Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Đổi bằng lái PET: Xin đừng lãng phí

Cập nhật lúc 14:35
  
Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Không bắt buộc đổi bằng lái PET trên Thanh Niên ngày 1.12.

Lãng phí ngàn tỉ đồng
Tổng lượng giấy phép lái xe (GPLX) ô tô, xe máy trên cả nước là rất nhiều, nếu buộc phải đổi sang thẻ PET thì chi phí người dân phải bỏ ra lên tới khoảng 2.000 tỉ đồng. Đây là điều quá phi lý, lãng phí nghiêm trọng, việc này thật sự không nên. Các lãnh đạo ở bộ, tổng cục... nên suy nghĩ kỹ trước khi ban hành các văn bản, sao cho có lợi cho dân, cho nước, đừng vì mục đích nào đó mà làm ảnh hưởng, lãng phí tiền của nhân dân quá đáng như vậy.
Trần Kim Trọng
(TP.Long Xuyên, An Giang)
Đừng ban hành văn bản theo cảm tính
Chỉ có chuyện GPLX mà người dân bị hành tới hành lui. Lúc buộc đổi, lúc không, lúc đưa ra thời hạn cuối, lúc kéo dài thời hạn đổi… làm người dân bấn loạn. Phải có cá nhân, tổ chức nào đó nhận lãnh trách nhiệm liên quan đến câu chuyện này chứ không thể làm chính sách, ban hành văn bản pháp luật một cách cảm tính, vô lý như vậy được.
Hồ Tấn Lập
(Q.6, TP.HCM)
Phải trả lại phí
Tôi có GPLX và bỏ miết trong ví chứ bởi chạy xe đàng hoàng, chưa vi phạm và chưa bị thổi phạt lần nào, vì thế còn mới tinh dù làm bằng vật liệu giấy. Thế mà nghe mọi người bảo phải đi đổi sang thẻ PET, không đổi là phải thi lại bằng lái, sợ quá tôi kéo cả gia đình đi đổi, tốn một mớ tiền. Bây giờ có thông tin là đổi cũng được, không đổi cũng không sao. Làm ăn gì kỳ vậy? Tôi đề nghị phải trả lại phí đã đổi GPLX sang thẻ PET để người dân không phải thiệt thòi vì những văn bản kỳ lạ này.
Võ Thị Ánh
(TP.Tam Kỳ, Quảng Nam)
Dân có lợi gì đâu
Theo giải thích của người có chức vụ ở Tổng cục Đường bộ, chủ trương đổi GPLX bằng giấy sang thẻ PET là để phù hợp với thế giới, dễ quản lý, tránh việc bị làm giả… Hóa ra việc buộc đổi GPLX là có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước chứ có lợi gì cho dân đâu? Nếu vậy thì nhà nước chỉ nên khuyến khích người dân và cần có cơ chế hỗ trợ thủ tục, chi phí chuyển đổi. Một việc có lợi cho nhà nước, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân mà vẫn vô tư thực hiện đến gần xong mới bị tuýt còi.
Vũ Thanh Hải
(Q.Tân Phú, TP.HCM)
Có kiểm tra trước không ?
Một đất nước có luật pháp, có cơ quan kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật mà để một quy định trái luật từ năm 2015 đến nay mới phát hiện và yêu cầu dừng, sửa đổi. Vậy trước khi ban hành Thông tư 58, Bộ GTVT có được Bộ Tư pháp thông qua hay họ tự ban hành? Rõ ràng người dân được cơ quan chức năng cấp GPLX thì khi nào còn thời hạn thì còn giá trị, không thể nói do GPLX không đúng chất liệu nên nó vô giá trị. Việc buộc hủy, sửa Thông tư 58 là đúng nhưng khắc phục hậu quả của việc này như thế nào là việc cần phải đặt ra.
Trịnh Hải Phong
(TX.Gò Công, Tiền Giang)
 Võ Thị Mân
GPLX gắn liền với công dân mỗi khi chạy xe trên đường, nên hễ đụng đến GPLX là người dân lo lắng và thực hiện ngay khi cơ quan chức năng yêu cầu. Đó là lý do vì sao các điểm đổi trở nên quá tải. Nay lại nói không bắt buộc... Mong rằng những chính sách, quy định sau này không lặp lại tình trạng kỳ lạ như thế này.
Võ Thị Mân
(Q.Thủ Đức, TP.HCM)
 Đỗ Hương
Một khi không ấn định thời gian đổi cũng như không bắt buộc phải đổi GPLX từ giấy sang thẻ PET thì cán bộ ở điểm cấp đổi cần giải thích để dân biết. Nếu dân muốn, có kinh phí thì đổi, không đổi thì vẫn yên tâm là không bị ảnh hưởng gì.
Đỗ Hương
(Hậu Lộc, Thanh Hóa)
T.T - Duy Khang
 (thực hiện)
(Theo Thanh niên) Ban CTBĐ tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét