BT mang tiếng xấu và nỗi oan khó giải
Cập
nhật
lúc 15:59
Cách thức thực hiện không tốt
là mấu chốt khiến BT phải chịu tai tiếng và những nỗi oan khó giải.
Xung quanh
những dư luận cho rằng, BT đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển cơ sở
hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để khai thác, phát huy thế mạnh nguồn lực
từ khu vực tư nhân nhưng vẫn có nhiều nghi ngại, thiếu tin tưởng trong thời
gian qua, ông Hoàng Văn Cường - ĐBQH đoàn Hà Nội đã có những lý giải về việc
này.
PV:- Thời gian qua, nhiều vụ lùm xùm liên
quan tới việc đổi đất lấy hạ tầng theo hình thức BT khiến dư luận có cái nhìn
không mấy tích cực về hình thức BT vốn từng được coi là giải pháp cho đầu tư
hạ tầng giao thông này. Theo ông, nguyên nhân là do đâu, do sự khiếm khuyết
của chủ trương này, do năng lực và kinh nghiệm của một số người có quyền hạn
trong quyết định chủ trương đầu tư ở các địa phương? Phải chăng, đang có một
nỗi oan mà hình thức đầu tư BT phải gánh chịu?
ĐBQH Hoàng Văn
Cường:- Trước hết, tôi
khẳng định, những tiếng xấu về các dự án được thực hiện theo hình thức kêu
gọi đầu tư BT thời gian qua không phải do khiếm khuyết của hình thức đầu tư
BT, cũng không phải vì chủ trương này không đúng, không phù hợp mà gây nên.
Lỗi thuộc về cách thức tổ chức thực hiện không tốt, lơi dụng những qui định
thiếu chặt chẽ để vụ lợi tiêu cực, gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, khiến
đầu tư theo hình thức BT phải gánh chịu những tai tiếng, những nỗi oan khó
giải.
Tôi phải nhấn
mạnh, đầu tư theo hình thức BT đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển
cơ sở hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để khai thác, phát huy thế mạnh
nguồn lực từ khu vực tư nhân, từ những người có kinh nghiệm, có vốn, có tiềm
lực về mặt kỹ thuật, về mặt công nghệ vào đầu tư xây dựng những công trình hạ
tầng có chất lượng tốt hơn, giá thành thấp hơn, thời gian nhanh hơn so với
việc Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra để tự tổ chức làm.
Ở đây, Nhà nước
là người đặt hàng nhưng cũng là khách hàng, người dân và xã hội là người thụ
hưởng còn chủ đầu tư chính là các doanh nghiệp bỏ tiền, thực hiện dự án. Như
vậy, khi kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, Nhà nước chỉ là đơn vị đưa ra đề
bài kèm theo các điều kiện, yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, thời gian hoàn
thành dự án... các doanh nghiệp sẽ là những người đưa ra lời giải và đáp án,
nhà nước sẽ lựa chọn doanh nghiệp nào có lời giải và đáp án tối ưu nhất để
được quyền thực hiện dự án.
Nếu, quá trình
kêu gọi đầu tư thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch sẽ lựa chọn được các
nhà đầu tư thật sự có năng lực, có kinh nghiệm, có vốn, có kỹ thuật sẽ làm
nên các công trình có chất lượng tốt, giá thành rẻ và thời gian đầu tư
ngắn. Việc này, giúp Nhà nước vừa tiết kiệm được kinh phí, rút ngắn được thời
gian thực hiện nhưng vẫn có những dự án chất lượng mà không phải ứng vốn ngay
từ đầu, không phải trực tiếp đứng ra thực hiện. Nhà nước chỉ đóng vai trò
giám sát, kiểm tra về tiến độ, chất lượng thi công công trình.
Về phía nhà đầu
tư, họ sẽ được hưởng phần lợi nhuận tương xứng với giá trị và chất lượng của
công trình sau khi thực hiện dự án và bàn giao lại cho Nhà nước. Lợi nhuận
của nhà đầu tư được hưởng sẽ nhiều hơn tương ứng với phần giá trị doanh
nghiệp tiết kiệm được do họ làm tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn... so với
những dự án có cùng tổng mức đầu tư mà Nhà nước tự làm.
Khi nhìn từ
phương diện này, rõ ràng tất cả các bên đều đang có lợi từ BT. Nhà nước sẽ có
được công trình để phục vụ xã hội. Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, có
công ăn việc làm, có doanh thu và lợi nhuận.
PV: - Vậy vì sao, BT là một chủ trương tốt
nhưng thay vì có những cái nhìn tích cực thì dư luận lại đang có cái nhìn
tiêu cực, thiếu tin tưởng ở BT nhiều hơn?
ĐBQH Hoàng Văn
Cường:- Như tôi đã nói
ở trên, lỗi không phải do chủ trương đầu tư BT. BT đang phải gánh một nỗi oan
khuất khó giải do chính cách thức tổ chức thực hiện không tốt gây ra.
Đầu tiên, là
chọn nhà đầu tư thực hiện dự án không theo cơ chế đấu thầu công khai để lựa
chọn nhà đầu tư theo tiêu chí, theo: giỏi nhất, có kinh nghiệm nhất, có khả
năng đầu tư tốt nhất trong lĩnh vực đó để thực hiện dự án, mà lại vì mục tiêu
nào đó để lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu, hoặc đấu thầu một cách
hình thức thiếu minh bạch, nhập nhèm, khuất tất.
Không thực hiện
chọn nhà đầu tư theo cơ chế đấu thầu nên, rất có thể trong quá trình chỉ định
thầu đã có những dự án được giao cho các nhà đầu tư không có năng lực tốt,
dẫn tới công trình thực hiện theo hình thức BT có chất lượng không tốt, thời
gian bị kéo dài, chi phí đội lên cao.
Tiếp đến, việc
thiết kế, thẩm định dự án đang thực hiện theo quy trình ngược.
Lẽ ra, trước khi tổ chức kêu gọi đầu tư, Nhà nước phải lựa chọn một đơn vị thiết kế, xây dựng dự toán, thẩm định dự án độc lập nhằm xác định rõ qui mô các hạng mục đầu tư và các yêu cầu kỹ thuật, dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng dự án là bao nhiêu, trên cơ sở đó Nhà nước mới tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đấu thầu để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, hiện nay, quy trình này đang
bị thực hiện ngược. Tức là, chỉ định nhà đầu tư rồi giao cho nhà đầu tư tự
thiết kế, tự xây dựng dự toán, tự tìm nhà tư vấn thẩm định cho dự án... Quyết
định đầu tư của Nhà nước nhiều khi chỉ là hợp pháp hóa cho các đề xuất của
nhà đầu tư. Cách làm này là kẽ hở dễ gây nhiều khuất tất, dễ bị nhà đầu tư
dẫn dắt theo lợi ích của chính doanh nghiệp hay nói đúng hơn, đây là một hình
thức hợp thức hóa cho để đạt được lợi ích của nhà đầu tư.
Vấn đề nữa, việc sử dụng quỹ đất công
theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện
dự án BT cũng thiếu minh bạch, nhiều khuất tất, không tuân thủ các qui định
của pháp luật về đất đai. Về bản chất, đây chính là một hình thức dùng quĩ
đất để "gán nợ" cho nhà đầu tư. Theo quy định, chính sách đầu tư BT
không có điều khoản nào qui định rằng khi thực hiện dự án BT thì phải đổi đất
cho nhà đầu tư để lấy dự án theo hình thức “hàng đổi hàng” mà chỉ cho phép
địa phương được khai thác các nguồn lực từ đất để thanh toán cho nhà đầu tư.
Với cách thức này, thay vì phải xuất
ngân quỹ trực tiếp thanh toán cho nhà đầu tư, địa phương có thể đấu giá quyền
sử dụng các lô đất có lợi thế sau khi đầu tư hạ tầng để lấy tiền thanh toán
cho nhà đầu tư. Nhưng quĩ đất phải được thực hiện đấu thầu công khai và giá
trúng thầu phải là giá đất sau khi đã có hạ tầng.
Như chúng ta đã biết, sau khi xây dựng
cơ sở hạ tầng, bản thân dự án sẽ làm gia tăng giá trị rất lớn cho quỹ đất
hiện có. Ví dụ, một mảnh đất khi chưa có đường đi qua chỉ có giá 1 tỷ thì sau
khi dự án mở đường được thực hiện xong thì giá đất sẽ tăng 5 thậm chí là 10
lần. Khi tổ chức đấu thầu để xác định giá đất phải thực hiện sau khi dự án BT
đã hoàn thành mới thu được nguồn lực cho ngân sách Nhà nước; ngược lại nếu
tính giá đất giao cho nhà đầu tư theo giá trước khi mở đường thì nhà đầu tư
đã được hưởng không toàn bộ giá trị tăng thêm đó.
Việc lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế
chỉ định thầu và gán đất trực tiếp cho nhà đầu tư theo giá đất khi chưa có hạ
tầng như đã thực hiện ở nhiều dự án BT trong thời gian vừa qua là đã mang lại
cho nhà đầu tư nhiều lần hưởng lợi: Nhà đầu từ vừa được nhận các công trình
xây dựng với giá cao theo mức do nhà đầu tư “vẽ ra” sau đó lại được sử dụng
quỹ đất vàng với giá rất thấp để được hưởng lợi rất lớn từ giá trị gia tăng
từ đất sau khi thực hiện dự án BT mang về.
Như vậy, nhà đầu tư vừa được bán dự án
giá cao, vừa có quỹ đất rẻ, mà chưa chắc chất lượng dự án đã tốt... Bất hợp
lý là ở đây. Tiêu cực chính là ở đây. Những sai phạm mà Kiểm toán mới đây chỉ
ra cũng là xuất phát từ chính những điểm này chứ không phải là do chủ trương
BT không đúng.
PV:- Khó có thể phủ
nhận, trong điều kiện thiếu vốn mà nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn đang rất
cao như Việt Nam, hình thức đầu tư BT chưa thể thay thế. Hiện tại, chúng ta
đã có những cơ sở để khắc phục hết những hạn chế, tiêu cực của hình thức đầu
tư này, phát huy tối đa hiệu quả của nó hay chưa? Xin ông phân tích cụ thể.
Theo ông, để dẹp hết những tiêu cực của hình thức đầu tư BT, những khó khăn
chúng ta phải đối mặt là gì?
ĐBQH Hoàng Văn Cường:- Tôi vẫn
khẳng định, đầu tư theo hình thức BT trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay là
giải pháp rất cần thiết. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, phải cần
rất nhiều vốn để đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư theo hình thức BT sẽ giúp đôi
bên cùng có lợi.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam đang rất
thiếu vốn, chúng ta chưa có ngay ngân sách bỏ ra thực hiện các dự án hạ tầng
giao thông, vì thế, việc huy động nguồn vốn đầu tư theo hình thức BT trong
xây dựng hạ tầng sẽ giúp giải quyết nhu cầu về vốn và khai thác thế mạnh của
khu vực tư nhân. Quan trọng hơn, việc khai thác hiệu quả các dự án BT còn
giúp Nhà nước khơi dậy được các nguồn lực mới và tạo điều kiện để Nhà nước
dùng chính những nguồn lực đó để tạo vốn trả lại cho nhà đầu tư. Như vậy, thu
hút đầu tư theo hình thức BT không đơn thuần là do thiếu tiền mới lựa chọn, mà
đây còn là phương thức giúp chúng ta có thể khơi dậy được các tiềm năng phát
triển, đặc biệt là ở những vùng trung tâm phát triển, rất cần đầu tư cho phát
triển hạ tầng.
Vậy, muốn phát huy được tối đa hiệu quả
của hình thức đầu tư BT thì chắc chắn phải khắc phục được những tiêu cực, hạn
chế mà dư luận cũng như các cơ quan kiểm tra, thanh tra nhà nước đã chỉ ra
vừa qua.
Đầu tiên, phải xác
định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để lựa chọn công trình nào cần thực
hiện theo hình thức BT. Dự án được lựa chọn phải mang lại tác động cho sự
phát triển chung của cộng đồng, phải khơi dậy các tiềm lực mới cho phát
triển. Phải hết sức thận trọng để tránh tình trạng lựa chọn dự án BT theo ý
tưởng dẫn dắt của nhà đầu tư, mang tiền nhà nước làm dự án BT nhưng lại để khơi
dậy tiềm lực mang lại hưởng lợi cho một dự án BĐS của chủ đầu tư nào đó.
Thứ hai, sau khi đã lựa
chọn đúng dự án cần làm BT, Nhà nước phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thực
hiện khảo sát, thiết kế mô hình xây dựng dự án, tính toán tổng mức đầu tư cho
hợp lý... Đây sẽ là cơ sở để Nhà nước đưa ra để chào hàng, mời gọi các nhà
đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu thấu, thực hiện dự án theo thiết
kế và các yêu cầu đặt ra của nhà nước.
Thứ ba, phải tổ chức
quảng bá rộng rãi, đầy đủ về tất cả các thông tin và các tiêu chuẩn kỹ thuật
của dự án cũng như những tiêu chuẩn nhà thầu đủ điều kiện tiếp cận dự án để
tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các tổ chức chuyên môn và
đặc biệt là các doanh nghiệp để có một dự án phù hợp nhất với các tiêu chí
lựa chọn nhà đầu tư thích hợp nhất.
Thứ tư, sau khi dự án
hoàn thành Nhà nước sẽ đứng ra khai thác các nguồn lực được tạo ra từ công
trình để tạo vốn trả lại cho nhà đầu tư. Một trong những nguồn lực mà chúng
ta đang dựa vào nhiều nhất hiện nay chính là nguồn lực từ đất đai và việc
giao đất cho nhà đầu tư phải tổ chức đấu thầu công khai, theo đúng quy định
của pháp luật.
Trên thực tế, các quy định về đấu thầu
thực hiện dự án BT cũng như đấu giá quyền sử dụng đất đã có đầy đủ và được
quy định khá rõ ràng. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng các quy định về yêu cầu
công khai, minh bạch vẫn còn chưa rõ ràng. Chính vì sự thiếu minh bạch, rõ
ràng nói trên mà đã có tình trạng cố tình lách luật, lựa chọn một phương thức
có lợi cho doanh nghiệp, cho một nhóm lợi ích thay vì làm đúng quy định để
mang lai lợi ích chung.
Mặc dù chúng ta đã có pháp luật về tổ
chức đấu thầu, nhưng thực tế thiếu quy định chặt chẽ về các ràng buộc nên
người ta cố tình đặt ra các tiêu chí để loại bỏ các nhà thầu tham gia rộng
rãi hoặc thiếu các thông tin cụ thể khiến các doanh nghiệp bị "mù"
thông tin hoặc có hiện tượng tổ chức đấu thầu giả, dùng quân xanh, quân
đỏ..., nhằm loại bỏ các doanh nghiệp cùng tham gia. Trong trường hợp này, quy
định công khai minh bạch chỉ mang tính hình thức, mang tính thủ tục nhằm hợp
thức hóa hồ sơ, giấy tờ cho nhà tổ chức thực hiện chỉ định thầu.
Vì thiếu minh bạch, thiếu công khai thì
người ta mới có điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư một cách tù mù, có thể mang
lại lợi ích có một số cá nhân, một số nhóm lợi ích. Từ chỗ thiếu minh bạch
thì giá công trình mới bị đẩy lên, định giá đất bị thấp hơn, chất lượng công
trình không đúng với chất lượng như mong đợi...
Bên cạnh đó, chúng ta lại chưa có được
một cơ chế giám sát hiệu quả, kịp thời, chưa có được cơ chế để người dân và
cộng đồng cùng tham gia giám sát công khai. Nếu các cơ quan kiểm toán, thanh
tra, kiểm tra làm tròn trách nhiệm, phát hiện kịp thời như báo cáo của kiểm
toán vừa qua thì sẽ không có hàng loạt những sai phạm kéo dài như thời gian
qua.
PV:- Về phía doanh
nghiệp đấu thầu tham gia các dự án BT, đương nhiên, vấn đề lợi ích được họ đặt
lên hàng đầu. Tuy nhiên, cơ chế giám sát nên thế nào để doanh nghiệp có muốn
cũng không thể 'đi đêm', tăng lợi ích? Thay vì có cái nhìn ác cảm với doanh
nghiệp, có thể đưa ra những yêu cầu về công khai minh bạch thông tin đấu thầu
và tiến trình các dự án thế nào để đảm bảo không có sự ưu ái cho doanh nghiệp
thân quen, các doanh nghiệp đều có cơ hội tham gia vào các dự án này?
ĐBQH Hoàng Văn Cường:- Trước hết, tôi
cho rằng không chỉ hình thức đầu thư theo phương thức BT đang phải chịu tiếng
oan mà cả cộng đồng doanh nghiệp đều đang là nạn nhân của cách làm khuất tất,
thiếu minh bạch trong thời gian qua. Vì thế, trước khi bàn về cơ chế giám
sát, tôi cho rằng, đầu tiên vẫn phải có một cơ chế bảo đảm được lợi ích chắc
chắn cho doanh nghiệp.
Muốn làm được như vậy thì dự án khi đưa
ra kêu gọi đầu tư phải được tính toán về mặt thiết kế, thẩm định, dự toán một
cách chính xác, bảo đảm cho doanh nghiệp có được phần lợi nhuận thỏa đáng khi
thực hiện dự án.
Cùng với đó, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư
phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng, tạo điều kiện cho
tất cả các nhà đầu tư cùng tham gia. Tránh tình trạng cài cắm, gài bẫy hoặc
đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn “làm khó” các doanh nghiệp, để ưu ái lựa chọn
doanh nghiệp thân hữu, sân sau. Tôi tin rằng, tất cả các doanh nghiệp tư nhân
đều mong muốn có được môi trường làm ăn đàng hoàng, được cạnh tranh bình
đẳng, chứ không phải là cơ chế ưu ái, ưu tiên mang tính đặc quyền riêng như
đã có.
Rõ ràng, bản thân các doanh nghiệp cũng
đang phải gánh chịu hậu quả từ chính cơ chế thiếu minh bạch hiện nay. Doanh
nghiệp có điều kiện nhưng không được tham gia là họ đã bị mất đi cơ hội,
không có khả năng phát triển. Còn đối với những doanh nghiệp được lựa chọn họ
cũng phải chia lợi ích cho nhiều phía, bản thân không được hưởng lợi trọn vẹn
từ dự án. Như vậy, đã có những phần lợi ích được sinh ra nhưng nó lại không
tạo ra được lợi ích cho xã hội, lợi ích không mang lại lợi ích cho ai hay còn
gọi là "lợi ích tổn hại".
Việc quy chụp hay đổ lỗi tiêu cực cho
các doanh nghiệp thực hiện dự án BT trong thời gian qua liệu có là rất vội
vàng, phiến diện. Mấu chốt là chúng ta đã chưa thiết kế được một cơ chế, chưa
xây dựng được các điều kiện bình đẳng, chưa bảo đảm được lợi ích công khai,
bền vững cho doanh nghiệp. Tôi vẫn phải nhắc lại, doanh nghiệp họ chỉ cần một
môi trường đầu tư cạnh tranh, công khai, bình đẳng chứ không hoàn toàn chỉ
chờ đợi vào những "ân huệ riêng tư".
PV:- Trong một ví dụ
mới nhất, dư luận đang rất băn khoăn về việc xây một loạt con đường bằng hình
thức BT ở Hà Nội. Hà Nội tự tin khẳng định 5 dự án BT với tổng quỹ đất đối
ứng lên đến 270ha là "làm theo đúng quy định, quy trình, kiểm tra, kiểm
toán chặt chẽ, bảo đảm công khai minh bạch". Về xác định giá đất, Hà Nội
khẳng định làm hết sức khách quan, đảm bảo công minh, chặt chẽ, được giám sát
bởi nhiều cơ quan, nhiều cấp, không có chuyện giá đất xác định để đối ứng cho
dự án BT lại thấp hơn các dự án thương mại khác. Sự tự tin của Hà Nội có thể
hiện tín hiệu rằng, họ đang thực hiện chủ trương này một cách hiệu quả, không
khuất tất, tiêu cực hay không? Theo ông, Hà Nội cần làm thế nào để người dân
tin tưởng và ủng hộ 5 dự án BT nói riêng và hình thức đầu tư này ở Hà Nội nói
chung?
ĐBQH Hoàng Văn Cường:- Như tôi
đã nói, đầu tư theo hình thức BT là chưa thể thay thế với Việt Nam. Riêng Hà
Nội, hình thức đầu tư BT là rất cần thiết, nhằm giúp Hà Nội huy động được tối
đa nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân tham gia đẩy mạnh xây dựng và phát
triển hạ tầng xã hội. Hà Nội cũng có lợi thế, có các nguồn lực có thể giúp Hà
Nội khai thác, tạo ra nguồn thu để trả lại cho các nhà đầu tư.
Nói về 5 dự án hạ tầng Hà Nội đang đề xuất thực hiện, tôi cho rằng đây là chủ trương rất tốt, cần thiết phải đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho Thủ đô.
Về đề xuất đầu tư theo hình thức BT,
tôi cũng cho rằng đây là quyết định đúng, nhất là trong bối cảnh ngân sách eo
hẹp như hiện nay, việc huy động BT để thực hiện dự án là lựa chọn khôn ngoan.
Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, trong
kết luận của Kiểm toán Nhà nước có chỉ ra hàng loạt những sai phạm tại các dự
án BT, trong đó có Hà Nội, TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác. Vậy thì,
tôi tin rằng, Hà Nội đã nhìn thấy rất rõ những mặt trái do lợi dụng những kẽ
hở, những nguy cơ vi phạm luật pháp trong quá trình thực hiện các dự án hạ
tầng theo hình thức BT như: chỉ định thầu, không thẩm định kỹ dự án, lựa chọn
nhà đầu tư không đúng năng lực, chất lượng, giao đất thấp hơn giá thị
trường... Cá nhân tôi tin rằng, một khi các nhà lãnh đạo của Hà Nội đều đã
nhìn thấy rõ những hậu quả, những nguy cơ đó rồi thì chắc chắn không ai lại
liều lĩnh lựa chọn “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” để rồi lại mắc sai lầm thêm
nữa.
Với tư duy như vậy, tôi hoàn toàn có kỳ
vọng Hà Nội sẽ thực hiện 5 dự án BT nói trên theo tinh thần: công khai, minh
bạch, thật sự cạnh tranh, thực hiện đúng cơ chế mời gọi được các nhà đầu tư
tư nhân tốt nhất để xây dụng chuyển giao các công trình hạ tầng có chất lượng
tốt nhất và khai thác có hiệu quả nhất các nguồn lực mang lại từ các công
trình hạ tầng cho mục tiêu chung của xã hội.
Nếu Hà Nội làm như vậy thì tôi tin dư
luận sẽ luôn đồng hành và ủng hộ Hà Nội.
PV:- Xin cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Lan Vũ (thực
hiện)
|
Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét