Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Phó Chủ tịch VAFI: “Vũ Quang Hải đảm nhiệm 3 chức danh đều không đúng"

 Cập nhật lúc 15:00

  

Trao đổi với Dân trí về việc ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng rời khỏi Hội đồng quản trị Sabeco, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, cả 3 chức danh mà ông Hải nắm tại Sabeco, về góc độ pháp luật, đều không đúng.


“Nhẽ ra cậu ấy nên làm việc này từ đầu”

Như đã đưa tin, mới đây ông Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng) đã chính thức có đơn từ nhiệm xin rút khỏi Hội đồng quản trị (HĐQT) Sabeco và phía Bộ Công Thương cũng đã xác nhận thông tin này. Đồng thời, Bộ Công Thương cho biết sẽ sớm cử người đại diện vốn Nhà nước mới tại doanh nghiệp này.
Tại Sabeco, ông Vũ Quang Hải là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco. Ông Hải còn kiêm phụ trách kế hoạch sản xuất, văn phòng và marketing tại Sabeco. Hồi tháng 6 vừa qua, sau khi Trưởng ban Marketing nghỉ hưu, ông Hải được giao tạm thời kiêm nhiệm vị trí này chờ bổ nhiệm người mới.
Bình luận về sự kiện trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, trong khâu giải quyết vấn đề nhân sự tại Sabeco mà cụ thể là trường hợp ông Vũ Quang Hải, Bộ Công Thương chưa tích cực và xử lý rất chậm. Phải đến khi có sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng như sức ép từ phía trên thì bắt buộc mới có những động thái nhất định.
“Khi người khác nói sai rồi thì mới lừng khừng thực hiện chứ anh có tự giác làm đâu”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhận xét.
 
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, trong khâu giải quyết vấn đề nhân sự tại Sabeco mà cụ thể là trường hợp ông Vũ Quang Hải, Bộ Công Thương chưa tích cực và xử lý rất chậm.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, trong khâu giải quyết vấn đề nhân sự tại Sabeco mà cụ thể là trường hợp ông Vũ Quang Hải, Bộ Công Thương chưa tích cực và xử lý rất chậm.

Nói với Dân Trí, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, có 3 chức vụ mà ông Vũ Quang Hải đảm nhiệm là Kiểm soát viên ở Vinataba, Thành viên Hội đồng quản trị Sabeco và Phó Tổng giám đốc Sabeco thì mới chỉ có 1 chức danh được giải quyết, còn hai chức danh kia thì thế nào, đến bao giờ giải quyết?
“Thực ra theo tôi cả 3 chức danh này, nếu nói trên góc độ pháp luật thì Vũ Quang Hải không đảm nhiệm chức danh nào cả khi việc bổ nhiệm vào 3 chức danh đó đều không đúng”, theo Phó Chủ tịch VAFI.
Vị này cũng đánh giá, việc từ nhiệm của ông Vũ Quang Hải ở thời điểm hiện tại là bởi không còn con đường nào khác. “Nhẽ ra cậu ấy phải làm điều này ngay từ đầu, ngay từ khi biết rằng việc mình ngồi ở vị trí đó là không đúng, là sai - khi đó, hành động của cậu ấy sẽ được đánh giá cao, rất lịch sự và đầy tự trọng”.
Ngoài ra, đại diện VAFI cũng đặt ra câu hỏi với Bộ Công Thương, rằng vì sao trước đây Bộ khẳng định Vũ Quang Hải về Sabeco không có chức năng là người đại diện vốn, nay khi Vũ Quang Hải từ nhiệm thì Bộ lại đồng thời có quyết định cử người đại diện vốn Nhà nước mới tại doanh nghiệp này? Đây là điều rất vô lý. Việc khuyết đi một thành viên HĐQT, vì sao người thay thế không phải là một người “ngoài Nhà nước” mà nhất thiết lại là một người của Nhà nước vào khi mà anh không cần phải có chức năng đại diện vốn?
Vấn đề nhân sự tại Sabeco chưa xong
Tại Sabeco, sau khi ông Vũ Quang Hải xin từ nhiệm, VAFI đánh giá, chưa phải mọi vấn đề nhân sự đã được giải quyết. Theo đánh giá của VAFI, Bộ Công Thương cũng như Sabeco vì chịu sức ép bên ngoài, vì yêu cầu của Thủ tướng và chỉ đạo của Chính phủ, bị “nã pháo” liên tục nên Sabeco mới chịu niêm yết.
 

Vừa rồi, Sabeco bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì bưng bít, không cung cấp thông tin đầy đủ của doanh nghiệp trong hai năm 2014-2015. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, như vậy rõ ràng là Bộ Công Thương đã cử người không đủ tiêu chuẩn. Không minh bạch thông tin, không chịu niêm yết dù đã có chủ trương thì người đại diện vốn Nhà nước vào Hội đồng quản trị làm gì?
“Tôi thấy Ủy ban phạt như thế vẫn là còn nhẹ, mà khoản đó phải trừ vào túi tiền của Hội đồng quản trị chứ không phải là trừ vào túi tiền của cổ đông Nhà nước”, Phó Chủ tịch VAFI nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Sabeco nếu có những người quản lý tốt thì lợi nhuận phải vượt Vinamilk, phải lên tới 10.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng hiện tại của doanh nghiệp vẫn chưa tương xứng với những lợi thế, tiềm năng. Sở dĩ như vậy, ông Hải cho rằng, là vì trong nội bộ Sabeco vẫn còn nhóm lợi ích, cản trở khiến doanh nghiệp không phát triển được.
Vừa qua, nhờ có sự quyết liệt của Thủ tướng, Chính phủ, yêu cầu Sabeco phải niêm yết trước khi bán vốn, còn nếu theo phương án của nhóm lợi ích là bán trước niêm yết sau thì Nhà nước thiệt hại hàng tỷ USD. Cụ thể, giá cổ phiếu Sabeco bán cho nhà đầu tư chiến lược cũng phải trên 200.000 đồng (đây không phải là do căn cứ vào thị giá giao dịch trên sàn). Còn nếu bán trước khi niêm yết thì chắc chắn mức giá chỉ dưới 100.000 đồng.
“Hàng trăm người đã thua lỗ ở Sabeco, Habeco trong hơn 8 năm hai doanh nghiệp này cổ phần hóa. Nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào với giá 70.000 đồng, nhưng vì doanh nghiệp không chịu niêm yết nên đã buộc phải bán, mất 50-60%. Bây giờ khi Sabeco, Habeco và một loạt doanh nghiệp khác buộc phải niêm yết sau cổ phần hóa, hàng ngàn nhà đầu tư hưởng lợi, giá Sabeco từ 50.000 đồng đã tăng vọt lên trên 200.000 đồng”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho hay.
Trở lại với vấn đề nhân sự, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cần phải làm quyết liệt hơn nữa. Cần phải xử lý mạnh tay với những lãnh đạo kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn được đề bạt, thăng chức về các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ.
“Tôi cảm giác Bộ vẫn nói nhiều, làm ít. Không chỉ vụ việc bổ nhiệm không đúng quy định đối với Vũ Quang Hải tại Sabeco, nhiều vụ việc khác chưa được giải quyết, rồi nhân sự tại Habeco, tại Tập đoàn Hóa Chất... chưa được xử lý”, đại diện VAFI nêu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, nếu Bộ Công Thương vẫn tiếp tục bao che với những trường hợp này sẽ làm mất lòng tin của nhân dân.
Nói về vấn đề từ nhiệm của minh, bản thân ông Vũ Quang Hải cho hay: "Tôi đã có ý định xin rút từ trước, nhưng thời điểm này mới nộp đơn, vì tôi muốn chứng minh, mình là người làm được việc chứ không phải là con ông nọ ông kia".
Theo đó, "kế hoạch năm 2016 của Sabeco đã hoàn thành, các công việc cần làm thuộc trách nhiệm của tôi cũng đã xong. Tới thời điểm này, Sabeco đã lên sàn và cổ phiếu SAB đã trở thành một trong những cổ phiếu được săn đón nhất những ngày cuối năm. Sabeco cũng sắp có một năm lịch sử khi lãi kỷ lục, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tôi xin rút thì ít nhất cũng phải ngẩng cao đầu".
(Theo Dân trí) Bích Diệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét