáng nói hơn nữa là không ít sân golf hiện nay đang đắp chiếu,
trong khi chúng chiếm dụng rất nhiều đất, còn người dân lại không có đất sản
xuất. Cá biệt, một số sân golf còn xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng.
UBND
tỉnh Bắc Giang cho "mượn" đất và doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư dự
án tức là chuyện đã rồi. Doanh nghiệp này khẳng định nếu tỉnh Bắc Giang thực
hiện cưỡng chế, phá dỡ dự án sân golf thì phải bồi thường. Vấn đề là không
thể hợp thức hóa bằng việc cho doanh nghiệp thuê vì đây là công viên - sân
chơi của người dân, không thể cắt đất chung để phục vụ một số người, càng
không thể vì cái sai của cá nhân cán bộ, tổ chức lãnh đạo địa phương
mà bắt người dân phải chia sẻ quyền lợi của họ.
Đây thực sự là bài toán khó cho
UBND tỉnh Bắc Giang. Hy vọng là với sự chỉ đạo của Chính phủ, vụ việc sẽ được
làm sáng tỏ và cá nhân nào làm sai, người đó chịu trách nhiệm.
(Theo
Người Lao Động) Diệp Văn Sơn
|
Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét