Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

 Áp lực không đáng có từ thi cử

 

Cập nhật lúc 14:12  


Vụ gian lận thi cử xảy ra ở Hà Giang khiến tôi suy nghĩ mãi về một câu khẩu hiệu khá hay của ngành Giáo dục “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Thế nhưng, người lớn đã làm gì khiến “niềm vui” của các em phải được tạo nên bởi sự gian lận?

Kết quả hình ảnh cho áp lực thi cử

Rõ ràng, áp lực của chuyện thi cử đã đè nặng lên toàn bộ xã hội lâu nay. Không chỉ các em học sinh, phụ huynh, mà thành tích của ngành giáo dục, việc "chọn lựa, phân loại" trong xã hội cũng bị vấn đề này chi phối. Nhưng liệu thì đây có phải là một áp lực cần thiết hay không?
Có thể truyền thống khoa bảng và tâm lý coi trọng việc được “vinh danh” trong các kỳ thi của người Việt đã ăn sâu vào trong suy nghĩ khiến nền giáo dục vẫn cứ loay hoay, lúng túng. Dù rằng đổi mới thi cử là việc được thực hiện gần như hàng năm, thậm chí ở từng kỳ thi.
Nhưng cũng chính vì chỉ “đổi mới thi cử”, chứ không đổi mới tư duy trong chuyện thi cử,  đã làm cho các kỳ thì ngày càng phức tạp. Gần như năm nào cũng vậy, cứ đến các kỳ thi quan trọng là cả nước lại dồn nguồn lực để tổ chức chu đáo, nhưng kỳ thi nào cũng bộc lộ “nhiều bất cập” cần phải rút kinh nghiệm vào… kỳ tới.
Câu hỏi đặt ra, trong thế giới ngày càng văn minh, ngày càng hội nhập này, tại sao ngành giáo dục "nhà ta" lại cứ phải “hao tâm tổn trí” đối với các kỳ thi như vậy?
Cả thế giới đã không còn quá coi trọng những tấm bằng lấp lánh. Xã hội hiện đại đã không còn dung dưỡng cho những người không có đủ năng lực thực chất cho dù có nhiều bằng cấp. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo dục cần chú trọng thực sự vào đào tạo kĩ năng, năng lực làm việc, năng lực ứng dụng kiến thức khoa học… chứ không phải năng lực làm bài thi.
Vậy nên, việc đánh giá năng lực học sinh là một quá trình song song với quá trình đào tạo, chứ không phải “học tài thi phận” Kết quả học tập phải là những con số chuyển tiếp sự nghiệp học hành của một con người, chứ không phải là kết quả từ một kỳ thi.
Một kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng với xét tuyển đại học đã được nhiều chuyên gia về giáo dục đánh giá là một "quy trình ngược" chính là vậy. Việc công nhận tốt nghiệp THPT cho các em, lẽ ra phải được diễn ra một cách đương nhiên khi các em học xong 12 năm với thành tích của tất cả các năm đều đạt tiêu chí đề ra của ngành giáo dục. Đồng nghĩa với việc, các kỳ thi “chuyển cấp” trung học là không cần thiết. 
Chỉ đến khi vào đại học, nghĩa là các em phải lựa chọn một chuyên ngành hẹp, khi ấy, chính các trường đào tạo, với tiêu chí riêng của từng bộ môn khoa học, từng ngành học cụ thể sẽ phải tiến hành các kỳ thi để lựa chọn các thí sinh phù hợp với trình độ và chuyên ngành đào tạo.
Những xáo trộn trong việc xét tuyển chắc chắn sẽ không còn, những khó khăn vì “thí sinh ảo” cũng không còn, những áp lực của việc học hành giỏi giang suốt cả những năm phổ thông, bỗng dưng không được công nhận tốt nghiệp cũng không còn và hẳn nhiên gian lận để tốt nghiệp phổ thông cũng không có cơ hội nữa. Và như vậy, sứ mệnh của một giai đoạn giáo dục “phổ thông” mới thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó.

Kết quả hình ảnh cho áp lực thi cử

Đối với giáo dục đại học, việc lựa chọn đầu vào cũng chỉ là một bước khởi đầu. Việc đào tạo giáo dục đại học là đào tạo ra nguồn nhân lực “dùng được” cho xã hội. Vì vậy, với nền tảng giáo dục phổ thông, khi bước vào giáo dục đại học, các em cần được đào tạo những kĩ năng, khả năng ứng dụng, khả năng làm việc hiệu quả so với nhu cầu xã hội đối với các chuyên ngành khoa học ứng dụng. Và các em cũng sẽ được đào tạo khả năng, phương pháp nghiên cứu… đối với những chuyên ngành khoa học cơ bản.
Như vậy, ngay cả với giáo dục đại học, các kỳ thi đầu vào cũng chỉ mang tính phân loại sở thích, năng khiếu và những yêu cầu mang tính nền tảng. Việc chạy điểm, chạy trường sẽ không còn lý do để tồn tại, nếu như sau cánh cửa trường đại học là cả một quá trình đào tạo và đào thải nghiêm túc, một cuộc “chạy đua” học tập, nghiên cứu, thực hành, chứ không phải “vào được ắt ra được”.
“Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Để làm được điều này, hơn ai hết, ngành giáo dục cần phải hoạch định một nền giáo dục khoa học, theo kịp với xu thế xã hội hiện đại, chứ không chỉ là khẩu hiệu.
(Báo Tin tức) Lê Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét