Người Việt
xưa có những tục lệ gì trước Tết?
Cập nhật lúc 11:08
Người Việt xưa có nhiều tục lệ phải làm
trước khi đón Tết Nguyên đán, đặc biệt trong ngày ba mươi Tết. Nhiều tục lệ
đến nay còn phổ biến, nhưng cũng nhiều tục lệ không còn.
Hai loài hoa tượng trưng cho hai miền ngày Tết. Ảnh: Vũ Minh Quân.
Trong sách Nếp cũ - Làng xóm Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa
Toan Ánh đã kể rõ những tục lệ của người Việt xưa thường làm trong ngày 30
Tết. Theo ông, nhiều tục lệ đến nay vẫn phổ biến, nhưng có những tục lệ chỉ
còn là hình ảnh xa xăm.
Rước các cụ
Người dân Việt Nam thờ phụng tổ tiên và
quan niệm rằng Tết là dịp để gia tiên về cùng con cháu. Vì vậy, trước Tết,
người dân thường sửa soạn bàn thờ, sắm Tết… để đón tiếp hương hồn tổ tiên.
Tại nhiều nơi vào chiều ba mươi Tết,
người ta có tục rước tổ tiên về thờ. Người chủ gia đình mang vàng hương tới
các ngôi mộ khấn mời hương hồn người nằm trong mộ về hưởng Tết.
Nhân dịp này, người ta đắp lại các nấm
mộ cho cao và cuốc hết những cây dại mọc bên mộ để rễ của chúng không xâm
phạm tới hài cốt. Sau đó, họ cắm lên mộ một nắm hương.
Toan Ánh nhận định đây là dịp để con
cháu săn sóc lại phần mộ gia tiên bởi quanh năm họ bận rộn sinh kế mà ít có
thời gian lưu ý tới mồ mả tiền nhân.
Ngày Tết không thể thiếu bánh chưng. Ảnh: Vũ Minh Quân.
Cúng gia tiên
Ở nhiều nơi, để rước tổ tiên, người ta
không hẳn ra mộ mà chỉ thắp hương khấn vái ở bàn thờ trong nhà, đó là lệ cúng
cơm chiều ba mươi Tết.
Để làm lễ cúng gia tiên, người dân phải
chuẩn bị cỗ bàn, bánh trái đầy đủ. Xong xuôi, người chủ gia đình cúng khấn để
mời hương hồn tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
Trước khi cúng gia tiên, người ta có lễ
cúng Thổ công - vị Đệ nhất gia chi chủ để xin phép ngài cho hương hồn nội
ngoại tổ tiên gia chủ về ăn Tết.
Mâm cỗ cúng của gia đình Việt. Ảnh: Quỳnh Trang.
Xúc xắc xúc xẻ
Ngày xưa, tại
các làng xã, vào tối ba mươi Tết, những trẻ em nghèo họp nhau thành từng đám,
rủ nhau đi chúc Tết. Mỗi đám trẻ có một chiếc ống đựng tiền, thường là ống
tre. Các em tới từng gia đình, vừa hát xúc xắc xúc xẻ vừa lắc ống tiền.
Sau khi lắng nghe những câu hát chúc
tụng, gia đình nào cũng tặng các em một số tiền, có gia đình cho thêm cả bánh
mứt. Tục cho rằng, các em đến đem theo sự may mắn, vì vậy, không gia đình nào
để các em ra về tay không. Những đứa trẻ dùng số tiền được tặng chia nhau để
mua pháo ngày xuân.
Đòi nợ tết
Người Việt có tục đòi nợ Tết. Ngày 30
Tết, người ta ráo riết đòi nợ bởi hôm sau là ngày đầu năm mới, người ta kiêng
không dám đòi nợ vì sợ bị dông quanh năm, làm ăn không phát đạt được.
Ngoài ra, chủ nợ thường sợ rằng khi
bước sang năm mới, món nợ này sẽ biến thành món nợ cũ, mà nợ cũ luôn khó đòi
hơn những món nợ mới cho vay.
Đón giao thừa
Giao thừa là giờ phút chuyển giao giữa
năm cũ và năm mới. Đêm 30 Tết, người ta không đi ngủ sớm mà thức đợi giây
phút thiêng liêng của một năm - giây phút giao thừa.
Trong thời khắc đó, có nhà vẫn đang
ninh nồi bánh chưng, trẻ con còn quây quần quanh bếp ấm chờ bánh chín.
Trên bàn thờ các nhà, khói hương nghi
ngút, đèn nến soi rõ những đồ thờ (những nghìn vàng mặt gương lấp lánh, những
cành hoa giấy sặc sỡ, những đồ lễ bày trên mâm bồng được lau chùi trông như
mới).
Trong giờ khắc đón đợi giao thừa, mọi
người hồi hộp chờ đợi với nhiều niềm hy vọng rằng năm cũ sẽ ở lại cùng với
tất cả sự không hay, năm mới sẽ mang đến nhiều điều tốt lành.
Mọi người hồi hộp chờ đợi năm mới sẽ mang đến nhiều điều tốt lành. Ảnh: Vũ Minh Quâ
Tống cựu nghinh tân
Giao thừa đến, từ các nhà riêng đến
xóm, ngõ, đình, chùa… nơi nơi đều có lễ trừ tịch (còn có tên là lễ giao thừa,
vì cử hành đúng lúc giao thừa), đây là lễ tống cựu nghinh tân, tiễn cũ và đón
mới. Người ta làm lễ này để bỏ đi hết những điều xấu, cũ kỹ của năm cũ và đón
những điều mới mẻ, tốt đẹp của năm mới.
Ngoài ra, lễ này còn để tiễn đưa vị
đương niên đại vương Hành khiển của năm cũ và đón rước vị tân đại vương Hành
khiển của năm mới. Điều này dựa theo tục của người Việt rằng mỗi năm có một
ông Hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì vị thần nọ bàn giao công việc
lại cho vị thần kia.
Đi lễ đêm ba mươi Tết
Sau khi cúng giao thừa ở nhà, người dân
quê có tục đi dự lễ giao thừa tại thôn xóm, đình làng. Sau đó, người ta vào
lễ thần tại đình hay lễ Phật tại chùa, có nhiều người lại đi lễ các đền miếu
trong làng. Họ đi lễ như vậy để cầu một năm may mắn cho bản thân và gia đình.
(Theo Zing.vn) Hoàng Như
|
Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét