Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Bộ máy điều hành không cần tiến sĩ, thạc sĩ: Nói thật

Cập nhật lúc 15:44  

(Tin tức thời sự) - PGS.TS Võ Văn Sen cho biết, lãnh đạo TP.HCM khẳng định không có chủ trương chạy theo bằng cấp, trọng thạc sĩ, tiến sĩ trong cơ quan công quyền.
Nhiều người có bằng tiến sĩ nhưng quản lý yếu
Sáng 20/12, tại TP.HCM, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong đã có buổi gặp gỡ đội ngũ trí thức thành phố.
Phát biểu tại cuộc gặp, PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của thành phố trong vấn đề đào tạo cũng như sử dụng đội ngũ trí thức thời gian qua.
Đáng chú ý, ông Sen khẳng định bộ máy điều hành không cần tiến sĩ, thạc sĩ mà cần ứng dụng thực hành. Đặc biệt, cơ quan hành chính không cần chạy đua về chỉ tiêu tiến sĩ, thạc sĩ như hiện nay.
Trao đổi thêm với Đất Việt, PGS.TS Võ Văn Sen cho biết ý kiến trên của ông hoàn toàn xuất phát từ thực tế xã hội, những điều tận mắt chứng kiến thời gian qua.

 Bo may dieu hanh khong can tien si, thac si: Noi that
PGS.TS Võ Văn Sen cho biết, lãnh đạo TP.HCM khẳng định không có chủ trương chạy theo bằng cấp, trọng thạc sĩ, tiến sĩ trong cơ quan công quyền. Ảnh: Zing

“Trung Quốc và Việt Nam là những nước trọng thi cử. Ngày xưa học để làm quan còn xã hội bây giờ thì nhiều người đang mắc căn bệnh bằng cấp. Chúng ta có thể nhìn thấy ở nhiều nơi đầy tiến sĩ, thạc sĩ ở các cơ quan hành chính. Cán bộ lãnh đạo cũng trang bị cho mình hết bằng này, bằng kia. Từ đó tạo ra nhiều tiêu cực.
Có nhiều người muốn trang bị bằng thạc sĩ, tiến sĩ để thăng tiến, vào vị trì này vị trí kia dẫn đến tình trạng chạy chọt, chất lượng đào tạo ở nhiều nơi chưa cao. Đó là căn bệnh khó tránh khỏi ở đất nước trọng thi cử như Việt Nam. Nếu chúng ta không cảnh giác thì sẽ rơi vào bệnh chạy theo bằng cấp, chạy theo học hàm, học vị ở những nơi không thật sự cần”, PGS.TS Sen khẳng định.
Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV TP.HCM chia sẻ, bây giờ tiến sĩ đào tạo để làm 2 công việc cơ bản. Một là làm công tác nghiên cứu khoa học, hai là đào tạo, giảng dạy ở trình độ cao. Hơn nữa thời gian đào tạo tiến sĩ cũng rất lâu, có quốc gia từ 5-7 năm, có nhiều nước như Mỹ, người học phải mất đến 10 năm mới có thể tốt nghiệp được.
“Tôi cho rằng quản lý nhà nước là những lĩnh vực không cần bằng tiến sĩ. Một đất nước văn minh, hiện đại như Mỹ nhưng các đời tổng thống chỉ có ông Wilson là trường hợp duy nhất có bằng tiến sĩ. Tuy nhiên ông ấy không được đánh giá cao.
Những người có bằng tiến sĩ đi vào quản lý sẽ yếu. Họ không phải là người học khoa học quản lý và có kinh nghiệm quản lý. Quản lý đòi hỏi chúng ta có kiến thức rộng, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đòi hỏi có phương pháp luận kiến thức của người tốt nghiệp đại học, sau đó có thực tiễn. Và trong quá trình thực tiễn vừa học, vừa làm để nâng cao hiệu quả. Có những đợt bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn khoảng 1 năm thôi chứ không xa rời thực tiễn quá.
Trong trường hợp đi học thạc sĩ tôi nghĩ cũng có thể cân nhắc. Thạc sĩ thực tế chỉ là bổ túc thêm kiến thức của Đại học thôi, không mất nhiều thì giờ quá. Tuy nhiên việc theo học phải phù hợp với ngành nghề”, PGS.TS Sen nói.
Thành phố không chạy theo bằng cấp
PGS.TS Võ Văn Sen chia sẻ thêm, sau lời phát biểu của ông, cả Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong đều khẳng định thành phố không có chủ trương chạy theo bằng cấp.
“Bí thư và Chủ tịch thành phố cho biết, TP.HCM không chú ý đến tỷ lệ thạc sĩ, tiến sĩ. Thành phối không có chỉ tiêu này và đó là những vấn đề đã cũ”, ông Sen nhấn mạnh.
Vị Phó giáo sư cho rằng, thành phố cần phải có chiến lược nghiêm túc, toàn diện về xây dựng đội ngũ trí thức, đặc biệt tránh tư tưởng quản lý theo ngân sách địa phương.
Những chương trình hậu tuyển dụng đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ trước đây thay vì thành phố trực tiếp tuyển dụng, PGS.TS Sen đề nghị giao về các trường Đại học, Viện nghiên cứu.
“TP cấp tiền để các đơn vị trên tuyển người đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sẽ tốt hơn nhiều so với trực tiếp tuyển dụng. Nếu số tiền đó đưa vào các trường Đại học lớn, chúng ta sẽ chọn được những người tài, có năng khiếu về khoa học, có thể đi sâu về những ngành khoa học để lấy bằng tiến sĩ. Sau này nếu thành phố cần thì lấy từ trường Đại học ra, bao nhiêu mà chẳng được. Thành phố không cần trực tiếp phải làm”, ông Sen kiến nghị.
Theo ông Sen, trong xã hội kinh tế thị trường như hiện nay, bản thân các trí thức phải thay đổi, phải chú ý đến đời sống thực tế, kỹ năng thực hành nhiều hơn là lý thuyết đơn thuần.
“Chạy theo phong trào để lấy bằng cấp làm gì. Chúng ta phải dấy lên không khí người làm quản lý tự do trang bị thêm kiến thức, học hỏi hàng ngày từ thực tế thay vì học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ”, PGS.TS Sen khẳng định.
(Theo Đất Việt) Nguyễn Hoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét