Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Mất mạng như chơi khi ăn tiết canh lợn 'sạch'

Cập nhật lúc 09:26  

Cục Y tế dự phòng cho biết, năm 2017, cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong.

 
Có thể tử vong do nhiễm liên cầu lợn khi ăn tiết canh. ẢNH CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG CUNG CẤP

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết bệnh liên cầu lợn xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường vào những tháng cuối năm, và đầu năm âm lịch bệnh có xu hướng gia tăng, bởi trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để ăn Tết và nhiều nơi có tập tục ăn bát tiết canh cho may mắn. "Vì thế, số ca mắc liên cầu lợn thường tăng lên ở thời điểm này”, ông Phu nói.
Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng cho thấy, gần 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh. Liên cầu lợn có thể lây truyền trực tiếp cho người qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…), hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da, đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm …
Lợn “sạch” cũng là nguồn gây bệnh
Cục Y tế dự phòng đặc biệt lưu ý, người dân thường có quan điểm cho rằng lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành thú y cho biết, bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào, vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Thông thường, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của lợn mà không gây bệnh cho con vật, do đó, những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu.
Với lợn nhiễm liên cầu khuẩn (cả lợn lành mang mầm bệnh và lợn bệnh), trong máu (tiết canh) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Tỷ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60 % - 100 %.
Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu   hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn.
Thậm chí, trường hợp nặng còn có các biểu hiện như trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng…
Ông Phu cảnh báo, tỉ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn khá cao (khoảng 7%). Trường hợp bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệdi chứngcũng rất cao, khoảng 40% (thường là điếc không hồi phục). Một điểm cần lưu ý là sau khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau, do bệnh không để lại miễn dịch lâu dài trong cơ thể người. Vì vậy, cần duy trì thường xuyên thói quen ăn chín, uống sôi trong mọi thời điểm.
Bên cạnh đó, thời gian điều trị bệnh thường kéo dài với những loại kháng sinh đặc trị liều cao và phải sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ rất tốn kém. Nhiều bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ có thể phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng.
Hiện chưa có vắc xin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề;
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo quy định; khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

                                       (Theo Thanh niên) Nam Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét