Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Xôn xao thư ngỏ phản đối cách miệt thị cộng đồng LGBT của Táo Quân

Cập nhật lúc 10:18

Viện ISEE và Trung tâm ICS vừa có thư ngỏ gửi Đài Truyền hình Việt Nam, BBT chương trình "Gặp nhau cuối năm" về cách tạo hình nhân vật Bắc Đẩu lẫn cách sử dụng ngôn từ có phần xúc phạm đến cộng đồng LGBT. Thư ngỏ này ngay lập tức tạo nên nhiều tranh cãi trái chiều trên mạng xã hội.


Ông Huỳnh Minh Thảo – Giám đốc Truyền thông của ICS (Tổ chức đầu tiên tại Việt Nam làm việc về quyền của người đồng tính) cho biết, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (Viện ISEE) và Trung tâm ICS (ICS Center) vừa có thư ngỏ Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Ban biên tập chương trình “Gặp nhau cuối năm”.
Theo đó, Viện ISEE và Trung tâm ICS – Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phát triển, bảo vệ quyền con người với các giá trị tự do, bình đẳng và khoan dung.
Cách tạo hình của nhân vật Bắc Đẩu trong Táo Quân 2018. 
Cách tạo hình của nhân vật Bắc Đẩu trong Táo Quân 2018.

Trong nhiều năm qua, ISEE và ICS đã có nhiều chương trình hợp tác với quý Đài Truyền hình Việt Nam nhằm đưa hình ảnh người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) đến gần hơn với công chúng cũng như các chương trình đối thoại chính sách nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của cộng đồng LGBT.
Tuy nhiên, đại diện hai đơn vị này cho rằng, nhiều chương trình đang tồn tại những “hạt sạn” không nên xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia.
“Cụ thể, trong nhiều năm liền, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) luôn là đối tượng bị chương trình “Gặp nhau cuối năm” mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại. Đặc biệt trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” 2017 (tiết mục “Táo Quân 2018”), nhân vật Bắc Đẩu thậm chí còn bị nói là “Con chi sống trên trời, không phải nữ cũng chẳng phải nam”, “Bọn phụ nữ một nửa”. Nhân vật Bắc Đẩu luôn được đem ra gây cười về vấn đề giới tính.
Là những tổ chức đã có nhiều năm hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBT, chúng tôi phản đối việc sử dụng những từ ngữ miệt thị công khai làm tổn thương những thành viên của cộng đồng LGBT chỉ vì đặc điểm cơ thể của họ, cũng như làm khắc sâu thêm những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội với nhóm cộng đồng này”, đơn của ISEE và ICS nhấn mạnh.
Văn bản mà hai đơn vị này gửi VTV có chỉ rằng, năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) đã loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần.
Năm 2010, Hiệp hội Chuyên khoa Thế giới về Sức khoẻ Chuyển giới (WPATH) ra tuyên bố coi việc không theo chuẩn giới không phải là một vấn đề bệnh lý (WPATH Board of Directors, 2010). Tuyên bố này nhấn mạnh: “Việc thể hiện các đặc điểm giới, bao gồm bản dạng giới mà không liên quan đến giới tính sinh học của một người là một hiện tượng phổ biến và mang tính đa dạng về văn hoá của con người, và không nên bị coi là tiêu cực hay bệnh lý mang tính di truyền”.
 Đại diện cho hai đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng LGBT cho rằng, cách tạo hình nhân vật Bắc Đẩu lẫn cách sử dụng ngôn từ vô tình xúc phạm những người trong thế giới thứ 3.
Đại diện cho hai đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng LGBT cho rằng, cách tạo hình nhân vật Bắc Đẩu lẫn cách sử dụng ngôn từ vô tình xúc phạm những người trong thế giới thứ 3.

Trong kỳ kiểm điểm phổ quát (UPR) về quyền con người tại Liên hợp quốc năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận khuyến nghị của Chile về việc ban hành luật chống phân biệt đối xử nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân, bất kể xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), chính thức hợp pháp hoá quyền chuyển đổi giới tính tại Việt Nam thông qua điều 37: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Theo đó, bản dạng giới mỗi người sinh ra là khác nhau và là vấn đề riêng tư cần được pháp luật bảo vệ; không một ai có quyền kỳ thị, bêu riếu, xúc phạm người khác chỉ vì sự khác biệt của mỗi cá nhân.
Bản thân cộng đồng LGBT tại Việt Nam với những cá nhân đang nỗ lực đóng góp xây dựng đất nước, không có lý do gì nhân phẩm của họ lại bị hạ thấp và làm trò cười cho người khác.
Điều này đi ngược lại những mục tiêu bình đẳng, đa dạng và tôn trọng quyền con người mà các tổ chức trong nước và quốc tế đang nỗ lực bảo vệ, cũng như các cam kết của Chính phủ Việt Nam.
“Chúng tôi đồng ý cuộc sống luôn cần sự hài hước và tiếng cười, chương trình giải trí trên truyền hình là cần thiết nhưng chúng tôi không cho rằng miệt thị người khác, làm tổn thương cộng đồng yếu thế là sự hài hước và nhân văn. Chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp của quý Đài trong sự nghiệp phát triển xã hội chung. Trong hành trình đóng góp đó, chúng ta cần trân trọng các nhóm cộng đồng trong đó có người LGBT. Việc miệt thị, bêu riếu cộng đồng LGBT là một hành động cần chấm dứt”, văn bản này đề nghị.
Về phía đơn vị sản xuất chương trình “Gặp nhau cuối năm” là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam cho biết, cho đến chiều ngày 22/2, họ vẫn chưa nhận được văn bản phản ánh của ISEE và ICS. Tuy nhiên, họ sẽ có phản hồi khi nhận được đơn thư để rộng đường dư luận.
Trước đó, NSƯT Công Lý cho biết, chính anh là người đã đề xuất với đạo diễn về cách tạo hình nhân vật Bắc Đẩu như hiện nay để tăng thêm màu sắc hài hước cho nhân vật này.
“Thời đó, tôi có nói với Xuân Bắc: “Bắc ơi, anh với chú làm hai ông ở bên Ngọc Hoàng nhiều năm rồi bây giờ phải làm cái gì khác đi một chút. Anh trông gồ ghề (đầu Công Lý hồi đó cạo trọc) nhưng có thể đóng ỏn à ỏn ẻn, õng õng ẹo ẹo kiểu như “ái nam ái nữ”, còn chú thư sinh mảnh mai nhưng cứ đóng hùng hục đi… có khi lại tạo ra được nhiều sự thú vị hơn.
Xưa nay người ta thường gọi là Nam Tào - Bắc Đẩu chứ có ai gọi là “cô” Đẩu đâu. Chẳng ai quy định Bắc Đẩu phải là con gái cả nhưng tự mình nghĩ ra rồi làm vì thấy nó có sự thú vị trong đó và được khán giả đón nhận rất nhiệt tình. Từ đó, cứ chấp bút viết kịch bản lại xây dựng nhân vật theo hướng đó”, nghệ sĩ Công Lý chia sẻ.
Thực tế, những năm đầu tiên, nhân vật Bắc Đẩu vẫn mang vẻ ngoài đầy nam tính với tóc đầu đinh, mặc vest, đeo kính đen… Tuy nhiên, ngay từ năm thứ hai trở đi, Bắc Đẩu đã để lộ những nét nữ tính mà thể hiện rõ nhất đó là đeo khuyên tai dài thượt và dũa móng tay.
“Tôi nghĩ không ai biết ông Nam Tào trông ra sao, Bắc Đẩu như thế nào cả. Bắc Đẩu là cô Bắc Đẩu hay ông Bắc Đẩu. Chúng tôi quyết định thế chỉ với suy nghĩ để hai nhân vật tương tác nhau, tạo nên một hiệu ứng nào đó thôi chứ chúng tôi không hề có ý gì khác”, nghệ sĩ Công Lý nói thêm.
Trong Táo Quân 2018, Cô Đẩu xuất hiện với 3 bộ trang phục khác nhau nhưng xuyên suốt từ đầu đến cuối chương trình vẫn là một Cô Đẩu quen thuộc.
(Theo Dân Trí) Hà Tùng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét