Chính sách quốc gia bị quan hệ cánh hẩu "bắt làm
con tin"?
Cập nhật lúc 15:02
Phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Hiệp hội
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ngày 3-12, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải
“xóa bỏ ngay quan hệ thân hữu, ưu đãi ngầm” trong hoạt động kinh doanh.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về chủ đề này, TS Võ Trí Thành,
nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định:
“Rõ ràng tình trạng thân hữu gắn với những ưu đãi ngầm hay người ta còn gọi
là sân sau, cánh hẩu, lợi ích nhóm… là tình trạng của các nền kinh tế đang
chuyển đổi hay bắt đầu phát triển. Ở đó người ta dựa trên những quan hệ quyền
lực từ quan chức để mưu lợi cho riêng mình”.
Quan hệ thân hữu “ăn sâu” vào nhiều lĩnh vực
. Phóng viên: Có nhiều câu chuyện về quan chức có DN sân sau đã
bắt đầu bị phanh phui. Chẳng hạn như một giám đốc sở VH-TT&DL có vợ con
đứng tên các DN trong lĩnh vực mình phụ trách. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
+ TS Võ Trí
Thành: Một nền kinh tế đang chuyển đổi thì có hai loại tài sản rất lớn cần
phải có những chuyển đổi để phân bổ hiệu quả là đất đai và tài sản của doanh
nghiệp nhà nước (DNNN). Nhưng có thể sự minh bạch, bất đối xứng thông tin,
vấn đề sở hữu không rõ ràng đã cản trở quá trình chuyển đổi tất yếu ấy. Từ đó
việc phân bổ nguồn lực, sở hữu sẽ sinh ra nhiều hệ lụy. Điều này đang rất rõ
ở Việt Nam khi chúng ta cổ phần hóa các DNNN.
Vấn đề muôn
thuở là xung đột lợi ích. Con người thì vị kỷ, thế nhưng khi làm công chức
nhà nước thì phải hy sinh vì lợi ích chung. Điều không may là nếu anh gắn với
một nhóm lợi ích thì sự xung đột lợi ích lại càng gay gắt.
. Thưa ông, quan hệ thân hữu, cánh hẩu hay sân sau hiện nay diễn
ra thế nào, theo quan sát của ông?
+ Vấn nạn này
đã và đang diễn ra ở hầu hết lĩnh vực quan trọng. Trong kinh tế thì nổi lên
vấn đề thân hữu đối với quản lý DNNN, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư
công.
Lĩnh vực quản
lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, rồi quản lý tài sản, đất
đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu cũng tồn tại các
quan hệ thân hữu như chúng ta thấy. Đặc biệt, công tác cán bộ, quản lý biên
chế có những vụ việc như “cả họ làm quan” ở tỉnh/huyện/xã mà báo chí đã đề
cập đến nhiều. Một góc độ nào đó, kể cả trong những lĩnh vực hoạch định chính
sách thì quan hệ thân hữu cũng có những tác động không nhỏ.
. Khi anh là quan chức, công chức thì anh có lợi thế hơn những
người khác trong tiếp cận các cơ hội. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng có
quy định rằng: Người đứng đầu không được để người thân nắm giữ vị trí quan
trọng như kế toán trưởng chẳng hạn.
+ Có những ràng
buộc đối với quan chức, công chức để hạn chế xung đột lợi ích. Chẳng hạn một
quan chức cần phải hy sinh lợi ích cá nhân của mình và người thân khi không
được hoạt động trong các lĩnh vực liên quan.
Đôi khi chúng
ta quên rằng cần phải có một hệ thống động lực ngoài những quy định tránh lạm
dụng quyền lực của quan chức, công chức. Phải có hệ thống động lực khuyến
khích công chức, quan chức làm việc chuyên nghiệp vì lợi ích công. Hệ thống
động lực ấy có thể là thu nhập, cơ hội thăng tiến và cách thức đánh giá, khen
thưởng, xử phạt… minh bạch và công bằng. Có thể hệ thống động lực của ta hiện
nay rất méo mó, không chỉ là vấn đề tiền lương mà còn là cách nhìn nhận, xem
xét, đánh giá, bổ nhiệm.
. Cụ thể là thế nào, thưa ông?
+ Chẳng hạn,
chúng ta hay nói bằng cấp bản thân nó là tốt nếu đó là kết quả của sự nỗ lực,
phấn đấu học tập. Nhưng bằng cấp hiện tại lại còn nhiều vấn đề về hình thức
và tiêu cực. Hay chúng ta nói đến “quy trình”, vốn là các nguyên tắc để đảm
bảo chất lượng trong mọi lĩnh vực nhưng quy trình đôi khi lại trở thành cái
vỏ để che đậy những thứ tiêu cực khác.
Trách nhiệm, ý
chí và đạo đức của quan chức, công chức đúng là vì các quy định ràng buộc mà
phải hy sinh nhiều, đến nỗi ngay cả vợ, con và người thân không được hoạt
động, phải né tránh những lĩnh vực mình phụ trách.
Tránh “nhà dột từ nóc”
. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng: Nếu chỉ quy định vợ, con,
người thân của quan chức, người đứng đầu không được giữ một số vị trí như kế
toán trưởng, tổ chức nhân sự, thủ quỹ… là lọt. Vì sẽ xảy ra tình trạng chồng
là thủ trưởng, vợ là… thủ phó. Từ đó dẫn đến chuyện sân sau, cánh hẩu trong
mọi lĩnh vực.
+ Tôi nghĩ
không có gì là hoàn hảo, ngay cả ở những nền kinh tế thị trường được coi là
hoàn hảo nhất. Trong kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, nếu gian dối
thì quan chức, công chức vẫn có thể sử dụng phương pháp ủy quyền để thực hiện
những ý đồ thân hữu, cánh hẩu, sân sau tiêu cực của mình.
Tôi không đứng
tên tài khoản của tôi, DN của tôi mà người khác đứng tên, chẳng hạn thế. Ủy
quyền có thể được dùng để che mắt người khác, che giấu những thứ không đúng
chuẩn mực.
. Theo ông, những tác động của quan hệ thân hữu, sân sau tiêu
cực đối với kinh tế-xã hội hiện nay là gì?
+ Có ba tác
động thấy rõ ràng nhất. Quan hệ thân hữu, cánh hẩu làm méo mó thị trường khi
nguồn lực không được phân bổ hiệu quả. Nó tạo ra bất bình đẳng không chỉ
trong vấn đề tiếp cận cơ hội mà còn là bất bình đẳng về thu nhập với những lý
do không chính đáng. Quan hệ thân hữu, cánh hẩu còn làm xã hội mất niềm tin
đối với Nhà nước, bộ máy công chức và đó là sự mất mát lớn nhất.
Nhưng tác động
tiêu cực nhất của quan hệ thân hữu, cánh hẩu đối với nước ta là làm cho sức ì
của nền kinh tế-xã hội ngày càng lớn hơn, giảm đi động lực cải cách. Bởi khi
cải cách thì lợi ích của những chủ thể của quan hệ thân hữu tiêu cực trong xã
hội bị đụng chạm.
. Vậy giải pháp triệt tiêu quan hệ thân hữu tiêu cực cũng không
hẳn là khó, thưa ông?
+ Giải pháp cho
vấn đề này thực ra không phải là mới mẻ, chỉ có điều thực hiện nó không dễ.
Điều đầu tiên là vai trò của thị trường và Nhà nước phải phân minh. Thứ hai
là Nhà nước phải dựa trên ba nguyên tắc: chức năng gắn với thực tài; vấn đề
minh bạch và trách nhiệm giải trình. Sự tương tác của Nhà nước với thị trường
sẽ giúp Nhà nước có một cách can thiệp thích hợp và đúng mực.
Điều cốt yếu là
pháp luật phải nghiêm minh. Pháp luật không thể che chắn hết mọi nguy cơ.
Nhưng khi một quan chức, công chức nào vi phạm những nguyên tắc chung như ta
đã nói thì cần thiết phải xử lý nghiêm minh để răn đe cả hệ thống.
Nhưng tôi vẫn
quan niệm: Bên cạnh chống quan hệ thân hữu, cánh hẩu thì phải quan tâm đến
xây dựng những cái tốt. Vì nhìn tổng thể, cái tốt nhiều hơn và cần phải trở
thành trào lưu để không còn chỗ cho cái tiêu cực. Đối với văn hóa phương
Đông, việc nêu gương là rất quan trọng. Điều này sẽ làm giảm đi tình trạng
nhà dột từ nóc.
. Xin cám ơn ông.
Theo Chân Luận/PLTP
|
Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét