7.000 tỷ đồng đánh thức mỏ Thạch Khê: Mạo hiểm, lãng phí...
Cập
nhật lúc 16:51
(Tài chính) - Việc đầu tư
7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ sắt ở Thạch Khê, Hà Tĩnh là lãng phí, chưa
phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Không phù hợp, lãng phí
Mới đây, trao đổi với báo chí về vấn đề mỏ sắt Thạch Khê, ông Trương
Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài
cho biết, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, giá trị khoảng 35 tỷ
USD, chưa kể khoáng sản khác như crom có 5 - 6 tỷ USD. Tuy tiềm năng
rất lớn song đến nay chúng ta vẫn chưa khai thác được.
Ông Hoài khẳng định, hiện Bộ Công Thương vẫn đang lên phương án xử lý khó khăn để khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Đặc biệt, theo tính toán cần ít nhất là 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ sắt này, đồng thời tái cơ cấu cổ đông và nguồn vốn.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Bùi Văn
Mưu, nguyên Giảng viên Bộ môn Luyện kim đen – Khoa KH & CN Vật liệu
– ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định với điều kiện kỹ thuật như hiện nay, việc
đầu tư số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng vào mỏ sắt Thạch Khê là rất lãng phí và
không phù hợp.
Theo GS Bùi Văn Mưu, mỏ Thạch Khê nằm sâu ở dưới nước biển, được xếp
vào loại khó khai thác và rất đắt đỏ. Muốn khai thác đưa vào sử dụng cần phải
có rất nhiều vốn. Đây là điều kiện đầu tiên và tiên quyết. Tuy nhiên hiện nay
nguồn ngân sách của chúng ta đang rất thiếu.
“Tôi nghĩ chúng ta không nên đầu tư 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ
quặng sắt Thạch Khê. Hiện nay chúng ta làm chưa có lợi vì đòi hỏi kỹ thuật
cao, vốn nhiều trong khi đất nước thì nghèo.
Thậm chí, bây giờ nếu chúng ta có tiền thì kỹ thuật cũng chưa đảm bảo.
Trình độ của Việt Nam và TKV chưa đủ khả năng để làm những công trình như thế
này. Chúng ta sẽ lại phải thuê chuyên gia, kỹ sư nước ngoài”, GS Mưu nhấn
mạnh.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác được vị chuyên gia chỉ ra, đó là thị
trường thép trong nước và thế giới hiện nay đang có nhiều biến động. Vì vậy
so sánh một cách đơn giản, nếu Việt Nam tập trung vào mỏ sắt Thạch Khê thì
khi tạo ra sản phẩm, giá thành sẽ cao hơn của các nước khác, khó cạnh tranh
hơn.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Chiều, nguyên Giảng viên Khoa KH&CN
Vật liệu – ĐH Bách khoa HN đánh giá, Hiệp hội thép Việt Nam thời gian qua đã
đưa ra nhiều cảnh báo về sự thay đổi lên xuống bất ổn của thị trường sắt
thép. Vì vậy việc đầu tư mở rộng dự án thép hay tập trung nguồn tài chính để
khai thác mỏ quặng sắt tại Thạch Khê, Hà Tĩnh cần phải xem xét hết sức thận
trọng.
“Nếu chúng ta đổ ra 1 khoản tiền lớn mà sản phẩm làm ra không bán được
hoặc không ổn định thì rất lãng phí. Với một nước giàu thì không sao, nhưng
với Việt Nam thì việc này cần xem lại cho cẩn thận.
Thứ hai, chuyện môi trường Formosa làm cho chúng ta cảnh giác hơn. Với
bài học nhãn tiền như vậy, tôi nghĩ Việt Nam không nên liều lĩnh. Trong một
thời gian ngắn nhảy từ thảm họa này sang một thảm họa khác thì không nên. Khi
chúng ta có đầy đủ thời gian để nghiên cứu thật tốt thì lúc đó cũng không
muộn”, PGS.TS Chiều khẳng định.
Là một người con của Hà Tĩnh, bà Chiều rất vui mừng khi Bộ Công Thương
có ý định đầu tư phát triển dự án thép tại Thạch Khê. Theo bà, nếu làm được
điều này, người dân địa phương sẽ bớt khổ hơn, do có thêm cơ hội việc làm,
tránh nỗi lo lũ lụt. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng quan, vị chuyên gia
khẳng định, thời điểm hiện nay chưa thật sự phù hợp.
“Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, vùng lũ lụt thường xuyên. Tôi là
người Hà Tĩnh nên cũng muốn làm 1 cái gì đó cho Hà Tĩnh. Nhưng tôi biết đặc
điểm khai thác quặng ở Thạch Khê rất khó khăn. Tôi không biết Bộ Công Thương
đã khảo sát chưa? Mời ai đi khảo sát rồi và những khảo sát đó đã đủ kỹ chưa
để làm việc khó như vậy hay chưa?. Bỏ ra một khoản tiền 7.000 tỷ đồng là rất
lớn, tôi nghĩ trong lúc khó khăn như thế này thì chưa nên. Tôi hơi rụt rè
trước chuyện này”, PGS.TS Chiều khẳng định.
Hậu quả nặng nề nếu cố đâm ăn xôi
Cùng đưa ra ý kiến chia sẻ, PGS. TS. Nguyễn Sơn Lâm - Trưởng bộ môn Kỹ
thuật Gang Thép - ĐH Bách khoa Hà Nội thẳng thắn đặt vấn đề số tiền
7.000 tỷ đồng đại diện Bộ Công Thương định dùng để đách thức mỏ sắt ở Thạch
Khê, Hà Tĩnh lấy từ đâu.
Theo vị chuyên gia, cần phải làm rõ điều này và có sự thuyết trình,
phản biện một cách rõ ràng, chứ không chỉ dựa vào những ý kiến của cá nhân.
“Số tiền 7.000 tỷ đồng đó cần phải làm rõ xem, đó là tiền của ai? Tiền
của TKV bỏ ra đầu tư hay mỏ sắt Thạch Khê hay của nhà nước đầu tư.
Từ việc này, những người làm dự án phải có thuyết trình và trả lời rõ
các câu hỏi: Các giải pháp đưa ra khai thác được hiệu quả tài nguyên hay
không? Khai thác có an toàn không? Khi đưa ra kế hoạch thuyết trình mà các
nhà khoa học, nhà kỹ thuật, những người làm khai thác mỏ có kinh nghiệm nói
đảm bảo thì chúng ta làm. Còn nếu chưa thuyết phục thì nên dừng lại. Phải có
cơ sở đánh giá đúng sai cụ thể, khách quan”, PGS.TS Lâm khẳng định.
Vị chuyên gia cũng đặc biệt chú ý đến việc TKV vừa có văn bản gửi Thủ
tướng Chính phủ đề nghị tạm dừng thực hiện dự án Nhà máy sản xuất phôi thép 2
triệu tấn/năm để tiếp tục nghiên cứu lựa chọn công nghệ, suất đầu tư hợp lý
và xem xét đầu tư sau năm 2020.
Theo ông Lâm, nếu TKV có ý định như vậy thì Bộ Công Thương cũng như
các cơ quan, ban ngành liên quan nên đánh giá khách quan và đáp ứng nhu cầu
của doanh nghiệp, nhất là ngành thép với nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường.
Về vấn đề này, vị nữ chuyên gia cũng cùng chung quan điểm.
“Chúng ta nhập quặng từ các nước rẻ hơn thì nên để dành quặng sắt
Thạch Khê. Nhiều nước có chính sách nhập khoáng sản và để dành tài nguyên của
đất nước cho con cháu sau này có điều kiện kỹ thuật tốt hơn khai thác, sử
dụng. Nếu chúng ta cố đâm ăn xôi phát triển dự án này thì rất khó, rất khổ
con cháu về sau này. Giờ khai thác rồi thì sau này không còn gì cả”,
PGS. TS Chiều khẳng định.
Bên cạnh đó, điều bà Chiều lo ngại đó là khả năng Việt Nam phụ thuộc
vào Trung Quốc sẽ nhiều hơn, từ nhập quặng, đến công nghệ, thiết bị và hơn
hết là khả năng cạnh tranh sau khi làm ra sản phẩm.
“Đã có rất nhiều bài học nhãn tiền về thép rồi. Chúng ta phải rút kinh
nghiệm việc này. Không thể vội vàng được”, bà Chiều nhấn mạnh.
Nhìn nhận về lời đề nghị của TKV, GS.TSKH Bùi Văn Mưu cho rằng lùi dự
án đến thời điểm sau năm 2020 là phù hợp. Khi đó Việt Nam có thêm nguồn vốn,
thiết bị có, kinh nghiệm kỹ thuật học tập được thêm thì có thể tiến hành khai
thác được mỏ sắt ở Thạch Khê, Hà Tĩnh.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ kiến nghị của TKV. Tôi nghĩ đại diện Bộ Công
Thương muốn làm dự án thép tại Hà Tĩnh vì Việt Nam bây giờ chưa có thép. Hơn
nữa thép là nhu cầu cần thiết cho mọi ngành, không chỉ riêng quân sự mà cho
nhiều ngành, nghề khác. Chúng ta có mỏ Thạch Khê chưa khai thác được nên họ
muốn tự lực cánh sinh. Nhưng mà có điều là hiện nay làm chưa có lợi. Chúng ta
nên tạm dừng”, GS Mưu nêu quan điểm.
(Theo
Đất Việt) Hoàng
Nam
|
Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét