Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Nghề nghiệp và liêm sỉ

Cập nhật lúc 14:57                 

Nghề nào cũng có người tốt kẻ xấu, nhưng với nghề nhà giáo (được tôn vinh là nghề trồng người) mà gian dối thì thử hỏi sản phẩm họ "trồng" sẽ ra sao?

Chuyện gian dối trong chấm thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang đã được phơi bày, mang đến cú sốc lớn cho rất nhiều người ở mọi giai tầng trong xã hội bởi mấy lẽ: 
Thứ nhất: Theo phát biểu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 2/7/2018, rằng kỳ thi đã được tổ chức "nghiêm túc, khách quan, an toàn, nhẹ nhàng được nhân dân các địa phương ủng hộ" và "cơ bản là thành công". [1]
Với phát ngôn như vậy của người trong cuộc, mọi người có thể yên tâm với kết quả của kỳ quan trọng nhất của quốc gia trong năm. Nào ngờ …!  
 
Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt tạm giam, điều tra đối với ông Vũ Trọng Lương (người mặc áo phông đang đứng). ảnh: CTV.

Thứ hai: Việc tổ chức thi cử theo phương pháp trắc nghiệm với quy trình chấm do máy tính thực hiện, nhất là ngoài việc chấm thi bằng máy tính còn có sự giám sát của nhiều người, nhưng sai phạm vẫn xảy ra.

Rất nhiều ý kiến cho rằng trong sự việc này nếu chỉ cá nhân là ông Vũ Trọng Lương thật khó có thể thể can thiệp được vào hệ thống. Kết quả ra sao thì vẫn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Thứ ba: Trong số những học sinh được nâng điểm “không trong sáng” có nhiều em là con cán bộ lãnh đạo các cấp ở Hà Giang, trong đó có cả con của Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và con của Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang.
Và dư luận cũng đã đặt ra câu hỏi: Ai đã đưa con Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh "vào tròng" nâng điểm? [2]
Thứ tư: Gian dối trắng trợn trong công đoạn chấm thi Trung học phổ thông Quốc gia bằng ứng dụng công nghệ thông tin ở Hà Giang chỉ là lần đầu hay có từ trước đó? Câu hỏi này hẳn là sẽ được cơ quan chức năng làm rõ bởi ông Vũ Trọng Lương giữ chức Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang từ năm 2010 đến nay.
Hơn nữa, là người được đánh giá giỏi về công nghệ thông tin, trong đợt chấm thi năm 2018, trước sự chứng kiến của nhiều người, ông Lương vẫn dễ dàng qua mặt để thực hiện hành vi gian dối. 
Đáng chú ý là thao tác kỹ thuật máy tính để thực hiện hành vi gian dối như ông Lương rất có thể còn xảy ra ở địa phương khác, vì vậy đặt giả định nếu sự gian dối này xảy ra ở vài tỉnh thôi thì có bao nhiêu học sinh yếu kém vẫn hãnh diện trúng tuyển đại học với điểm cao chót vót, vào học các trường tốp đầu?
Những câu hỏi trên đây không phải không có cơ sở, vì trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2008, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quyết liệt chủ trương chống bệnh thành tích trong giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước chỉ 75% [3].
Nhưng từ năm 2009, trở đi kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông lại nhanh chóng trở về đúng “quỹ đạo” của bệnh thành tích.
Năm 2009, tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước: 86,70% [4]; năm 2010: 92,57% [5]; và từ năm 2011 trở đi đều trên 93%, thậm chí năm 2014 tỷ lệ tốt nghiệp lên đến 99%. [6]
Không những vậy, những trường đại học thực hiện thi cử và đánh giá kiến thức của sinh viên chặt chẽ, hàng năm số lượng sinh viên bị buộc thôi học rất lớn do kết quả học tập không đáp ứng được yêu cho thấy cần phải xem lại về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia.
Đành rằng sinh viên bị buộc thôi học có nhiều nguyên nhân, nhưng qua sự việc ở Hà Giang, không loại trừ khả năng có những sinh viên trúng tuyển đại học là do gian lận nên không đủ năng lực học tập bậc đại học. [7]
Thứ năm: Có lẽ điều mọi người sốc nhất là ông Vũ Trọng Lương không phải chuyên viên kỹ thuật thông thường mà là một nhà giáo. 
Vẫn biết, nghề nào cũng có người tốt kẻ xấu, nhưng với nghề nhà giáo (được xã hội tôn vinh là nghề trồng người) mà gian dối thì thử hỏi sản phẩm mà họ "trồng" rồi sẽ như thế nào đây? Vì dân gian có câu “thầy nào trò nấy”!
Hơn nữa, nhà giáo Vũ Trọng Lương được đánh giá là cán bộ có năng lực chuyên môn tốt (theo bài viết “Ông Vũ Trọng Lương là ai mà một mình sửa điểm cho cả trăm học trò? Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 19/7/2018), lại giữ chức vụ Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang.
Đây là cơ quan có nhiệm vụ được khái quát ngắn gọn là tham mưu cho cấp lãnh đạo trực tiếp và chỉ đạo, hướng dẫn cấp cơ sở thực hiện quy chế, nội dung, chương trình đào tạo, nhằm đảm bảo sự nghiêm minh, khách quan, chính xác trong đánh giá chất lượng giảng dạy, học tập.
Tóm lại, ông Lương là Phó tướng của cơ quan đóng vai trò cầm cân nảy mực về công tác giáo dục bậc phổ thông của tỉnh Hà Giang.
Với cương vị đó, không chỉ học sinh mà chắc rằng phần đông các nhà giáo ở Hà Giang khi giao tiếp với ông Lương đều trân trọng dùng danh xưng của ông là Thầy.
Điều đó hoàn toàn xứng đáng nếu ông Lương là người trong sạch, bởi vừa là nhà giáo được đánh giá có năng lực chuyên môn tốt, lại là cán bộ lãnh đạo của cơ quan giữ vai trò cầm cân nảy mực công tác giáo dục bậc phổ thông của tỉnh nhà.
Nhưng hỡi ôi! Càng tin tưởng lắm thì càng thất vọng nhiều, lời người xưa truyền lại có sai bao giờ!
Một người với cương vị như vậy lại đi bán linh hồn cho quỷ dữ, nguyên nhân vì sao và có những ai tham gia phi vụ động trời này đang chờ câu trả lời của cơ quan điều tra.
Ai cũng thấy rằng việc làm của ông Lương là hành vi vô liêm sỉ, chà đạp lên tình cảm, niềm tin thiêng liêng của học sinh, của phụ huynh học sinh và của xã hội dành cho các nhà giáo.
Không chỉ có vậy, nếu những trò gian dối của ông lương (và đồng phạm - nếu có), trót lọt thì có hàng trăm học sinh kiến thức kém vẫn vào đại học đường hoàng.
Và cửa ải khó nhất là kỳ thi tuyển sinh vào đại học mà những học sinh này và các phụ huynh của họ vẫn gian lận để qua được, thì việc mua bán điểm trong quá trình học đại học ở một số trường đại học chỉ là “con muỗi”.
Khi tốt nghiệp đại học, nhờ có “điểm xuất phát” vững chắc, những học sinh đó lại dễ dàng trở thành viên chức, công chức nhà nước và sớm trở thành những cán bộ lãnh đạo trẻ.
Nếu tình trạng này lan rộng ra đất nước rồi sẽ ra sao?
Vì vô liêm sỉ, mà không ít kẻ có hành vi như Vũ Ngọc Lương cùng với các vấn nạn tham nhũng, mua quan bán chức, gian dối bằng cấp… đã và đang làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Phải khẳng định, những việc làm gian dối, xấu xa của những con người này nguy hại không kém gì “luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch”.
Bởi vậy, để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, điều quan trọng và cấp bách nhất là đẩy mạnh cải cách thể chế, xây dựng pháp luật nghiêm minh để những hành vi tham lam, gian dối không có đất sống; để những kẻ chuyên dùng mưu mô trục lợi cho bản thân và gia đình không thể chui được vào bộ máy của hệ thống chính trị và các cơ quan của bộ máy Nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
[1].https://nld.com.vn/thoi-su/bo-gd-dt-ra-tay-chua-nhanh-20180719224400661.htm 
[2].http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Can-lam-ro-ai-da-dua-con-Bi-thu-Ha-Giang-Trieu-Tai-Vinh-vao-trong-nang-diem-post188124.gd
[3].http://tiasang.com.vn/-giao-duc/vai-nhan-xet-tu-ket-qua-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-20052008-2666
[4].https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gan-230-000-hoc-sinh-truot-tot-nghiep-2142217.html
[5].https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Bao-cao-370-BC-BGDDT-ket-qua-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong/108185/noi-dung.aspx
[6].http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ty-le-do-tot-nghiep-thpt-2015-thap-nhat-trong-4-nam-qua-1438360797.htm 
[7].https://news.zing.vn/vi-sao-hang-nghin-sinh-vien-bi-duoi-hoc-o-sai-gon-post809718.html
(Theo GDVN) NGUYỄN HUY VIỆN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét