Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Quan ngoại tỉnh sắm nhà thủ đô và 'kinh tế tư túi'

 Cập nhật lúc 08:33    

Đã đến lúc con đường hành động này phải rút ngắn. Bởi không ai, không một lợi ích nhóm nào có quyền ngoảnh mặt làm ngơ trước hành trình hội nhập của đất nước.
Kinh tế tư nhân, một trong nhiều thành phần kinh tế của XH, tạo nên sự tăng trưởng và phát triển nước Việt, từ lâu là niềm day dứt của chính họ, và của không ít các chuyên gia, các nhà kinh tế.
Thân lươn bao quản lấm đầu
Bởi lẽ, những số liệu về sự đóng góp trong tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người lao động của KTTN, từ lâu đã không còn là điều nghi ngờ. Tuần Việt Nam, ngày 7/3 cho biết, tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực KTTN tăng từ 47% năm 2005 lên 49% năm 2012.
Tuy tỷ trọng đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm trên 40% tổng số vốn đầu tư nhưng tỷ trọng của khu vực này trong GDP chỉ chiếm 32%. Còn theo chuyên gia thông kê Vũ Quang Việt, tỷ lệ này thực chất chỉ 24% (32% là tỷ trọng trong GDP của kinh tế nhà nước chứ không phải riêng DNNN. Kinh tế nhà nước theo định nghĩa của VN bao gồm DNNN và các hoạt động của dịch vụ, sự nghiệp, hành chính của nhà nước, quân sự an ninh) Trong khi đó, khu vực KTTN tuy tỷ trọng vốn đầu tư chỉ khoảng 38% GDP nhưng tỷ trọng giá trị gia tăng trong GDP lên đến 49%.
 Kinh tế tư nhân, kinh tế tư túi, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, tự hào, một quốc gia
Ảnh: cafef.vn
Nói theo cách nói của Đại thi hào Nguyễn Du, dù phải chịu thua thiệt, do cách nhìn, nhận thức và tầm tư duy đầy hạn chế của hoàn cảnh lịch sử, nhưng KTTN vẫn thân lươn bao quản lấmđầu, vẫn lụi cụi làm ăn, toan lo nghèo khó.
Nhưng một nền kinh tế thị trường mà sự bất bình đẳng còn tồn tại mãi ngay trong XH cùng một thể chế, liệu có thể tạo ra sức mạnh phát triển cho cả quốc gia, nhất là nay mai, nước Việt sẽ tham gia vào TPP? Hay rồi rút cục, trong cơn sóng cả của kinh tế, ít nhất cũng đã có hàng nghìn DNTN phá sản, để rồi từng người tình bỏ ta đi, như những dòng sông nhỏ…
Đó cũng là câu hỏi của người đứng đầu CP tại cuộc làm việc với các bộ, ngành về cải cách thủ tục hành chính với rất nhiều thủ tục rườm rà, các điều kiện kinh doanh “hành là chính”, ngày 25/3 mới đây: Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN-6, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được…Phải coi DNTN là một động lực, đây là của nhân dân chúng ta, không ai thay nhân dân được hết!
Cũng tại cuộc họp này, người đứng đầu CP cho biết đã có 143 DNNN được cổ phần hóa trong năm 2014, đồng thời yêu cầu phải hoàn thành 289 DNNN còn lại trước cuối năm nay.
Không phải vô lý, khi nhận xét về sức ì của chính sách, sức ì của việc triển khai thực hiện trong môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, có một phát ngôn ấn tượng của ai đó, mà người viết bài nhớ mãi, rằng ở VN “con đường dài nhất không phải từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, mà là từ lời nói đến… hành động”.
Nhưng ngay cả về góc độ đo lường, thì con đường này cũng quá dài, hơn ¼ thế kỷ, nếu tính từ năm 1986, năm bắt đầu chuyển đổi cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vậy nhưng cho dù có nhiều quốc gia văn minh, tiên tiến trên thế giới có tới 5-6 thế kỷ tồn tại và phát triển kinh tế thị trường, sắp tới, kinh tế thị trường nước Việt sẽ còn phải được hoàn thiện cả về lý luận lẫn mô hình. Một thách thức cực lớn giữa lúc nước Việt vẫn tiếp tục mầy mò để làm sáng tỏ về sự định hướng XHCN là thế nào?
Đã đến lúc con đường hành động này phải rút ngắn. Bởi không ai, không một lợi ích nhóm nào có quyền ngoảnh mặt làm ngơ trước hành trình hội nhập của đất nước.
Hỗ trợ và tích cực chia sẻ quan điểm này, mới đây Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người luôn có cái nhìn và phát ngôn thẳng thắn, trong cuộc tọa đàm kinh tế với hơn 100 DN, những người chìm nổi với ấm lạnh bể dâu của kinh tế thị trường “vừa mần vừa run” còn quá mới mẻ, đã có một phát ngôn ấn tượng: Phải xác định đã hết thời của kiểu làm việc Nhà nước như “bềtrên” của DN.
Bởi cái sự bề trên xin cho ban phát ấy cũng là nơi “hoa hồng” nảy nở theo lợi ích nhóm, và tạo cho sâu mọt hoành hành tả xung hữu đột.
 Kinh tế tư nhân, kinh tế tư túi, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, tự hào, một quốc gia
Cũng theo ông Bộ trường KH và ĐT, cái gì không cấm sẽ được phép làm, và sẽ có 03 chính sách quan trọng hỗ trợ cho KTTN. Đó là hai luật- Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015. Đó là các chính sách khác về tín dụng, giải quyết nợ xấu để DNTN có thể tiếp cận được nguồn vốn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là tạo nguồn vốn để hỗ trợ DNTN vừa và nhỏ, với quỹ hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng.
Nhưng ở góc độ khác, người viết bài đồng cảm với nhận xét của các chuyên gia kinh tế cảnh báo một hiện tượng “sợ trách nhiệm” của ngay chính các DNNN khi phải thực hiện cổ phần hóa. Các DNNN này có nguy cơ 'bán tống bán tháo' cổ phần để theo kịp kế hoạch cổ phần hóa của CP. Trong khi bản chất của cổ phần hóa là phải thay đổi cơ bản hệ thống quản trị, gắn với tăng cường tính minh bạch, và khả năng giám sát của nhà nước.
Trì trệ, chống lại cái mới cải cách và ngược lại, cổ phần hóa  cuống cuồng- đều là thái độ hành xử vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết trước yêu cầu phát triển của thời cuộc, khó chấp nhận.
Mặt khác, người viết bài này cho rằng, bản thân các DNTN cũng phải biết “dọn mình”. Đó là nâng cao trách nhiệm XH trong chiến lược kinh doanh, sản xuất. Hạn chế cách làm ăn ngắn hạn, mang tính đầu cơ, mì ăn liền, không có tính chất đầu tư dài hạn và nặng tính cò con. Có thế mới đủ năng lực và tầm vóc cạnh tranh với các khu vực kinh tế vốn có ưu thế- nhà nước, FDI.
Dẫu sao, tư duy cải cách “DNTN chính là một động lực”, cũng đã tạo nên sự hứng khởi, tạo nên làn sóng xanh của đời sống các DN. Và điều này quan trọng không kém- đó là cải cách kinh tế phải gắn rất chặt với cải cách GD, trong đó có lĩnh vực đào tạo nghề. Để nguồn nhân lực tương lai nắm bắt được công nghệ mới, có kỹ năng và khả năng xử lý, giải quyết các tình huống thực tiễn của nền kinh tế thị trường khi quốc gia hội nhập quốc tế.
Xin được trích câu của bà Thái Hương, TGĐ ngân hàng Bắc Á- có lẽ cũng là khao khát chung của các DNTN: Cuộc cách mạng nào cũng cần sự tham gia của một chủ thể vô cùng quan trọng là chính sách. Phải bằng chính sách để lôi cuốn DN, doanh nhân chứ không đơn thuần là khích lệ. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là môi trường kinh doanh minh bạch, cơ chế rõ ràng.
Còn gì hơn nữa? Chính sách. Chính sách. Và chính sách.
Minh bạch. Minh bạch. Và minh bạch.
Có thế, các DNTN mới tấm lòng trinh bạch từ sau… không chừa!
Sự ỉ lại và thành phần “kinh tế tư túi”
Một XH muốn phát triển lành mạnh, nhất là đang ngấp nghé cải cách thể chế kinh tế, đương nhiên XH đó phải có một đội ngũ quan chức liêm chính, công chức giỏi giang, tận tụy và mẫn cán. Một đội ngũ quan chức, công chức như vậy, hẳn cũng là niềm tự hào của bất cứ một quốc gia nào.
Có điều, đội ngũ đó dường như chưa…có hành trình đến với nước Việt.
 Kinh tế tư nhân, kinh tế tư túi, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, tự hào, một quốc gia
Ảnh minh họa: Minh Thăng
Bởi cách đây không lâu, dư luận XH, báo chí cứ ồn ào tranh cãi mãi về tỉ lệ 1% hay 30% công chức không làm được việc với hình ảnh “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Cuộc tranh luận với Bộ trưởng Nội vụ chưa ngã ngũ, do bởi cái thước đo của bộ này quá cũ kỹ, trong khi thước đo giá trị con người của thời hiện đại đã khác xưa nhiều. Nhưng chắc chắn không ai tin ở con số 1% là trung thực và chính xác.
Trong khi việc đánh giá, xác định giá trị, năng lực của đội ngũ công chức nước Việt còn bỏ ngỏ, thì có một hiện tượng khác, thuộc về năng lực đội ngũ quan chức các bộ, ngành- những người “ưu tú” bỗng nhiên bị xới xáo lên ở một phương diện khác. Đó là năng lực giải quyết các vụ việc trong phạm vi của người lãnh đạo, quản lý, năng lực giải quyết những vấn đề mang tính dân sinh XH của đội ngũ này hóa ra cũng có… vấn đề.
Vào Google đánh dòng chữ “báo cáo Thủ tướng”, ngay lập tức hiện ra khoảng 975.000 kết quả trong 0,29 giây. Đủ biết ở nước Việt này, làm người đứng đầu CP chắc phải ‘ba đầu sáu tay” mới có thể đảm đương được trách nhiệm nặng nề.
Nếu theo dõi, bạn đọc có thể sẽ rất lấy làm lạ. Có rất nhiều việc không cần đến mức như vậy.
Ví như vụ Dân xã Thiệu Công (Thiệu Hóa- Thanh Hóa) “oằn mình” đóng phí, vụ chè VN nhiễm điôxin, vụ nhà vệ sinh giá khủng (Quảng Ngãi), vụ nhập thiết bị y tế cũ nát, vụ nhân bản xét nghiệm, vụ vết nứt trên đường cao tốc Nội Bài, vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, vụ trách nhiệm cá nhân liên quan đến băng nhóm Minh Sâm.
Rồi mới đây, vụ hơn 1.200 con gà lạc vào nhà quan xã cũng được báo cáo lên CP. Và không biết vụ 16 con nhím giống cấp cho dân nghèo cũng chạy lạc vào nhà quan xã Quế Long, (Quế Sơn- Quảng Nam) sắp tới có được “báo cáo” không?
Lãnh đạo CP mà phải nghe cả chuyện gà lạc vào nhà quan xã, thì quan chức cơ sở các cấp làm việc gì?
Đã qua rồi cái khái niệm am hiểu, bám sát đời sống nhân dân bằng những vụ việc cụ thể mà một ông quan huyện cũng có đủ thẩm quyền giải quyết. Bởi nếu cứ bám mãi vào cái lý lẽ lỗi thời, như thế mới là am hiểu quần chúng, am hiểu tâm tư người dân, thì cái sự phân cấp trách nhiệm, phân cấp quản lý để làm gì?
Hiện tượng trăm thứ bà rằn đều đổ đầu người đứng đầu CP, tự nó đã gửi một thông điệp buồn cho XH- rằng những người có thẩm quyền, hoặc không đủ năng lực giải quyết; hoặc sợ tránh nhiệm, tránh né trách nhiệm. Ở cả hai phương diện, cho thấy đội ngũ quan chức- “công bộc” của dân- quá nhiều hạn chế về năng lực và phẩm cách quản lý, lãnh đạo.
Liệu đó có phải là hệ lụy của một loạt vấn đề: Từ chất lượng đào tạo, đến tệ nạn mua quan bán tước, liên quan đến nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn tiền tệ, tất yếu dẫn đến hiện tượng ngồi nhầm ghế?
Còn ở góc độ khác, đội ngũ này lại tỏ ra rất có …năng lực hành động.
Mới đây, dư luận báo chí ồn ào bàn luận về một hiện tượng nói có sách mách có chứng. Đó là một lãnh đạo của một công ty bất động sản, trong trả lời phỏng vấn của báo chí về tình hình nhà đất ở HN, đã tiết lộ, quan chức, công chức ngoại tỉnh mua nhà ở HN rất nhiều.
 Kinh tế tư nhân, kinh tế tư túi, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, tự hào, một quốc gia
Khu đô thị An Hưng. Ảnh: VnMedia
Cũng theo ông này, từ phó chủ tịch huyện hoặc trưởng phòng một sở trở lên là có thể mua được nhà ở HN. Lượng khách hàng này tương đối lớn vì họ có nhu cầu về nhà ở và lại có khả năng tài chính. Đối tượng khách hàng này thường quan tâm là nhà ở với giá trên dưới 02 tỷ đồng, chứ họ không mua nhà ở giá trung bình hay nhà thu nhập thấp. Cũng ông này cho biết, thống kê của công ty BĐS cho thấy có đến 50% khách hàng là khách ở tỉnh ngoài.
Xưa nay, chuyện ở một nơi, mua nhà nơi khác là bình thường, chẳng có gì để nói. Vì luật pháp không cấm. Có điều, bất bình thường là ở chỗ, nếu tính theo đồng lương, phụ cấp trách nhiệm theo chính sách của nhà nước, thì đến… tết Công gô các quan chức này cũng chẳng thể mua được nhà ở HN, nơi giá BĐS luôn ở mức rất cao.
Vậy thì tiền của họ mua nhà có nguồn gốc từ đâu? Câu trả lời thật bí hiểm.
Đặt tất cả những hiện tượng mua nhà kiểu này của các quan chức lớn bé ngoại tỉnh mua nhà ở HN, trong bối cảnh tham nhũng là vấn nạn, và công tác phòng chống tham nhũng thì đầy gian khó, người dân sẽ không thấy khó hiểu.
Chả lẽ, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, vô tình hình thành nên một thành phần nữa, thành phần “kinh tế… tư túi”?
Kinh tế tư nhân thì đang phải tháo gỡ các vật cản bằng các chính sách, các giải pháp kinh tế, để tạo cho khu vực này động lực sáng tạo, cạnh tranh bình đẳng. Nhưng ngược lại, khu vực “kinh tế … tư túi” rất cần phải ngăn ngừa, diệt trừ.
Nền tảng và giải pháp lớn nhất cho cả hai “khu vực” kinh tế này, không gì khác, vẫn là cơ chế quản trị quốc gia công khai, minh bạch.
Chỉ 04 chữ thôi, nhưng là hành trình lận đận của một quốc gia. Và cũng là giá trị văn minh đáng tự hào của một quốc gia.
(Theo TuanVietNam) Kỳ Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét