Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Liêm chính, vì dân: Chính phủ xây nền kiến tạo


Kết thúc 12 tháng vất vả, mức tăng trưởng 6,81% là một con số đầy ấn tượng của nền kinh tế đất nước.   
Dấu ấn đậm nét của năm 2017 là dẫu hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai bão lũ, dẫu vẫn chưa hết loay hoay trong gánh nặng nợ công cùng nhiều hệ lụy của một thời phát triển nóng để lại, tăng trưởng kinh tế đã đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Không chỉ là ở những con số đẹp, mà niềm vui ấy được minh chứng qua kết quả sản xuất kinh doanh của từng DN, trong ánh mắt, nụ cười của người dân
Chỉ cần lục lại những trang báo cũ cách nay mấy tháng, người đọc dễ dàng nhận ra những băn khoăn, hoài nghi về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết.
Tăng trưởng trong khó khăn
Thế nhưng, kết thúc 12 tháng vất vả, mức tăng trưởng 6,81% là một con số đầy ấn tượng của nền kinh tế đất nước.
Ai cũng hiểu, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực, sự thay đổi trong cơ cấu thu hút đầu tư, giá dầu thô xuống thấp, cùng tác động tiêu cực từ các đại dự án thua lỗ của các tập đoàn nhà nước, những biến động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, mà không ít trong số đó đã có bóng dáng của tham nhũng, thì việc đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác điều hành của chính phủ.
 Chính phủ kiến tạo,tăng trưởng kinh tế,Vân Thiêng
Đường Lê Thánh Tôn đoạn qua tòa nhà UBND TP.HCM

Theo Tổng cục Thống kê, sự khởi sắc của nền kinh tế trong năm 2017 thể hiện ở hầu hết các ngành, lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu có bước đột phá; Chuyển đổi cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý...
Và một yếu tố không thể không tính đến là hiệu quả bước đầu của Chính phủ Kiến tạo - Hành động - Liêm chính.
Nói đến Chính phủ Kiến tạo - Hành động, người ta nghĩ ngay đến những phát ngôn đầy quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Từ lời tuyên thệ trước Quốc hội đến khi dự các diễn đàn, tiếp xúc với cộng đồng DN trong nước và quốc tế, trong các buổi làm việc với địa phương…ở đâu, Thủ tướng cũng khẳng định quyết tâm này, xem đó là phương châm điều hành đất nước nhất quán của Chính phủ. Đó là một Chính phủ lấy tinh thần khởi nghiệp làm bệ phóng,  lấy DN làm hạt nhân phát triển.
Thay vì làm thay DN, Chính phủ chú trọng việc thiết kế chính sách, tạo môi trường thuận lợi để DN phát triển sản xuất kinh doanh trong sự cạnh tranh bình đẳng. Bình đẳng về nguồn lực và bình đẳng về cơ hội.
Chính phủ kiến tạo được thể hiện ở nhiều chiều cạnh, đủ năng lực, đủ minh bạch, đủ khả năng giải trình và đủ khả năng tạo ra tầm nhìn tốt, chính sách tốt. Tốt từ tư duy, tầm nhìn, đến thiết kế thực thi. Hay nói khác hơn, đó phải là Chính phủ của những nhà điều hành chuyên nghiệp.
Tinh thần Kiến tạo - Hành động ấy đã lan tỏa, đã thấm đẫm đến lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, trở thành chất xúc tác cho biết bao ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực.
Năm qua, cả nước có 126.859 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 1 triệu 296 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số và tăng tới 45,5% về số vốn đăng ký so với năm 2016.  Không chỉ ở các lĩnh vực công nghiệp- dịch vụ… mà nông nghiệp cũng có ngày càng nhiều DN tên tuổi. Chính họ chứ không ai khác, góp phần khẳng định vị thế trụ cột an sinh cho đất nước khi đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 36 tỉ USD trong năm qua.
Có thể nói một trong những thành công của Chính phủ trong năm qua là đã quyết liệt trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Không chỉ vì đó là định hướng được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng, mà đó là đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc tiếp xúc với DN được tổ chức, không ngày nào Chính phủ không làm việc với DN để tháo gỡ vướng mắc bằng một loạt cải cách thể chế, chính sách pháp luật được ban hành, giúp DN tự do kinh doanh.
Đáng ghi nhận là sự vận hành cơ chế một cửa quốc gia đã mang lại hiệu quả rõ nét, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng triển khai dự thảo các Nghị định về sửa đổi, kiểm soát các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh; hơn 5.000 thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hóa.
Gần 26.450 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2017 đạt 153.300 nghìn DN, cho thấy việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã làm niềm tin của DN được củng cố, giúp họ mạnh dạn phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của đất nước. 
Dấu ấn của Chính phủ
Kết thúc năm 2017, báo chí  được dịp dẫn lời các chuyên gia để nói về những thành tích, “kỷ lục” đi kèm những con số ấn tượng về tỉ lệ tăng trưởng GDP, kim ngạch XNK vượt mốc 400 tỉ USD, về kỳ tích của ngành nông nghiệp khi xuất khẩu 36 tỉ USD.
Lần đầu tiên, rau quả Việt Nam đã vượt qua nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, dầu khí... để đạt kim ngạch 3,5 tỉ USD. Vú sữa, thanh long, xoài, vải…Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu, Úc, New Zealand… Đặc biệt, thủy sản đã đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỉ USD, có doanh nghiệp ở Cà Mau còn được Thủ tướng kỳ vọng trở thành DN xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.
Không chỉ hành động quyết liệt vì dân, vì DN - dấu ấn của Chính phủ kiến tạo trong năm qua còn được minh chứng ở sự liêm chính. Hiệu quả triển khai các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ trong năm qua đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng một bộ máy công quyền công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình và không bị chi phối bởi lợi ích nhóm.
Hàng loạt vụ án kinh tế lớn bị khởi tố, những con cá lớn trong các lĩnh vực dầu khí, xây dựng, tài chính, ngân hàng đã sa lưới. Cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm chịch đã thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm của toàn xã hội về tinh thần đấu tranh diệt nội xâm, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
Sự cương quyết, kịp thời trong việc làm trong sạch bộ máy công quyền, loại những  “đại gia”, “sân sau quan chức” từng lũng đoạn chính sách, chiếm đoạt tài nguyên quốc gia ra khỏi cuộc chơi đã thực sự tạo được niềm tin trong cộng đồng DN với công tác điều hành của Chính phủ, với lời thề “xây dựng Chính phủ không tham nhũng” của Thủ tướng, giúp họ yên tâm hơn trong việc huy động nguồn lực, tận dụng cơ hội để mở rộng sản xuất kinh doanh. 
Kiến tạo - hành động chỉ là lời nói suông, nếu Chính phủ không xây dựng được hình ảnh những nhà lãnh đạo liêm chính. Với những gì đã làm được trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ của mình đã không làm người dân và cộng đồng DN thất vọng.
Có thể đâu đó vẫn còn những người “không muốn tự lấy đá ghè chân mình”, cố bám vào những đặc quyền đặc lợi từ cơ chế xin cho. Thế nhưng, những gì được ghi nhận tại hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, có sự tham gia lần đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho thấy tinh thần “tự làm sạch mình” đã thấm đến lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương. 
Những kẻ tham nhũng, xem chức vụ như một thứ đặc quyền của gia đình, dòng họ các quan chức đã, đang và sẽ bị công luận bóc trần, phải nhận kỷ luật của Đảng, bị pháp luật nghiêm trị. Để mọi người thấy rằng, quyền lực được trao là để làm việc cho dân cho nước, chứ không phải để trục lợi, “vinh thân phì gia” cho riêng mình.
(Theo VietNamNet) Vân Thiêng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét