Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

AI CHỈ ĐẠO – CHỈ ĐẠO AI?
Cập nhật lúc 15:38                
Không có thống kê nên không ai biết được hiện nay ở các tỉnh có bao nhiêu ban chỉ đạo (BCĐ) các loại… Tính toán một cách cơ học như TP Đà Nẵng có trên 100 BCĐ nên cứ theo cơ chế mà suy thì cả nước phải có 5.000-6.000 BCĐ và cứ tạm tính mỗi ban có mươi mười lăm người thôi thì số người khoảng... đã... 10 sư đoàn. Kèm theo đó là bao nhiêu kinh phí nuôi bộ máy các BCĐ này.
Có lẽ ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là người đứng đầu đầu tiên để mắt tới bộ máy chỉ đạo thuộc quyền để kêu trời, vì mỗi địa phương có quá nhiều BCĐ đã ngay lập tức khiến dư luận chú ý.
Hẳn là các BCĐ này không có chức năng, nhiệm vụ gì quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của thành phố, bởi ban này có cũng như không nên mới có dự kiến giải tán 70-80% số BCĐ hiện có. Theo như tính toán của lãnh đạo Đà Nẵng, việc giải thể các ban “thái vô tích” này chưa kể đến giảm chi ngân sách nuôi bộ máy đã bớt được trên 150 cuộc họp nhất thiết phải có mặt lãnh đạo thành ủy, ủy ban và các sở, ban, ngành, quận, huyện liên quan. Mà phàm là họp là tốn kém kinh phí lắm. Xưa nay không bao giờ có họp xuông, họp chay cả.
 Ai chỉ đạo - Chỉ đạo ai?
Vấn đề mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đưa ra thực ra không mới. Các ông giám đốc Sở Nội vụ nào cũng biết rất rõ việc phình to hệ thống các BCĐ của tỉnh nhưng không “dám” kêu, kể cả trong cấp ủy lẫn HĐND, nhất là sắp đại hội, bầu bán đến nơi rồi. Thế nên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là người “nổ súng” đầu tiên vào thành lũy bảo thủ trì trệ ở các BCĐ này.
Sau khi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng công khai yêu cầu “dẹp” bớt BCĐ cấp tỉnh, có một số vị lãnh đạo bộ, ngành ở Trung ương bỗng giật thột vì thấy mình có tên trong nhiều BCĐ quá. Không khó khăn gì để nhận biết một ông thứ trưởng kiêm nhiệm bao nhiêu chức trong bộ, đứng đầu mấy BCĐ, tham gia bao nhiêu BCĐ liên ngành khác nên việc họp với các ban này tốn rất nhiều thời gian. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khi luân chuyển về địa phương từng kêu rằng, mỗi tuần ông nhận được không dưới 10 giấy mời đích danh dự họp và nhiều giấy mời khác mà Bí thư Tỉnh ủy phân công dự họp. Một vị khác bảo rằng, nếu dự đủ các cuộc họp thì tính ra mỗi ngày ông phải họp khoảng 30 giờ.
Câu chuyện mạnh tay của Đà Nẵng sẽ ít tác dụng nếu Bộ Nội vụ không vào cuộc làm ngay việc tổng rà soát biên chế “vô định hình” này ở các địa phương. Theo luật tổ chức HĐND và UBND không quy định các BCĐ này.
Có câu “cha nào con nấy”, ở Trung ương có mô hình tổ chức gì thì các tỉnh, thành phố cũng rập khuôn theo đó mà thành lập, không phân định quy mô, tầm cỡ ở cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành đâu có thể tương thích với địa phương. Nghe nói ở cấp tỉnh có tình trạng biến BCĐ thành “chiếu nghỉ” để xếp các cán bộ dôi dư, chờ hưu hoặc vướng kỷ luật. Đội ngũ ấy, cán bộ ấy thử hỏi các BCĐ sẽ có ai chỉ đạo và chỉ đạo được ai, thành ra có thể giải thể ngay lập tức.
Nhỡn tiền là Đà Nẵng dự tính giải thể 70-80% BCĐ cấp thành phố thì đủ biết tầm quan trọng của các BCĐ này thế nào. Chúng ta đồng tình với Bí thư Trần Thọ khi ông nhấn mạnh lập BCĐ nhiều quá, họp hành mất nhiều thời gian nhưng đến khi phải chịu trách nhiệm thì lại chẳng có ban nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm.
Không còn nghi ngại gì nữa, đây không phải là đặc thù của Đà Nẵng mà còn là vấn đề chung của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tuy nhiên, dư luận mới chỉ thấy Quảng Ninh, Đà Nẵng dám “bới tung” biên chế đội ngũ và nhân sự ra để sắp xếp lại. Sau 1 năm, Quảng Ninh giảm chi ngân sách nuôi bộ máy mấy trăm tỉ đồng nhờ giảm mạnh biên chế, hợp nhất phòng, ban. Thử hỏi xem có tỉnh nào “dám” nhất thể hóa Ban Tổ chức huyện với Phòng Nội vụ, Ban Tuyên giáo với Phòng thông tin… và nhiều chức danh khác mà công việc vẫn tốt, được dân khen?
Với Đà Nẵng, hy vọng đợt xốc lại các BCĐ quyết liệt này đòi hỏi BCĐ còn trụ được phải gồng mình lên để nâng cao ý thức trách nhiệm trước dân, trước Đảng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Quá nhiều BCĐ nên không thể cải cách hành chính, giảm biên chế triệt để đã kéo chỉ số tín nhiệm cấp tỉnh ở nhiều nơi sụt giảm.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Hàng loạt Đảng bộ các tỉnh, thành phố vừa có người lãnh đạo mới. Đó là các tân bí thư tỉnh ủy được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ vào thời điểm quan trọng này để vừa lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, vừa chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Rà soát lại bộ máy và đội ngũ cán bộ chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ hàng đầu của các vị. Hãy vì dân, vì Đảng mà làm như Quảng Ninh, Đã Nẵng đã làm và đang làm!
(Theo Năng lượng mới) Bảo Dân
 Thực ra việc “loạn” BCĐ cũng bắt nguồn từ thượng tầng mà ra. Trên đẻ ra “bố” thì dưới phải có “con, cháu…”. Trung ương có 3 BCĐ ở 3 vùng (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ”, Chính phủ cũng khá nhiều BCĐ, ví như BCĐ 389 (về chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại…), Ủy ban ATGTQG vv và vv… Muốn dưới bỏ bớt thì trước hết Chính phủ nên làm gương. Chức năng từng Bộ, ngành đã rõ cứ thế mà điều hành, cớ sao lại phải thêm BCĐ? Bộ máy của ta cồng kềnh nên tự sinh ra nhiều việc vô thưởng vô phạt, hệ lụy là phải “đẻ ra” nhiều cấp phó để thay nhau đi họp!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét