Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Út 'trọc' đã mạo nhận và trốn thuế như thế nào?

Cập nhật lúc 10:07    

Trước thông tin cho rằng trong vụ án Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út “trọc”) sắp được đưa ra xét xử vào ngày 30.7, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương từng có bút phê cho Út “trọc” dẫn đến thất thoát ngân sách trên 1,4 tỉ đồng, chiều qua (23.7), lãnh đạo địa phương này đã lên tiếng.

Cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chiều 23.7  /// Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG
Cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chiều 23.7 ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có báo cáo toàn bộ vụ việc liên quan đến những thông tin này, đồng thời giao cho ông Võ Văn Lượng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, trả lời cụ thể.
Trước đó, có thông tin cho rằng vào năm 2014, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã có bút phê vào tài liệu xin không xử phạt hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng cho phía ông Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) gây thất thoát ngân sách trên 1,4 tỉ đồng.
Cụ thể, cuối năm 2012, phía công ty của ông Hệ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thuê đất của Lữ đoàn 434 (Quân đoàn 4) tại P.Bình Hòa, TX.Thuận An (Bình Dương) để cho Công ty vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại kinh doanh xăng dầu. Đinh Ngọc Hệ đã ký quyết định thành lập chi nhánh công ty tại Bình Dương với mục đích xin giấy phép xây dựng, kinh doanh xăng dầu, không liên quan đến nhiệm vụ kinh tế quốc phòng.
Ngày 23.6.2014, Tổ kiểm tra liên ngành của Chi cục QLTT Bình Dương tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh xăng dầu Thái Sơn, phát hiện cửa hàng chưa có hợp đồng đại lý và giấy chứng nhận kiểm định cột đo, đồng thời lấy 1 mẫu xăng A92 gửi đi kiểm nghiệm. Đến ngày 2.7.2014, kết quả kiểm nghiệm mẫu xăng A92 tại cửa hàng xăng dầu Thái Sơn có trị số octan không đạt chất lượng. Sau đó, QLTT Bình Dương lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 3.250 lít xăng A92 (không đạt chất lượng) còn tồn trữ tại cửa hàng và 17.228 lít xăng A92 đã bán ra ngoài thị trường, tổng số tiền phạt trên 1,448 tỉ đồng.

Mạo nhận xăng dầu phục vụ quốc phòng
Theo ông Võ Văn Lượng, sau khi bị lập biên bản xử lý, phía công ty của ông Hệ có văn bản gửi ông Lê Thanh Cung, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, giải trình; trong đó mạo nhận số xăng dầu kém chất lượng là của một đơn vị không quân gửi tại cửa hàng xăng dầu để phục vụ mục đích quốc phòng, không bán ra ngoài thị trường, đồng thời xin miễn phạt.
“Đại diện Công ty Thái Sơn giải thích xăng kém chất lượng là do đơn vị phòng không không có chỗ chứa, bồn chứa lâu ngày không được súc rửa nên dẫn đến kém chất lượng”, ông Lượng nói, đồng thời khẳng định sau đó ông Lê Thanh Cung đã ký bút phê với nội dung: “Đ/c: Cư xem và giúp đỡ”, rồi chuyển cho ông Võ Văn Cư (nguyên Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương). Theo ông Lượng (thời điểm ông Cung bút phê, ông Lượng là Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương - PV), ông Cung chỉ ghi nội dung như vậy ở trên góc trái của xấp văn bản do Công ty Thái Sơn gửi qua, trong đó có cả văn bản, hợp đồng do đại tá Bùi Văn Tiệp, Sư đoàn trưởng (Sư đoàn 367) ký xác nhận là toàn bộ trên 20.000 lít xăng là của Sư đoàn 367 gửi, không bán ra ngoài.
Ông Lượng nói tiếp: "Theo báo cáo giải trình của Chi cục QLTT Bình Dương, sau khi nhận được các văn bản của bên Công ty Thái Sơn và Sư đoàn 367, Tổ kiểm tra liên ngành đã họp và thống nhất chấp nhận văn bản giải trình của Thái Sơn mà không tổ chức truy xuất nguồn gốc của toàn bộ lô hàng và không xử phạt số tiền trên 1,448 tỉ đồng. QLTT Bình Dương thừa nhận việc không tổ chức truy xuất nguồn gốc số xăng là có sự ưu ái, tôn trọng doanh nghiệp quân đội và lúng túng vì lần đầu tiên làm việc với một doanh nghiệp quân đội".

Út “trọc” còn bị cáo buộc tội gì?
Trong khi đó, theo dự kiến, từ 30.7 - 1.8 Tòa án Quân sự Quân khu 7 (TP.HCM) sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Ðinh Ngọc Hệ cùng các đồng phạm Bùi Văn Tiệp, Trần Văn Lâm (nguyên Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển đầu tư (CP PTĐT) Thái Sơn) và Trần Xuân Sơn (nguyên Giám đốc chi nhánh tại Bình Dương của Công ty CP PTĐT Thái Sơn) về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ còn bị truy tố thêm tội danh “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Qua tìm hiểu của PV Báo Thanh Niên, ngoài hành vi mạo nhận xăng dầu phục vụ quốc phòng để trục lợi như trên, Đinh Ngọc Hệ còn phạm nhiều tội khác sẽ được đưa ra xét xử. Cụ thể, năm 2009, Tổng công ty Thái Sơn thành lập công ty con là Công ty CP PTĐT Thái Sơn; trong đó Tổng công ty Thái sơn góp 51% cổ phần, hai cổ đông khác đều là cháu ruột của Hệ. Năm 2011, Công ty CP PTĐT Thái Sơn đổi tên thành Công ty CP PTĐT Thái Sơn Bộ Quốc phòng do Hệ làm Chủ tịch HĐQT. Năm 2012 và 2017, Tổng công ty Thái Sơn dần dần chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho người khác. Mặc dù với danh nghĩa là công ty con của Tổng công ty Thái Sơn nhưng thực chất vốn kinh doanh của Công ty CP PTĐT Thái Sơn Bộ Quốc phòng là của tư nhân, do Đinh Ngọc Hệ trực tiếp điều hành.
Khoảng thời gian làm Tổng giám đốc Công ty CP PTĐT Thái Sơn Bộ Quốc phòng, ông Hệ đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty này, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng xe ô tô biển số quân sự, biển số xanh, trong đó có nhiều xe có giá trị lớn. Khi được miễn nhiều tỉ đồng tiền thuế trước bạ và cho đăng ký hàng chục xe, ông Hệ chỉ đạo đồng phạm đưa những xe này cho cá nhân, tổ chức thuê, mượn, thế chấp các tổ chức tín dụng hoặc bảo lãnh tiền vay dẫn đến nhiều đơn thư tố cáo. Hành vi của Đinh Ngọc Hệ đã gây thất thoát nhiều tỉ đồng thuế trước bạ và bị cáo đã thu lợi trên 6 tỉ đồng từ hành vi cho thuê, mượn, thế chấp… ô tô không đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện bảng điểm, bằng đại học ngành kinh tế lưu trong hồ sơ lý lịch cá nhân của ông Hệ là bằng giả…

Trả lời PV Thanh Niên, sáng 22.7, ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định “không có việc tư lợi trong việc ghi bút phê”. Theo ông Cung, ông chỉ giải quyết theo tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư và làm ăn ở Bình Dương.
(Theo Thanh Niên) Đỗ Trường-Phan Thương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét