Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Tác hại khôn lường của 'bóng cười': 'Cười' đi rồi coi chừng rối loạn thần kinh

Cập nhật lúc 16:49

'Bóng cười' được một số người sử dụng để tăng sức hấp dẫn, vui vẻ ở các bữa tiệc. Tuy nhiên, lạm dụng hít 'bóng cười' có thể gây tác hại khôn lường: rối loạn thần kinh và đặc biệt là tổn thương não bộ vĩnh viễn.


Bình khí, dụng cụ bơm "bóng cười" được giới thiệu trên mạngẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Tiệc "bóng cười"
"Bóng cười" được một số người sử dụng để tăng sức hấp dẫn, vui vẻ ở các bữa tiệc. Một số thanh niên nam nữ còn coi đây là cách “quên mọi ưu phiền”.



Trong gây mê, khi dùng N2O cần có một lượng O2 pha chung để tránh bị ngạt thở. Đây là điều mà các "khí cười" đang có trên thị thường có thể không có nên người hít khí N2O có nguồn gốc phi y tế có thể bị ngạt


Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM

T. đưa ra hai mức giá, 1,5 triệu đồng gồm ống bơm nhỏ và 50 quả bóng; 2 triệu đồng gồm ống bơm to và 70 quả bóng. Ngoài ra, nếu đông người có thể gọi bình 5kg (dạng giống bình gas nấu bếp) giá 2,9 triệu, bơm được 450 quả bóng. T. cũng cho biết hàng từ Thái Lan.
Khi chúng tôi chọn mức giá 1,5 triệu đồng, T. bảo rằng đã hết hàng và ống bơm nhỏ rất khó bơm nên khuyến khích chúng tôi chọn phương án còn lại.
Đồng ý với giá 2 triệu đồng và 70 quả bóng, khoảng nửa tiếng sau, chúng tôi đã có hàng cho cuộc vui "bóng cười". Hàng được giao bao gồm dụng cụ bơm màu xám nhạt, cầm vừa tay, kèm theo 70 bong bóng (là bong bóng thông thường để bơm hơi vào).
T. giao hàng rất thoải mái, trông không có vẻ gì e dè và còn dặn dò chúng tôi khá kỹ cách bơm "khí cười" vào quả bóng và cách hít - thở "bóng cười"...
Nhóm bạn của T.C. hít "bóng cười" khá thường xuyên mỗi khi tụ tập tại bar hay tiệc tùng. T.C cho biết: "Những buổi đi chơi như vậy, ai cũng đều muốn vui vẻ nên hít bóng để có "cảm giác". Vì vậy, anh luôn mang sẵn bình bơm trong mỗi lần đi chơi với nhóm bạn.
Lần đầu tiên thử loại "bóng cười" này cùng nhóm bạn, S.L. chỉ vừa thử sang quả thứ hai thì cảm thấy trí óc bị tác động mạnh. Tuy nhiên, không như những bạn bè khác là cười thì S.L cảm thấy buồn bã, bao nhiêu kí ức ùa về. Cô bỗng dưng tách mình khỏi nhóm, tìm một góc và khóc.
“Tuy nhiên, cảm xúc đó đến và đi rất nhanh, chỉ chừng hơn 10 phút là tôi trở lại bình thường”, S.L kể.


Nhiều website, fanpage quảng bá và bán bóng cười công khai - Ảnh: Chụp màn hình

Trong khi đó, nhóm bạn của anh C.V. sau khi nghe nói về loại "bóng cười" này cũng từng thử đặt để hít. Nhưng sau khi hít mỗi người hơn 10 quả đều không cảm thấy tác dụng.
Chất gây mê được thổi làm “bóng cười”
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM: Chất khí được bơm vào "bóng cười" chính là “khí cười” (N2O) có tên quốc tế là Dinitrogen monoxide hoặc Nitrous oxide.



Tất cả các chất hóa học đều có thể gây nghiện và nếu sử dụng sai mục đích, với thời gian dài đều có thể gây tác hại đặc biệt là các tổn thương vĩnh viễn trên não bộ


Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM

Nitrous oxide được sử dụng trong y học từ hơn 150 năm trước để gây mê toàn thân. Tuy nhiên do tác dụng yếu nên hiện nay trong y học chất này ít được sử dụng đơn độc mà thường được sử dụng phối hợp với các thuốc gây mê khác. Cũng do hiệu quả gây mê yếu và ngắn nên N2O được ưa chuộng trong nha khoa và sản khoa (sinh thường).
“Cho đến nay, N2O vẫn có trong danh mục các thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”, bác sĩ Hiển cho biết.
Theo bác sĩ Hiển, cơ chế tác động của N2O lên cơ thể người sử dụng khá phức tạp và khoa học vẫn chưa tìm hiểu đầy đủ. Có thể nói, N2O tác động gây một hiệu ứng giải lo âu, tác dụng tê/mê, giảm đau và sảng khoái. N2O gây vô cảm hoặc tê mê toàn thân nhưng không mất tri giác.
Trong y khoa, trước đây, N2O cũng từng được sử dụng trong một số trường hợp lo âu và trầm cảm cũng như làm giảm tình trạng kích động, mê sảng trên những bệnh nhân cai rượu. Tuy nhiên, hiện nay, với những tiến bộ y học, các dược phẩm điều trị lo âu và trầm cảm có rất nhiều và hiệu quả nên N2O không còn sử dụng nữa.
N2O cũng được sử dụng trong sản khoa cho những trường hợp mà bà mẹ quá lo lắng hay sợ đau trong lúc sinh nở.
Hiện nay, "khí cười" được lạm dụng ra khỏi phạm vi y tế, nó được bán trên “thị trường đen” dưới hình thức một bình xịt. Người sử dụng sẽ bơm vào một bong bóng và thở ra hít vào trong cái bong bóng đó. "Nếu hít trực tiếp từ bình xịt thì có thể bị phỏng lạnh niêm nạc hầu họng và đường hô hấp", bác sĩ Hiển nói.
“Cười” đi, rồi rối loạn thần kinh, tổn thương não
Bác sĩ Hiển phân tích tác động của N2O đối với người sử dụng: Sau khi hít 10-30 giây, N2O sẽ gây một hiệu ứng sảng khoái, vui vẻ và duy trì trong 2-3 phút, làm giảm nhẹ sự tỉnh táo.


Bộ dụng cụ chơi "bóng cười" được giao hàng tận nơi - Ảnh: Bảo Phương

Việc sử dụng thường xuyên “khí cười” thì có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ và các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12.
Ngoài ra, việc dùng quá liều N2O sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức hay co giật.
Bên cạnh đó, “trong gây mê, khi dùng N2O cần có một lượng O2 pha chung để tránh bị ngạt thở. Đây là điều mà các "khí cười" đang có trên thị thường có thể không có nên người hít khí N2O có nguồn gốc phi y tế có thể bị ngạt”, bác sĩ Hiển giải thích.
Bác sĩ Hiển khuyến cáo thêm, với liều sử dụng cao, N2O gây suy hô hấp cấp. Đặc biệt nếu tỷ lệ N2O/O2 cao hơn mức 2/1 nhiều lầnn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy não cấp.
Hiện tại, N2O chưa bị xem là ma túy vì không bị luật pháp ngăn cấm và vẫn còn đang được sử dụng trong y học.
Tuy nhiên, “tất cả các chất hóa học đều có thể gây nghiện và nếu sử dụng sai mục đích, với thời gian dài đều có thể gây tác hại đặc biệt là các tổn thương vĩnh viễn trên não bộ”, bác sĩ Hiển cảnh báo.
(Theo Thanh niên) Viên An - Bảo Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét