Bí thư Thanh Hóa: “Không
loại trừ việc bài binh bố trận qua mặt trình chủ tịch tỉnh ký”
Cập
nhật
lúc 15:31
“Không loại trừ khả năng có sự bắt tay “bài binh bố trận”
để “qua mặt” trình Chủ tịch tỉnh ký đồng ý cho các ông ấy”- ông Trịnh Văn
Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nói về vấn đề thủy điện tại kỳ họp thứ 6,
HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII.
Sáng
ngày 11-7, tại kỳ họp thứ 6, HĐND
tỉnh Thanh Hóa khóa
XVII (2016-2021), đã diễn ra phiên chất vấn một số sở, ngành liên quan đến
nhiều nội dung được cử tri tỉnh Thanh Hóa quan tâm, trong đó nổi lên vấn đề
liên quan đến giải phóng mặt bằng tái định cư, vấn đề quy hoạch, triển khai
xây dựng các hệ thống thủy điện.
Trong
đó, vấn đề quy hoạch, đầu tư và đời sống, sản xuất của nhân dân khi triển
khai xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được nhiều đại
biểu HĐND quan tâm, chất vất.
Quang cảnh kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thanh
Hóa khóa XVII nhiệm kỳ 2016-2021
Ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện trên
địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2 quy hoạch thủy điện do Bộ Công Thương phê duyệt
là quy hoạch thủy điện bậc thang sông Mã và quy hoạch thủy điện nhỏ, gồm 21
dự án với tổng công suất 825 MW. Các sông có nhiều thủy điện là sông Mã 7 dự
án, sông Chu 4 dự án, sông Lò 3 dự án… Hiện đã có 13 dự án đầu tư, xây dựng;
8 dự án đang lập hồ sơ dự toán trình xem xét.
Sau phần báo cáo của ông Lê Tiến
Lam, rất nhiều đại biểu HĐND cảm thấy lo lắng, không yên tâm về vấn đề quy
hoạch mạng lưới thủy điện trên địa bàn Thanh Hóa hiện nay. Trong đó, nhiều
đại biểu cho rằng thủy điện khoảng cách quá gần, nhiều thủy điện thu hồi đất
rất lớn vượt quá quy định của Thông tư 43 của Bộ Công Thương, vấn đề môi
trường, đời sống của người dân vùng bị ảnh hưởng vẫn chưa được quan tâm đúng
mức.
"Một huyện mà có đến 4 nhà
máy thủy điện, khoảng cách ngắn, cắt khúc, thay đổi dòng chảy, phá vỡ môi
trường. Có nhiều thủy điện vượt diện tích quy định rất lớn, vậy khâu kiểm tra
thẩm định thế nào"- ông Cầm Bá Chái, tổ đại biểu HĐND huyện Lang Chánh,
chất vấn.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn
Anh Tuấn, Phó Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh Thanh Hóa), thì đi thẳng chất
vấn vấn đề đời sống của người dân vùng ảnh hưởng.
Ông Tuấn nêu vấn đề: "Với
tư cách là giám đốc sở, đồng chí có thể đánh giá hiện nay dân ở khu tái định
cư có bao nhiêu hộ có đời sống ổn định và khá hơn nơi cũ, bao nhiêu hộ dân
còn gặp khó khăn hơn nơi cũ. Trách nhiệm của sở khắc phục vấn đề này thế
nào?".
Về những câu hỏi của đại biểu,
vị giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã có giải trình, trả lời song vẫn
chưa trả lời được những câu hỏi trọng tâm mà đại biểu, cử tri quan tâm. Thậm
chí, nhiều câu hỏi ông Lê Tiến Lam đã phải xin "khất" về kiểm tra
lại và trả lời sau.
Chủ
trì kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến,
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, đã nêu ra nhiều vấn đề cấp bách
về thủy điện, đồng thời đưa ra các hướng chỉ đạo để các cơ quan ban ngành
triển khai thực hiện.
Ông
Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Thanh Hóa
Theo ông Chiến, cần tiếp tục rà
soát lại toàn bộ các dự án thủy điện trên địa bàn, kể cả những dự án lớn và
dự án nhỏ.
"Theo tôi, những dự án có
công suất nhỏ nên thôi, cỡ 10 MW trở xuống không nên cho làm vì kiểm tra làm
sao hết được quá trình thi công, mà hậu quả để lại là nguy hiểm. Kể cả những
dự án lớn, nếu rà lại không đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ Công
Thương, Chính phủ và đặc biệt liên quan đến cắt lũ, thủy lợi… cũng nên loại
ra. Vài MW, không giải quyết được gì nhưng chúng ta lo ngay ngáy, dân lo ngay
ngáy là nguy hiểm"- ông Chiến nêu ý kiến.
Cũng
theo Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, những dự án hiện đã
chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch thì cũng cần phải kiểm tra lại
cho kỹ càng, thấu đáo. Nếu chưa cần thiết lắm, chưa đảm bảo các quy định của
pháp luật thì cần phải xem xét kỹ, nếu cử tri nhân dân có ý kiến thì phải xem
lại, cần thiết rút chủ trương đầu tư những dự án này.
Vị Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa
cũng cho rằng cần nghiên cứu có biện pháp phù hợp, hạn chế tiến tới không cho
doanh nghiệp lập dự án, lập quy hoạch đầu tư các dự án thủy điện trên địa
bàn.
"Doanh
nghiệp lập dự án bao giờ cũng phải có lợi ích, nên dự án có ảnh hưởng người
ta cũng viết nhỏ đi, có tác động gì đó người ta cũng viết ít đi… để được các
cơ quan chức năng đồng ý cho họ làm. Các sở, ban, ngành năng lực anh em còn
hạn chế, không loại trừ khả năng có sự "tiếp tay" cho các doanh nghiệp,
"bài binh bố trận"
làm thế nào để qua được để trình chủ tịch UBND tỉnh ký cho các ông ấy, nên
cần phải nghiên cứu cho kỹ càng, thấu đáo vấn đề này"- ông Chiến nói.
Ông Chiến cũng lưu ý việc làm
thủy điện cần quan tâm đến sinh kế của người dân, chứ đừng đẩy người dân vào
những vùng khó khăn, như thế là không hoàn thành trách nhiệm với dân. Với
những khu tái định canh, định cư mới, các ngành nên kiểm tra, rà soát lại để
đánh giá cho thấu đáo, nếu không đảm bảo cho đời sống người dân thì tìm vị
trí khác ngay.
Chốt lại vấn đề, ông Trịnh Văn
Chiến chỉ đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, các ngành chức năng tổng kiểm tra lại tất
cả các dự án thủy điện, nếu dự án nào trì trệ, chậm tiến độ thì nên rút giấy
phép.
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thanh
Hóa khóa XVII diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11-7. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh
Thanh Hóa tập trung chất vấn Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ; HĐND tỉnh Thanh Hóa kỳ này cũng thông
qua nghị quyết lấy năm 1029 là năm "Danh xưng Thanh Hóa".
(Theo
Người Lao Động) Thanh Tuấn
|
Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét