Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Bất hợp lý tiền giường bệnh

Cập nhật lúc 15:25    


Tại nhiều địa phương, chi phí tiền giường bệnh cao hơn rất nhiều so với tiền thuốc trong tổng chi phí khám chữa bệnh.

Bất hợp lý tiền giường bệnh - Ảnh 1.
Giá dịch vụ y tế đã điều chỉnh tăng cao trong thời gian qua, nhưng chất lượng dịch vụ y tế vẫn "giậm chân tại chỗ". Đặc biệt là chất lượng phòng bệnh vẫn còn kém rất xa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khảo sát mới nhất của Bảo hiểm xã hội VN cho thấy dù giá dịch vụ y tế đã điều chỉnh tăng cao nhưng chất lượng dịch vụ y tế vẫn "giậm chân" tại chỗ. Đặc biệt là chất lượng phòng bệnh vẫn còn kém rất xa. Những bất hợp lý này đang đổ lên đầu người bệnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Phúc - phó trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN) - cho rằng:
- Đang có một số bất cập làm tổng chi cho giá giường bệnh tăng, do định mức giường bệnh xây dựng theo thông tư 04 là đáp ứng đầy đủ những nhu cầu sinh hoạt và chữa bệnh của người bệnh, nhưng không phải bệnh viện nào cũng đáp ứng được. 
Qua khảo sát tại 3 tỉnh Bắc Ninh, An Giang và Hà Giang vừa qua thì chỉ có 13/52 phòng điều trị nội trú có lắp điều hòa nhiệt độ, 11/52 phòng có máy hút ẩm, 4/52 phòng có quạt thông gió... Trong khi tất cả chi phí này đã nằm trong định mức tạo nên giá giường bệnh, việc bệnh viện chưa đáp ứng được mà đã thu tiền khiến người bệnh bị thiệt.
Bất hợp lý tiền giường bệnh - Ảnh 2. 
Ông Lê Văn Phúc - Ảnh: L.ANH
* Những bất hợp lý này kéo dài nhiều năm qua, tại sao bây giờ ngành bảo hiểm xã hội mới lên tiếng?
- Thời điểm thông tư 04 (năm 2012) ban hành, các tỉnh thành đã căn cứ vào điều kiện địa phương để phê duyệt giá dịch vụ y tế. Do đó nhiều địa phương chỉ áp dụng 70-90% giá trong thông tư 04. 
Nhưng đến thông tư 37 (năm 2015) điều chỉnh tiếp giá dịch vụ thì tất cả đều được nâng lên mức tối đa, cộng với việc bổ sung phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật... vào làm giá dịch vụ tăng. Nhưng so với các tiêu chuẩn tạo nên cơ cấu giá từ năm 2012 thì không phải nơi nào cũng đáp ứng được các điều kiện. Một số chi phí được tính trong giá giường bệnh bị trùng lặp, như có những chi phí gần đây nhiều bệnh viện ít dùng như màn (mùng) nhưng cơ cấu giá vẫn chi 1 chiếc màn/năm, 1 chiếc nệm/năm... Tất cả chi phí này phải rà soát lại để tránh trùng lặp, ảnh hưởng đến cả quỹ bảo hiểm y tế lẫn người bệnh.
Một bất hợp lý nữa là về nhân lực y tế, trong định mức xây dựng giá giường bệnh là 1,34 nhân lực/giường bệnh, tỉ lệ bác sĩ và điều dưỡng phải tuân thủ là 1 bác sĩ cần có 3 - 3,5 điều dưỡng. Nhưng thực tế hiện nay chỉ đạt 0,7 nhân lực/giường bệnh, thậm chí có nơi chỉ đạt 0,5 và thấp hơn nữa.
 Bất hợp lý tiền giường bệnh - Ảnh 3.
Nhiều Bệnh viện ở TP.HCM hiện nay rơi vào tình trạng bị quá tải - Ảnh: HỮU KHOA
* Như vậy thì người bệnh quá thiệt thòi!
- Khi số giường bệnh quá nhiều mà nhân viên y tế không đảm bảo thì chất lượng dịch vụ y tế rõ ràng sẽ kém đi. Đơn cử: định mức nhân viên y tế là 1,34 nhân lực/giường bệnh mà bệnh viện chỉ đạt 0,7 tức chỉ đạt 1/2 định mức, chất lượng cũng chỉ xung quanh con số đó thôi. Năm 2017, có một vụ tai biến trầm trọng làm 4 trẻ sơ sinh tử vong trong một buổi sáng tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, một trong những nguyên nhân đã được chỉ ra là do bệnh nhân nhiều quá mà nhân viên y tế theo dõi không đủ.
Ngoài ra trong tiêu chuẩn định mức hiện nay là mỗi giường bệnh phải đảm bảo 5m2, nhưng hiện có những bệnh viện kê giường quá chật, rất khó di chuyển. Hơn nữa ngành y tế đang hướng tới chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, nếu định mức nhân lực không đạt như hiện nay thì không thể chăm sóc toàn diện được. Điều này kéo theo cảnh một người nằm viện, gia đình phải cắt cử 3-4 người theo chăm nom, dẫn đến cảnh nhếch nhác như ngủ hành lang bệnh viện, ăn uống vỉa hè như hiện nay.
* Trong khi các phòng bệnh đang quá tải về giường thì các bệnh viện lại mở ra phòng dịch vụ với mỗi phòng 1 giường đầy đủ tiện nghi, trong khi phòng dịch vụ này đang sử dụng đất công, nhân lực công... Như vậy có bất hợp lý?
- Tôi cho rằng rất cần phải minh bạch giữa điều trị dịch vụ và không dịch vụ. Một khoa có 30 giường bệnh trong 6 phòng, nếu dành 2 phòng làm dịch vụ thì 4 phòng còn lại phải kê thêm giường và không đảm bảo chất lượng. Nếu xã hội hóa thì nên làm một khu riêng, tách với khu điều trị thông thường hiện nay.
Bất hợp lý tiền giường bệnh - Ảnh 4. 
Trích khảo sát của BHXH VN tại một số bệnh viện - Đồ họa: NHƯ KHANH
* Theo ông, chất lượng dịch vụ giường bệnh như hiện nay so với giá mà người bệnh phải trả có tương xứng không?
- Với định mức phòng bệnh như hiện nay, tôi cho là phòng bệnh bình thường đã đảm bảo nhu cầu của người bệnh, nhưng vấn đề là phòng bệnh không đủ thiết bị như đã tính giá. Quan điểm của chúng tôi là đã có định mức giá gồm các yếu tố thì phòng bệnh cũng phải đảm bảo các yếu tố như giá mới là đúng. Cũng như chế biến một bát phở có thịt bò, bánh phở, trứng và hành, nay bỏ trứng đi thì rõ ràng chất lượng bát phở sẽ giảm.
Việc xây dựng và điều chỉnh giá dịch vụ là của Bộ Y tế, từ năm 2012 Bộ Y tế đã quy định với tiêu chuẩn chất lượng như vậy, bệnh viện nào chưa có đủ điều hòa, chưa đủ thiết bị thì trích 15% tiền khám và tiền giường bệnh để sắm cho đủ. Nhưng từ năm 2012 đến nay vẫn chưa đủ những tiêu chuẩn thiết yếu cho người bệnh trong khi giá lắp đặt các thiết bị đã tăng. Trên thực tế người bệnh đang bị thiệt và quỹ bảo hiểm cũng đang bị thiệt. Vì vậy cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh về thiết bị cho xứng với giá.
* Vậy theo ông, Bộ Y tế lẫn Bảo hiểm xã hội VN cần phải làm gì để trả lại sự công bằng cho người bệnh?
- Theo tôi, giá dịch vụ y tế phải gắn với chất lượng, nếu không đảm bảo thì bệnh viện chỉ được nhận một phần của giá, mà chất lượng cụ thể ở đây là các trang thiết bị, là diện tích buồng bệnh và các tiện ích kèm theo.
Bất hợp lý tiền giường bệnh - Ảnh 5. 
Không đủ giường phục vụ bệnh nhân bị bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Tiền giường chiếm 1/3 tiền chữa bệnh
Ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa cho thấy tổng chi phí tiền giường năm 2017 chiếm 25 - 30% chi phí khám chữa bệnh, trong khi tiền thuốc điều trị nội trú chỉ chiếm 19,7%. Tại tỉnh Nghệ An, tỉ lệ tiền giường bệnh cũng chiếm 22%. Bảo hiểm xã hội VN cho biết năm 2017, tổng chi phí tiền giường bệnh của các cơ sở y tế trong cả nước là 14.464 tỉ đồng, tăng rất cao so với năm 2016 là 8.774 tỉ đồng, chiếm 17,5% tổng chi phí khám chữa bệnh. Thậm chí tại một số cơ sở y tế, tiền giường cao gấp 2 - 3 lần so với tiền thuốc.
Ông ĐỖ HÒA (giám đốc Công tư vấn Tinh Hoa Quản Trị):
Cần có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư


Thách thức lớn nhất của các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào lĩnh vực này là không có lợi nhuận trong những năm đầu, thậm chí kéo dài trong một khoảng thời gian cho dù chi phí đầu tư ban đầu rất lớn.
Trong khi đó, người dân VN lại đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ thị trường bao cấp sang thị trường tự do, nhiều người cứ quen với biểu giá khám bệnh của Nhà nước tại các bệnh viện công vốn được trợ giá. Số người chấp nhận mức giá cao hơn mặt bằng bệnh viện công không nhiều, chỉ cần các bệnh viện tư ra đời sau có giá khám nhích lên hơn 20-30% là người ta lắc đầu, chấp nhận thà đợi hàng giờ để được khám bệnh hay thậm chí chia giường bệnh hơn là trả giá cao.
Nhìn nhận thực tế nữa là tình trạng bệnh viện quá tải, giường bệnh ghép thường rơi vào những bệnh nhân không có điều kiện, đây là đối tượng thu nhập thấp chưa sẵn sàng hay đủ sức để trả viện phí ở mức giá cao.
Kinh tế VN đang được đánh giá phát triển nhanh chóng, thu nhập bình quân đầu người tăng nhưng số người thực sự đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ y tế cao cấp lại không nhiều, chỉ cần mức giá cao hơn bình thường là người ta đã suy nghĩ, đắn đo. Chính tâm lý này là rào cản đối với loại hình dịch vụ y tế cao cấp.
Vì vậy, tôi nghĩ nếu Nhà nước thực sự muốn tư nhân tham gia lĩnh vực này thì cần có sự ưu đãi, hoặc hỗ trợ về thuế một thời gian để họ có thể chịu đựng được, vượt qua giai đoạn ban đầu. Một khi người dân quen với dịch vụ y tế cao cấp thì lĩnh vực này mới trở nên hấp dẫn được. Chứ lúc này, dù nhu cầu thị trường là có nhưng tính toán chi phí đầu tư vẫn cao và nhiều rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân.
N.Bình ghi
Giường bệnh như khách sạn: 1-6 triệu đồng/ngày đêm
Đầu tư khách sạn không có lời bằng đầu tư khu dịch vụ bệnh viện công, khi giá giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu đang phổ biến ở mức 1 triệu/giường/ngày đêm với loại phòng 3-4 giường, 1,5 triệu/giường với loại phòng 2 giường và với các phòng bệnh đặc biệt có cả phòng khách riêng thì giá từ 3-6 triệu đồng/phòng.
Một lãnh đạo bệnh viện mới có khu dịch vụ theo yêu cầu cho hay khu dịch vụ của bệnh viện này như khách sạn, có đủ tivi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, phòng vệ sinh riêng, không thể tính như giá các giường bệnh thông thường.
Tuy nhiên nếu chiếu theo tiêu chuẩn đã tính giá thì các giường bệnh thông thường hiện cũng phải có diện tích 5m2, phòng bệnh có điều hòa nhiệt độ, quạt thông gió, cây nước... Không kém nhiều so với phòng bệnh dịch vụ. Nhưng hầu như chưa có phòng bệnh bình thường nào đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện cũng đang dành tới 30-45% số giường cho khu điều trị theo yêu cầu, nên không hiếm tình cảnh hai phòng bệnh cạnh nhau có những bệnh nhân nằm 2-3 người/giường, trong khi phòng bên cạnh có tivi, tủ lạnh, điều hòa, mỗi người bệnh một giường.
"Đứt ruột" với tiền giường bệnh
Nhiều người bệnh xót xa khi số tiền giường bệnh phải đóng chiếm một phần lớn trong hóa đơn thanh toán chi phí điều trị. Tại các bệnh viện, tùy theo từng loại phòng, số tiền giường cho một ngày đêm điều trị tại bệnh viện có thể vài trăm ngàn, nhưng cũng có thể lên đến vài triệu đồng.
Gần đây, anh P.V.B. (32 tuổi, ngụ tại TP.HCM) mổ nội soi sỏi thận tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Anh B. cho biết số tiền anh chi trả cho giường bệnh là 1,4 triệu đồng cho một ngày đêm. Tổng chi phí cho các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm, mổ, tiền thuốc lẫn tiền giường khoảng 22 triệu đồng. Theo anh B., phòng anh điều trị là phòng 2 giường nên khá rộng rãi, thoải mái, dịch vụ tốt, có tivi, máy lạnh...
"Tôi mổ nội soi nên chỉ ở lại bệnh viện 1 ngày, nếu ở khoảng một tuần hay 10 ngày thì tiền giường sẽ nhân lên rất nhiều. Tôi lại không có bảo hiểm y tế nên phải chi trả toàn bộ chi phí. Dịch vụ tốt nhưng giá tiền giường mức đó, tôi nghĩ thực sự là gánh nặng đối với người bệnh, nhất là người làm công nhân như tôi. Phải trả hơn 1 triệu đồng cho một ngày nằm viện là một số tiền quá lớn".
Trong khi đó, chị C. (ngụ Q.Phú Nhuận) cũng cho biết giữa năm 2017, cha chị bị suy tủy phải truyền máu. Đợt điều trị kéo dài gần một tháng tại Bệnh viện Truyền máu huyết học nên phải chi trả gần 20 triệu đồng tiền giường bệnh.
Chị C. cho biết tiền giường điều trị là 700.000 đồng/ngày đêm, trong khi số tiền giường được bảo hiểm y tế chi trả chỉ hơn 5 triệu đồng, nên gia đình vẫn phải trả hơn 14 triệu đồng tiền giường.
Theo chị C.: "Khi phải thanh toán với số tiền lớn, nếu chi phí thuốc thang hay các xét nghiệm còn dễ chấp nhận hơn là giá giường bệnh cao. Giá giường bệnh lên đến 700.000 đồng/ngày đêm là cao. Không thể đòi hỏi chỗ tốt với giá thấp nhưng có thể bố trí mỗi phòng nhiều giường để giảm chi phí cho người bệnh".
NGỌC LOAN
(Theo Tuổi trẻ)  LAN ANH thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét