Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

 “Mật” và “mỡ” trong chênh lệch địa tô

Cập nhật lúc 15:43                  

Phân bổ lợi ích từ chênh lệch địa tô không công bằng đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, khiếu kiện khắp nơi là từ đây, tham nhũng tràn lan là từ đây, “lợi ích nhóm” nảy nở cũng từ đây...



Thời xưa, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có câu thơ rằng: “Thớt có tanh tao ruồi đổ đến; Gang không mật mỡ kiến bò chi”. Cứ vậy mà suy ra rằng, bản năng sinh tồn của mỗi sinh linh là vô hạn, “chim chết vì mồi, người chết vì tham”.
Tại kỳ họp mới đây của HĐND TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thành phố chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ. Đây là nguồn lực to lớn, tạo nguồn vốn cho thành phố phát triển. Theo tính toán sơ bộ, nếu đem đấu giá 26.000ha đất sẽ thu về 1,5 triệu tỷ đồng.
Con số này nó to bằng ngần nào nhỉ? Chỉ biết rằng năm 2017, thu ngân sách của cả nước chỉ đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, ấy là đã vượt gần 70.000 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra. Nay chỉ một quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã tạo ra một khoản chênh lệch địa tô trị giá trên dưới 70 tỷ USD cho thành phố, quả là đáng mừng.
Thế nhưng có một câu hỏi đặt ra, từ vài chục năm nay, cả nước đã có hàng trăm ngàn, thậm chí có thể đã lên con số hàng triệu héc ta đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích tương tự như trên mà không được đấu giá, vậy những khoản chênh lệch địa tô kia đã rơi vào túi ai? “Mật” như thế, “mỡ” như thế, có thể hấp dẫn được bao nhiêu “kiến”, bao nhiêu “ruồi” đây?
Hồi tỉnh Hà Tây được Quốc hội phê chuẩn sáp nhập vào Hà Nội năm 2008, hàng loạt dự án giao đất đã được phê duyệt, y như chuyện bổ nhiệm “ban ơn” hàng loạt cho cấp dưới của một số quan chức trước khi nghỉ hưu thời nay vậy.
Không biết hệ thống pháp luật của nước mình “thủng” đến đâu nhưng theo con số thống kê thời điểm, khi ấy Hà Tây có 53 đồ án quy hoạch đô thị, trong đó có 12 đồ án đô thị đã giao, 5 đồ án đã được phê duyệt nhưng chưa giao chủ đầu tư. Vào lúc giao thời, đất công, quyền lực công, chỉ có mỗi lợi ích là không phân biệt được của ai mà thôi.

 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lúc đó, theo ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, trong tổng số hơn 17.000ha đất nằm trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006 - 2010 đã được Chính phủ phê duyệt, Hà Tây hiện “chỉ mới giao” cho các đơn vị thực hiện 4.250ha đất, đạt hơn 24%. Trong số này, đất ở mới đạt khoảng 28%, đất phục vụ sản xuất kinh doanh 27%...
Mọi sự hoàn toàn vô lỗi, vô tội!
Chợt lại nhớ đến một cuộc hội thảo cách đây 15 năm, giữa tháng 9/2003, có chủ đề Phát triển và quản lý thị trường bất động sản, ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị tuyên bố tại hội thảo rằng, Việt Nam có thể huy động được 5.000 tỷ USD từ đất đai để đầu tư phát triển thì nhiều người tham dự hội thảo mới giật mình nghĩ lại.
Bởi lẽ đến khi ấy, suốt cả 10 năm trời vận động, ngoại giao con thoi hàng chục quốc gia và các tổ chức quốc tế viện trợ ODA cho Việt Nam (mà đây là đi vay, nay mai con cháu chúng ta phải trả) cũng chỉ mới được cam kết hơn 20 tỷ USD, và cũng chỉ giải ngân được hơn 10 tỷ USD. Nay tự nhiên ngoái lại thấy trong nhà có tới 5.000 tỷ USD thì giật mình là còn nhẹ.
Vậy với con số rất hợp pháp 17.000ha chuyển đổi mục đích của tỉnh Hà Tây xưa kia, Nhà nước đã mất bao nhiêu trăm nghìn tỷ đồng? Và ở đất nước mình có bao nhiêu địa phương như thế?
Phân bổ lợi ích từ chênh lệch địa tô không công bằng đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, khiếu kiện khắp nơi là từ đây, tham nhũng tràn lan là từ đây, “lợi ích nhóm” nảy nở cũng từ đây...
Trở lại việc mới xảy ra, nếu 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ ở TP.HCM kia không thông qua đấu giá, chính quyền địa phương vẫn giao đất, cho thuê đất như ngày xưa, với khung giá quan liêu thấp xa so với giá thị trường như ngày xưa, vẫn cơ chế xin - cho như ngày xưa... thì con số 1,5 triệu tỷ đồng kia sẽ lại hồn nhiên theo gió cuốn đi như ngày xưa mà thôi.
Vì thế, rất ủng hộ ý kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân rằng, cần phải đấu giá để những khoản chênh lệch địa tô kia được công khai, minh bạch, lấy đó làm cơ sở vật chất bảo đảm phân phối lợi ích công bằng cho tất cả các bên liên quan là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
 (Theo reatimes.vn) Nguyễn Hoàng Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét