Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và những siêu đề án ngàn tỉ
  Cập nhật lúc 15:03                

Chừng nào tư duy này còn ngự trị trong các cơ quan tham mưu và đội ngũ quản lý của Bộ, chừng đó đổi mới căn bản toàn diện giáo dục vẫn là điều xa vời.

Ngày 28/12 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết Những cánh cửa đóng chặt ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói thẳng, chỉ thẳng một số bất cập của bộ máy quản lý giáo dục nước nhà, ngõ hầu tìm ra giải pháp xử lý dứt điểm những yếu kém, tồn tại hiện nay.
Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng, chúng tôi mong muốn tiếp tục đồng hành cùng tân Bộ trưởng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục bằng những bài phân tích và phản biện chính sách.
Hôm nay chúng tôi xin nêu ra một tồn tại nhức nhối của ngành giáo dục thời ông Phạm Vũ Luận - Nguyễn Vinh Hiển: tư duy đổi mới giáo dục bằng "siêu" đề án, "siêu" dự án
Chúng tôi cho rằng, chừng nào tư duy này còn ngự trị trong các cơ quan tham mưu và đội ngũ quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chừng đó đổi mới căn bản toàn diện giáo dục vẫn là điều xa vời.
Có thể nói, nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, "đổi mới" giáo dục bằng siêu đề án, siêu dự án là điều gây nhiều nhức nhối nhất trong dư luận về ngành giáo dục từ trước đến giờ.
Kể ra đây một số siêu dự án ngàn tỉ, chục ngàn tỉ nhưng kết quả thì đầu voi đuôi chuột có lẽ cũng không cần thiết, vì quý bạn đọc có thể hỏi trực tiếp Google. 
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin phân tích tư duy "đổi mới giáo dục bằng siêu đề án - dự án" của những người làm quản lý giáo dục thông qua Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015, trước khi rút ra một số bài học cũng như kiến nghị với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang phải rất vất vả nỗ lực khắc phục hậu quả mà người tiền nhiệm để lại.
Nhân danh “đổi mới giáo dục”, làm siêu dự án để làm gì?
Tháng 5/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến dư luận choáng váng khi đưa ra bản dự thảo Đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”  với dự toán kinh phí ban đầu là 70.000 tỷ đồng.  
Khi dư luận dậy sóng, báo chí vào cuộc làm rõ dự thảo đề án dày 30 trang để tiêu 70 ngàn tỉ, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó phải lên tiếng đính chính: đây chỉ là con số khái toán.
 
Biên tập viên VTV Quang Vinh và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong chương trình Đối thoại chính sách khoảng cuối năm 2011, ảnh chụp màn hình.

Theo vị này, dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông bước đầu dự toán kinh phí là 70 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền chi cho việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa chỉ khoảng hơn 960 tỷ (chưa đầy 1/70 tổng dự toán).
Số tiền còn lại chi cho các việc khác như xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35 nghìn tỷ (chiếm 1/2 tổng dự toán), mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30 nghìn tỷ (gần một nửa tổng dự toán), đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên 390 tỷ đồng... 
Trong đó chi cho biên soạn chương trình và sách giáo khoa khoảng hơn 960 tỷ đồng.  
Người viết xin lưu ý, kinh phí xây dựng trường lớp bậc học giáo dục phổ thông cũng như chi trả lương giáo viên được nhà nước phân bổ thẳng cho các địa phương hàng năm theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Ngân sách nhà nước.
Vậy thì căn cứ vào đâu để ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Phương đưa ra con số 35 ngàn tỉ để xây dựng cơ sở vật chất trường học?
Sau gần 3 năm chỉnh sửa, ngày 14/4/2014, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”.
Báo cáo chỉ vỏn vẹn trong 2,5 trang giấy, trong đó kinh phí thực hiện (chưa kể kinh phí xây dựng các trường học còn thiếu) là 34.275 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD thời điểm đó.  
Một ngày sau, trong cuộc họp báo quý 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Đỗ Ngọc Thống, Vụ phó Giáo dục Trung học cho biết, tên đề án khiến nhiều người hiểu lầm. 
""Chương trình, sách giáo khoa" chỉ là tên đề án, thực chất trong đó còn có chi tiết, đề án khác", ông Thống nói. Cụ thể, chương trình và sách giáo khoa ước tính chỉ tốn khoảng 5.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại là dự chi cho các vấn đề khác với 7-8 mục lớn.
Tối 16/4/2014, Chánh văn phòng Bộ công bố chi tiết số tiền sử dụng cho đề án. Theo đó, với tổng kinh phí dự kiến cho là 34.275 tỉ đồng, sẽ được dùng cho 5 khoản: 
105 tỷ đồng cho biên soạn chương trình, SGK. 910 tỷ đồng dạy thử nghiệm, 8.150 tỷ đồng dạy học đại trà theo chương trình, sách giáo khoa mới, 20.000 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị dạy học để thực hiện dạy học đại trà và 5.010 tỷ đồng ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục phục vụ đổi mới.   
Chưa dừng lại ở đây, ông Phạm Vũ Luận và ông Nguyễn Vinh Hiển lại có một động thái vô tiền khoáng hậu nữa về siêu đề án chục ngàn tỉ này.
Theo báo Người Lao Động, tối 16/4/2014 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời phỏng vấn trên VTV1 vẫn khẳng định con số trên 34 ngàn tỉ. Ông Hiển cho rằng, số tiền này tuy lớn với nước ta, nhưng không lớn so với thế giới. Ông cam kết:
“Tính hiệu quả, tính tiết kiệm và khả thi được đặt ra ngay từ đầu khi xây dựng chương trình… Chắc chắn chất lượng lần đổi mới này sẽ tốt, đáp ứng yêu cầu nghị quyết Đại hội Đảng đề ra”.  

 
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích về 34 ngàn tỉ để đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên VTV 1 tối 16/4/2014. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Chỉ 4 ngày sau đó, cũng theo báo Người Lao Động, trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" phát sóng trong chương trình Thời sự 19 giờ tối 20/4/2014 trên đài truyền hình Việt Nam, GS Phạm Vũ Luận đã bác bỏ con số 34.000 tỉ đồng vừa được ông Hiển trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 16/4/2014.
Ông Luận cho rằng, nguồn gốc con số 34.000 tỉ đồng "gây hiểu lầm" là do “…tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau”. Ông không trình bày dự thảo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì bận đi công tác nước ngoài.  
5 ngày sau, sáng  25/4, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã xin rút nội dung thảo luận về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc.
Còn theo báo Tiền Phong tường thuật phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ngày 11/6/2014, GS Luận nói:
“Trong đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số 34 nghìn tỷ đồng và đó cũng không phải thiếu sót, bởi đây là công việc tiếp nối khóa trước.
Cụ thể, Quốc hội khóa X đã có Nghị quyết số 40 đổi mới chương trình, sách giáo khoa và cũng không nêu vấn đề kinh phí. Vì vậy, hồ sơ chuẩn bị lần này cũng không có vấn đề kinh phí.”
Tất nhiên giải thích của ông Luận không thuyết phục được đại biểu Quốc hội. Báo Tiền Phong dẫn lời Đại biểu Hà Minh Huệ nói thẳng:
“Dù sao đây là con số khái toán, nhưng do một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền trình bày và phát ngôn là một đề án của bộ, chắc chắn Bộ trưởng phải biết, phải chỉ đạo cụ thể, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.  
Báo Thanh Niên ngày 11/6/2014 tường thuật cụ thể hơn: Vậy con số 34 nghìn tỉ xuất hiện ở lúc nào? Ông Luận đặt câu hỏi và trả lời: 
"Khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến về đề án này, theo chương trình đối ngoại của Bộ, tôi với tư cách là Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á cần phải chủ trì phiên họp hội đồng ở nước ngoài không về kịp và Thường vụ Quốc hội cho phép linh động cử một đồng chí Thứ trưởng đi họp.
Khi báo cáo chính thức trước Thường vụ, không có con số 34 nghìn tỉ. Nhưng khi Thường vụ Quốc hội thảo luận, có ý kiến hỏi xung quanh vấn đề kinh phí, trong tay đồng chí Thứ trưởng cũng không có con số 34 nghìn tỉ mà một đồng chí cấp vụ ngồi ở phía sau trao lên một tờ giấy. 
Thưa Quốc hội cũng thông cảm cho là anh em dự một phiên họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên bị… “khớp” nên đọc ra con số đó. Con số đó chúng tôi chưa có bàn bạc, chưa có thống nhất ở bên dưới", Bộ trưởng Luận diễn giải.  
Nhưng xin thưa Giáo sư Phạm Vũ Luận, trả lời của Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, cấp phó của ông trên Đài truyền hình Việt Nam tối 16/4/2014 rằng 34 ngàn tỷ nhiều với Việt Nam, chứ không nhiều với thế giới. Ông Hiển lúc đó không bị “khớp”. 
Hơn nữa, con số 34 ngàn tỉ được ông Hiển cùng nhiều quan chức khác của bộ nhắc đi nhắc lại với báo giới. Ông Hiển cùng Chánh văn phòng Bộ khi ấy là ông Phạm Ngọc Phương còn “chẻ nhỏ” hơn 34 ngàn tỉ ra các hạng mục khác nhau.
 
Ông Phạm Vũ Luận lên VTV ngày 20/4/2016 bác bỏ con số 34 ngàn tỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo xin Quốc hội để đổi mới chương trình, sách giáo khoa được cấp phó của mình, ông Hiển trình bày. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Vậy thì chỉ có 2 trường hợp xảy ra: Một là Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và đội ngũ tham mưu, bao gồm Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó tự lập ra đề án 34 ngàn tỉ mà không thèm hỏi Bộ trưởng, ông Luận không biết nên theo ông là vô can.
Nếu vậy thì quả thật cần phải xem xét năng lực quản lý của người đứng đầu. Cấp phó xin 34 ngàn tỉ vô căn cứ mà ông không biết.
Hai là, Giáo sư Phạm Vũ Luận biết rõ, thậm chí có ý kiến chỉ đạo với tư cách Bộ trưởng về đề án 34 ngàn tỉ, nhưng khi thấy khó xuôi, thì ông quay ra phủi trách nhiệm?
Những điều ấy phải được làm rõ vì nó làm ảnh hưởng đến tư cách của một Bộ trưởng, một giáo sư, tiến sĩ.
Dấu hiệu vẽ “siêu đề án” tìm cách tiêu tiền ngân sách quá rõ
Qua những động thái này của GS.TS Phạm Vũ Luận và TS Nguyễn Vinh Hiển, có thể thấy rõ hai nhà lãnh đạo này toan tính "đổi mới" căn bản toàn diện bằng tư duy "siêu dự án", nhưng không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào cũng như căn cứ, số liệu cụ thể nào.
Xin 70 ngàn tỉ không lọt, thì giảm xuống 34 ngàn tỉ. Quốc hội và dư luận cả nước không chấp nhận và nhiều quan điểm phản ứng, ông Luận xin rút dự thảo về điều chỉnh lại.
Đến ngày 27/9/2014, GS.TS Phạm Vũ Luận lại trình Tờ trình Đề án ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin 462 tỉ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Chủ tịch Quốc hội khi đó nghe Bộ trưởng Luận "đột ngột hạ độ cao" từ 34 ngàn tỉ xuống hơn 400 tỉ, ông cũng phát sợ.  
Ở đây xin được đưa ra một số ví dụ cho thấy rõ sự cẩu thả của hai vị giáo sư, tiến sĩ đứng đầu ngành giáo dục này, cũng như dấu hiệu “vẽ siêu dự án tiêu tiền nhà nước”.
Thứ nhất, khẳng định ông Luận, ông Hiển xin 70 ngàn tỉ đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà không dựa trên căn cứ nào, số liệu nào cụ thể, được chính ông Luận công khai nói trên VTV1.
Trong chương trình Đối thoại Chính sách cùng Biên tập viên Quang Minh và Giáo sư Hồ Ngọc Đại ngay khi bước vào năm học mới 2011-2012, video vẫn còn trên Youtube, xin được trích lời ông Luận nói về cách làm đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015:
"Cái đề án này, phần hồn của việc đổi mới, chưa có. Ở đây nó mới chỉ là những cái khung thời gian triển khai những cái loại công việc.
Ví dụ đến ngày này hội đồng phải họp, nhưng họp bàn cái gì, quyết định vấn đề gì, ai ngồi dự họp ở đấy thì chưa biết. Mà quan trọng, cái khó nó ở cái phần hồn ấy cơ".  
Chỉ lập khống một danh mục mốc thời gian, không có nội dung công việc, không có nội dung họp bàn mà Bộ trưởng, Thứ trưởng là những giáo sư, tiến sĩ dám xin đến 70 ngàn tỉ thì quả là việc vô tiền khoáng hậu.
Thứ hai, báo Dân Trí ngày 9/6/2011 dẫn lời PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào là một trong những nhà khoa học đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời đóng góp ý kiến vào Đề án này, bình luận:
“Đề án này có quá nhiều điểm chưa được, cũng không thể thuyết phục được dư luận vì có những việc cơ bản để làm tiền đề thì chưa thấy bàn đến. 
Ví dụ: Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 chưa có, quan điểm triết lý giáo dục chưa có, hệ thống giáo dục thế nào, phổ thông 11 hay 12 năm, tiểu học 5 năm hay 6 năm, có những môn học gì, chuẩn kiến thức kỹ năng chưa có.
Nói cách khác, nó là “nửa vời” ở khúc giữa, chơi vơi. Tôi không coi nó như một Đề án tầm cỡ trọng điểm quốc gia, mà chỉ coi như một bản nháp, bản thảo".
Chứng minh cho sự “nửa vời” này, PGS Nguyễn Kế Hào đưa ra ví dụ:
"35.000 tỷ đồng sẽ xây bao nhiêu trường? Bao nhiêu tiền cho mỗi trường? Nhưng thực tế chúng ta đã, đang xóa trường học tranh tre nứa lá bằng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, nên tôi thấy không cần thiết. 
Trong Đề án còn đề cập tới khoản tiền vài ngàn tỷ để mua thiết bị giáo dục mới, nhưng thực tế hiện nay thiết bị vẫn đang đắp chiếu, hỏng hóc, lãng phí kinh khủng. 
Nếu lại lặp lại một trào lưu mua sắm thiết bị dạy học mới, tôi e là học sinh, giáo viên chẳng được lợi ích bao nhiêu, mà tiền Nhà nước bị lãng phí nghiêm trọng".   
Thứ ba, khi rút từ 70 ngàn tỉ xuống 34 ngàn tỉ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chuẩn bị hết sức cẩu thả. Báo Vietnamnet ngày 25/4/2014 dẫn lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng Lê Văn Học bình luận:
"Bộ Giáo dục và Đào tạo không biết cách làm một đề tài khoa học. Dự án nghị quyết này dù chỉ là xin chủ trương thì cũng phải có thông tin cho Đại biểu. 
Cả một đề án mà chỉ có vài gạch đầu dòng, không có cái gì để đọc, có cảm giác các cố vấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo không biết cách làm.
Trong khi nghị quyết 40 làm từ Quốc hội khóa X nêu cụ thể từng vấn đề để biết cần bao nhiêu tiền. Đấy là chưa so sánh với những tập hồ sơ nặng đến 5-7 cân của các dự án về đường Hồ Chí Minh hay nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ủy ban ta cũng phải rất thận trọng khi thẩm tra. Trong Ủy ban có 3/4 là nhà giáo mà để xảy ra một việc như vậy sẽ rất buồn".  
Nếu vậy, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ của đội ngũ tham mưu tham gia xây dựng đề án này, cũng như học hàm học vị những người đứng đầu chỉ đạo các vấn đề, dự án trên?
Thứ tư, báo Tiền Phong ngày 26/4/2014 dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Đào Trọng Thi đánh giá, hồ sơ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ ủy quyền trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đầy đủ.
Bộ chưa có báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông giai đoạn trước; báo cáo tác động của chương trình sách giáo khoa tới xã hội cũng rất sơ sài. 
"Có vẻ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quan niệm hơi đơn giản về việc này”, ông nói.
Ông Thi cho biết, về nguyên tắc, hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể thiếu báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành, thế nhưng báo cáo này chưa có.  
Sau câu chuyện kinh phí đề án là đến câu chuyện nội dung dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông.
Chiều 5/8/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để xin ý kiến chuyên gia và nhân dân cả nước, thì vấp ngay phải sự phản đối của giới Sử học, vì chủ trương tích hợp môn Lịch sử.
Đặc biệt là tại hội thảo “Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15/11/2015 ở Hà Nội, TS Nguyễn Vinh Hiển đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tham dự đã "lãnh đủ búa rìu dư luận" từ giới nghiên cứu Sử học. [13]
Tranh cãi này vào cả kỳ chất vấn của Quốc hội, rồi kể từ đó đến lúc về hưu, hai ông Phạm Vũ Luận, Nguyễn Vinh Hiển gần như không “sờ” đến Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 nữa. 
Dự thảo Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông công bố ngày 5/8/2015 cũng không thấy Bộ nhắc tới.
Bộ trưởng và Thứ trưởng khơi mào "những trận đánh lớn" đầu voi đuôi chuột về hưu, chiến trường bung bét để người sau dọn dẹp. Mọi bùng nhùng của đề án này, hai ông để lại cho người kế nhiệm giải quyết.
Đến đây chúng tôi tự hỏi, không lẽ cứ phải có tiền, thật nhiều tiền thì các nhà làm giáo dục như Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển mới chịu đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện?
Liệu còn có cách nào khác để đổi mới căn bản, toàn diện thực sự nền giáo dục nước nhà mà không cần đến các "siêu đề án, siêu dự án ngàn tỉ" như cách làm của GS Phạm Vũ Luận và TS Nguyễn Vinh Hiển hay không?
Để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin quay trở lại trong một bài viết khác, sau khi đã phân tích cặn kẽ “siêu đề án” này, và một dự án điển hình khác - VNEN.
(Theo Giáo dục VN) Hồng Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét