Tiếng xấu
của người Việt trên đất Nhật
Cập nhật lúc 16:27
Người Việt sắp đứng thứ 3 về số
lượng người nước ngoài đến sinh sống, làm việc, học tập tại Nhật Bản nhưng
đứng số 1 về tỉ lệ phạm tội, trên cả Trung Quốc.
Tỉ lệ người Việt Nam tại Nhật đang tăng nhanh - Ảnh:
AFP
Báo Japan Times
ngày 17-2 dẫn một thống kê gần đây cho thấy nhân khẩu học người nước ngoài
tại Nhật Bản - quốc gia được mệnh danh là "thuần chủng nhất thế
giới", đang thay đổi nhanh chóng.
Điển hình như
thành phố Matsudo tại tỉnh Chiba, cách ga Ueno của Tokyo khoảng 20 phút đi
tàu điện. Nơi này có khoảng 484.000 dân cư, bao gồm hơn 15.000 người nước
ngoài, trong đó có một cộng đồng người Việt đang gia tăng một cách nhanh
chóng.
Bỏ học đi làm thuê
Số người Việt
Nam tại Nhật đã gia tăng một cách nhanh chóng, lên tới 36,1% trong 5 năm
(2015-2016). Theo thống kê mới nhất, tính đến cuối tháng 6-2017, tổng cộng
có 232.562 người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản, vượt qua Brazil và
sắp qua mặt Philippines (251.934) để trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn
thứ ba tại quốc gia này.
"Matsudo
có rất nhiều trường dạy tiếng Nhật", một đầu bếp của một nhà hàng Việt
Nam ở thành phố Matsudo cho biết. "Số sinh viên Việt sang đây cũng đông,
phần lớn là truyền miệng nhau nghe. Đa phần đều bỏ học đi làm thuê sau
đó".
Ở một khu vực
khác, tỉnh Hiroshima - nơi đứng thứ 4 về số lượng thực tập sinh Việt Nam tính
trên toàn nước Nhật, một tờ báo của Nhật thậm chí đã cường điệu khi nói rằng
Hiroshima đã "trở thành một tỉnh của Việt Nam".
Duan, 32 tuổi,
đến từ Hà Nội, là một du học sinh, đã ở hẳn tại Nhật Bản sau khi lấy người
chồng hơn cô 18 tuổi. Quãng thời gian đầu sang Nhật là thực tế khó khăn của
Duan.
Để hỗ trợ các
sinh viên nước ngoài khó khăn như Duan, trường dạy tiếng Nhật nơi cô theo
học, giới thiệu Duan làm việc trong một xưởng đông lạnh.
Ban ngày đi
học, ban đêm đi làm là chuỗi hành động lặp đi lặp lại với Duan. Mọi việc tồi
tệ đi khi Duan bị thương trong lúc bưng bê đồ nặng và bị rớt trúng chân ở nơi
làm việc.
Cô phải tự đi
khám bệnh, nhưng điều tồi tệ là nhà trường và công ty thuê cô đã thống nhất
báo cáo với nhà chức trách rằng Duan bị thương ngoài giờ làm khiến cô không
nhận được tiền bồi thường.
"Những
người Nhật làm chung với tôi rất khôn ngoan. Họ ngược lại có phần e dè tôi.
Nhưng tôi không quan tâm lắm", Duan nói và kể về người chồng "già
nhưng rất biết chăm sóc và yêu thương người khác".
Tỉ lệ phạm tội tăng nhanh chóng
Trường hợp của Duan có lẽ vẫn
còn may mắn hơn nhiều người Việt khác ở Nhật Bản. Báo Japan Times dẫn lời một
thông dịch viên của sở cảnh sát Chiba cho biết gần một nửa số du học sinh
Việt tại tỉnh này không thể kham nổi học phí. Rất nhiều người sau đó phải bỏ
cuộc và vướng vào con đường kiếm tiền bất hợp pháp, như trộm cắp.
Năm 2015, thủ phạm của 2.556
vụ án hình sự tại Nhật Bản là người Việt Nam, vượt cả con số của người Trung
Quốc (2.390).
Kim Hoàng, một du học sinh
Việt tại Nhật, kể rằng bản thân luôn tự hào là người Việt Nam, nhưng khi giới
thiệu đến từ Việt Nam, chị hay nhận lại nụ cười gượng gạo hoặc là sự lảng
tránh sau đó.
"Tôi không thấy tự ái
dân tộc. Tôi chỉ thấy buồn khi có những con sâu làm rầu nồi canh", Hoàng
chia sẻ.
Một số nhà nhân
chủng học nhận định Nhật Bản thực chất đã trở thành một quốc gia nhập cư, chỉ
đứng sau Đức, Mỹ và Anh trong năm 2015.
Theo số liệu
chính thức của chính phủ Nhật Bản, số người nước ngoài hợp pháp tại nước này
trong năm 2017 là 2,47 triệu người, chiếm 1,95% dân số. Nếu so về tỉ lệ, con
số này là rất khiêm tốn khi đem ra đặt cạnh với các quốc gia như Thụy Sĩ
(29%) hay Úc (28%).
Tạp
chí Toyo Keizai số ra ngày 3-2 đã gọi đất nước Mặt trời mọc là
"điểm đến của những người nhập cư giấu mình". Trong khi tỉ lệ người
già đang ngày càng cao tại Nhật Bản, quốc gia này vẫn mang vẻ ngoài dửng dưng
với người nhập cư, nhưng thực tế là một chuyện rất khác.
Bài báo trang
34 của Toyo Keizai kết thúc bằng việc đưa người đọc đến một khu phố Tàu
mới nổi ở tỉnh Saitama thuộc vùng đô thị Tokyo: "Đó là một khu vực mà
người dân đến từ các tỉnh khác nhau sẽ thống trị một loại hình kinh doanh
khác nhau. Người đến từ vùng đông bắc Trung Quốc làm chủ các nhà hàng ăn
uống, người Phúc Kiến đứng đầu các quán bar và cơ sở dành cho người lớn. Một
bản đồ in màu sẽ cho ta thấy họ có 28 vị trí kinh doanh ở khu vực, ba cửa
hàng bán lẻ, 20 nhà hàng và 5 cửa hàng giải trí".
(Theo Tuổi Trẻ) BẢO DUY
|
Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét