Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

"Dàn trận" ô tô phản đối thu phí cầu: Cần điều chỉnh nếu bất hợp lý

 Cập nhật lúc 08:30

Liên quan tới vụ việc ngày 3.12, người dân ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đưa ôtô chặn cầu Bến Thủy 1 (nối 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh) để phản đối chủ đầu tư đặt trạm thu phí tại đây, nhiều chuyên gia cho rằng nếu quả thực việc đặt trạm thu phí là bất hợp lý thì cần điều chỉnh ngay.
Trả phí vô lý?
Cuối tuần qua, một số người dân đã điều khiển ôtô qua cầu Bến Thủy 1 nối Nghệ An và Hà Tĩnh và dừng đỗ trên Quốc lộ 1  để phản đối việc đặt trạm thu phí bất hợp lý. Hành động này đã khiến Quốc lộ 1 bị ùn tắc kéo dài.

 "dan tran" o to phan doi thu phi cau: can dieu chinh neu bat hop ly hinh anh 1
Người dân dùng ôtô chặn đầu cầu Bến Thủy 1, gây ách tắc giao thông Quốc lộ 1. Ảnh: H.A

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - một người dân ở thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi không hề sử dụng tuyến tránh TP.Vinh nhưng khi đi qua trạm thu phí vẫn phải trả mức phí quá cao là rất bất hợp lý. Người dân đã nhiều lần kiến nghị, gửi đơn lên các cơ quan chức năng sở tại và Ban Giám đốc BOT cầu Bến Thủy nhưng không được giải quyết”.
Trao đổi với NTNN, trung tá Nguyễn Quang Thành - Trưởng Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: “Qua nắm bắt nguyên nhân vụ việc, người dân phản đối việc thu phí BOT chỉ treo băng rôn trên ôtô với nội dung không sử dụng tuyến đường BOT tại sao lại phải trả phí chứ không gây rối gì cả. Khi nghe Công an Nghi Xuân phân tích, khuyên đừng làm tắc nghẽn giao thông, người dân đã giải tán ngay”.
Trung tá Thành cũng cho biết, thực tế, người dân Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đi qua cầu Bến Thủy 1 sang TP.Vinh (Nghệ An) hay đi vào thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cũng không đi trên tuyến đường BOT nào cả mà phải đóng phí. Đặc biệt là cán bộ công nhân viên hay giáo viên từ Nghi Xuân sang làm việc ở TP.Vinh phải đi lại hàng ngày trong khi đó lương 4-5 triệu đồng/tháng mà đóng tiền phí đường BOT và xăng xe mất 3 triệu đồng/tháng rồi. Đặc biệt từ ngày 20/11/2016, không còn hỗ trợ mức phí cho những người dân (TP.Vinh và huyện Nghi Xuân) sống ở vùng lân cận hai bên cầu Bến Thủy mua vé tháng, vé quý nên càng khiến người dân bức xúc.
Về vấn đề này, PGS-TS Phan Hữu Minh - Học viện Tài chính cho rằng: “Bất cập ở nhiều dự án BOT giao thông là hiện tượng người dân không sử dụng dịch vụ nhưng vẫn phải trả tiền. Bản thân tôi cũng là nạn nhân khi thường xuyên về quê và phải đi qua Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1. Tôi không dùng cầu Bến Thủy 2, không sử dụng đường tránh TP Vinh, không sử dụng cầu vượt Quốc lộ 46 nhưng vẫn phải ngậm đắng nuốt cay trả phí hoàn vốn cho tất cả các công trình đó”.
Có "quan liêu"?
Ngày 2.8.2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gửi công văn về phí sử dụng đường bộ các dự án BOT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến Bộ Tài chính đề nghị di dời trạm thu phí Bến Thủy I và II về vị trí phù hợp với các dự án BOT đã triển khai. Ngày 22.9 tại buổi làm việc với Bộ GTVT, ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp kiến nghị với ông Trương Quang Nghĩa – Bộ trưởng Bộ GTVT và nhà đầu tư là Tổng Công ty Công trình Giao thông 4 di dời trạm thu phí đang đặt hiện nay.
Câu chuyện người dân phản đối mức phí, phản đối vị trí đặt trạm thu phí không chỉ diễn ra ở trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 trong những ngày qua. Hiện tượng này đã diễn ra tại Trạm thu phí cầu Hạc Trì, Trạm thu phí Quốc lộ 6 qua Hòa Bình, Trạm thu phí hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia.
Dù hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ đã có 23 trạm thu phí BOT giao thông tiến hành giảm phí nhưng câu chuyện về các trạm BOT đặt “nhầm chỗ” vẫn chưa có lời giải hợp lý.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng: “Người dân phải tụ tập phản đối như thế, chắc chắn là có sự bất hợp lý ở đây. Theo quy định thì các trạm thu phí phải đặt cách nhau 70km nhưng lại có quy định cho phép nhà đầu tư thỏa thuận với Bộ GTVT, Bộ Tài chính, địa phương để chọn vị trí đặt trạm thu phí. Ở đây, tôi cho rằng có sự quan liêu của các cơ quan chức năng khi không lường hết được”.
Việc đặt ra “cơ chế mềm” trong việc thỏa thuận đặt vị trí trạm thu phí đã được các chuyên gia cho rằng người dân mất đi sự lựa chọn về dịch vụ. Đó là quyền được chọn đi đường tốt phải trả phí hoặc đi đường cũ được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, sử dụng tiền từ Quỹ Bảo trì để bảo dưỡng.
Ông Nguyễn Văn Thanh đưa ra đề nghị: “Bây giờ, chủ đầu tư, cơ quan nhà nước cần ngồi lại để đối thoại với người dân. Các nhà đầu tư BOT tính toán làm sao để thu được vốn, nhưng phải làm sao để hợp lý với người dân chứ không thể thu lấy được”.
(Theo Dân Viêt) Vinh Hải - Hữu Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét