Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Chi 19.000 tỷ đồng đào than/năm: Còn than không?

Cập nhật lúc 08:30   

(Doanh nghiệp) - Ở Việt Nam, hầu hết trữ lượng các loại khoáng sản đều không có đánh giá về hiệu quả kinh tế, hoặc chỉ được đánh giá rất mơ hồ.

Trữ lượng than ít, hiệu quả không cao
Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020 có xét đến 2030 mới được ban hành năm 2016 xác định, nhu cầu sử dụng than của Việt Nam thời gian tới liên tục tăng. Cụ thể đến năm 2020 là 86,4 triệu tấn, năm 2030 lên 256 triệu tấn.
Quy hoạch cũng cho biết sẽ tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than, tăng tiến độ các đề án thăm dò mới tại Bể than Đông Bắc, Bể than sông Hồng, các mỏ than nội địa khác và đề án thăm dò than bùn…
Đặc biệt nhu cầu vốn đến năm 2030 ngành than cần là 96.566 tỷ đồng vốn đầu tư, bình quân là 19.313 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2021-2030 vốn đầu tư lên tới 172.437 tỷ đồng để duy trì và mở rộng sản xuất.

 Chi 19.000 ty dong dao than/nam: Con than khong?
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, ở VN hầu hết trữ lượng các loại khoáng sản đều không có đánh giá về hiệu quả kinh tế, hoặc chỉ được đánh giá mơ hồ. Ảnh minh họa

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) bày tỏ nhiều lo ngại.
Theo TS Sơn, nếu đánh giá đúng theo các tiêu chuẩn về trữ lượng than đã được Bộ TN-MT ban hành, tương tự như tiêu chuẩn của Mỹ thì trữ lượng than của Việt Nam hiện nay bằng không.
Theo tiêu chuẩn mới, chỉ phê duyệt trữ lượng nếu vỉa than (hay khu vực chứa than, mỏ than, hay khoáng sản than) đó nếu được khai thác thì phải có hiệu quả kinh tế tại thời điểm phê duyệt.
“Ở Việt Nam, hầu hết trữ lượng của các loại khoáng sản đều không có đánh giá về hiệu quả kinh tế, hoặc chỉ được đánh giá rất mơ hồ về hiệu quả kinh tế. Việc phê duyệt cũng chỉ căn cứ chủ yếu vào các thông tin về mặt địa chất”, TS Sơn khẳng định.
Đặc biệt, TS Nguyễn Thành Sơn hết sức chú ý đến khoản tiền hơn 19.000 tỷ đồng mỗi năm đầu tư để duy trì và mở rộng ngành than.
Ông Sơn cho rằng từ sau năm 1995, nhà nước hầu như đã không đầu tư vào ngành than bằng tiền từ ngân sách. Từ khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được thành lập đến nay, hàng năm nhà nước chỉ cấp vốn không đáng kể,  khoảng chục tỷ mỗi năm để hỗ trợ cho các lĩnh vực sự nghiệp như: y tế, đào tạo, nghiên cứu cơ bản của ngành than.
“Số vốn đầu tư nêu trong Quy hoạch là số vốn ngành than phải tự cân đối như từ trước đến nay vẫn thế. Vấn đề không phải là nhiều hay ít. Cũng giống như vốn đầu tư của cả nền kinh tế, vấn đề quan trọng là hiệu quả của đầu tư, chứ không phải qui mô của đầu tư. Nếu xét về hiệu quả và đánh giá trên quan điểm lợi ích chung của nền kinh tế thì Việt Nam không nên đầu tư vào lĩnh vực tái sản xuất mở rộng (tức đầu tư cho phát triển theo chiều rộng) của ngành than, mà chỉ nên đầu tư cho khâu duy trì sản xuất (tái sản xuất giản đơn)”, TS Sơn nhấn mạnh.
Tránh khai thác than tràn lan
Một vấn đề khác được vị chuyên gia này đặc biệt quan tâm đó là chất lượng cũng như tính hiệu quả trong khai thác than của Việt Nam hiện nay.
Theo TS Sơn, chất lượng than thường được đánh giá theo chỉ tiêu nhiệt năng (nhiệt trị) của than. Nếu qui về đơn vị nhiệt năng là 1 triệu đơn vị nhiệt Anh (MBTU) thì giá bán tại các cảng ở Quảng Ninh (FOB) của than khai thác trong nước hiện nay bình quân là 2,9 USD/MBTU, và giá nhập khẩu than từ nước ngoài về đến Việt Nam (giá CIF/CFR) tại cùng thời điểm bình quân là 2,6 USD/MBTU.
“Như vậy, nếu so sánh cùng một mặt bằng, thì giá than trong nước đã cao hơn giá than nhập khẩu. Vì vậy, việc khai thác than trong nước hiện nay là không hiệu quả”, TS Sơn so sánh.
Lý giải điều này, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng khẳng định, việc xuất lậu than và than ngoài luồng của TKV hiện nay (có thể gọi chung là “than thổ phỉ”) chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu.
“Từ khoảng 300 triệu năm nay, than được trời cho, hình thành dưới lòng đất ở ngoài Quảng Ninh có chất lượng không thay đổi. Nhưng khoảng 20 năm gần đây, khi được TKV khai thác, lấy lên từ lòng đất thì chất lượng than đã xuống cấp rất nhanh. Không cần phải là kỹ sư mỏ, kỹ sư tuyển khoáng hay kỹ sư địa chất, ai cũng hiểu: người ta đã và đang tuồn than chất lượng cao ra ngoài để bán lậu hoặc để xuất khẩu lậu, rồi trộn đất đá vào để bù sản lượng và để tính giá thành khai thác
Vì những nguyên nhân trên mà giá than khai thác trong nước qui theo chất lượng đã cao hơn giá than nhập khẩu, và số than tồn kho lên tới cả chục triệu tấn (như TKV thông báo) là kết quả tất yếu của cơ chế quản lý hiện nay của TKV”, TS Sơn lo ngại.
Từ những phân tích trên vị chuyên gia khẳng định, thay vì khai thác tràn lan, đầu tư quá nhiều vốn vào việc duy trì và mở rộng sản xuất thì Việt Nam nên chú trọng đến việc siết chặt vấn đề xuất lậu than diễn ra khá phức tạp thời gian qua.
“Nếu không kịp thời thanh tra làm rõ về than tồn kho của TKV thì sau một thời gian nữa cả chục triệu tấn than này sẽ giống đá hơn giống than”, TS Sơn cảnh báo.
(Theo Đất Việt) Nguyễn Hoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét