Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Ông Trương Minh Tuấn lên tiếng về những vụ "tuýt còi" của làng báo

Cập nhật lúc 15:00
 
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí đã bị xử phạt, nhắc nhở, một số tổng biên tập bị tạm đình chỉ chức vụ do có sai phạm. Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trao đổi với báo chí về việc các cơ quan báo chí cần hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; các phóng viên, nhà báo phải giữ vững đạo đức người làm báo.

Về việc nhiều cơ quan báo chí bị “tuýt còi,” Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Thời gian qua, bên cạnh sự đóng góp to lớn và tích cực của báo chí vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một số cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, một bộ phận người làm báo thoái hóa về đạo đức và có khuynh hướng “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” vô tình hoặc hữu ý tiếp tay cho các thế lực thù địch chống chế độ và có một số biểu hiện vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý là tình trạng báo chí câu kết với doanh nghiệp đưa ra những thông tin không đúng sự thật hoặc sự thật bị bóp méo, bị cắt xén phục vụ cho việc cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó môi trường kinh doanh, gây hại cho người tiêu dùng. Vụ đưa tin sai sự thật về nước mắm nhiễm thạch tín “vượt ngưỡng cho phép” là biểu hiện nghiêm trọng của tình hình này.

Về vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ những sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan xung quanh việc khảo sát và công bố thông tin về nước mắm nhiễm thạch tín của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas). Sau khi có kết luận điều tra, những sai phạm sẽ được xử lý nghiêm minh.

Việc xử lý sẽ tùy theo mức độ sai phạm sau khi điều tra làm rõ. Câu kết “ăn tiền” để thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý khác; cẩu thả thiếu trách nhiệm sẽ bị xử lý khác.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ trên báo chí, nếu mắc những lỗi cụ thể do trình độ, do sự cẩu thả mà không gây tác hại cho xã hội thì có thể cải chính, rút kinh nghiệm. Nếu gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân ở mức những thiệt hại đó có thể bồi thường khắc phục được thì phải bồi thường theo pháp luật dân sự, những người lãnh đạo cơ quan báo chí mắc những lỗi cụ thể đó chưa đến mức bị xử lý kỷ luật.

Còn sai phạm xuất phát từ việc cố tình đi chệch tôn chỉ, mục đích, gây ra những lỗi mang tính hệ thống là chuyện khác. Ví dụ như việc rút tiêu đề dẫn lời Chủ tịch Quốc hội “Tôi thất vọng khi đọc dự thảo luật Chính phủ trình.” Tiêu đề này nói không đúng bản chất nội dung phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, khiến cho dư luận hiểu sai về mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, có lúc, có những vụ việc, cá nhân đồng chí này hay đồng chí khác ở các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí đưa ra những lời khuyên nên thông tin điều này, không nên thông tin điều kia, đó chỉ là sự khuyến nghị, nhắc nhở. Nếu thấy sự khuyến nghị, nhắc nhở đó là cứng nhắc, không phù hợp với thực tế cuộc sống thì lãnh đạo cơ quan báo chí hoàn toàn có thể phản hồi, tranh biện để đi đến chân lý.

Đảng lãnh đạo báo chí, Nhà nước quản lý báo chí có nguyên tắc. Những người được phân công làm nhiệm vụ ở các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí cũng không được phép nhân danh Đảng và Nhà nước để chỉ đạo tùy tiện. Sự lãnh đạo và quản lý báo chí cũng phải được hoàn thiện về quy trình, sự hoàn thiện này cũng cần được đóng góp, phê bình của nhân dân và các nhà báo.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo báo chí và Nhà nước quản lý báo chí, dù lãnh đạo hay quản lý đều tuân thủ nguyên tắc của Đảng và nguyên tắc pháp quyền, báo chí không bị kiểm duyệt. Các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan báo chí phải tuân thủ điều lệ Đảng, không làm trái với quan điểm, chủ trương, đường lối và sự chỉ đạo của Đảng. Nhà nước quản lý báo chí bằng pháp luật. Các cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình.

Theo Bộ trưởng, định hướng của Đảng là hướng báo chí vào các hoạt động ích nước lợi dân, vào các hoạt động chống tham nhũng, chống quan liêu, chống tiêu cực, làm lành mạnh hóa xã hội, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, vào việc đề cao điều thiện, chống lại điều ác. Đó cũng chính là lòng dân. Cho nên định hướng của Đảng chính là hướng báo chí vào lòng dân, ngăn ngừa báo chí vi phạm pháp luật, đi ngược lại lòng dân.

Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí không ngăn cản tự do ngôn luận, không ngăn cản thông tin đa chiều, càng không làm mất cá tính, phong cách và tài năng của những người làm báo.
(Theo Vietnam+) Mỹ Bình

 FBI bị cáo buộc thiên vị Donald Trump

Cập nhật lúc 14:41

TPO- Lãnh đạo phe thiểu số của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Harry Reid cáo buộc Giám đốc FBI James Comey vi phạm đạo luật Hatch vì đưa ra những thông tin bất lợi cho bà Hillary Clinton vào thời điểm cuộc chạy đua vào Nhà trắng đang ở giai đoạn nước rút.
Ông James Comey - nhân vật trung tâm trong "cơn bão" bê bối email của bà Hillary Clinton. 
Ông James Comey - nhân vật trung tâm trong "cơn bão" bê bối email của bà Hillary Clinton.

Hôm qua 30/10, lãnh đạo phe thiểu số của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ - ông Harry Reid đã viết một bức thư gửi Giám đốc FBI James Comey với nội dung chỉ trích Comey và cáo buộc ông đã vi phạm pháp luật. 
Theo ông Reid, việc Comey khơi dậy cuộc điều tra về những email mới bị phát hiện của bà Hillary Clinton vào thời điểm 11 ngày trước buổi bỏ phiếu đã đẩy ứng viên đảng Dân chủ vào thế bất lợi, đồng thời cũng mang đến nhiều thuận lợi cho Donald Trump và đảng Cộng hòa.
“Hành động của ông đã chứng minh một sự không minh bạch đáng lo ngại trong việc xử lý các thông tin nhạy cảm, có lẽ để nhằm mục đích hỗ trợ cho một đảng phái chính trị. “, Reid viết.
 “Tôi viết thư này để thông báo với ông rằng văn phòng của tôi đã xác định ông có thể vừa vi phạm Đạo luật Hatch – đạo luật cấm nhân viên chính phủ sử dụng quyền hạn của mình để gây tác động đến kết quả bầu cử. Ông có thể đã vi phạm pháp luật.”
Tờ CNN dẫn lời các quan chức cho biết: những bức thư có liên quan đến bà Hillary mà FBI nói rằng “mới” tìm thấy thực chất đã được tìm thấy từ cách đây nhiều tuần. Nhưng ông Comey đã không tiết lộ bất cứ thông tin gì cho đến tận thứ Sáu vừa qua. Điều này làm dấy lên câu hỏi: vì sao FBI lại giữ bí mật về thông tin này suốt một thời gian dài và chỉ tung ra vài ngày trước ngày bỏ phiếu?
Trong một diễn biến khác, cũng vào đêm 30/10, FBI đã chính thức được cấp giấy phép điều tra đối với 650.000 email có liên quan đến bà Hillary Clinton và người trợ lý Huma Abedin. Những email này được phát hiện trong máy tính của ông Anthony Weiner – chồng cũ của Huma Abedin. 
Ông Anthony Weiner bị cáo buộc nhắn tin có nội dung tình dục với một bé gái 15 tuổi ở Bắc Carolina và đã ly hôn vợ hồi tháng Tám sau khi từ chức tại Quốc hội Mỹ.
Theo Washington Post, CNN

Không chỉ xe công, sắp tới khoán cả điện thoại, nhà công vụ!

Cập nhật lúc 14:20

Theo quy định tại dự Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, khoán kinh phí sẽ là phương thức được ưu tiên, chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác. Ngoài ô tô công, còn khoán nhà công vụ, điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh: Quochoi.vn)

Gây thiệt hại phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế
Thay mặt Chính phủ, sáng nay (31/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Theo đó, quy định tại dự thảo về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công.
Cụ thể, mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.
Riêng việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
“Khoán kinh phí là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác”, dự thảo Luật nêu rõ.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước.
“Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, theo dự thảo.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tài sản Nhà nước hơn 1 triệu tỷ đồng
Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (TSNN), tổng giá trị TSNN đến 31/7/2016 là 1.040.451,98 tỷ đồng (hơn 1 triệu tỷ đồng). Trong đó, tại các cơ quan nhà nước là hơn 281.000 tỷ đồng, tại các đơn vị sự nghiệp hơn 718.500 tỷ đồng, tại các tổ chức hơn 37.600 tỷ đồng, tại các ban quản lý dự án gần 3.200 tỷ đồng.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành chưa điều chỉnh đối với các loại tài sản nhà nước khác như: tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, tên miền Internet và các tài nguyên khác. Điều này làm hạn chế hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Bên cạnh đó, quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản nhà nước bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp thấp, còn nặng về hành chính, bao cấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao.
Vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý tài sản công hạn chế nên còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu tài sản, việc sử dụng tài sản sai công năng, sai mục đích gây lãng phí, thất thoát vẫn diễn ra. Luật hiện hành cũng chưa tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý về tài sản nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận xét, tài sản nhà nước có phạm vi rất rộng tuy nhiên “công tác quản lý lại bị buông lỏng trong thời gian dài, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa theo kịp với yêu cầu quản lý; ý thức trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, nhiều cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản chưa cao; công nghệ quản lý còn lạc hậu; tổ chức bộ máy và nhân lực quản lý còn thiếu, chưa đồng bộ; chế tài xử lý vi phạm còn thiếu và thực hiện chưa nghiêm”.
Tài sản công có giá trị rất lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của các quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tài sản công là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống nhân dân”.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, tổng giá trị tài sản công của mỗi quốc gia thông thường có quy mô bằng 4 lần GDP của quốc gia đó. Ở Việt Nam, tổng giá trị tài sản công còn có thể lớn hơn.
(Theo Dân trí) Bích Diệp

Dân bị oan 35 năm, VKS cứ như vô can!

Cập nhật lúc 11:32

Hai người bị oan suốt 35 năm qua ở Khánh Hòa nhưng không được xin lỗi, bồi thường, thậm chí khi kiện còn bị  tòa từ chối giải quyết vì VKS - cơ quan làm oan - chưa thương lượng việc này.
Ngày 30-10, một nguồn tin xác nhận TAND thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa vừa ra thông báo trả lại đơn khởi kiện của ông Trần Bê (59 tuổi, ngụ phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) yêu cầu VKSND tỉnh này bồi thường oan. Lý do trả đơn là ông Bê chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTNN).
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một thẩm phán TAND thị xã Ninh Hòa giải thích thêm: Theo quy định, trước hết, VKSND tỉnh và ông Bê phải tiến hành thương lượng bồi thường. Nếu thương lượng không thành thì ông Bê mới được khởi kiện đòi bồi thường. Trên cơ sở đó, tòa sẽ xem xét thụ lý”.
Viện chưa thương lượng nên không được kiện!
Ông Trần Bê cho biết ông đang yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa tiến hành thương lượng việc bồi thường theo yêu cầu của tòa án. “Nếu VKSND tỉnh vẫn từ chối thương lượng hay không chấp nhận bồi thường, tôi yêu cầu họ phải có văn bản để tôi có cơ sở tiếp tục khởi kiện ra tòa” - ông Bê nói.
 Dân bị oan 35 năm, VKS cứ như vô can!
Ông Trần Bê kể lại nơi xảy ra vụ án mà ông bị bắt giam oan từ 35 năm về trước. Ảnh: TẤN LỘC
Trước đó, ông Bê có đơn yêu cầu VKSND tỉnh tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan cho ông gần 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, viện này cho rằng đã hết thời hiệu nên không xin lỗi, bồi thường oan cho ông Bê. Sau khi ông Bê khiếu nại, Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp có công văn đề nghị Vụ Thực hành quyền công tố - kiểm sát xét xử VKSND Tối cao tham mưu cho lãnh đạo VKSND Tối cao xem xét, chỉ đạo VKSND tỉnh Khánh Hòa giải quyết theo thẩm quyền. Ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng có văn bản trả lời trường hợp của ông Bê thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND tỉnh này; nếu viện giải quyết không thỏa đáng thì ông có quyền kiện ra tòa yêu cầu VKS phải xin lỗi, bồi thường.
Tương tự, hiện gia đình ông Huỳnh Chiếm Phái (sinh năm 1931, người bị oan, đã mất, ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) cũng đã có đơn yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa thương lượng việc bồi thường. Trước đó, sau hơn hai năm rưỡi thụ lý, ngày 1-8, TAND thị xã Ninh Hòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện của ông Phái yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường oan. Tòa đình chỉ với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện, mà điều kiện này chính là cơ quan có trách nhiệm bồi thường oan chưa thực hiện thủ tục thương lượng việc bồi thường.
Tại phiên họp phúc thẩm ngày 19-9, TAND tỉnh cũng cho rằng ông Phái và VKSND tỉnh chưa tiến hành thương lượng nên chưa đủ điều kiện để khởi kiện. Tại phiên họp phúc thẩm này, VKSND tỉnh (vừa là bị đơn vừa là cơ quan tiến hành tố tụng) thừa nhận viện này có nhận đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Phái nhưng hai bên chưa tiến hành thương lượng việc bồi thường. Vì vậy, viện không xác định được ngày kết thúc việc thương lượng để tính thời hạn ra quyết định bồi thường nhà nước theo quy định. Từ đó, đại diện VKS cho rằng ông Phái chưa đủ điều kiện khởi kiện VKSND tỉnh.
Cơ quan làm oan: Vừa đá bóng vừa thổi còi
Ông Huỳnh Chiếm Hoạnh (con ông Phái) khẳng định gia đình ông sẽ yêu cầu VKSND tỉnh thực hiện đúng Luật TNBTNN cũng như kết luận của tòa phúc thẩm. “Nếu viện trưởng VKSND tỉnh tiếp tục từ chối thương lượng, làm cho gia đình tôi không thể khởi kiện, chúng tôi sẽ khiếu nại, tố cáo ông viện trưởng” - ông Hoạnh nói.
Theo luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, các quy định về thủ tục tiền tố tụng trong vụ kiện đòi bồi thường oan là quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường, không phải nghĩa vụ của người bị oan. Khi người bị oan yêu cầu bồi thường thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chủ động thụ lý, tiến hành các bước thương lượng theo luật định.
“Trong vụ này, VKSND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan có trách nhiệm bồi thường nhưng đã không thụ lý, không thương lượng, có văn bản từ chối với lý do hết thời hiệu. Khi VKSND tỉnh không thực hiện đúng luật về các điều kiện tiền tố tụng, người dân buộc phải đưa vụ việc ra tòa án giải quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị oan. Tòa từ chối với lý do chưa có thủ tục tiền tố tụng là từ chối thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người” - LS Hà bình luận.
Cũng theo LS Hà, thực tiễn thi hành Luật TNBTNN cho thấy các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan không thực hiện đúng luật nhưng lại là người “cầm cân nảy mực” để xử chính mình. “Điều này giống như vừa đá bóng vừa thổi còi, thể hiện sự bất bình đẳng trong quan hệ giữa công dân với cơ quan tố tụng và là nguyên nhân gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Vấn đề này cần phải khắc phục khi sửa đổi, bổ sung trong xây dựng dự án Luật TNBTNN” - LS Hà đề xuất.
Nỗi oan 35 năm và trách nhiệm của VKS
Ông Huỳnh Chiếm Phái và ông Trần Bê là hai trong bốn người bị bắt oan trong vụ án giết người xảy ra ở xã (nay là phường) Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa cách đây 35 năm. Ngày 19-10-1981, Công an tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa) bắt giam ông Phái, ông Bê cùng với hai người khác để điều tra tội giết người với cáo buộc có liên quan đến vụ chủ tịch UBND xã Ninh Giang bị bắn chết.
Sau hơn 13 tháng tạm giam, ngày 2-2-1983, VKSND tỉnh Phú Khánh ra lệnh tạm tha đối với ông Phái. Sau khi ông Phái liên tục kêu oan, tháng 12-2009, VKSND tỉnh Khánh Hòa giao cho gia đình ông Phái bản sao “quyết định đình chỉ điều tra” do VKSND tỉnh Phú Khánh ký ngày 25-9-1984. Quyết định nêu rõ: “Xét thấy không đủ bằng chứng để buộc tội Huỳnh Chiếm Phái phạm tội giết người”.
Tương tự, ông Trần Bê bị giam gần ba năm rồi được trả tự do vào ngày 25-9-1984 kèm theo quyết định đình chỉ điều tra. Quyết định này ghi rõ: “Xét thấy không có đủ bằng chứng buộc tội Trần Bê về tội giết người”.
Ông Bê và gia đình ông Phái liên tục yêu cầu cơ quan tố tụng xin lỗi, bồi thường oan nhưng đến nay VKSND tỉnh không giải quyết. Hai ông khởi kiện VKS nhưng TAND thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa từ chối giải quyết với lý do VKS chưa thương lượng việc này.
(Theo Pháp luật TP HCM) TẤN LỘC

“Nếu bổ nhiệm không hợp lý thì cần mạnh dạn rút lại quyết định“

Cập nhật lúc 11:07

"Nếu bổ nhiệm không hợp lý thì cần mạnh dạn rút lại quyết định, công khai và kiểm điểm trách nhiệm của người ra quyết định, của người đứng đầu".
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ, là một cán bộ công chức, đảng viên, là đại biểu dân cử, ông thấy buồn trước những thông tin về công tác cán bộ “có vấn đề” ở một số đơn vị, địa phương. Quy định, quy trình chặt chẽ nhưng cách thực hiện nhiều khi chưa thực sự phù hợp dẫn tới dư luận không hay là điều đáng tiếc.
“Thiếu gì cách làm phù hợp hơn!”
“Có những cơ quan mà bổ nhiệm mấy chục người, trên 90% là cán bộ lãnh đạo; có nơi thì bổ nhiệm người nhà, vợ con, họ hàng... nghe cũng cảm thấy có vấn đề gì đó” – vị đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau bày tỏ và cho rằng, các trường hợp khi đi kiểm tra đều cho thấy đúng quy trình nhưng cần nhìn nhận thêm vấn đề ở góc độ khách để có cách làm hay hơn.
Theo ông, với người là con em dòng họ thì khi đề bạt, bổ nhiệm càng phải làm chặt chẽ và kỹ lưỡng hơn để tránh dư luận. Điều đó không chỉ giữ uy tín cho người lãnh đạo trực tiếp mà còn tạo uy tín cho chính bản thân người được bổ nhiệm.
 neu bo nhiem khong hop ly thi manh dan rut lai quyet dinh hinh 1
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT của Quốc hội nêu ví dụ: Ở một tỉnh, có hai cán bộ trẻ làm việc cùng cơ quan rồi đến với nhau, nỗ lực và vươn lên trong công việc. Đến một thời điểm, cả hai đều được xem xét bổ nhiệm, thậm chí có người xứng đáng đứng đầu đơn vị đó. Nhưng Thường vụ Tỉnh uỷ bố trí hai người ở hai vị trí khác nhau, luân chuyển xuống cơ sở. Sau này, cả hai vợ chồng vẫn được tín nhiệm giữ những vị trí quan trọng.
“Cái cách bố trí cán bộ như thế là rất hợp lý và giúp được cả hai phát triển tốt” – ông Hoàng nói.
Ông Trương Minh Hoàng cũng chia sẻ, khi còn là Bí thư Huyện uỷ, đi kiểm tra cơ sở thấy có trường hợp cha bổ nhiệm con ở vị trí chưa hợp lý, ông đã có ý kiến yêu cầu bố trí phù hợp hơn.
“Nếu không đồng ý thì với thẩm quyền của mình tôi cũng sẽ tách đi vị trí khác. Tôi nghĩ nếu bố và con đều tài giỏi thì thiếu gì cấp, vị trí để bổ sung, điều chỉnh. Ở cơ quan hay địa phương đều có thể luân chuyển đi cơ sở, như thế giúp được cả hai phát triển mà tránh được chuyện dư luận” – ông Trương Minh Hoàng nói.
Gương mẫu và công khai
Trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 trình Quốc hội khoá XIV tại Kỳ họp thứ 2 cũng thẳng thắn cho biết đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực là người thân, trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ... gây bức xúc dư luận.
“Bộ Nội vụ rà soát công khai là để có báo cáo chung, còn khi phát hiện nơi nào có sai là phải xử lý ngay, công khai, sai tới đâu xử lý tới đó, không nên để kéo dài, như thế mới lấy lại được lòng tin” – Đại biểu Trương Minh Hoàng
Theo đại biểu Trương Minh Hoàng, nhận định đó cũng xuất phát từ thực tế cuộc sống. “Giờ chúng ta thấy thấy thông tin đưa lên mạng rất nhiều người xem, bình luận. Một số trường hợp sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ vừa qua có dấu hiệu không bình thường, tạo dư luận không hay”.
Với những trường hợp như thế, theo ông Hoàng, cơ quan, bộ ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải giải trình rõ ràng. Đặc biệt, nếu bổ nhiệm không hợp lý thì cần mạnh dạn rút lại quyết định, công khai và kiểm điểm trách nhiệm người ra quyết định, của người đứng đầu.
“Nơi nào để xảy ra vụ việc, tiêu cực, tham nhũng hay quy trình sắp xếp bổ nhiệm cán bộ có vấn đề thì cái quyết định cao nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Trên không gương mẫu thì bên dưới dễ xào xáo trong nội bộ, không nề nếp. Ngược lại, người đứng đầu gương mẫu, nghiêm túc, công tâm, minh bạch trong công tác cán bộ cũng như chặt chẽ trong quản lý chi tiêu thì khó xảy ra những trường hợp như vừa qua” – ông Trương Minh Hoàng nêu quan điểm.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng ủng hộ cách xử lý là có mức kỷ luật tương xứng cả mặt Đảng và chính quyền, để người dân tin tưởng việc nói đi đôi với làm, qua đó cũng góp phần tuyên truyền, giáo dục và răn đe.
“Người làm sai cũng phải ý thức được trách nhiệm để rồi sai đến đâu nhận đến đó, vì như thế mới dễ nhận sự “khoan hồng” của dư luận” – ông Hoàng bày tỏ./.
Ngọc Thành/VOV.VN

Chủ quán 'bún chửi' miệt thị khách đến nhục nhã:

Có dấu hiệu vi phạm hình sự, có thể ngồi tù

Cập nhật lúc 10:19

Luật sư cho rằng, hành vi miệt thị, chửi bới khách hàng của bà chủ quán “bún chửi” đã có dấu hiệu phạm tội hình sự vì xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác.
Sau khi quay trở lại quán 'bún chửi' từng lên CNN của bà Hán Kim Thảo (61 tuổi) tại số 41 Ngô Sĩ Liên, Hà Nội, PV VTC News tiếp tục ghi nhận những hình ảnh, lời nói mang tính miệt thị khách hàng đến nhục nhã của bà Thảo.
Xem xong video và theo dõi bài báo, nhiều độc giả đã bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành vi miệt thị khách hàng của chủ quán và cho rằng hành vi của bà chủ quán là vi phạm pháp luật, mong muốn cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. 
 14756569909300-bun_mang_iuzm
Luật sư cho rằng, hành vi miệt thị, chửi bới khách hàng của bà chủ quán “bún chửi” đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Anh Thơm (văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP Hà Nội) để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
- Thưa luật sư, ông đánh giá thế nào về những hình ảnh, lời nói mang tính miệt thị khách hàng đến nhục nhã của bà chủ quán “bún chửi” ở phố Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) trong clip mới được PV VTC News ghi nhận?
Tôi cho rằng, đây là những hình ảnh không thể chấp nhận được. Trong khi Thủ đô đang cố gắng để xây dựng hình ảnh văn minh với những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, đặc biệt là về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật thì việc bà chủ quán “bún chửi” miệt thị khách hàng bằng những lời nói hết sức tục tĩu đã đi ngược lại quyết tâm của thành phố. 
Hành vi này cần phải được lên án và tẩy chay.
- Vậy việc bà chủ quán “bún chửi” có những lời lẽ mang tính miệt thị, chửi bới khách hàng đến nhục nhã có vi phạm pháp luật?
Hành vi chửi mắng, đuổi khách hàng của bà chủ quán bún chửi trên phố Ngô Sĩ Liên thể hiện văn hóa kinh doanh yếu kém và có dấu hiệu vi phạm bộ luật hình sự khi có lời nói xúc phạm danh dự của người khác, làm tổn thương nghiêm trọng về danh dự của khách hàng mặc dù họ không có lỗi gì với chủ quán. 
Hành vi miệt thị, chửi bới khách hàng của bà chủ quán “bún chửi” còn gây mất trật tự công cộng. 
- Với những hành vi trên, chủ quán bún chửi sẽ bị xử lý thế nào, thưa luật sư?
Việc xử lý chủ quán bún chửi phải phụ thuộc vào việc những khách hàng đến ăn, họ phải có đơn yêu cầu xử lý thì cơ quan pháp luật mới có thể xem xét mức độ để quyết định việc xử lý bằng biện pháp hình sự hay hành chính theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp, bị xử lý hình sự, bà chủ quán sẽ bị xử lý hình sự với tội làm nhục người khác, được quy định tại điều 121 bộ luật hình sự. Mức phạt là phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Nếu trường hợp bà chủ quán “bún chửi” xét thấy chưa đến mức xử lý hình sự thì cơ quan pháp luật cũng có thể xử phạt hành chính về việc vi phạm quy định về trật tự công cộng, mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Tuy nhiên, hành vi của bà chủ quán lại được thực hiện trong nhà riêng của bà, không phải nơi công cộng nên rất khó xử phạt.
- Trường hợp khách hàng không có đơn thư yêu cầu xử lý thì cơ quan chức năng phải làm gì để buộc chủ quán chấm dứt hành vi thiếu văn hóa này?
Để buộc chủ quán chấm dứt hành vi thiếu văn hóa này, chính quyền địa phương cần có những hành động nghiêm minh, yêu cầu người này phải chấp hành nếp sống văn minh đô thị theo qui định của Luật Thủ đô.
 lllll
Nhiều bạn đọc cho rằng cần xử lý nghiêm hành vi vô văn hóa, chửi bới khách hàng của chủ quán "bún mắng cháo chửi"
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của quán “bún chửi” như an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về sử dụng lao động, sức khỏe của người lao động khi bán hàng đã được đảm bảo đúng quy định chưa, rồi tình trạng mất an ninh trật tự khi khách hàng vào ăn, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...
Nếu có vi phạm thì tùy theo mức độ có thể xử hành chính, nặng hơn có thể rút giấy phép kinh doanh.
- Nhiều ý kiến cho rằng, người đến ăn cũng có lỗi khi biết trước việc sẽ bị bà chủ chửi mắng nhưng vẫn đến, và góp phần tiếp tay cho hành vi này?
Theo cá nhân tôi, quán "bún chửi" tồn tại được một phần lỗi thuộc về những người đến ăn. Có thể do tâm lý đám đông, tò mò nên khi càng bị chửi họ lại càng kéo đến quán này để thưởng thức món ăn “vô bổ” này. Chính việc khách hàng càng vào nhiều là càng dung dưỡng cho cái vô văn hoá của bà chủ quán.
Trong trường hợp này, mỗi khách hàng cần xem xét lai hành vi tiêu dùng của bản thân mình, cần tẩy chay những hành vi thiếu văn hóa của chủ quán bún chửi số 41 Ngô Sĩ Liên để xây dựng hình ảnh một Thủ đô văn minh, lịch sự. Hãy tỏ ra mình là người mua hàng thông minh và có chất lượng.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo VTCnews) Ngọc Thăng

Cảnh giác với học làm giàu siêu tốc

Cập nhật lúc 09:00

'Chúng tôi giúp bạn tạo được dòng tiền lớn ngay cả khi đang mắc nợ, giúp bạn có được khối tài sản khổng lồ bằng cách tiết kiệm 10% thu nhập... Đăng ký ngay để gia nhập vào nhóm 5% người giàu của nhân loại'.

 Một buổi học thử của khóa học Nhà đầu tư kiệt xuất diễn ra tối 20.10 tại TP.HCM  /// Ảnh: M.Q
Một buổi học thử của khóa học Nhà đầu tư kiệt xuất diễn ra tối 20.10 tại TP.HCMẢNH: M.Q

Đó là lời quảng cáo của một khóa học làm giàu siêu tốc trong thời gian gần đây.
Học 3 buổi đóng 18 triệu đồng !
Có mặt tại buổi học thử của khóa học diễn ra tối 20.10 tại một khách sạn nhỏ trong hẻm đường Bùi Viện (Q.1, TP.HCM), chúng tôi nhận thấy người tham gia hầu hết đều rất trẻ. Có người đang là sinh viên, có người đã tốt nghiệp và làm qua nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, thực phẩm, viễn thông… Diễn giả là ông T.N, được giới thiệu là nhà sáng lập một công ty (mới chỉ được thành lập vào năm 2015).
Mở đầu, diễn giả yêu cầu trong vòng 3 phút mỗi người hãy bắt tay với những người xung quanh và tạo mối quan hệ bằng cách hỏi tên, số điện thoại, nơi làm việc…, rồi nhận định ai có được 3 số điện thoại trở lên sẽ rất có tiềm năng trong việc làm giàu!
Bắt đầu buổi diễn thuyết, diễn giả hỏi: “Bao nhiêu anh chị mong có thật nhiều tiền?”. Ở dưới đồng loạt giơ tay “Có tôi!”. Diễn giả hỏi tiếp: “Rất tốt. Thế bao nhiêu anh chị mong muốn có rất nhiều, rất rất nhiều tiền?”. “Có tôi!”. Sau đó, diễn giả bắt đầu kể về tuổi thơ gian khó, rời quê vào TP.HCM đi làm thuê, không có bất cứ bằng ĐH nào, kinh doanh phá sản năm 2010 rồi trả hết nợ nần vào năm 2014…
Nhiều học viên chăm chú lắng nghe, nhưng cũng không ít người cảm thấy chán nản. Có người đứng dậy nghe điện thoại rồi ra về. “Toàn những câu chuyện linh tinh chẳng biết áp dụng thế nào”, một học viên nhận xét.
Trước đó, trên trang web của mình, khóa học này được quảng cáo rất hấp dẫn: “95% tài sản của nhân loại do 5% những người giàu có nhất sở hữu? Tại sao người giàu ngày càng trở nên giàu hơn? Phải chăng, họ đang nắm giữ một bí mật mà 95% dân số còn lại không biết? Đó chính là lý do chương trình “Nhà đầu tư kiệt xuất” ra đời...”. Một nhân viên ghi danh cho biết, những bí quyết làm giàu sẽ được diễn giả T.N chia sẻ khi học chính thức. Để tham gia 3 buổi học chính thức đó, người học phải đóng 18 triệu đồng.
K.T, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, đọc được thông tin về một khóa học làm giàu từ việc kinh doanh, thấy quá hấp dẫn bèn gom góp để đăng ký tham gia. T. kể: “Họ nói sẽ dạy các phương pháp làm giàu ngay cả khi không có vốn. Để tham gia, em phải vay mượn tiền của họ hàng. Họ cam kết sẽ kiếm được những đồng tiền đầu tiên ngay trong ngày đầu. Nhưng hóa ra bằng cách mỗi người tạo tài khoản rồi học viên mua hàng của nhau. Kết thúc khóa học, em cũng hăm hở bắt tay vào việc thuê nhà rồi cho thuê lại để lấy lời mà không cần vốn. Nhưng do không có kinh nghiệm, tiền vẫn phải trả cho chủ nhưng nhà thì bỏ trống do không kiếm được khách thuê. Một thời gian sau em đổ nợ. Làm giàu đâu phải dễ”.
Có những buổi học có đến 50% người ngồi nghe là do ban tổ chức thuê với giá 50.000 - 100.000 đồng/người. Đây là đòn tâm lý nhằm thu hút người học bằng cách tạo hiệu ứng đám đông. 50% còn lại sẽ phải trả tiền triệu cho mỗi buổi học.
Những người dạy làm giàu là ai ?
Ông Đào Khánh Hiệp, chủ một hãng sô cô la tươi khá nổi tiếng tại Hà Nội, nhìn nhận: “Thời gian qua, tại Hà Nội và TP.HCM nở rộ các khóa học làm giàu không có ai kiểm soát. Ai thích mở thì mở. Nó được chia ra 2 loại: Một là các khóa học kỹ năng dạy kiến thức bài bản chuyên sâu, thường rất ít người học. Hai là các khóa học thủ thuật và tăng năng lượng, còn được gọi bằng những cái tên rất bắt tai là: khóa học làm giàu siêu tốc, khóa học trở thành tỉ phú… thu hút rất nhiều người trẻ tham gia. Thú thực là tâm lý của con người thường thích những cái gì dễ dàng, nhanh chóng, nhưng thực tế đâu có đơn giản vậy”.
Ông Hiệp cho rằng, các khóa học làm giàu nhanh chủ yếu dạy các kỹ thuật còn chút tác dụng hoặc đã hết thời, rồi lồng ghép lý thuyết nghe có vẻ rất hay và đúng đắn, nhưng hoàn toàn sáo rỗng. “Vì sao nó vẫn thu hút? Vì nó đánh vào điều mọi người khao khát, đó là giấc mộng tỉ phú, giấc mộng đổi đời. Nó khiến một người mù tịt về kinh doanh và chuyên môn bỗng tin rằng chỉ cần bỏ ra 15 phút một ngày cũng có thể kiếm được 1.000 USD”, ông Hiệp lý giải.
“Hãy xem thử những người dạy làm giàu là ai? Họ có phải là ông chủ lớn của các doanh nghiệp, có phải là tỉ phú hay không, có nhiều trải nghiệm thực tế không? Trở thành tỉ phú cần cả một quá trình. Nó đến từ sự lao động nghiêm túc, kiên định theo đuổi mục tiêu, nó phải trả giá bằng rất nhiều thất bại, mồ hôi, nước mắt…”, ông Hiệp phân tích.
Ông Huỳnh Trọng Văn, Giám đốc Công ty cổ phần dữ liệu dịch vụ trực tuyến ODS, cho rằng tâm lý của một số người Việt trẻ là muốn giàu nhanh mà không muốn đầu tư công sức, học hỏi, trải nghiệm đường dài. “Đa số "diễn giả tự phong" đều chỉ giỏi nói, thực tế ngoài đời họ không làm gì cả. Những câu chuyện chỉ phù hợp với người nghe không biết tư duy, phân tích. Cũng có một số người tạm gọi là thành công, tuy nhiên họ không phải là tỉ phú, bởi tài sản của họ chỉ nhỉnh hơn so với tầng lớp bình dân một chút. Nhưng cái giá phải trả để nghe những người này nói thì quá đắt”, ông Văn nhìn nhận.
(Theo Thanh niên) Mỹ Quyên
Rõ ràng những người mất tiền cũng học được một bài học: Muốn làm giàu hãy học cách lừa tiền người khác như mình từng bị lừa!
Thương Giang

Mua nhà thứ 2, thứ 3 bị đánh thuế tài sản: Khó quản lý, thiếu khả thi

Cập nhật lúc 08:45   
 
Khu nhà biệt thự ở quận Hà Đông (Hà Nội) đã hoàn thiện và có chủ nhưng vẫn rất hoang vắng. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Bộ Tài chính đang có dự định đánh Thuế Tài sản mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều. Chẳng hạn, với những người có 2 - 3 nhà thì nhà thứ hai sẽ bị đánh thuế. Trên thực tế, sắc thuế này đã được đề xuất từ hơn 5 năm trước, với tên gọi là Thuế Nhà ở, nằm trong Luật Thuế nhà đất, song tại thời điểm đó đề xuất này không được Quốc hội thông qua. Trong khi đó, theo nhiều ý kiến, sắc thuế trực thu này chỉ có khả năng nằm trên giấy vì đi vào thực tế rất khó thực hiện, trong trường hợp thực hiện được thì sẽ tạo ra tiêu cực bắt tay ngầm để lách thuế!
Không phải là lần đầu đặt ra
Thông tin này được ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) đưa ra khi trả lời báo chí ngày 28.10. Theo ông Hưng, việc đánh thuế trực thu vào các tài sản có giá trị như nhà đất không phải lần đầu tiên được nhắc đến. Cuối năm 2009, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thuế nhà đất trước đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thống nhất chưa đánh thuế nhà ở vì chưa có sự đồng thuận cao trong dân. Ở thời điểm đó, mục tiêu, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở. Trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất, và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất, mà không phải là đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất.
Do đó, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất. Tuy nhiên, theo ông Hiển, việc áp dụng thuế tài sản nên không chỉ với nhà ở còn có nhiều loại tài sản có giá trị lớn khác như ôtô, máy bay, tàu thủy, du thuyền... “Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế. Mặt khác, một số nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam cũng chưa áp dụng thuế đối với nhà ở. Và đặc biệt, dự kiến số thu từ thuế nhà ở cho Ngân sách Nhà nước không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác thu lại không nhỏ”, ở thời điểm đó, ông Hiển đã nhận định.
Thực hiện không khả thi, nảy sinh tiêu cực
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - đánh giá, việc hạn chế đầu cơ BĐS, tránh bong bóng cho thị trường BĐS bằng cách thu thuế là giải pháp tốt, tuy nhiên cũng cần cân nhắc việc thực hiện. Ông Châu đưa ra dẫn chứng, với việc đánh thuế từ nhà thứ 2, thứ 3, tuy nhiên trên thực tế tại TPHCM có nhiều nhà mua cả 3 căn hộ thì diện tích cũng chỉ xấp xỉ 100m2, trong khi đó, có người mua 1 căn nhà lên tới vài trăm mét vuông.
“Vậy nên, có công bằng với những người sở hữu nhiều nhà, diện tích bé bị đánh thuế trong khi có người mua 1 căn nhà nhưng diện tích lớn”, ông Châu đặt câu hỏi. Vấn đề nữa, theo ông Châu, làm sao để biết 1 người chỉ sở hữu 1 nhà đất hay 2 - 3 căn nhà. “Việc này cơ quan thuế có làm được không khi cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý nhân khẩu vẫn đang hình thành”, ông Châu nói với PV Lao Động.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành cho rằng, nếu thực hiện được thì việc lách luật là quá dễ, có vô vàn cách lách luật. “Khi bị đánh thuế có thể cho người thân đứng tên. Và không loại trừ, khi thực hiện thì người mua nhà bắt tay ngầm với cán bộ thuế để kê khai chỉ mua 1 nhà”, ông Đực cho biết. Tuy vậy, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, với thực trạng ngân sách khó khăn, việc mở ra các sắc thuế mới, tăng diện thu thuế đang được triển khai thì việc đánh thuế với người mua nhà lần thứ 2, thứ 3 vẫn có thể được tính đến.
Ở quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, việc đánh thuế từ bất động sản thứ hai trở đi là hợp lý và đây là chính sách vừa đảm bảo tăng thu cho ngân sách Nhà nước, vừa góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí nhà ở! 
Mới chỉ là định hướng!
Trao đổi với PV Lao Động chiều ngày 30.11, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, quy định đánh thuế mua nhà thứ 2, thứ 3 mới chỉ là định hướng, mọi thứ còn chưa rõ ràng. “Đó là định hướng vậy, việc đưa vào dự thảo các văn bản pháp luật vẫn chưa có. Mọi người không cần quá lo lắng”, ông Phạm Đình Thi nói.

Cái này cũng khá phức tạp. Nhà nước phải đưa ra định mức mét vuông nhà ở/đầu người tối đa được bao nhiêu, như thế nào là nhà thứ 2. Ví như có người chỉ 1 căn nhưng rộng 500 trăm mét vuông, có người 3 căn nhưng cũng chỉ chừng 100m2, vậy ai phải đóng thuế?
TG
(Theo Lao động) THÔNG CHÍ

Liệu có tiếp tục mất tiền khi đấu giá tài sản nhà nước?


Cập nhật lúc 08:38

 Mặc dù chúng ta đã có chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đã có Luật Chứng khoán, song ông Gia Hảo vẫn không khỏi lo lắng trước câu hỏi: liệu có tiếp tục mất vốn nhà nước nữa không, khi đấu giá tài sản công?
Cách đây 3 tuần, có một doanh nhân, thông qua người quen, đến xin gặp bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế độc lập. Khi doanh nhân đó đặt vấn đề nhờ bà tư vấn về dự thảo Luật Đấu giá, bà Chi Lan nói: ‘Không phải cái gì tôi cũng góp ý được. Về luật anh cứ hỏi chồng tôi.”
Chồng bà Chi Lan, chuyên gia tư vấn độc lập Nguyễn Gia Hảo, nguyên là thành viên trẻ nhất của Tổ Tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khác với bà Chi Lan chuyên về kinh tế vĩ mô, ông Phạm Gia Hảo lại chuyên sâu về tư vấn cho các doanh nghiệp.
Nhận được “quả bóng” được bà Chi Lan “chuyền vào chân”, ông Hảo đã bỏ 4 ngày miệt mài nghiên cứu dự thảo Luật Đấu giá gồm 81 Điều. Đêm nào ông cũng thức tới 1-2 giờ sáng.
Một bước tiếp chuyển sang kinh tế thị trường

Đấu thầu, quân xanh quân đỏ, công sản, thất thoát ngân sách
Liệu có tiếp tục mất vốn nhà nước nữa không, khi đấu giá tài sản nhà nước (TSNN)?
Ông Phạm Gia Hảo quả quyết, với việc đưa ra thảo luận để thông qua Luật Chứng khoán, Việt Nam đã bước một bước tiếp theo về mặt pháp luật theo kinh tế thị trường, trong đó Nhà nước chỉ quản lý, không kinh doanh.
Bước trước đó là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thông qua Luật Chứng khoán, còn bước sắp tới, với Luật Đấu giá, là để bán tài sản nhà nước.
Vậy nhưng ông Gia Hảo vẫn không khỏi lo lắng trước câu hỏi: liệu có tiếp tục mất vốn nhà nước nữa không, khi đấu giá tài sản nhà nước (TSNN)?
Giảm tới mức thấp nhất tổn thất của về TSNN
Trong Điều 5 của dự thảo Luật đấu giá vừa trình ra Quốc hội có nêu ra 4 nguyên tắc đấu giá tài sản. Nhưng ông Gia Hảo cho rằng Điều 5 thiếu một nguyên tắc tối quan trọng trong bán tài TSNN: giảm tới mức thấp nhất tổn thất về TSNN. Kinh nghiệm của Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin là một minh chứng rõ ràng  về việc thất thoát TSNN trong quá trình tư nhân hóa những năm ’90 của thế kỷ trước.
Nhiều người còn nhớ khoảng giữa những năm ’90 thế kỷ trước, một giáo sư người Mỹ đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời sang Việt Nam. Đó là Jefrey Sachs, Giáo sư Kinh tế Đại học Columbia (Mỹ), cố vấn đặc biệt của hai đời Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc là Koffi Anan và Ban Ki-moon. Lúc đó, GS Sachs vừa tư vấn giúp Ba Lan chuyển sang kinh tế thị trường, và xuất bản cuốn sách “Cú nhảy của Ba Lan sang kinh tế thị trường”.
GS Sachs khuyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi cổ phần hóa, không nên theo kinh nghiệm của Nga (GS Sachs cũng được mời sang Nga để tư vấn cho Thủ tướng Chubais thực hiện cổ phần hóa các DNNN của Nga, nhưng ông không tìm thấy điểm chung trong cách làm ăn của Chubais nên bỏ sang Ba Lan), và nói rất kỹ về Ba Lan.
Theo GS Sachs, sở dĩ Ba Lan thành công trong việc chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung sang kinh tế thị trường là do  5 trụ cột.  Đó là: 1.Ổn định quản lý kinh tế vĩ mô; 2.Tự do hóa thương mại; 3.Tư nhân hóa; 4.Thiết lập mạng lưới an sinh xã hội; 5.Huy động vốn.
Và, thay cho lời khuyên Việt Nam nên chuyển sang KTTT theo cách nào, GS Sachs đã tặng Thủ tướng Võ Văn Kiệt cuốn sách của mình.
Còn nước Nga, trong 20 năm tư nhân hóa, đã xóa sổ thành tích của 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Một chuyên gia của Đại học Fulbright (TP. HCM) có đưa ra số liệu rằng tỷ lệ vốn thu được trong quá trình tư nhân hóa của Nga chỉ bằng 6% giá trị thực của TSNN tích lũy sau 70 năm.
Số người giàu của Nga cũng tăng vọt, nhờ vớ bẫm trong quá trình bán TSNN. Theo tờ Forbes, năm 2004 tức là trên 10 năm sau khi quá trình tư nhân hóa bắt đầu, Nga đã có tới 36 tỷ phú.
Ở Việt Nam, số người giàu tăng nhanh. Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) 2016 của Knight Frank, trong giai đoạn 2014-2015 số người có tài sản trên 30 triệu đô la tăng 8%, lên 168 người (tính cả giai đoạn 2005-2014 tăng 354%, từ 37 lên 156 người). Trong khi ở giai đoạn 2014-2015 số người giàu trên thế giới theo cùng tiêu chí  giảm 3%, từ 193.115 người xuống còn 184.468 người.
Ông Gia Hảo nhận định: “Nếu không đặt nguyên tắc “giảm tới mức thấp nhất tổn thất về TSNN”, tài sản sẽ bị thất thoát gần hết. Câu chuyện bán TSNN kiểu Nga là một bài học nhãn tiền cần được tham khảo cẩn thận để tránh vấp phải. Luật phải  làm sao ngăn chặn được các nhóm lợi ích sử dụng “phép thuật phù thủy” biến tài sản nhà nước  thành cơ hội làm giàu riêng.
Khái quát những kiến nghị
Theo ông Gia Hảo, khái quát hơn 90 bình luận của ông vào các điều khoản cụ thể trong dự thảo,  có thể chỉ ra những điểm chính yếu sau:
Thứ nhất, cần sắp xếp lại cơ cấu các điều khoản theo một logic khoa học. Ví dụ như Quyền và Nghĩa vụ (Được và Phải) của đấu giá viên, công ty đấu giá, trung tâm đấu giá, hội đồng đấu giá nên vào chung một chương.
Thứ hai, phần giải thích từ ngữ chưa đủ, ví dụ không thấy nói đến trung tâm đấu giá, hội đồng đấu giá; về các hình thức đấu giá chưa nói đến “đấu giá rút gọn”, “đấu giá trực tuyến”…
Thứ ba, cố gắng tránh dẫn chiếu đến các luật khác mà không nói rõ là luật nào, như trong dự thảo.
Thứ tư, cố gắng tránh “hậu xét”, “hồi tố”.
Thứ năm, cố gắng tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, cần nhắc đến vai trò của kiểm toán trong việc định giá TSNN, mà trong dự thảo Luật Đấu giá không hề nêu ra. Trong đó, nói rõ các nguyên tắc sao cho tính đúng, tính đủ, đúng như cơ chế thị trường (bất động sản, tài sản, giá trị hữu hình, vô hình, khấu hao hữu hình, vô hình…)
Thứ sáu, tránh các “xung đột lợi ích” (thành viên Trung tâm, Hội đồng…)
Cuối cùng là nên nêu rõ thời hiệu tố tụng (các điều khoản về giải quyết tranh chấp, hiệu lực…)
Nhưng khi đọc dự thảo Luật Đấu giá, ông Gia Hảo thấy rằng những người soạn thảo đã cố gắng qui định rất cụ thể. Ông hiểu rằng, nếu Quốc hội tiếp thu những kiến nghị của ông, chắc chắn Chính phủ sẽ không cần ra Nghị định hướng dẫn thực hiện.
"Nếu không quy định chặt chẽ trong dự thảo thì khi thi hành sẽ xảy ra sự thông đồng móc nối, gọi là “quân xanh, quân đỏ”. Trường hợp này “quân xanh, quân đỏ” chỉ tạo điều kiện cho một người tham gia và người đó sẽ dìm giá. Thực tế điều này diễn ra rất nhiều"- Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) phát biểu tại tại hội trường Quốc hội hôm 24/10 về dự thảo Luật Đấu giá tài sản.
(Theo TuanVietNam) Huỳnh Phan